Wednesday, 16 August 2023

QUAN HỆ VIỆT - MỸ ĐƯỢC NÂNG CẤP KHI BDEN THĂM VIỆT NAM? (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Quan hệ Việt-Mỹ được nâng cấp khi Biden thăm Việt Nam?

Hiếu Chân/Người Việt

August 15, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/quan-he-viet-my-duoc-nang-cap-khi-biden-tham-viet-nam/

 

Câu chuyện nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược lại được bàn luận sôi nổi sau những phát biểu gần đây của ông Joe Biden, tổng thống Mỹ.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/08/A1-Quan-he-Viet-My-1536x1024.jpg

Ông Nguyễn Phú Trọng (phải), tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, tiếp ông Anthony Blinken, ngoại trưởng Mỹ, ngày 15 Tháng Tư ở Hà Nội. (Hình: Andrew Harnik/Pool/AFP via Getty Images)

 

Cụ thể, trong mấy ngày qua Tổng Thống Biden đã ba lần đề cập tới triển vọng quan hệ với Việt Nam. Hôm 28 Tháng Bảy, tại một cuộc vận động tranh cử ở Freeport, tiểu bang Maine, ông cho biết ông nhận được điện thoại của “người đứng đầu” Việt Nam, “hết sức mong muốn” gặp ông trên đường ông đi dự hội nghị G20 và muốn nâng Hoa Kỳ thành một đối tác quan trọng ngang hàng với Nga và Trung Quốc.

 

Hôm 8 Tháng Tám, tại một cuộc gặp các nhà tài trợ cho chiến dịch tranh cử của mình tại thành phố Albuquerque, tiểu bang New Mexico, ông Biden cho biết: “Tôi sẽ sớm đi Việt Nam bởi vì Việt Nam muốn thay đổi quan hệ với chúng ta và trở thành một đối tác.”

 

Mới đây nhất, hôm 10 Tháng Tám, phát biểu với cử tri ở tiểu bang Utah, ông Biden tiết lộ cả Philippines, Việt Nam và Cambodia đều muốn có quan hệ mật thiết hơn với Hoa Kỳ vì họ muốn cho Trung Quốc biết rằng họ không đơn độc.

 

Một số nhà bình luận đã lập tức nắm lấy các phát biểu này và cho rằng, quan hệ Việt-Mỹ sắp thay đổi lên tầm mức mới, ngang với quan hệ Việt-Nga hoặc Việt-Trung; tuy nhiên chúng tôi chưa thấy lạc quan đến mức như vậy. Trái banh đang ở trên sân Việt Nam; sự thay đổi phụ thuộc vào tính toán của Hà Nội, trong đó yếu tố thể chế, ý thức hệ, sự tồn vong của đảng Cộng Sản nhiều khi được coi trọng hơn những lợi ích về kinh tế xã hội của quốc gia dân tộc.

 

Tuy tuyên bố làm bạn với tất cả các nước, nhưng Việt Nam sắp xếp quan hệ với thế giới thành nhiều cấp cao thấp khác nhau và đối xử tương ứng với từng cấp: quan hệ với Trung Quốc ở mức cao nhất, là “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện,” với Nga, Ấn Độ và Nam Hàn là “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện;” ở cấp thấp hơn có “quan hệ đối tác chiến lược” với Nhật Bản và 12 quốc gia khác; quan hệ với Hoa Kỳ nằm ở cấp thấp nhất, là “quan hệ đối tác toàn diện,” Việt Nam đối xử với Mỹ ngang tầm với Miến Điện hoặc Venezuela, chưa bằng quan hệ mà Việt Nam dành cho Malaysia hoặc New Zealand.

 

                                                          ***

 

Việt Nam và Hoa Kỳ đã có quan hệ “đối tác toàn diện” hơn 10 năm. Một số nhà bình luận nói rằng, quan hệ Việt-Mỹ đã là đối tác chiến lược cho dù chưa được gọi bằng danh xưng như vậy. Ông Marc Knapper, đại sứ Mỹ tại Việt Nam, trích dẫn văn của nhà soạn kịch Anh William Shakespeare “hoa hồng gọi bằng cái tên nào thì vẫn ngọt ngào” để đồng thuận với khuyến cáo của ông Hà Kim Ngọc, thứ trưởng Ngoại Giao, cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ, không nên quá câu nệ vào tên gọi của mối quan hệ Việt-Mỹ. Song “chính danh mới định phận,” chỉ cần quan sát thái độ của Hà Nội ứng xử với Bắc Kinh và Washington trong cùng một sự kiện nào đó thì đủ biết bên nào khinh bên nào trọng.

 

Đến nay dù Washington nỗ lực rất nhiều để làm sâu sắc hơn mối quan hệ Việt-Mỹ mà Hà Nội chưa nhiệt tình đáp ứng. Hoa Kỳ, đặc biệt là chính quyền Joe Biden trong vài năm gần đây đã rất tích cực thúc đẩy quan hệ với Việt Nam bằng những hành động cụ thể: cử nhiều đoàn cao cấp nhất tới Hà Nội, gia tăng viện trợ từ vaccine ngừa COVID-19 đến tàu tuần tra biển. Cũng đáng kể là những việc Washington không làm, chẳng hạn như Mỹ không tỏ ra cứng rắn với tình trạng vi phạm tự do và nhân quyền ở Việt Nam, không cấm vận mà còn chịu thâm hụt nặng nề và kéo dài trong thương mại song phương do Hà Nội lạm dụng chính sách thị trường mở của Mỹ. Ông Donald Trump, cựu tổng thống, có lần nhận định trong việc lợi dụng Mỹ về thương mại, Việt Nam còn tồi tệ hơn Trung Quốc.

 

Mỹ chấp nhận nhân nhượng Việt Nam chẳng qua vì quyền lợi của Mỹ trong cuộc tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc, theo đó Việt Nam, nếu chưa là đồng minh của Mỹ thì cũng không nên là tay chân của Trung Quốc. Vài năm gần đây Washington coi Hà Nội là đối tác không thể thiếu trong việc thực hiện chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tuy vậy, các giới chức cao cấp nhất của ngành ngoại giao Mỹ cho rằng Mỹ sẽ không buộc Việt Nam phải chọn phe, mà muốn Hà Nội tự do lựa chọn giải pháp phù hợp với quyền lợi của mình, với ý nguyện của người dân, phù hợp với luật pháp quốc tế.

 

Washington liên tục thúc đẩy, còn Hà Nội liên tục tìm cách né tránh, không thẳng thắn từ chối mà cũng không nhiệt tình chấp nhận nâng cấp quan hệ với Mỹ lên ngang cấp với những đồng minh của Hà Nội, tương xứng với vị trí siêu cường duy nhất của Hoa Kỳ. Đảng Cộng Sản cầm quyền ở Việt Nam một mặt không tin tưởng người Mỹ, một mặt chịu sự ràng buộc nặng nề với Trung Quốc cả về ý thức hệ, mô hình thể chế lẫn phụ thuộc kinh tế. Họ lo sợ những đòn thù của các đồng chí Bắc Kinh nếu tỏ dấu hiệu thân thiện hơn với Washington.

 

Vì vậy, những lời đề nghị nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ đều không được hồi đáp tích cực, kể cả đề nghị mà bà Kamala Harris, phó tổng thống Mỹ, trực tiếp đưa ra cho các nhà lãnh đạo Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội của bà hồi Tháng Tám, 2021; hay đề nghị của ông Antony Blinken, ngoại trưởng, khi ông đến Việt Nam dự các hoạt động kỷ niệm 10 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ và chủ trì lễ khởi công xây dựng trụ sở Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nội vào Tháng Ba năm nay. Sau những sự kiện như vậy, chúng tôi đã bình luận rằng, Việt Nam sẽ một lần nữa đánh mất cơ hội và sự kiên nhẫn của Washington sẽ không kéo dài mãi.

 

                                                           ***

Nếu có một sự thay đổi trong lập trường của Hà Nội như vậy thì đâu là lý do chính? Có thể là sự chèn ép của Trung Quốc ngày càng nặng nề buộc Việt Nam phải tính tới chuyện tìm một chỗ dựa. Như lời của Tổng Thống Biden thì Việt Nam, và cả Cambodia, muốn cho Trung Quốc biết rằng họ không đơn độc. Cuộc chiến tranh ở Ukraine làm cho những nhà lãnh đạo Hà Nội thấy họ không thể an tâm với tham vọng khó lường của các “đồng chí” Nga và Trung Quốc. Bản thân “hai ông anh lớn” tham lam và chuyên chế này cũng đang liêu xiêu trước một thế giới dân chủ ngày càng đoàn kết đối phó với các thế lực hiếu chiến.Việt Nam không thể lẽo đẽo đi theo Moscow và Bắc Kinh mà không biết khi nào các “đối tác chiến lược toàn diện” này sẽ thọc dao vào sườn của mình, như là chuyện đang xảy ra với Ukraine.

 

Tình trạng suy thoái nặng nề về kinh tế, thương mại của Việt Nam hiện nay cũng là yếu tố thúc đẩy Hà Nội phải thay đổi thái độ đối với Hoa Kỳ. Các nhà hoạch định chính sách của đảng Cộng Sản Việt Nam biết rõ rằng kinh tế sẽ không thể phục hồi nếu không có sự hỗ trợ từ Mỹ và các đồng minh về vốn liếng, công nghệ và thị trường; tình trạng suy thoái hiện nay kéo dài thì sụp đổ là khó tránh khỏi.

 

Nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, lên mức đối tác chiến lược hoặc cao hơn nữa, rõ ràng là điều có lợi lớn cho Việt Nam trong tiến trình hội nhập với thế giới văn minh, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Đi xa hơn, Việt Nam cần thiết lập quan hệ với Mỹ ngang cấp với quan hệ với Nga và Trung Quốc; điều đó không chỉ cho thấy Việt Nam có một đường lối đối ngoại độc lập và cân bằng mà còn có đối trọng để chống lại những áp lực không mong muốn từ Trung Quốc.

 

Giáo Sư Carl Thayer, một chuyên gia về các vấn đề Việt Nam của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc, nhận định: “Việc nâng cấp [quan hệ Việt-Mỹ] nếu muốn thực hiện thì phải thực hiện ngay bây giờ hoặc không bao giờ.”

 

Chúng tôi nghĩ rằng, bây giờ đã là muộn, chỉ vì sợ Trung Quốc mà Hà Nội đã để lỡ mất nhiều cơ hội và lãng phí nhiều năm tháng quý báu. Hy vọng lần này các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ có đủ can đảm để quyết định bước về phía lẽ phải như họ từng huênh hoang. [qd]

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats