Saturday 12 August 2023

NGA PHÓNG THÀNH CÔNG TÀU VŨ TRỤ CHINH PHỤC MẶT TRĂNG SAU GẦN 50 NĂM (VTC News)

 



 

Nga phóng thành công tàu vũ trụ chinh phục Mặt Trăng sau gần 50 năm

VTC News

11-8-2023

https://baomoi.com/nga-phong-thanh-cong-tau-vu-tru-chinh-phuc-mat-trang-sau-gan-50-nam/c/46595959.epi

 

Rạng sáng 11/8 theo giờ Moskva, Roscomos phóng thành công tên lửa đẩy Soyuz-2.1b cùng tàu vũ trụ Luna-25 lên không gian, bắt đầu sứ mệnh Mặt Trăng sau gần 50 năm.

 

VIDEO : Nga phóng thành công tàu vũ trụ chinh phục Mặt Trăng sau gần 50 năm. (Nguồn: Roscomos)

https://baomoi.com/nga-phong-thanh-cong-tau-vu-tru-chinh-phuc-mat-trang-sau-gan-50-nam/c/46595959.epi

 

Theo thông báo của Cơ quan vũ trụ liên bang Nga (Roscomos), tên lửa đẩy Soyuz-2.1b đưa thành công tàu vũ trụ Luna-25 lên quỹ đạo, bay đến Mặt Trăng vào 2h10 rạng sáng 11/8 giờ Moskva (6h10 sáng 11/8 theo giờ Việt Nam) tại sân bay vũ trụ Vostochny.

 

RT cho biết, đây là sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng đầu tiên của Nga sau 47 năm kể từ năm 1976. Dự kiến Luna-25 sẽ hạ cánh xuống cực nam của Mặt Trăng ngày 21/8.

 

Trước đó, toàn bộ các tàu thăm dò Mặt Trăng của Liên Xô và Nga sau này đều hạ cánh ở khu vực xích đạo của hành tinh này. Nếu hạ cánh thành công, Luna-25 sẽ đến Mặt Trăng trước hai ngày so với tàu thăm dò Chandrayaan-3 của Ấn Độ.

 

https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2023_08_11_83_46595959/0a4ec4ea49a7a0f9f9b6.jpg

Trong ảnh là vị trí Luna-25 sẽ đổ bộ lên cực nam của Mặt Trăng vào cuối tháng này. (Ảnh: Roscomos)

 

Luna-25 là tàu thăm dò Mặt Trăng đầu tiên được chế tạo ở Nga kể từ sau khi Liên Xô tan rã. Trước đó Liên Xô thực hiện 24 sứ mệnh 'Luna' kể từ tháng 9/1958 đến tháng 8/1976.

 

Mục tiêu chính của sứ mệnh này là phát triển công nghệ hạ cánh mềm, nghiên cứu kết cấu bên trong Mặt Trăng và khám phá các tài nguyên, bao gồm nước, đất và bụi của Mặt Trăng để tìm các khoáng chất quý hiếm

 

Luna-25 dự kiến sẽ hoạt động trên bề mặt Mặt Trăng trong một năm.

 

https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2023_08_11_83_46595959/1e43d7e75aaab3f4eabb.jpg.webp

Tàu vũ trụ Luna-25 do Roscomos chế tạo cho sứ mệnh Mặt Trăng lần này. (Ảnh: Roscomos)

 

Trước vụ phóng, chính quyền quận Verkhnebureinskyi sơ tán người dân khỏi làng Shakhtinsky ở vùng viễn Đông Khabarovsk, nơi các tên lửa đẩy dự kiến sẽ rơi xuống.

 

Việc Nga quay trở lại hành trình thám hiểm Mặt Trăng mang tính biểu tượng trên nhiều mặt. Nó gợi nhớ lại những ngày đầu tiên của Liên Xô trong việc khám phá không gian. Lúc đó Liên Xô đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý như phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên mang tên Sputnik vào năm 1957.

 

Phi hành gia Yuri Gagarin của Liên Xô được ghi nhận là người đầu tiên trên thế giới thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trên tàu vũ trụ Phương Đông 1 vào năm 1961.

 

Sự kiện vĩ đại đó đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử nhân loại. Sau đó, bà Valentina Vladimirovna Tereshkova trở thành nhà nữ du hành vũ trụ đầu tiên bay vào vũ trụ, trên tàu Vostok 6 vào năm 1963.

 

Trà Khánh

 

========================

 

·       

Nga sắp phóng tàu vũ trụ trong cuộc đua tìm nước trên mặt trăng

Reuters

10/08/2023

https://www.voatiengviet.com/a/nga-sap-phong-tau-vu-tru-tim-nuoc-tren-mat-trang/7219621.html

 

Nga thực hiện những bước chuẩn bị cuối cùng hôm thứ Năm 10/8 để phóng tàu vũ trụ hạ cánh xuống mặt trăng đầu tiên sau 47 năm. Hiện Nga đang chạy đua để trở thành cường quốc đầu tiên cho tàu hạ cánh nhẹ nhàng xuống cực nam của mặt trăng, nơi có thể trữ nhiều nước đóng băng.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-e4a2-08db976d308a_cx0_cy7_cw0_w650_r1_s.jpg

Nga công bố ảnh hôm 7/8/2023 về tên lửa Soyuz 2.1b mang theo tàu Luna-25, trước khi phóng vào hôm 11/8, theo kế hoạch.

 

Cơ quan vũ trụ Nga cho biết một tên lửa Soyuz 2.1v mang theo tàu vũ trụ Luna-25 sẽ phóng từ sân bay vũ trụ Vostochny, cách Moscow 5.550 km về phía đông, vào thứ Sáu 11/8, lúc 2h11 giờ Moscow, và sẽ hạ cánh xuống mặt trăng vào ngày 23/8.

 

Chuyến bay lên mặt trăng của Nga, là lần đầu tiên kể từ năm 1976, sẽ chạy đua với Ấn Độ là nước đã phóng lên tàu đổ bộ mặt trăng Chandrayaan-3 hồi tháng trước. Trên bình diện rộng hơn, Nga cũng chạy đua với Hoa Kỳ và Trung Quốc, cả hai nước này đều có các chương trình thám hiểm mặt trăng ở trình độ cao.

 

Các cường quốc quan trọng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Liên hiệp châu Âu đều đã thăm dò mặt trăng trong những năm gần đây. Chưa có quốc gia nào thực hiện được việc hạ cánh nhẹ nhàng xuống cực nam của mặt trăng.

 

Địa hình gồ ghề khiến việc hạ cánh ở đó thật khó khăn, nhưng đổi lại, nếu tìm ra nước đóng băng ở đó sẽ là một giải thưởng mang tính lịch sử: những khối băng có thể được sử dụng để chiết xuất nhiên liệu và oxy, cũng như nước uống.

 

Maxim Litvak, người đứng đầu nhóm lập kế hoạch cho thiết bị khoa học của tàu Luna-25, nói: "Có dấu hiệu về băng nằm trong đất ở khu vực hạ cánh của Luna-25, điều này có thể thấy từ dữ liệu từ quỹ đạo". Ông nói thêm rằng Luna-25 sẽ hoạt động và lấy mẫu trên mặt trăng trong ít nhất một năm, tính theo thời gian của trái đất.

 

Cơ quan vũ trụ Nga Roskosmos cho biết tàu sẽ bay lên mặt trăng mất 5 ngày. Sau đó, tàu sẽ bay trên quỹ đạo quanh mặt trăng trong 5-7 ngày trước khi hạ cánh xuống một trong ba bãi đáp khả dĩ gần cực của mặt trăng - thời gian biểu này cho thấy tàu của Nga có thể ngang bằng hoặc hơn một chút so với đối thủ bên phía Ấn Độ ở trên bề mặt của mặt trăng.

 

Tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ sẽ thực hiện các thí nghiệm trong hai tuần, trong khi Luna-25 sẽ hoạt động trên mặt trăng trong một năm.

 

Với khối lượng 1,8 tấn và mang theo 31 kg thiết bị khoa học, Luna-25 sẽ dùng một chiếc xẻng để lấy mẫu đá từ độ sâu 15 cm để kiểm tra xem có nước đóng băng không, băng này có thể hỗ trợ sự sống của con người.

 

Nó có thể thăm dò lớp sỏi đá của mặt trăng - là lớp vật liệu rời rạc trên bề mặt - đến độ sâu 10 cm và mang theo máy theo dõi bụi và máy phân tích khối lượng năng lượng ion góc rộng cung cấp các phép đo thông số ion trong tầng bề ngoài của mặt trăng.

 

=============================================

Nga khởi động lại chiến dịch chinh phục Mặt Trăng sau 47 năm gián đoạn

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 11/08/2023 - 15:53

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230811-nga-kh%E1%BB%9Fi-%C4%91%E1%BB%99ng-l%E1%BA%A1i-chi%E1%BA%BFn-d%E1%BB%8Bch-chinh-ph%E1%BB%A5c-m%E1%BA%B7t-tr%C4%83ng-sau-47-n%C4%83m-gi%C3%A1n-%C4%91o%E1%BA%A1n

 

Với mục tiêu đề ra là trở thành cường quốc đầu tiên trên thế giới hạ cánh xuống vùng Nam Cực của Mặt Trăng, nơi được cho là có nguồn nước băng giá, chính quyền Nga vào hôm nay 11/08/2023 đã cho phóng một hỏa tiễn lên Mặt Trăng, lần đầu tiên sau 47 năm.

 

https://s.rfi.fr/media/display/a94598c8-383c-11ee-ac3e-005056bf30b7/w:980/p:16x9/2023-08-11T051827Z_647232683_RC2TSB7AK68A_RTRMADP_3_RUSSIA-SPACE-LUNAR-MISSION%20%281%29.webp

Tên lửa đẩy Soyuz-2.1b mang tàu thăm dò Mặt trăng Luna-25 của Nga được phóng lên từ bãi phóng không gian Vostochny, Viễn Đông, Nga, ngày 11/08/2023. via REUTERS - ROSCOSMOS

 

Một chiếc hỏa tiễn Soyuz-2.1 mang theo tàu đổ bộ mặt trăng Luna-25 đã cất cánh từ sân bay vũ trụ Vostochny, cách thủ đô Nga khoảng 5.500 km về phía đông, vào khoảng 2 giờ sáng giờ Matxcơva.

 

Giám đốc cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos tuyên bố trên truyền hình Nga rằng con tàu Luna-25 sẽ  hạ cánh trên Mặt Trăng vào ngày 21/08, tức là sớm hơn 2 hôm so với dự tính ban đầu.

 

Theo ghi nhận của thông tín viên RFI Julian Colling tại Matxcơva, giữa những căng thẳng địa chính trị - và trong cuộc chạy đua lên Mặt trăng mới khởi động lại - Nga hy vọng sẽ ghi một bàn thắng và tiếp tục ở vị trí hàng đầu trong cuộc đua chinh phục không gian.

 

Đây là một bước tiến nhỏ hay lớn đối với lĩnh vực vũ trụ của Nga? Dẫu sao thì vào lúc 2:10 sáng nay theo giờ Mátxcơva, vụ thiết bị thăm dò Luna-25 bằng tên lửa Soyuz đã thành công. Báo chí Nga đã nói đến một “trang mới trong lịch sử nước Nga hiện đại”, một sự kiện được truyền hình trực tiếp trên các kênh chính phủ Rossiya-1 hoặc Russia Today.

 

Chuyến bay này trước hết là một thử nghiệm quan trọng đối với cơ quan Roscosmos, bởi vì khác xa với thời kỳ huy hoàng của Liên Xô trong lãnh vực này, ngành không gian Nga đang mất dần động lực. Bản thân việc phóng Luna-25 đã bị hoãn lại nhiều lần kể từ năm 2010.

 

Với cuộc chiến tranh ở Ukraina, Nga phải tự lực cánh sinh với các thiết bị của riêng mình, mất đi sự hợp tác thông thường với cơ quan NASA của Mỹ và Cơ Quan Vũ Trụ Châu Âu. Cả hai cơ quan đó lẽ ra đều tham gia vào lần phóng này, cũng như tham gia vào kế hoạch Luna-26 và Luna-27 trong tương lai.

 

Trong trường hợp hạ cánh thành công sau một hành trình từ 4 đến 5 ngày, Luna-25 sẽ khám phá vùng đất ở Nam Cực chưa từng được biết đến của Mặt Trăng trong vòng một năm, nơi có thể che giấu những khám phá khoa học.

 

“Mục Tiêu Mặt Trăng” mới này của Nga cũng đi kèm với việc nối lại quan hệ hợp tác đang diễn ra với lĩnh vực vũ trụ của Trung Quốc. Bắc Kinh và  Matxcơva đang lên kế hoạch xây dựng một trạm Mặt Trăng chung. Một dấu hiệu: Vụ phóng ngày hôm nay được tiến hành từ Sân Bay Vũ Trụ Vostochny, được khai trương vào năm 2016 và nằm ở vùng Viễn Đông Nga, rất gần biên giới Trung Quốc.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

Quay lại Mặt Trăng để nghiên cứu khoa học hay “so găng”, tranh giành nguồn tài nguyên mới ?

 

Trung Quốc vẫn nung nấu tham vọng đặt chân lên Mặt Trăng

 

NASA công bố thành phần phi hành đoàn chương trình Artemis 2 thám hiểm Mặt Trăng

 

 

================================

.

Nga phóng phi thuyền lên cung trăng để tìm nước

Reuters

11/08/2023

https://www.voatiengviet.com/a/7221484.html

 

Nga hôm 11/8 đã phóng phi thuyền thám hiểm mặt trăng lần đầu tiên sau 47 năm trong nỗ lực trở thành nước đầu tiên hạ cánh tàu vũ trụ nhẹ nhàng xuống cực nam của nguyệt cầu, khu vực được cho là có các hốc nước đóng băng mà con người khao khát tìm thấy được.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-209b-08db99f4eae4_cx0_cy5_cw0_w650_r1_s.jpg

Tên lửa Soyuz-2.1b với tàu đổ bộ Luna 25 đang được đặt lên bệ phóng ở Trung tâm Vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông Nga

 

Sứ mạng thám hiểm mặt trăng của Nga, là lần đầu tiên kể từ năm 1976, sẽ chạy đua với Ấn Độ, nước đã phóng tàu đổ bộ mặt trăng Chandrayaan-3 hồi tháng trước. Trên bình diện rộng hơn, Nga cũng chạy đua với Hoa Kỳ và Trung Quốc, vốn đều thúc đẩy các chương trình thám hiểm cực nam của nguyệt cầu.

Cơ quan vũ trụ Nga cho biết tên lửa Soyuz 2.1v mang theo tàu vũ trụ Luna-25 đã phóng đi từ sân bay vũ trụ Vostochny, cách Moscow 5.550 km về phía đông, vào lúc 2h11 thứ Sáu 11/8, theo giờ Moscow.

Hơn một giờ sau đó, tàu Luna-25 bộ đã được đẩy ra khỏi quỹ đạo trái đất để bay về phía mặt trăng, và trung tâm điều khiển chuyến bay bắt đầu kiểm soát và điều khiển tàu Luna-25, cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos cho biết.

 

Tàu Luna-25 dự kiến sẽ đáp xuống mặt trăng vào ngày 21/8, lãnh đạo cơ quan không gian Nga Yuri Borisov nói trên truyền hình nhà nước, mặc dù trước đó ngày hạ cánh đã được chốt là ngày 23/8.

 

“Bây giờ chúng tôi sẽ chờ đến ngày 21. Tôi hy vọng rằng sẽ có một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng, có độ chính xác cao lên mặt trăng,” ông Borisov nói với các chuyên viên tại sân bay vũ trụ Vostochny sau cuộc phóng. “Chúng ta hy vọng sẽ là người đầu tiên làm được điều này.”

 

Luna-25, có kích thước gần bằng một chiếc ô tô nhỏ, hướng đến hoạt động trong một năm trên cực nam mặt trăng, nơi các nhà khoa học NASA và các cơ quan vũ trụ khác trong những năm gần đây đã phát hiện dấu vết của nước đá trong các miệng núi lửa bị che khuất.

 

Sứ mệnh Luna-25 là nỗ lực rất lớn. Điện Kremlin cho biết các lệnh trừng phạt của phương Tây do cuộc chiến ở Ukraine, trong đó có biện pháp nhắm vào lĩnh vực hàng không vũ trụ của Moscow, đã không làm suy suyễn được kinh tế Nga.

 

“Tham vọng mặt trăng của Nga được pha trộn rất nhiều thứ. Tôi nghĩ trước hết, đó là biểu hiện của sức mạnh quốc gia trên vũ đài thế giới,” ông Asif Siddiqi, giáo sư lịch sử tại Đại học Fordham, nói với Reuters.

 

Phi hành gia Mỹ Neil Armstrong đã trở nổi tiếng vào năm 1969 vì là người đầu tiên bước lên cung trăng, nhưng Luna-2 của Liên Xô là tàu vũ trụ đầu tiên đến được mặt trăng vào năm 1959 và tàu Luna-9 [không chở người] hồi năm 1966 là tàu đầu tiên hạ cánh nhẹ nhàng lên cung trăng.

 

Sau đó Moscow tập trung vào khám phá sao hỏa và kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Nga đã không phóng tàu thăm dò khoa học ra xa hơn quỹ đạo Trái đất.

 

Chưa có quốc gia nào đáp được phi thuyền nhẹ nhàng lên cực nam của mặt trăng. Tàu thám hiểm của Ấn Độ, Chandrayaan-2, đã thất bại trong nỗ lực này vào năm 2019.

 

Địa hình gồ ghề khiến việc hạ cánh ở đó rất khó, nhưng bù lại, nếu tìm ra nước thì đó sẽ là phần thưởng lịch sử: nó có thể được dùng để chiết xuất nhiên liệu và oxy, cũng như làm nước uống.

Ông Borisov cho biết ít nhất ba sứ mệnh thám hiểm mặt trăng khác đã được lên kế hoạch trong bảy năm tới, và sau đó Nga và Trung Quốc sẽ hợp tác trong một sứ mạng thám hiểm mặt trăng có người lái.

 

“Các đồng nghiệp của tôi từ Trung Quốc và tôi sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo - khả năng đưa tàu có người lái lên mặt trăng và xây dựng một căn cứ mặt trăng,” ông nói.

 

Maxim Litvak, người đứng đầu nhóm lập kế hoạch cho các thiết bị khoa học trên Luna-25, cho biết nhiệm vụ quan trọng nhất là hạ cánh ở nơi chưa từng ai làm được - và tìm nước.

 

“Có dấu hiệu của băng trong đất ở khu vực mà Luna-25 hạ cánh,” ông cho biết và nói thêm rằng Luna-25 sẽ hoạt động trên mặt trăng trong ít nhất một năm để lấy mẫu.

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats