Saturday, 12 August 2023

KHI TRUNG QUỐC, NGA và MỸ CÙNG TRÊN ĐƯỜNG ĐUA ĐẾN MẶT TRĂNG (Anh Vũ / RFI)

 



Khi Trung Quốc, Nga và Mỹ cùng trên đường đua đến Mặt trăng

 Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 11/08/2023 - 15:54

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230811-khi-trung-qu%E1%BB%91c-nga-v%C3%A0-m%E1%BB%B9-c%C3%B9ng-tr%C3%AAn-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-%C4%91ua-%C4%91%E1%BA%BFn-m%E1%BA%B7t-tr%C4%83ng

 

Với việc đưa tàu thăm dò Luna -25  lên Mặt Trăng ngày 11/08/2023, Nga đang bước vào trận chiến mới giữa lúc cuộc chinh phục không gian đang diễn ra trong sự cạnh tranh  mạnh mẽ giữa Washington và Bắc Kinh. Ngoài các mục tiêu tìm kiếm nguyên vật liệu, công nghệ hiện đại, chinh phục Mặt trăng còn là cuộc cạnh tranh địa chính trị mang hơi hướng của thời chiến tranh lạnh.

 

https://s.rfi.fr/media/display/a18ae1f2-3840-11ee-844c-005056bf30b7/w:980/p:16x9/AP23223005574763.webp

Tàu thăm dò Mặt trăng của Nga Luna-25 được tên lửa đẩy Soyuz-2 phóng lên từ vùng Viễn Đông, Nga, ngày 11/08/2023. AP

 

Nga đã quyết định nhập lại đường đua ngày càng đông đúc lên Mặt trăng. Bất chấp xung đột ở Ukraina tốn kém, quốc gia này vẫn cố gắng duy trì chương trình Luna-25, được khởi động từ giữa những năm 2000 và đã nhiều lần bị hoãn. Việc phóng tàu đổ bộ bằng tên lửa Soyuz đã diễn ra suôn sẻ rạng sáng ngày 11 tháng 8 từ sân bay vũ trụ Vostochny, cách Matxcơva 5500 km về phía đông. Con tàu thăm dò của Nga dự kiến sẽ hạ cánh trong 5 năm ngày nữa tại cực nam của vệ tinh Trái đất. Dù thành công hay không, sứ mệnh này đánh dấu sự trở lại của Nga trong hoạt động thăm dò mặt trăng, một lĩnh vực đang lôi cuốn ngày càng nhiều nước lao vào.

 

Cuối những năm 1970, cuộc chinh phụ Mặt trăng đã mất đi sức hấp dẫn, nhưng chỉ trong vài năm gần đây, giống như thời Chiến tranh lạnh, vệ tinh tự nhiên của Trái đất một lần nữa trở thành điểm đến hàng đầu cho các cường quốc và những nước đang khát khao tạo dựng tầm vóc quốc tế hay mong muốn hướng tới một chân trời khoa học và công nghệ mới.

 

 

Nga trở lại Mặt trăng sau gần 50 năm vắng bóng

 

Đến thời điểm này người ta đã thấy trong đoàn đua lên Mặt trăng không chỉ có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu, mà còn có Nhật Bản, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Israel, Hàn Quốc….

 

Bà Isabelle Sourbès-Verger, chuyên gia về địa chính trị không gian thuộc Viện Khoa Học Quốc Gia Pháp (CNRS) cho biết : “Người ta ước tính rằng sẽ có khoảng 40 chương trình Mặt trăng vào năm 2030”. Nhiều quốc gia khác, như Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn, cũng đã thông báo về chương trình chính phục Mặt trăng riêng của mình với mục đích để  được quốc tế nhìn nhận và  nâng cao niềm tự hào dân tộc, nhưng các nước này đều sẽ phải trông chờ vào hợp tác để thực các dự án liên quan đến việc đưa các tàu thăm dò lên quỹ đạo hay hạ cánh xuống bề mặt của ngôi sao này. Trong khi đó kể từ năm 1976, Nga đã không đưa một cỗ máy nào lên Mặt trăng. 

 

Trong số tất cả các chương trình không gian này, chương trình của Mỹ, mang tên gọi Artemis, kế thừa sứ mệnh của Apollo (anh trai của Artemis trong thần thoại Hy Lạp) tỏ ra có nhiều tham vọng.  Artemis có kế hoạch đưa các phi hành gia lên Mặt trăng sớm nhất vào năm 2025 và sau cùng nhằm mục đích thiết lập một trạm trên quỹ đạo quanh Mặt Trăng (Lunar Gateway) cũng như một căn cứ thường trực trên Mặt Trăng.

 

Nếu như chương trình chinh phục Mặt trăng của  Hoa Kỳ ít mang nhiều tham vọng thương mại, thì Trung Quốc và Nga chủ yếu tập trung vào thăm dò khoa học. Kể từ năm 2014, các quan hệ với phương Tây bị thu hẹp và trở nên khó khăn, Nga đã từ bỏ quan hệ đối tác với Hoa Kỳ và chọn hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực không gian. Giống như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga có kế hoạch thiết lập một căn cứ trên mặt trăng.

 

Dù sao đi nữa, cuộc chinh phục Mặt trăng lần này sẽ không bị giới hạn ở việc thực hiện một vài bước đi ở trên đó hoặc mang về trái đất một ít đất đá Mặt trăng. Việc khai thác các nguồn tài nguyên cũng được dự tính, có thể liên quan đến đất hiếm (được sử dụng trong thiết bị điện tử) hoặc thậm chí là helium 3 (được sử dụng cho phản ứng tổng hợp hạt nhân).  

 

 

Cạnh tranh địa chính trị không gian

 

Sáu mươi năm sau cuộc chạy đua tranh giành các vì sao trong Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Hoa Kỳ, cuộc cạnh tranh địa chính trị đang quay trở lại trong không gian. Trước hết là cuộc đua giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

 

Kể từ đầu những năm 2000, Trung Quốc đã tạo đà phát triển với một chương trình cực kỳ tham vọng nhằm cạnh tranh với siêu cường Mỹ. Năm 2003, Bắc Kinh đưa phi hành gia đầu tiên lên quỹ đạo, trước khi đưa được nguyên mẫu đầu tiên  trạm vũ trụ của riêng mình vào năm 2011, sau đó là phiên bản thứ hai vào năm 2016. Một kỳ tích chưa từng có, người Trung Quốc hạ thiết bị xuống vùng tối của Mặt trăng vào năm 2018 và đưa được cỗ xe tự hành lên sao Hỏa vào năm 2021. 

 

Marc Julienne, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp ( Ifri)  nhấn mạnh: "Đối với Bắc Kinh, không gian trên hết là một phương tiện thể hiện uy tín. Trung Quốc mong muốn trở thành cường quốc thế giới đầu tiên trong mọi lĩnh vực vào năm 2049, để kỷ niệm một thế kỷ thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và không gian rõ ràng là một trong những lĩnh vực mà với họ,  phải đi trước các cường quốc khác, kể cả Hoa Kỳ."

 

Ngược lại, Washington không dễ để bị làm lu mờ như vậy. Cho đến nay, cường quốc không gian hàng đầu Hoa Kỳ tiếp tục đầu tư 50 tỷ đô la mỗi năm vào lĩnh vực này, không tính đến sự tham gia của các công ty tư nhân. Trong khi đó, ngân sách hàng năm cho không gian của Trung Quốc không công bố nhưng được các chuyên gia ước tính từ 10 đến 15 tỷ đô la  Người Mỹ đầu tư rất nhiều tiền vào không gian để duy trì vị trí dẫn đầu của họ so với tất cả các cường quốc không gian khác", chuyên gia Isabelle Sourbès-Verger cho biết. Chi phí 10 tỷ đô la mỗi năm, đó là tương đương với toàn bộ ngân sách dành cho không gian của châu Âu, bao gồm cả các quốc gia trong và ngoài Liên Hiệp châu Âu. 

 

Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh trở lại, hai siêu cường hiện tại đang chạy đua cho cùng một mục tiêu: Chiếm cứ Mặt trăng. Bắc Kinh và Washington đều muốn đưa công dân của họ bước đi trên Mặt trăng trước năm 2030, nhưng cũng để khai thác các nguồn tài nguyên ở đó và thiết lập một căn cứ trên mặt trăng, làm cơ sở hướng tới khám phá Sao Hỏa.

 

 "Trên Mặt trăng, thách thức đối với người Mỹ là chuyển sang một giai đoạn mới của hoạt động không gian bằng cách phát triển hoạt động kinh tế, công nghiệp và con người trực tiếp trong không gian, Isabelle Sourbès-Verger giải thích. Hiện tại, người Trung Quốc chỉ đang tìm cách làm điều mà họ chưa từng làm trước đây, đó là đặt chân lên Mặt trăng." 

 

 

Không gian Nga suy yếu Trung Quốc lợi

 

Trong cuộc chạy đua giành không gian hiện đại này, Trung Quốc có thể hoàn toàn dựa vào một tác nhân lịch sử của lĩnh vực này. Nga, quốc gia đầu tiên đưa người vào không gian năm 1961, nhưng giờ đây thiếu kỹ sư, công nghệ mới và nhất là không có chính  sách không gian từ khi Liên Xô sụp đổ. "Cùng với hạt nhân, không gian vẫn là lĩnh vực cuối cùng mà Matxcơva vẫn có được vị thế quốc tế,  bà Isabelle Sourbès-Verger cho biết . Nhưng cuộc chiến ở Ukraina đã làm mất đi những phương tiện mà Matxcơva có thể dành cho nỗ lực này ». Ngược lại với Trung Quốc  luôn bị loại khỏi hợp tác công nghệ quốc tế, Nga đã có nhiều hợp tác với phương Tây kể từ khi Liên Xô sụp đổ và rất phụ thuộc vào các sản phẩm của phương Tây trong một số lĩnh vực nhất định, đặc biệt là điện tử. 

 

Lệnh trừng phạt của phương Tây buộc Matxcơva xích lại gần người khổng lồ Trung Quốc để tiếp tục tồn tại trong không gian. Kể từ năm 2014 sau vụ sáp nhập Crimée, hai nước đã trở thành đối tác không gian, Bắc Kinh tận dụng kinh nghiệm lâu năm của Liên Xô trong lĩnh vực này. Đầu năm 2021, Trung Quốc và Nga thông báo rằng họ đang hợp tác xây dựng một trạm khoa học mặt trăng, đặt lên trên bề mặt hoặc trên quỹ đạo của Mặt trăng, nhằm cạnh tranh với chương trình Artemis của Mỹ. Marc Julienne lưu ý: " Quan hệ đối tác với Trung Quốc đang trở nên quan trọng trong lĩnh vực không gian của Nga, nước đang mất dần khả năng một mình đi vào quỹ đạo. Mặt khác, Trung Quốc ngày càng ít cần đến các kinh nghiệm của Nga, ngoại trừ khía cạnh chính trị. Hợp tác trong  không gian của hai cường quốc này vừa mang tính chiến lược, khoa học và tham vọng, đồng thời cũng là dấu hiệu cho thấy chiến tranh lạnh đang quay trở lại trong không gian.  

 

(Tổng hợp từ các báo Pháp)

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats