Saturday 26 August 2023

HÌNH ẢNH VIỆT NAM CÓ THỂ BỊ ẢNH HƯỞNG NẾU GIA NHẬP KHỐI BRICS? (RFA)

 



 

Hình ảnh Việt Nam có thể bị ảnh hưởng nếu gia nhập khối BRICS?

RFA
2023.08.26

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/may-vietnam-image-be-affected-if-it-joins-the-brics-bloc-08262023100934.html

 

Hôm 24 tháng 8, 2023, khối BRICS được cho là do Trung Quốc dẫn dắt đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh ba ngày tại Johannesburg, Nam Phi. Trước khi hội nghị này diễn ra, có nhiều thông tin trái chiều về việc Việt Nam nộp đơn gia nhập khối BRICS. Hôm 11 tháng 8, 2023, hãng tin Sputnik của Nga khẳng định Việt Nam nằm trong danh sách 23 nước đã nộp đơn xin gia nhập khối BRICS trong dịp này.  Thông tấn xã Việt Nam đưa tin nhưng chỉ nói là Ngoại trưởng Nam Phi mời tham gia dự hội nghị, không nói là Việt Nam nộp đơn xin. Một bản tin trên Reuters nói Việt Nam là một “thành viên tiềm năng.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/may-vietnam-image-be-affected-if-it-joins-the-brics-bloc-08262023100934.html/@@images/cabbe615-ec2a-4f9c-aa0d-24271fa56ffc.jpeg

Ngoại trưởng của hai nước bị quốc tế trừng phạt, Iran và Nga, gặp nhau ở Nam Phi hôm 2/6/2023, chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh BRICS 22-24/8/2023 (ảnh minh họa) -  Reuter

 

Tuy nhiên, sau khi hội nghị thượng đỉnh nói trên kết thúc, khối BRICS ra thông báo kết nạp thêm sáu thành viên mới là Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và UAE (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất), không có Việt Nam.  

 

Hôm 24 tháng 8, 2023, Atlantic Council, một think tank ở Washington DC, công bố một số ý kiến của các chuyên gia của tổ chức này về các động thái mới của khối BRICS. Theo TS. Trần Quốc Hùng, cựu quan chức cấp cao IMF và là thành viên của Atlantic Council, việc kết nạp thêm sáu thành viên mới, trong đó có hai thành viên nằm trong danh sách trừng phạt quốc tế, cho thấy khối này đang khiêng về phía Trung Quốc. Mặt khác, nó cũng cho thấy khối này có thể trở nên đối kháng với Hoa Kỳ và phương Tây nhiều hơn. Jonathan Panikoff, một chuyên gia khác của Atlantic Council, cho rằng Ấn Độ biết rằng sự gia nhập của Iran sẽ đổ thêm dầu vào sự căng thẳng với Hoa Kỳ. Nhưng Bắc Kinh thuyết phục được những nước như Ấn Độ đồng ý cho Iran gia nhập BRICS vì trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của nước này. 

 

Trả lời phỏng vấn của RFA, Tiến sỹ Trần Thị Bích, nhà nghiên cứu tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu và Trung tâm CSIS cho biết khi khối BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, thành lập năm 2009), và sau đó là BRICS (bổ sung thêm Nam Phi năm 2010) được thành lập, các thành viên, vốn là các nền kinh tế đang trỗi dậy, muốn cùng nhau đưa ra một góc nhìn khác về các vấn đề kinh tế và tăng cường ảnh hưởng của họ trên trường quốc tế. Việc các nhóm hoặc các nước có ý kiến khác nhau là một điều hết sức bình thường. Theo Tiến sỹ Bích, hiện tại, Trung Quốc và Nga đang đối đầu với phương Tây, nhưng những thành viên còn lại của BRICS vẫn hợp tác với Mỹ và phương Tây trên nhiều phương diện. Bởi vậy không thể nói cả khối BRICS chống lại phương Tây được.

 

Về hình thức thì chính sách của Việt Nam và một số nước Đông Nam Á có vẻ giống Ấn Độ vì những nước này đều chọn cách đi cùng với cả hai bên. RFA đặt câu hỏi với Tiến sỹ Trần Thị Bích và nhà nghiên cứu Vũ Khang ở Đại học Boston về trường hợp Việt Nam vừa nâng cấp quan hệ với Mỹ và các đồng minh của Mỹ như Úc, lại vừa gia nhập khối BRICS. Liệu chính sách của nước này liệu có giống Ấn Độ hay không? Ấn Độ vừa tham gia nhóm QUAD (Đối thoại Tứ giác An ninh, gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) chống Trung Quốc, vừa gia nhập khối BRICS cho Trung Quốc khởi xướng để nhằm lật ngược vị thế đứng đầu của Hoa Kỳ trong trật tự kinh tế quốc tế. 

 

Nhà nghiên cứu Trần Thị Bích cho rằng khi Ấn Độ gia nhập khối BRIC (năm 2009), môi trường chiến lược khi đó rất khác so với hiện tại. Khi đó Mỹ và phương Tây vẫn nghĩ có thể hợp tác với Trung Quốc và Nga. Bởi vậy không thể so sánh hành động của Việt Nam với Ấn Độ được. 

 

Tiến sỹ Trần Thị Bích nói rằng không thể nói Việt Nam không đặt mình trong bối cảnh xung đột Mỹ Trung để quyết định chính sách đối ngoại. Theo vị chuyên gia ở Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Trung Quốc và Mỹ không phải là mối bận tâm duy nhất của Việt Nam trong lĩnh vực đối ngoại, bởi lẽ còn nhiều nước khác nữa mà Việt Nam phải xem xét, cân nhắc. Theo TS. Bích, cuộc cạnh tranh Trung Mỹ ngày càng căng thẳng ảnh hưởng tới Việt Nam vì Việt Nam không muốn chọn bên. Việt Nam có thể nâng cấp quan hệ với Mỹ trước rồi sau đó nộp đơn gia nhập BRICS để thể hiện chính sách ngoại giao đa dạng hóa của mình. Tuy nhiên, bà Bích nhấn mạnh: nộp đơn không đồng nghĩa với việc Việt Nam được chấp nhận.

 

Về chính sách đối ngoại của Việt Nam khi đối diện với bối cảnh quốc tế ngày càng phân làm hai khối Mỹ Trung, nhà nghiên cứu Vũ Khang cho rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam về bản chất là duy trì cân bằng với các nước lớn, nghĩa là Việt Nam sẽ không nghiêng về một phía và làm mất lòng phía còn lại. Bất kể là Mỹ hay Trung Quốc phật lòng thì cũng sẽ không có lợi cho Việt Nam. Ông giải thích thêm rằng chính sách đối ngoại cân bằng của Việt Nam có nguồn gốc từ hậu chiến tranh Lạnh sau khi Liên Xô sụp đổ và Việt Nam phải bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc trên thế yếu. Để tránh lặp phải sai lầm khi tin tưởng vào một cường quốc khác ngoài khu vực để chống Trung Quốc, Việt Nam sẽ luôn tham gia tất cả các thể chế quốc tế do cả Mỹ và Trung Quốc lãnh đạo nhằm hưởng lợi tối đa từ cạnh tranh Mỹ-Trung, và duy trì quan hệ hữu hảo với hai cường quốc này.

 

Ông Vũ Khang cho rằng không thể so sánh giữa Ấn Độ và Việt Nam do hai nước có địa lý và vị thế quốc tế rất khác nhau, nên các yếu tố quyết định chính sách đối ngoại cũng sẽ khác nhau. Ông giải thích Ấn Độ là một nước lớn có tiềm năng quân sự mạnh nhờ có vũ khí hạt nhân và có thể đối đầu với Trung Quốc, và họ còn có dãy Himalaya bảo vệ khỏi các cuộc xâm lược trên diện rộng của Trung Quốc. Trái lại Việt Nam chỉ là một nước nhỏ với tiềm năng quân sự yếu so với Trung Quốc. Chưa kể địa lý biên giới Việt-Trung cho phép Trung Quốc mở các cuộc tấn công diện rộng nếu muốn. Ông Vũ Khang nhắc lại rằng cần phải nhớ vào năm 1979, Trung Quốc đã thành công mở toang cửa ngõ và Hà Nội sau khi chiếm được Lạng Sơn, điều mà họ chưa bao giờ làm được với Ấn Độ. Do đó, Việt Nam nằm trong hoàn cảnh ngặt nghèo hơn Ấn Độ rất nhiều. Vì vậy, việc Việt Nam duy trì cân bằng ngoại giao để tránh khiến Trung Quốc khó chịu là vấn đề sống còn cho an ninh của đất nước.

 

TS. Daniel Markey ở Viện Hòa Bình Hoa Kỳ, thuộc Quốc Hội Mỹ, hôm 16 tháng 6, 2023, viết trên Foreign Affairs rằng Hoa Kỳ và Ấn Độ chia sẻ chung lợi ích, nhưng không chỉ sẻ hệ giá trị chung. Nước này đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc tôn giáo (lấy đạo Hindu làm cốt lõi) trong nước khiến nó cũng thúc đẩy các mục tiêu phi tự do ở nước ngoài. Ấn Độ hợp tác với Hoa Kỳ vì mục tiêu chống lại Trung Quốc trong việc tranh chấp lãnh thổ, nhưng Ấn Độ cũng hợp tác với Trung Quốc và Nga để hạn chế ảnh hưởng kinh tế của Mỹ, đặc biệt là sự độc tôn của đồng đô la. Do đó, trong sâu thẳm, Ấn Độ không phải là đồng minh, dù chia sẻ lợi ích chung.

 

Trả lời câu hỏi của RFA rằng nếu trong tương lai, Việt Nam gia nhập khối BRICS thì nước này sẽ có tiềm năng nhận được lợi ích gì và thiệt hại gì, Tiến sỹ Bích giải thích chọn lựa của Việt Nam từ góc độ lợi ích. Trước hết, các nước thành viên của BRICS hiện nay vẫn không có một hiệp định thương mại tự do với nhau. Nếu Việt Nam gia nhập khối này trong tương lai, lợi ích chủ yếu mang tính biểu tượng, thông qua việc tăng cường hiện diện của mình trên trường quốc tế. Về mặt thiệt hại, TS Bích nhận xét rằng việc gia nhập một khối ngày càng mang tính chuyên quyền có thể ảnh hưởng tới hình ảnh của Việt Nam.






No comments:

Post a Comment

View My Stats