Tuesday, 1 August 2023

CAMPUCHIA : HUN SEN TRỞ THÀNH "CHA THỦ TƯỚNG" (Hiếu Chân / Saigon Nhỏ)

 



Campuchia : Hun Sen trở thành “cha thủ tướng”

Hiếu Chân  -  Saigon Nhỏ

26 tháng 7, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/campuchia-hun-sen-tro-thanh-cha-thu-tuong/ 

 

Như tin đã đưa, Thủ tướng lâu năm của Campuchia Hun Sen hôm thứ Tư 26 tháng Bảy 2023 thông báo ông ta sẽ từ chức vào tháng tới và “nhường ngôi” cho con là Hun Manet, 45 tuổi

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/GettyImages-1242293937.jpg

Hun Manet, người sẽ kế vị cha làm thủ tướng Cambodia vào tháng tới, tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi (Vương Nghị) tại Phnom Penh tháng Tám năm ngoái. Ảnh Wu Changwei/Xinhua via Getty Images

 

Ông Hun Sen, 70 tuổi, một trong những nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất thế giới, đã đưa ra thông báo trong một bài phát biểu trên truyền hình, chỉ ba ngày sau khi đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông tuyên bố chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội được tổ chức hôm Chủ Nhật. Cuộc bầu cử bị Mỹ, các chính phủ phương Tây và các tổ chức quốc tế chỉ trích là “không tự do, không công bằng” vì các phe đối lập bị cấm tranh cử.

 

Về hình thức, Campuchia theo chế độ quân chủ lập hiến nhưng quyền lực thật sự nằm trong tay thủ tướng, nhà vua chỉ có vai trò danh dự và nghi lễ. Trong bài phát biểu, ông Hun Sen nói rằng con trai cả của ông, tướng Hun Manet, 45 tuổi, sẽ kế vị ông và việc nhường ngôi này không vi phạm bất kỳ quy tắc nào của hiến pháp vì con trai ông cũng là một nhà lập pháp.

 

 

Truyền thông địa phương dẫn lời ông Hun Sen cho biết ông Hun Manet sẽ được  Quốc hội Campuchia xác nhận là thủ tướng mới vào ngày 22 tháng Tám 2023.

 

Hồi tháng Sáu, ông Hun Sen đã nói ông sẽ trao lại chức vụ thủ tướng cho con trai vào một thời điểm nào đó sau cuộc bầu cử nhưng ông không có kế hoạch nghỉ hưu mà vẫn “buông rèm nhiếp chính” với tư cách lãnh tụ của đảng CPP và Chủ tịch Thượng viện Campuchia. “Ngay cả khi không còn là thủ tướng, tôi vẫn sẽ kiểm soát chính trị Campuchia với tư cách người đứng đầu đảng cầm quyền,” ông nói vào thời điểm đó.

 

Ông Hun Sen lên nắm quyền từ năm 1985 và từ đó đã kiểm soát chặt chẽ tất cả các cơ quan của Campuchia. Gần đây, ông ta còn sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để củng cố quyền lực của mình.

 

Tuy hình thức là xã hội đa đảng nhưng đảng Nhân dân Campuchia của ông Hun Sen luôn khống chế các cuộc bầu cử bằng cách đàn áp tất cả các phe đối lập, bỏ tù hàng trăm người chỉ trích và đóng cửa các cơ quan truyền thông bất đồng chính kiến, cùng nhiều chiến thuật nặng tay khác.

 

Bên cạnh chính sách đàn áp đối lập, một đường lối chính trị khác của Hun Sen là đưa Campuchia đi sâu vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc đổi lấy viện trợ và đầu tư của Bắc Kinh, biến nước này thành một “chư hầu” của đảng Cộng sản Trung Quốc. 

 

Dưới thời Hun Sen, Campuchia đã tiến từ một quốc gia thu nhập thấp lên thành nước có thu nhập trung bình thấp và dự kiến sẽ đạt được trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2030, theo Ngân hàng Thế giới. Nhưng đồng thời, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, nạn phá rừng lan rộng ở mức báo động, và người nghèo bị bần cùng hóa do tình trạng chiếm đất tràn lan của các đồng minh của Hun Sen và các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Những người chỉ trích Hun Sen đều bị trừng phạt nặng nề. Hồi tháng Ba, một nhà lãnh đạo đối lập nổi tiếng, Kem Sokha, đã bị kết án 27 năm quản thúc tại gia với tội danh phản quốc và bị cấm ứng cử hoặc bầu cử. Một nhà lãnh đạo đối lập nổi tiếng khác, ông Sam Rainsy, sống lưu vong ở Pháp và bị Hun Sen tố cáo tội phản quốc.

 

Vài tuần trước cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật, tài khoản Facebook có nhiều người theo dõi của ông Hun Sen đã bị tạm khóa sau khi hội đồng giám sát của Meta, công ty mẹ của Facebook, đề nghị đình chỉ ông khỏi nền tảng này vì ông ta đe dọa các đối thủ chính trị bằng bạo lực. Nhưng vài ngày trước cuộc bỏ phiếu, tài khoản đó đã được kích hoạt lại.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/GettyImages-1550160429.jpg

Thủ tướng Campuchia Hun Sen chuẩn bị bỏ phiếu. Dưới sự cai trị của Hun Sen và đảng CPP, các cuộc bầu cử ở Campuchia chỉ là dân chủ hình thức, không tự do mà cũng chẳng công bằng do các tổ chức chính trị đối lập với đảng CPP đều bị giải tán và đàn áp. Ảnh Phearum/Xinhua via Getty Images

 

Việc đưa Hun Manet, hiện là người đứng đầu quân đội Hoàng gia Campuchia, vào ghế thủ tướng, là một phần trong chiến lược của Hun Sen nhằm “trẻ hóa” đội ngũ lãnh đạo đất nước nhưng sẽ không đem lại thay đổi đáng kể nào, theo nhận định của giới quan sát. Tuy vậy, nó cho thấy Hun Sen và đảng CPP đã chuẩn bị rất kỹ cho việc chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ nhằm giữ vững quyền cai trị của đảng và gia tộc Hun Sen như một thể chế phong kiến mới.

 

Qua cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật, người ta thấy sự nổi lên của một lớp trẻ là con em của thế hệ lãnh đạo già, được chuẩn bị để đảm nhiệm các ghế bộ trưởng và đứng đầu các cơ quan ban ngành khác. Trong số này có cả con trai út của Hun Sen; phần lớn được đào tạo ở các trường đại học phương Tây. Hun Manet là một ví dụ tiêu biểu: Con trai cả của Hun Sen đã tốt nghiệp cử nhân tại Học viện Võ bị West Point của Mỹ, thạc sĩ kinh tế tại Đại học New York và tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bristol, Anh quốc.   

 

Sự lên nắm quyền của con trai Hun Sen — Hun Manet, 45 tuổi, người đã giành được chiếc ghế đầu tiên trong Quốc hội chỉ vài ngày trước và là người đứng đầu quân đội của đất nước — là một phần của sự thay đổi thế hệ lớn hơn: Nhiều nhà lập pháp trẻ hơn dự kiến sẽ đảm nhận vị trí này, lên các vị trí cấp bộ trưởng, bao gồm cả con trai út của Hun Sen và những người có liên quan đến các đảng viên lớn tuổi khác.

 

Ông Ou Virak, Chủ tịch tổ chức tư vấn Diễn đàn Tương lai của Phnom Penh, cho biết sự “trẻ hóa” đội ngũ lãnh đạo có thể mang lại phong cách làm việc mới, các cuộc thảo luận chính sách có thể sôi nổi hơn nhưng không có sự thay đổi đáng kể về đường lối do thế hệ già như Hun Sen vẫn nắm quyền kiểm soát.

 

“Tôi vẫn có khả năng phục vụ lợi ích của người dân và giúp chính phủ giám sát an ninh và trật tự công cộng của đất nước, cũng như tham gia cùng họ trong việc định hướng sự phát triển của đất nước,” ông Hun Sen nói trong bài phát biểu “nhường ngôi” của ông ta. 

 

Điểm mới, theo Virak, là thế hệ lãnh đạo mới có thể “cảnh giác với sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc”, chính sách mà ông Hun Sen theo đuổi suốt cuộc đời lãnh đạo dài dằng dặc của ông ta. Một sự thay đổi như vậy, nếu có, sẽ là điều tốt cho Campuchia và các nước láng giềng như Việt Nam.

 

Theo ông Ou Virak, người dân Campuchia nói chung dường như nghĩ rằng Hun Manet có đủ tư cách để nối nghiệp cha mình vì, cũng như Việt Nam hay Trung Quốc, Campuchia hầu như không có một lực lượng đối lập hoạt động hiệu quả, một gương mặt chính trị tiêu biểu có thể thách thức đảng cầm quyền hoặc một ngọn cờ dân chủ tự do để tập hợp dân chúng. “Người dân Campuchia có thể khó chịu vì về căn bản đây là một kiểu triều đại cha truyền con nối nhưng họ không biết cách nào khác”, ông Virak nói.

 

-----------------

Đọc thêm:

·        Bầu cử ở Campuchia: Cha truyền con nối






No comments:

Post a Comment

View My Stats