Thursday 3 August 2023

BỘ TỔNG THAM MƯU VÀ BỘ NỘI VỤ (Nguyễn Ngọc Chu)

 



NỘI DUNG :

 

BỘ TỔNG THAM MƯU VÀ BỘ NỘI VỤ   

Nguyễn Ngọc Chu

.

CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ: VÌ PHẨM HÀM HAY VÌ ĐỂ PHỤC VỤ DÂN   

Huy Đức  (Trương Huy San)

.

“Xin đừng đổi tên, xin đừng tách nhập”

 Hiệu Minh  -  Giang Công Thế

.

==================================================

.

.

BỘ TỔNG THAM MƯU VÀ BỘ NỘI VỤ   

Nguyễn Ngọc Chu

ntsSedropoi8mg7f9t0l54351l0amuh067gời2lc1hl1u7h30g h5821i64u  · 

https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/pfbid026eXgCymxBqEi2WvG5yguGKmtD4F5PWR7X7r7LYyNEpxznRqQwe6VTBVvmjEy3Edl

 

1.

Chiến dịch quân sự được tiến hành theo phương án tác chiến của Bộ Tổng tham mưu. Chiến trận giữa hai bên, thắng thua phụ thuộc phần nhiều vào Bộ Tổng tham mưu. Bộ Tổng tham mưu giỏi thì ít địch được nhiều. Bộ Tổng tham mưu kém thì nhiều mà thua ít. Cho nên, một quốc gia muốn có quân đội mạnh thì phải có một Bộ Tổng tham giỏi với một Tổng tham mưu trưởng tài ba.

 

2.

Ở nước ta, về cơ bản, cơ chế vận hành ở lĩnh vực quản trị hành chính tuân theo các quy định có nguồn gốc từ Bộ Nội vụ. Vai trò Bộ Nội vụ trong quản trị quốc gia ví như vai trò Bộ Tổng tham mưu trong chiến tranh. Bộ Nội vụ giỏi thì phương án quản trị quốc gia tốt. Bộ Nội vụ kém thì phương án quản trị quốc gia tồi. Bộ Nội vụ muốn giỏi thì trước hết Bộ trưởng Bộ nội vụ phải là người tài giỏi. Nếu Bộ trưởng Bộ nội vụ không tài giỏi, thì phương án quản trị quốc gia đưa ra không thể sáng suốt. Một đầu bếp tồi không bao giờ cho ra một bữa tiệc ngon.

 

3.

Những người đã trải qua đào tạo đại học, đều thấy rõ, không có một cơ sở khoa học nào để quy định rằng “đơn vị hành chính cấp quận phải có diện tích tối thiểu 35km2, dân số 150.000 người trở lên” và “ trong 2 năm tới, các huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập” (” https://thuvienphapluat.vn/.../noi-dung-nghi-quyet-sap...).

 

- Tại sao là 35 km2 mà không phải 50 km2, 100 km2?

 

- Tại sao 150 000 người mà không phải 500 000 người, 1000 000 người?

 

- Tại sao dưới 20 % diện tích thì phải sáp nhập mà không phải 25%, 30 %, 50%?

 

Diện tích quận Hoàn Kiếm là 5,29km2, Quận Ba Đình là 9,25 km2, Quận Hai Bà Trưng là 10,26 km2. Sáp nhập cả ba quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng vẫn chưa đủ tiêu chí 35 km2. Nếu thay vì dưới 20% mà nâng lên dưới 30% thì không riêng Hoàn Kiếm, mà cả Ba Đình và Hai Bà Trưng đều phải sáp nhập.

 

4.

Những bất cập của sáp nhập quận, huyện, phường, xã đã được dư luận xã hội phản ánh liên tục và rộng rãi. Nhưng dường như chưa được các cơ quan có thẩm quyền chú tâm đến.

 

- Hoặc là “thực đơn” của Bộ Nội vụ về sáp nhập quá “tuyệt hảo”?

 

- Hoặc là sự mê hoặc của các con số giảm biên chế?

 

- Hoặc là sự bất khả xâm phạm của các nghị quyết?

 

Giảm biên chế phải dựa trước hết vào ứng dụng công nghệ, và tạo việc làm mới. Chứ không trông chờ vào sáp nhập. Sáp nhập không đơn thuần là phép tính cộng, tạo ra cảm giác được thêm, mà tưởng là vô hại. Sáp nhập có thể huỷ hoại văn hoá, phong tục tập quán, truyền thống lịch sử, và sự kế thừa tinh hoa.

 

Các vị đứng đầu nhà nước, cụ thể là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính, và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dù rất bận nhiều việc, nhưng rất cần quan tâm đúng mức đến việc sáp nhập quận, huyện, phường, xã, không chỉ dựa chủ yếu vào đề xuất của Bộ Nội vụ. Thông tin trên mạng xã hội cũng là một nguồn dữ liệu quan trọng để soi xét sự đúng đắn các quyết định về quản trị quốc gia. Luật là do con người đưa ra. Đưa ra được thì cũng sửa đổi, hoặc xoá bỏ được. “Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã” cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

 

5.

Nguy cơ xoá bỏ những tên gọi huyền thoại như “Hoàn Kiếm”, “Ba Đình”, “Hai Bà Trưng”, động đến thần linh và lịch sử, cuối cùng sẽ thức tỉnh những cơn mê giáo điều. Nếu sự tự mãn thắng thế thì cũng sẽ bị đời sau bác bỏ.

 

 

429 BÌNH LUẬN   

 

======================================================

.

.

CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ: VÌ PHẨM HÀM HAY VÌ ĐỂ PHỤC VỤ DÂN   

Huy Đức  (Trương Huy San) 

2-8-2023  04:18   

https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/pfbid0nMrDq5tqJCmYYJcvVhy255Mx4irE8BWbkWEVGNyXh8aLm38inrVuDb2EdwQF2LrGl

 

Tôi không có đủ dữ liệu để bình luận về cảnh báo của Chủ tịch Trần Sĩ Thanh trước khả năng sáp nhập quận Hoàn Kiếm. Các tiêu chí do hành chánh quan liêu đặt ra thì cũng có thể dùng hành chánh mà điều chỉnh nó. Một quận tốt không phải vì nó to hay nhỏ mà vì ở chỗ, người dân trong quận đó cả đời không cần biết đến chính quyền nhưng hễ cứ có việc cần là chính quyền có mặt liền.

 

Nếu xây dựng chính quyền đô thị mà chỉ quan tâm đến quy mô hoặc phẩm hàm của người đứng đầu [đô thị loại I, loại II hay cái gọi là “thành phố trong thành phố” kiểu Thủ Đức city] thay vì tìm kiếm một mô hình phục vụ dân tốt hơn thì không bao giờ lựa chọn đúng.

 

Tại sao, “tinh giản biên chế” từng được đưa ra từ đầu thập niên 1990s đã chưa bao giờ thành công. Thập niên 1990s là thập niên bắt đầu bung ra, nhu cầu hành chính tăng thì không thể giảm biên chế được.

 

Chúng ta đi từ mô hình nhà nước làm tất cả sang mô hình “nhiều thành phần” được phép làm. Trước thập niên 1990s, chỉ ai được nhà nước cho đi lại [cả trong nước và ra nước ngoài] mới được đi lại, tới chỗ ai cũng có thể ra nước ngoài nếu có tiền. Chỉ riêng bộ máy cấp hộ chiếu đã cần tăng lên gấp trăm lần trước đó.

 

Nhà nước sinh ra để đảm trách phần lớn dịch vụ công. Có những dịch vụ cung cấp do nhu cầu của dân. Có dịch vụ đưa ra do nhu cầu quản lý. Tôi không bình luận về mô hình chính trị mà biên chế hưởng ngân sách không chỉ có những người ở trong bộ máy nhà nước.

 

Muốn tinh giảm biên chế thì phải thiết kế một bộ máy nhà nước tối ưu để phục vụ dân; những thủ tục được đặt ra để phục vụ nhu cầu quản lý [như các giấy phép con, các loại lý lịch, giấy xác nhận…] nên bãi bỏ, cắt giảm hoặc [sau khi số hóa] các cơ quan nhà nước tự chia sẻ lấy.

 

Nếu vì phục dân thì nhà nước chỉ cần đưa ra các tiêu chí: Môi trường, nước sạch, bệnh viện, trường học, đồn cảnh sát, PCCC và trạm cứu thương. Ví dụ, các cơ sở này phải được bố trí sao cho, khi dân gọi 113, mấy phút sau PCCC hoặc cứu thương có mặt.

 

Chỉ riêng đưa ra và thực hiện đúng nguyên tắc, trường công chỉ được nhận học sinh ở khu vực khác sau khi đã nhận hết học sinh trên địa bàn [không phải phân bố theo quận, phường mà theo sự thuận tiện của giao thông] phụ huynh đã không phải xuôi ngược đưa đón con, mỗi ngày đã giảm được hàng triệu lượt tham gia giao thông không cần thiết.

 

Nếu xây dựng chính quyền theo tiêu chí này thì chính quyền thủ đô [với các quận đã đô thị hóa xong] không còn cần có cấp phường hoặc cấp quận nữa.

 

Khi chuẩn bị ý kiến phản đối việc nhập Hà Tây vào Hà Nội, nhóm giúp việc của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt, dẫn dắt bởi KTS Nguyễn Trọng Huấn, đã xem xét rất nhiều mô hình đô thị trên thế giới. Nước Mỹ không cần mở rộng Washington D.C. mà D.C. không những vẫn hoàn thành vai trò Thủ đô mà còn đảm đương rất tốt hạt nhân đô thị của cả vùng. Vấn đề là tổ chức kết nối hạ tầng tốt không chỉ cho thủ đô mà còn cho cả Virginia và Maryland nữa [tương tự Boston trở thành hạt nhân cho đại đô thị vùng Massachusettes].

 

Nếu đi từ cách tiếp cận này thì ngay cả khi phát triển đô thị 2 bên sông hồng, chẳng cần phải nhập Long Biên với Hoàn Kiếm. Vấn đề là khi Long Biên xuất hiện một khu dân cư, thì Hà Nội phải tiên liệu thêm mấy cái cầu qua sông Hồng cho nhu cầu qua lại. Tương tự, không cần phải sáp nhập Nghi Xuân với Cửa Lò, nhưng ngay từ bây giờ lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh đã phải trù liệu cho một thành phố hai bên cửa sông Lam với nhiều nhu cầu kết nối.

Cũng từng có mô hình sáp nhập như Buda - Pest nhưng điều làm nên giá trị của Budapest [Hungaria] không phải là một quyết định hành chánh.

 

Hà Tây, cho dù mất địa giới trên bản đồ vừa đúng 15 năm, căn cước văn hóa Xứ Đoài không bao giờ có thể xóa. Đừng ngồi ở những nơi mà khi nhìn xuống chỉ thấy quận, huyện ở khía cạnh [cấp] hành chánh mà không nhìn thấy ở đó các địa danh. Trong rất nhiều tên làng, tên xóm, tên sông… có hàm lượng lịch sử, văn hóa của nghìn năm tụ lại.

 

PS1: Ngay sau khi bài này được public, một cựu bộ trưởng từng phục vụ trong nội các của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải gọi điện thoại trao đổi thêm rất dài và nhiều vấn đề liên quan đến cải cách. Xin tóm tắt ở đây 4 ý chính ông nói có liên quan đến bài viết:

 

1 - Khi tách tỉnh Bình Trị Thiên, ông cùng cả cả Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười và Phó chủ tịch HĐBT Võ Văn Kiệt vào kiểm tra ở Quảng Bình, chứng kiến cán bộ Quảng Bình không có đủ nhà và giường, phải rải chiếu ngủ dưới nền nhưng uống rượu liên hoan mừng vui như Tết. Ông kết luận, tách - nhập là nhu cầu của quan chứ không phải nhu cầu của dân.

 

2 - Chuyện tách nhập các đơn vị hành chính chưa bao giờ thành công về mặt giảm biên. Vấn đề biên chế “nằm ở chỗ khác”.

 

3 - Chúng ta ra các quyết định hành chính tách nhập nhiều những chưa bao giờ quan tâm đến tâm lý của người dân; có những tên làng, tên xóm là niềm tự hào nghìn năm của những cư dân ở đấy, nhưng ta sẵn sàng thay thế nó bằng một tờ A4.

 

4 – Đừng nói “vì phục vụ dân” trừu tượng quá. Trong một lần lãnh đạo chính phủ ta thăm pháp, chúng tôi hỏi vì sao nước Pháp nhỏ mà có tới 50 tỉnh. Họ trả lời rất đơn giản, ngày xưa lập tỉnh thì việc đầu tiên mà chính quyền phải tính là làm sao tỉnh lị đặt ở đâu để người dân có thể đi bộ lên tỉnh rồi trở về nhà trong ngày.

 

 

PS2: Xin mời đọc trích đoạn bài viết của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt công bố trên báo Tuổi Trẻ sáng 5-8-2008, ngày Quốc hội khóa XII nhóm họp trong đó có nội dung bàn việc mở rộng thủ đô Hà Nội.

 

 

VÕ VĂN KIỆT: “KHÔNG ĐƯỢC PHÉP ĐƯA THỦ ĐÔ LÀM NƠI THÍ NGHIỆM”

 

“…Theo tôi, Thăng Long - Hà Nội với nghìn năm lịch sử phong phú, hào hùng, với văn hóa được tích lũy nhiều đời, không phải thủ đô nào trên thế giới cũng có được. Hà Nội không nhất thiết phải lựa chọn mô hình đầu tàu kinh tế, việc mà nhiều địa phương có nhiều thuận lợi và có khả năng làm tốt hơn Hà Nội nhiều.

 

Mặt khác, mô hình đô thị cực lớn với động lực công nghiệp là một mô hình đô thị đã cũ, nhiều sai lầm mà phương Tây đang phải từ bỏ. Chính những thành phố có hàm lượng văn hóa cao, có đời sống đô thị giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành, có nhịp sống hợp lý, làm giàu bằng kinh tế tri thức mới là mô hình mà các nước đi trước chúng ta đang tìm kiếm.

 

Thủ đô Thăng Long - Hà Nội có đủ những yếu tố đủ để xây dựng cho mình một thành phố như thế. Thay vì chọn một mô hình đô thị khổng lồ với vô vàn vấn nạn, từ tắc nghẽn giao thông đến ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, thị trường đất đai rối loạn cản trở phát triển kinh tế như nhiều đô thị lớn trên thế giới đang gặp, Hà Nội nên chọn cho mình mô hình một thành phố lịch sử, văn hóa, đầu tàu về khoa học - kỹ thuật tiên tiến, có quy mô vừa phải, hợp lý, có môi trường đô thị trong lành, văn minh, công bằng, dân chủ, đủ năng lực khai thác, ứng dụng những thành tựu khoa học tiên tiến của thời đại trong xây dựng, quản lý vận hành, ngõ hầu tạo dựng một môi trường sống lý tưởng…”

 

===================================================

.

.

“Xin đừng đổi tên, xin đừng tách nhập”

Hiệu Minh  -  Giang Công Thế

2-8-2023  23:51   

https://www.facebook.com/giang.the.5076/posts/pfbid02eWDwJLEvi4AvvRNTG7k8WrhY72bAxESpMSn12odWaGAjKBm5Ew15nzKAauJvVh9al

 

Chuyện quận Hoàn Kiếm thuộc diện sáp nhập đang nóng trên mạng nhưng Cua Times “có niềm tin sắt đá trong lỗ” rằng, Hoàn Kiếm cũng như Ba Đình, sẽ không bao giờ thay đổi.

Hồi mới sang DC (1995) cảm giác ban đầu tôi thấy thủ đô Mỹ bé bằng cái lỗ mũi, chả bằng Hà Nội nhà mình nuốt cả Hà Tây và cắt Hòa Bình. Thời lập quốc, Bộ Chính trị Mỹ đã cắt một ít của cô gái còn trinh (Virginia) và góc tam giác của nàng Mary (Maryland), thành cái hình vuông 10miles x 10miles (16km x 16km) và gọi đó là thủ đô Washington DC. Ở giữa có hai con sông Potomac và Anacosta chạy qua, tha hồ lắm nước.

 

Sau này, phần Arlington bị cắt trả về Virginia do muốn xây nhà cao tầng, nên DC từ vuông thành… méo, kiểu cái quạt của Hồ Xuân Hương.

 

Hơn 200 năm qua, chưa bao giờ Quốc hội Mỹ cho phép mở rộng để đua với Hà Nội to đùng. Dân số DC khoảng 1 triệu, hầu hết là da mầu, nhưng vào ngày làm việc, khoảng 800k dân tinh hoa từ Maryland và Virginia đổ vào DC làm việc, hết giờ lại về “quê”, nên buổi tối, thủ đô Mỹ im phắc.

 

Tách, nhập, mở rộng, đổi tên, gây bao hệ lụy cho dân, cho nên Hoa Kỳ có kiểu đặt tên phố theo vần ABC, 123, và tên người thông dụng (Andrew, James…) kèm theo hướng đông tây nam bắc… vô hồn nhưng thực dụng.

 

Họ hạn chế dùng tên người nổi tiếng cho các tên phố hay đại lộ, tránh mầu sắc chính trị trên đường, tên phố đã đặt là không làm lại biển một lần nào nữa. Zip code phân ranh giới không bao giờ được đổi, mỗi quận, mỗi bang có một số zip code không thay đổi từ thời lập quốc.

 

Chả là hôm nay “nhân dân” cho rằng anh Adam X có công với nước nên cố tìm bằng được một phố để đặt tên. Bao nhiêu giấy tờ, địa chỉ, hộ khẩu, sổ đỏ, chứng minh thư (CMT)… của dân đều liên quan đến phố đó.

 

Chục năm sau, đám con cháu phát hiện X là kẻ trộm cắp, thế là tên bị xóa, kéo theo bao hệ lụy. Hàng chục triệu dân phải thay lại địa chỉ, thay lại CMT, rồi cơ sở dữ liệu, làm lại sổ đỏ, đâu phải câu chuyện đổi tên trên tờ A4 là xong.

 

Nước mình đang trong quá độ tiến lên 4.0, quản lý dân cư thông qua bỏ hộ khẩu, cải tiến CMT/CCCD, xây dựng Cơ sở dữ liệu dân cư, nghe nói sắp được hoan hô, chỉ còn vài bất cập nữa là xong.

 

Nghị định Chính phủ về CMND đã xác định “Mỗi công dân chỉ được cấp một số CMND riêng” nhưng trong thực tế, kha khá công dân có nhiều CMT/CCCD.

 

Ai có CMT cũ gồm 9 số có vân tay, được cấp từ sau 1975, thì rất nhiều “tài sản” ăn theo số CMT này như sổ đỏ, sổ hộ khẩu, giấy kết hôn, mã số thuế, hộ chiếu, sổ tiết kiệm, số tù của vụ giải cứu kể cả giấy báo tử.

 

Bỗng một hôm “ta thích thì ta đổi tên” tỉnh, tên huyện, tổ thành nhóm, xã thành phường, tách nhập. Tôi có nguyên quán là huyện Gia Khánh (Ninh Bình), xa nhà hàng chục năm, về quê mới biết huyện đã đổi thành Hoa Lư.

 

Đổi CMT sang căn cước công dân (CCCD) vẫn cần nguyên quán, thế là tôi có hai nguyên quán. Ai bảo đảm 20 năm nữa người ta còn nhớ Gia Khánh là Hoa Lư, chưa chừng nhập huyện với Nho Quan, đố đoán được.

 

Sổ đỏ được đăng ký theo số CMT cũ nên dù đã làm CCCD 12 số gắn chip nhưng mỗi lần giao dịch phải trưng cả hai, chưa kể CCCD chưa gắn chip tôi vẫn giữ, mất cái này còn cái kia.

 

Trong ví luôn có 3 cái CMT/CCCD vì sợ công an hỏi, đăng ký xe theo CCCD và bằng lái xe theo CMT dù đã cắt góc, không chứng minh được “hai thằng Cua” là một, thì “bác tính sao đây”. Hộ khẩu của tôi được ghi chú thay đổi địa chỉ “dù hộ khẩu được khai tử” nhưng thử hỏi, đi giao dịch dân sự không có hộ khẩu thì liệu có xong.

 

Bao nhiêu thông tin cá nhân đi theo địa chỉ, số CMT/CCCD, thế mà “bố thích là bố đổi”, không hề nghĩ đến dân méo mặt vì giấy tờ.

 

Cái vụ CMT 9 số và CCCD 12 số cũng loạn (hôm nào viết riêng), lẽ chỉ cần 9 số là đủ cho 999tr dân, nhưng lại thích 12 số (vì bên nước ngoài họ làm thế), bỏ đi 90 triệu số CMT cũ để làm lại từ đầu cho 12 số mới để có 4.0, rồi cái gì cũng muốn đưa vào chip quản cho hiện đại, cơ sở dữ liệu dân cư chưa xong, giờ lại tách nhập.

 

Hôm nay nghe sáp nhập mà kinh. Gần 100 triệu dân Việt Nam, cả đời đi làm lại giấy tờ vì ai đó thích.

 

Xin hỏi, các vị định hành dân đến bao giờ?

 

Hình :

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=791148566023265&set=pcb.791149569356498

Thủ đô DC trước vuông, giờ méo

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=791148902689898&set=pcb.791149569356498

Phố số 1 – First

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=791148966023225&set=pcb.791149569356498

Phố E cắt 18

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=791149039356551&set=pcb.791149569356498

Tên quê mình thân thương. Cầu ở Huế chôm trên mạng.

 

.

58 BÌNH LUẬN  

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats