Saturday, 12 August 2023

ĐẠO ĐỨC, TƯ TƯỞNG QUAN CHỨC CHẾ ĐỘ SUY THOÁI NGHIÊM TRỌNG THẾ NÀO? (PGS,TS Phạm Quý Ngọ)

 



Đạo đức, tư tưởng quan chức chế độ suy thoái nghiêm trọng thế nào?

PGS,TS Phạm Quý Thọ

2023.08.10

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/how-does-communist-leaders-moral-degrade-08102023111736.html

 

Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/how-does-communist-leaders-moral-degrade-08102023111736.html/@@images/e8368584-aaff-48f0-9f37-e76cefa3c31b.jpeg

Phiên toà xử 54 bị cáo tại Hà Nội trong vụ án "chuyến bay giải cứu" hôm 28/7/2023  (AFP)

 

Suy thoái đạo đức, tư tưởng của cán bộ lãnh đạo, đảng viên ngày càng nghiêm trọng trong bối cảnh nghịch lý tăng trưởng nhanh và tham nhũng tràn lan đe doạ sự tồn vong chế độ (Xem thêm: Nghịch lý kinh tế tăng trưởng nhanh và tham nhũng nghiêm trọng đe dọa sự tồn vong của chế độ). Mặc dù chỉ là ‘diễn’ trước ‘vành móng ngựa’ của toà án nhưng việc xét xử các đại án tham nhũng, chẳng hạn như vụ như phiên sơ thẩm “chuyến bay giải cứu” trong tháng 7/2023 vừa qua, đã chỉ ra các hành vi trục lợi, nhận và đưa hối lộ của các bị cáo, từng là quan chức hay doanh nhân, nhóm người hay cá nhân, là rất trắng trợn, vô liêm sỉ. Về công lý, Toà án phán xét và đưa ra hình phạt nhưng, về đạo lý, công luận đòi hỏi hơn thế. Chủ trương chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường làm thay đổi mạnh mẽ và mang tính xu hướng các giá trị đạo đức, nền tảng tư tưởng của chế độ “Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối.” Bởi vậy, việc làm rõ các thay đổi này thể cung cấp tầm nhìn về quan điểm chính sách.

 

Đạo đức là tiêu chuẩn hành vi phổ biến cho phép mọi người sống hợp tác trong các nhóm, trong xã hội. Đạo đức đề cập đến những gì và cách xã hội suy nghĩ về các hành vi khiến chúng trở nên đúng và sai. Suy thoái đạo đức, tư tưởng là sự xuống cấp, ‘xấu đi’ trong so sánh tương đối theo thời gian, về nhận thức, niềm tin và các giá trị mà quan chức sử dụng trong công vụ. Trong chế độ Đảng CS toàn trị “đạo đức, tư tưởng cách mạng” được tuyên giáo như một vũ khí chính trị, chuẩn mực mà quan chức cần phải có để trung thành, tuân thủ với lãnh tụ và, ngoài ra để làm gương cho nhân dân.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) từng viết: … Nó là đạo đức mới… không vì danh vọng của cá nhân mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người", và nhấn mạnh về tầm quan trọng: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù có tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.” Vị chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã thực hành và thể hiện như tấm giương đạo đức cách mạng theo văn hoá nho giáo, truyền thống dân tộc kết hợp với tư tưởng Mác -Lênin.

 

“Đạo đức cách mạng” được ‘xây dựng’ trong suốt quá trình lịch sử cách mạng đấu tranh chống phong kiến, chống đế quốc, giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở đây, xin nhấn mạnh về nguồn gốc chủ nghĩa Mác. Các Mác (1818-1883) không chỉ là nhà triết học, chính trị, kinh tế mà còn là ‘bậc thầy’ về tâm lý đạo đức. Từ khía cạnh này, ông nhìn nhận việc giai cấp tư sản làm giàu cho cá nhân là ‘mất nhân tính’ và chủ nghĩa tư bản phải ‘chịu trách nhiệm’, nó tạo ra một thế giới đói nghèo, bất bình đẳng, bóc lột, xung đột giai cấp, chiến tranh và cô lập, vì vậy, phải loại bỏ những điều đó. Ông ấy đã nêu quan điểm sâu sắc nhất về chủ đề này trong Bản thảo Kinh tế và Triết học (năm 1844) rằng: “Kẻ thù của con người là chiếm hữu.” Nói cách khác, ham muốn sở hữu mọi thứ, là bản chất con người, khiến bạn trở thành người xấu. Giai cấp công nhân đã bị thúc đẩy bởi ‘sự đố kỵ và oán giận’, họ có xứ mệnh làm cách mạng. Ngoài ra, Các Mác yêu cầu tầng lớp trí thức ‘ra khỏi Tháp Ngà’ và tham gia cách mạng để xem bản thân không phải là người ‘bảo tồn quá khứ bụi bặm’, mà như ‘một tác nhân của sự thay đổi’, tạo ra một tương lai mới và vinh quang. Đó là một xã hội, như một tất yếu của lịch sử, trong đó mọi người “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”… Ông đã trích dẫn từ Jean Jacques Rousseau (1712-1778), nhà tư tưởng xã hội người Pháp, rằng nếu muốn tạo ra một xã hội mới thì “Người dám đảm nhận việc xây dựng các thể chế của một dân tộc phải cảm thấy mình có khả năng thay đổi… bản chất con người, biến đổi mỗi cá nhân, những người tự mình là một chỉnh thể hoàn chỉnh và đơn độc, thành một phần của một tổng thể lớn hơn, từ đó… cá nhân nhận được cuộc sống của mình và bản thể của mình… ”. Nghĩa là, bản chất con người phải được trả lại trạng thái được cho là thuần khiết, vị tha. Nhưng tạo ra “người đàn ông mới” này sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, không thể chỉ bằng thuyết phục mà phải áp dụng chuyên chế của quyền lực Nhà nước mới có thể hoàn thành được.

 

Cả Các Mác và Hồ Chí Minh đã không được chứng kiến những gì diễn ra ngày nay. Trong một khoảng thời gian, như đã từng, tư tưởng của C.Mác đã thay đổi tiến trình lịch sử. Ở đỉnh cao quyền lực, một nửa thế giới nằm dưới quyền thống trị của chế độ Đảng CS toàn trị và được duy trì bởi chuyên chế. Mô hình này đã sụp đổ từ cuối những năm 1980. Chủ nghĩa Mác bị phê phán đã dẫn dắt xã hội hướng tới một tầm nhìn không tưởng, trong đó cá nhân con người cần được giải phóng khỏi “ý thức sai lầm” của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, khi phá huỷ nó C. Mác và những ‘môn đệ’ sau ông đã không ‘tìm’ ra phương thức sản xuất thích hợp.

 

Những nguyên lý nền tảng đạo đức hiện đại đã phát triển và được sử dụng để giải thích nhiều hiện tượng xã hội, trong đó có chủ nghĩa Mác ‘xưa và nay’. Theo đó, năm mô-đun cơ bản của đạo đức mà hầu hết mọi người quan tâm đến được đề xuất, chúng khởi nguồn từ bản năng phổ quát mà tổ tiên con người đã tiến hóa để thích nghi và hoàn thiện môi trường sống tự nhiên và nhân tạo. Là khả năng bẩm sinh, bằng trực giác vô thức và tự động con người ‘cảm thấy’ tán thành hoặc không đối với một số kiểu hành vi nhất định. Đó là, một, sự chăm sóc - bản năng bảo vệ người khác; Hai, sự công bằng - bản năng trừng phạt gian lận; Ba, sự trung thành - cảm giác ràng buộc với 'nhóm' của bạn; Bốn, quyền lực - biết khi nào phải tuân theo; Và, Năm, sự thanh khiết - ghê tởm những thứ xấu xa. Mặc dù các mô-đun được ‘cài đặt’ nhưng có thể ‘điều chỉnh’ tuỳ thuộc vào năng lực tác động vào con người trong ‘tổng hoà các mối quan hệ xã hội’. Hai mô-đun đầu tiên mang tính vững chắc cho các quyết định thay đổi.

 

Từ lăng kính này, trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản hoang dã, đầy rẫy bất công… chủ nghĩa Mác bị coi là đã tạo ra một cương lĩnh mang tính ‘tiêu cực’ – lòng ghen tức, ý chí căm thù với những kẻ ‘bóc lột’ và, con người với bản chất dễ dàng đồng thuận, thì sự tương phản giữa “chúng ta” và “chúng nó” là cơ sở cho cuộc chiến chống lại những kẻ ‘ngoài chế độ’ để bảo vệ nền tảng tư tưởng. Trong kiểu mô hình Trung Quốc, sau khi hệ thống XHCN sụp đổ, với chính sách thực dụng phương thức sản xuất tư bản được vận hành, thúc đẩy tăng trưởng để đảm bảo tính chính danh cho Đảng CS đồng thời vẫn duy trì các phiên bản cương lĩnh ‘tiêu cực’ này, chẳng hạn “xã hội chủ nghĩa mang bản sắc Trung Quốc, là công cụ tuyên truyền bảo vệ quyền lực tuyệt đối. Tuy nhiên, như một hậu quả tất yếu, nhà nước đã biến thành ‘tư bản thân hữu’ trong đó nghịch lý tăng trưởng nhanh và tham nhũng nghiêm trọng đang đe doạ sự tồn vong chế độ.

 

(còn tiếp)

___________

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats