Thursday 24 August 2023

ĐẠO LUẬT KHIẾN FACEBOOK CHẶN CHIA SẺ TIN TỨC TẠI CANADA : VIỆT NAM CÓ ĐANG HỌC THEO? (Nguyễn Quốc Tấn Trung | Luật Khoa)

 



Đạo luật khiến Facebook chặn chia sẻ tin tức tại Canada: Việt Nam có đang học theo?

Nguyễn Quốc Tấn Trung

August 23 2023 3:16 PM

https://www.luatkhoa.com/2023/08/dao-luat-khien-facebook-chan-chia-se-tin-tuc-tai-canada-viet-nam-co-dang-hoc-theo/?ref=luat-khoa-newsletter

 

Liệu có mở ra một hướng đi cho các nhà lập pháp Việt Nam?

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2023/08/ONA.jpg

Đồ họa: Tùy Phong/ Luật Khoa.

 

                                                                  *

 

 

Đạo luật Tin tức trực tuyến (Online News Act, trước đây thường được gọi là Dự luật C-18) là một trong những chủ đề gây tranh cãi và bàn tán nhất ở Canada trong suốt nhiều tháng qua. Nhiều học giả ghi nhận đây sẽ là một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến thói quen tiếp nhận, xử lý, và thảo luận tin tức của người dân Canada. 

 

Không chỉ vậy, văn bản này cũng có thể tạo ra một làn sóng mới trong việc kiểm soát thông tin ở các phương tiện truyền thông Internet trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, dù có thể sẽ có nhiều diễn giải không chính xác về nó.

 

Trong bài viết này, người viết mong muốn giúp độc giả Luật Khoa hiểu sơ lược các vấn đề như: (1) phạm vi và mục tiêu trên danh nghĩa của Đạo luật Tin tức trực tuyến; (2) cách lý giải ủng hộ lẫn phản đối đạo luật; và (3) viễn cảnh tại Việt Nam. 

 

 

Hiểu về Đạo luật Tin tức trực tuyến

 

Đạo luật Tin tức trực tuyến của Canada, cũng như hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật khác, không dễ để diễn giải một cách đầy đủ và toàn diện cho hệ thống. [1]

 

Tuy vậy trong bối cảnh bài viết, người viết có thể chia ra hai “phe” mà đạo luật này tạo nên (ngoại trừ sự hiện diện đương nhiên của cơ quan nhà nước Canada). Trong đó, chúng ta có: 

 

1.    Các trung gian tin tức số (tạm dịch từ khái niệm digital news intermediary) bao gồm bất kỳ nền tảng truyền thông trực tuyến nào, kể cả các công cụ tìm kiếm (như Google) hay dịch vụ mạng xã hội (như Facebook, Instagram, YouTube, v.v.);

 

2.    Các chủ thể kinh doanh tin tức (news business) quản lý các cơ quan tin tức (news outlet) vận hành chủ yếu hay có hoạt động truyền thông tại Canada. 

 

Hai “phe” này được yêu cầu thỏa thuận với nhau các khoản bồi hoàn hợp lý. Việc bồi hoàn đến từ việc những trung gian tin tức số đã dùng nền tảng của mình nhằm chia sẻ và hiển thị các thông tin, tin tức, và các sản phẩm liên quan (âm thanh, hình ảnh hay chữ viết) mà các cơ quan tin tức tạo lập nên. 

 

Hiển nhiên trong thực tế thì các quy định phức tạp hơn như thế nhiều. Ví dụ quá trình “thỏa thuận” giữa các bên bao gồm cả việc (1) thương lượng (bargaining sessions), (2) hòa giải (mediation sessions), lẫn (3) đề nghị cuối cùng trước tòa trọng tài (final offer arbitration). Hoạt động thỏa thuận kế cận sẽ được bắt đầu nếu bước trước đó không thành công.

Ngoài ra, những thỏa thuận và tranh chấp liên quan đều có thể được tiến hành đơn lẻ hay theo tập thể. 

 

Về cơ bản, đạo luật ủng hộ các diễn ngôn phổ biến cho rằng doanh thu giảm sút của hệ thống báo chí truyền thống (cả từ quảng cáo, bán báo giấy, và việc đăng ký thành viên của độc giả) là hệ quả trực tiếp từ sự phát triển của quảng cáo kỹ thuật số cũng như sự thống trị của các nền tảng như Google, Facebook, hay Tiktok. 

 

Điều này diễn ra như sau: Các nền tảng mạng đưa liên kết, hình ảnh, và nội dung từ các sản phẩm sáng tạo của báo chí lên nền tảng của mình. Bằng cách này họ đã và đang tự do sử dụng nội dung đó để thu hút độc giả đến với nền tảng của mình. Điều này đồng thời đẩy độc giả khỏi hệ thống báo chí truyền thống. Khi độc giả đã rời đi, các nhà quảng cáo cũng vậy.

 

Nói cách khác, đạo luật này là nỗ lực của chính phủ Canada trong việc giải quyết khủng hoảng tài chính và khủng hoảng truyền thông truyền thống khi mà các nền tảng báo chí quốc gia gần như kiệt quệ với số lượng người theo dõi giảm xuống kỷ lục (điều này cũng đang xảy ra trên toàn thế giới). [2] Nỗ lực pháp lý này nhấn mạnh vào khía cạnh tài chính và yêu cầu các công ty vận hành những nền tảng được xác định là trung gian tin tức số phải trả tiền cho mọi nội dung và nguồn tin được chia sẻ hay hiển thị trên nền tảng của họ.

 

 

Vấn đề đặt ra là gì?

 

Trước tiên, các nền tảng mạng đối mặt với gánh nặng tài chính có thể thấy đây là một vấn đề khổng lồ. Các nền tảng mạng xã hội, công cụ tìm kiếm nói chung đều không bằng lòng với cách tiếp cận của đạo luật. Tuy nhiên, họ chủ yếu “lái” thảo luận sang những vấn đề khác, mà tự do ngôn luận là một ví dụ cụ thể.

 

Meta - công ty sở hữu các nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới như Facebook, Instagram, WhatsApp - khẳng định công ty không đạt được lợi ích gì cụ thể từ việc người dùng chia sẻ nội dung tin tức của các tờ báo. [3] Ngược lại, Meta cho rằng các cơ quan báo chí và người dùng tự lựa chọn việc đưa tin trên nền tảng mạng vì hai nhóm này đều nhận lại những lợi ích cụ thể mà họ nhắm tới. 

 

Meta lập luận rằng nền tảng của công ty đang tạo ra cơ hội lớn cho các nhà xuất bản, cơ quan truyền thông mới lập. Công ty dẫn chứng có 1,9 tỷ lượt đăng ký theo dõi các tờ báo mới lập ở Canada trong giai đoạn 2021-2022 đến từ người dùng Facebook, với giá trị quảng bá và tiếp thị miễn phí được ước tính hơn 230 triệu Mỹ kim.

 

Gã khổng lồ mạng xã hội này cũng cho rằng dù với những con số lớn như vậy, số người lên Facebook để đọc báo hay tiếp nhận tin tức chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Tỷ lệ nội dung là thông tin báo chí được chia sẻ chỉ ở mức 3%, không đáng kể so với số lượng nội dung là thông tin hay hình ảnh cá nhân, những bài đăng liên quan đến bạn bè, gia đình, cũng như các kết nối có giá trị xã hội - văn hóa khác. 

 

Google cũng có quan điểm tương tự. 

 

Các thông tin và chương trình vận động người dân để phản đối Online News Act của Canada chỉ ra rằng không ai “lướt” trình tìm kiếm Google như thể nền tảng này có bất kỳ sản phẩm cụ thể nào để níu chân độc giả. [4]

 

Người dùng chỉ nhớ đến Google khi họ cần tìm cụ thể một thông tin nào đó nhưng không có sẵn tên một tờ báo trong đầu. Với vai trò đặc trưng này, Google cho biết chính họ là nền tảng dẫn người dùng đến hàng loạt các trang tin tức mới với con số 24 tỷ lượt mỗi tháng. 

 

Họ cũng lập luận rằng 80% người dân Canada dựa vào nhiều nền tảng khác nhau để biết thêm tin tức, từ các ứng dụng chuyên dụng của báo chí, TV, các trang web, mạng xã hội, đến các sản phẩm in ấn, hay newsletter, v.v. Từ đó, Google ám chỉ rằng tự thân nền tảng của họ không “cướp” bất kỳ người dùng nào từ báo chí truyền thống. Vấn đề ở chỗ thói quen người dùng thay đổi và các tờ báo Canada nhận được sự hỗ trợ từ Google để bắt sóng và làm quen với sự thay đổi đó. 

 

 

Hệ quả cho xu hướng lập pháp ở Việt Nam

 

Tuy nhiên, dù có lập luận như thế nào đi chăng nữa thì lợi ích tài chính và sự phức tạp pháp lý đã dẫn đến việc cả Meta lẫn Google đều nhất quyết loại trừ mọi đường link báo chí Canada trên nền tảng của mình - từ đó từ chối thỏa thiệp hay chi trả những khoản phí cho các cơ quan báo chí nước này. [5] [6]

 

Văn phòng Tác quyền Hoa Kỳ từng chia sẻ về sự xuất hiện của các nền tảng như Facebook hay Google sẽ làm suy yếu nền tảng và sức mạnh tài chính của cơ quan báo chí nói chung: 

 

“Các nhà tiếp thị đã và đang tiếp tục theo chân các công ty công nghệ, chuyển ngân sách quảng cáo của mình từ báo chí in và báo chí địa phương sang hệ thống tiếp thị Internet để có thể tiếp cận lượng người dùng lớn hơn và dễ định vị hơn. Kết quả là, khi mà doanh thu quảng cáo - tiếp thị tăng trưởng đều đặn, hơn một nửa số tiền rơi vào túi của hai công ty: Facebook và Google.” [7]

 

Vì lý do này, việc đưa ra các giải pháp pháp lý nhằm cân đối lại doanh thu hay thậm chí là thách thức vai trò “độc quyền” tạm thời của các nền tảng công nghệ của chính phủ Canada không phải là một ý tưởng tồi. 

 

Mặc dù vậy, theo người viết thì bên trong đó cũng còn có nhiều khúc mắc.

 

Đầu tiên là về tính độc lập của báo chí nói chung với các nền tảng công nghệ. 

 

Cho đến nay, việc không lệ thuộc vào hầu bao của các ông lớn công nghệ tạo cho các cơ quan báo chí một vị trí độc lập nhất định. Đúng là mọi thứ có hơi chật vật, song báo chí quốc tế vẫn đang thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thế độc quyền của những nền tảng này một cách khá hiệu quả. 

 

Tuy nhiên, trong một tương lai nơi mà báo chí có thể thỏa hiệp với các nền tảng công nghệ về số tiền mà họ nhận được cho số lượng tin tức được chia sẻ, liệu sự độc lập này có còn tồn tại? 

 

Vấn đề thứ hai là tại nhiều quốc gia như Việt Nam, mong muốn lập pháp nhằm loại trừ không gian thảo luận tin tức công cộng trên mạng xã hội đã có từ lâu. 

 

Cho đến nay, nỗ lực phân loại thế nào là cơ quan báo chí; thế nào là “trang thông tin điện tử tổng hợp”; làm thế nào để quản lý theo diện truyền thông những tài khoản cá nhân có đủ 10.000 người theo dõi; hay như Quyết định 1418/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây cảnh báo và cố gắng ngăn chặn hiện tượng “báo hóa tạp chí”, “báo hóa mạng xã hội”; v.v. là những ý tưởng lập pháp cho thấy rõ mong muốn này của cơ quan quản lý tại Việt Nam.

 

Dù chính quyền Canada nhắm vào câu chuyện tài chính (và thậm chí là có lý dù nhìn từ góc độ quyền lợi kinh tế và chống độc quyền), cách phản ứng của Meta và Google (loại bỏ toàn bộ bài đăng, bình luận, hiển thị có liên quan đến các đường dẫn tin tức khỏi nền tảng) là cách phản ứng mà có thể các nhà quản lý tại Việt Nam đang vô cùng… kỳ vọng. 

 

Không chỉ buộc người dùng phải rời khỏi không gian mạng xã hội; cách tiếp cận lập pháp này cũng có thể được sử dụng để loại trừ tương tác của bất kỳ cá nhân, tổ chức, hay tài khoản nói chung nào được “chỉ định” là đang đưa “tin tức”.

 

Theo một số nguồn thông tin chưa được kiểm chứng, đạo luật này của Canada đang được các nhà lập pháp, quản lý ở Việt Nam theo dõi sát sao để học tập.

 

---------------

Chú thích

 

1. Government Bill (House of Commons) C-18 (44-1) - Royal Assent - Online News Act - Parliament of Canada. (n.d.). https://www.parl.ca/DocumentViewer/en/44-1/bill/C-18/royal-assent

 

2. Ariel Katz. (2023). Sedating Democracy’s Watchdogs: Critical reflections on Canada’s proposed Online News Act. Columbia Journal of Law and the Arts, 46(3). https://doi.org/10.52214/jla.v46i3.11234

 

3. Meta. (2023, May 8). Meta’s position on Canada’s Online News Act. Meta. https://about.fb.com/news/2023/05/metas-position-on-canadas-online-news-act/

 

4. Sabrina Geremia. (2022, May 16). Our concerns with Bill C-18, the Online News Act. Google. https://blog.google/intl/en-ca/our-concerns-with-bill-c-18-the-online-news-act/

 

5. News regulations. (2023, July 18). Transparency Center. https://transparency.fb.com/policies/other-policies/news-regulations

 

6. Kristi Hines. (2023, June 30). Google Removes Canada News Links In Response To Online News Act, Bill C-18. Search Engine Journal. https://www.searchenginejournal.com/google-removes-canada-news-links-bill-c-18/490482/

 

7. Josh Simons & Dipayan Ghosh. (2020, August). Utilities for Democracy: Why and How the Algorithmic Infrastructure of Facebook and Google Must Be Regulated. BROOKINGS INSTITUTION. https://www.brookings.edu/research/utilities-for-democracy-why-and-how-the-algorithmic-infrastructure-of-facebook-and-google-%20must-be-regulated

 

=====================================

XEM THÊM

 

Đạo luật xương sống của Internet - Kỳ 1: Hỗn mang và sự ra đời của “Section 230”

“Tấm khiên và thanh kiếm” để tạo lập và thúc đẩy tự do Internet.

Luật Khoa tạp chí   |   Y Chan

 

.

Mạng xã hội nội địa Việt Nam: 16 năm tham vọng “bơi” ra biển lớn

Nhiều dự án được mạnh miệng đặt mục tiêu khi ra mắt, rồi âm thầm rút lui sau một thời gian.

Luật Khoa tạp chí  |  Trọng Phụng

 

.

Big Tech kiểm duyệt và thị trường tự do

Vụ Big Tech cấm cửa Trump đặt phe bảo thủ vào một nan đề.

Luật Khoa tạp chí   |   Huỳnh Minh Triết

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats