Friday, 18 August 2023

ĐẠI ÁN VIỆT Á CHUẨN BỊ KHÉP LẠI MÀ KHÔNG RÕ AI LÀ KẺ CHỦ MƯU (Hà Nguyên / Việt Nam Thời Báo)

 



Đại án Việt Á chuẩn bị khép lại mà không rõ ai là kẻ chủ mư

Hà Nguyên  -  VNTB

19.08.2023 1:22

https://vietnamthoibao.org/vntb-dai-an-viet-a-chuan-bi-khep-lai-ma-khong-ro-ai-la-ke-chu-muu/

 

(VNTB) – Vụ án kit-test Việt Á đã được chia làm nhiều vụ án nhỏ, và bắt đầu ‘xử rai rai’ ở nhiều địa phương.

 

Vụ án kit-test Việt Á đã được chia làm nhiều vụ án nhỏ, và bắt đầu ‘xử rai rai’ ở nhiều địa phương. Chính lẽ này nên “tổng đạo diễn” cho thương vụ làm ăn đây là ai vẫn còn bí ẩn.

 

Bí ẩn này có lẽ còn được sự dàn xếp đằng sau hậu trường, vì mới đây người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã không che giấu việc can thiệp công khai vào quyền xét xử của cơ quan tố tụng, khi bày tỏ ý định “tuyên” những nhóm nào “trọng tội” – “có tội nhưng tha bổng”; và vẫn lãng trách đề cập đồn đoán có phải “trùm cuối” vụ án này liên quan đến gia thế của cựu Thủ tướng, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc?

 

Đến nay, các cơ quan tố tụng đã khởi tố 111 người trong “chùm” 33 vụ án liên quan Công ty Việt Á. Trong số này có 3 nguyên Ủy viên Trung ương là cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng cùng hàng loạt lãnh đạo cấp sở, nhân viên y tế tại nhiều địa phương.

 

Kết quả điều tra ban đầu xác định, nhằm thu lợi bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào của kit test Covid-19. Trong doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, Việt Á chi “hoa hồng” lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng.

 

Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nói rằng “chủ trương nghiêm khắc nhưng nhân văn” trong vụ đại án tham nhũng Việt Á đã được vận dụng khi xét xử cựu phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh hồi tháng 7 năm nay.

 

Trưa ngày 27-7-2023, ông Phạm Văn Thành, cựu phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, bị phạt ba năm tù treo vì thiếu trách nhiệm khi mua sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Việt Á.

 

Cùng tội danh, ông Nguyễn Văn Bình, cựu phó chủ tịch UBND thị xã Đông Triều bị phạt 24 tháng trù treo; Nguyễn Thị Thanh Hảo, Trưởng phòng tài chính – kế toán thị xã Đông Triều 30 tháng tù treo; Nguyễn Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều 24 tháng tù treo và Nguyễn Thành Định, cựu phó giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều 30 tháng tù treo.

 

Theo cáo trạng, cuối tháng 1-2021 khi Covid-19 lây lan khó kiểm soát, ông Thành khi đó là Bí thư kiêm Chủ tịch UBND thị xã được phân công làm Trưởng ban chống dịch. Ông Thành đã liên hệ với Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, mua vật tư sinh phẩm xét nghiệm.

 

Ông Thành được Việt cho biết, mẫu ống mẫu bệnh phẩm cần một kit tách chiết, một kít xét nghiệm và 10% tiêu hao. Do thời điểm đó, Sở Y tế chưa có hướng dẫn về định mức tiêu hao sinh phẩm xét nghiệm, ông Thành khai tin tưởng đây là phương án hiệu quả nhất để dập dịch nhanh chóng. Do vậy, ông thống nhất với Việt sẽ mua vật tư, sinh phẩm của công ty Việt Á rồi địa phương tìm nguồn thanh toán sau.

 

Sau đó, Việt Á đã chuyển cho thị xã Đông Triều 35.345 bộ xét nghiệm Covid-19, đơn giá là 630.000 đồng/bộ, tổng trị giá hơn 22,2 tỷ đồng. Từ tháng 4 đến tháng 7-2021, ông Thành cùng cấp dưới đã thực hiện không đúng quy trình nghiệm thu, thanh toán số lượng kit xét nghiệm, kit tách chiết cho Công ty Việt Á.

 

Các bị cáo cũng bỏ qua bước đối chiếu việc giao nhận sinh phẩm xét nghiệm với bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển (là đơn vị trực tiếp nhận số vật tư để xét nghiệm cho tất cả mẫu của thị xã Đông Triều), theo khoản 3 Điều 6 Luật kế toán. Đến tháng 7-2021, thị xã Đông Triều đã thành toán cho Việt Á hơn 18 tỷ đồng (tương ứng với 70% hợp đồng).

 

Nhà chức trách cáo buộc, ông Thành và các bị can đã ký tài liệu, thủ tục và hoàn tất việc thanh toán cho Công ty Việt Á tăng vượt 16.539 kit xét nghiệm và 16.548 kit tách chiết. Việc này bị cáo buộc gây thiệt hại gần 7,3 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

 

Ông Thành bị cho rằng thiếu kiểm tra, giám sát do tin tưởng các thông tin không xác thực và số liệu do Việt Á đưa ra. Ông không chỉ đạo cấp dưới thu thập, đối chiếu triệt để xác thực với đơn vị có liên quan… Ông bị cáo buộc chưa thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao (theo khoản 7 Điều 29 Luật tổ chức chính quyền địa phương); tổ chức sử dụng ngân sách không có hiệu quả (khoản 3 Điều 6 Luật Kế toán).

 

Cuối tháng 12-2021, khi biết CDC Hải Dương bị Bộ Công an xử lý vì liên quan Công ty Việt Á, bị cáo Thành, Bình đã chủ động huy động các doanh nghiệp hỗ trợ để bù loại toàn bộ số tiền hơn 18 tỷ đồng thị xã Đông Triều đã thanh toán cho Việt Á. Thời điểm mua sinh phẩm vật tư, ông Thành từ chối nhận 10% giá trị hợp đồng từ Việt Á và yêu cầu đối trừ thẳng vào giá…

 

Vụ án với mức tuyên “toàn treo” như nêu trên đã không làm rõ liệu có “tác động” nào từ các cấp lãnh đạo cao hơn như ở Ban phòng, chống Covid-19 quốc gia, đã tạo áp lực buộc những quan chức địa phương phải thực hiện theo mệnh lệnh thời chiến của “chống dịch như chống giặc”?

 

--------------------------

Tin Bài Liên Quan:

1.    VNTB – Ai chống lưng cho Việt Á?

2.    VNTB – Cò kè bớt một thêm hai…

3.    VNTB – 10 đại án tham nhũng sẽ hầu tòa trong Nhâm Dần 2022

4.    VNTB – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hối thúc xét xử vụ Việt Á, AIC





No comments:

Post a Comment

View My Stats