Tuesday, 11 April 2023

THÚC ĐẨY CÁC QUYỀN TỰ DO DÂN CHỦ (Ngô Nhân Dụng)

 



Thúc đẩy các quyền tự do dân chủ

Ngô Nhân Dụng

10/04/2023

https://www.voatiengviet.com/a/thuc-day-cac-quyen-tu-do-dan-chu-/7043720.html

 

Hiện nay chỉ có 20% loài người sống trong các chế độ “tự do” thật sự, 41% dưới các chế độ “hơi tự do” (Partly Free), còn 39% vẫn phải sống “không tự do” (Not Free).

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-fa1b-08db36180418_w1023_r1_s.jpg

Khi đánh Ukraine, Putin nghĩ rằng sẽ nhanh chóng đè bẹp nước láng giềng về quân sự. Nhưng ông ta vô tình khơi động một trận tuyến chính trị.

 

Người ta hay chỉ trích một xã hội sống dân chủ thường sinh ra chia rẽ, có khi hỗn độn. Bởi vì mọi người được tự do bày tỏ những ý kiến khác nhau, có khi mâu thuẫn nhau. Trước đây 40 năm, lâu lâu báo chí loan tin các đại biểu quốc hội ở Đài Loan cãi nhau mãi không đủ, đã thượng cẳng chân hạ cẳng tay! Nhưng các trận ẩu đả này xảy ra lúc đó cũng vì Đài Loan chưa thực sự tự do dân chủ; bầu cử chỉ là hình thức, Quốc Dân Đảng hoàn toàn kiểm soát chính quyền. Từ khi dân được tự do thật sự, đảng đối lập hoạt động mạnh hơn, hai ba lần thay đổi chính quyền, quốc hội Đài Loan không ai dùng võ thuật nữa.

 

Dưới chế độ độc tài chuyên chế, các ý kiến khác với nhà nước đều bị bịt miệng. Không ai dám nói, vì sợ. Những người nói ý kiến mới lạ đều bị chặn không cho ứng cử, bướng quá bị bỏ tù. Cho nên trong quốc hội Cộng sản Trung Quốc không thấy ai cãi nhau, Cũng không đấm đá nhau, vì các bàn tay chỉ dùng để vỗ theo nhịp hoan hô các lãnh tụ.

 

Một lời phê phán khác là các quốc gia tự do dân chủ tự do khó đoàn kết với nhau được, vì chính phủ nào cũng chỉ muốn bảo vệ quyền lợi cho nước mình; không thì dân bị lật đổ. Nhất là khi có chiến tranh. Bởi vì không dân nước nào muốn chết thay người nước khác. Vì thế Đức Quốc Xã giả bộ hòa hoãn với nước Anh để tấn công Tiệp Khắc, rồi đánh Pháp.

 

Những lời lẽ phê bình trên đều đúng, nhưng chỉ đúng bên ngoài. Chế độ dân chủ dễ phơi bày tình trạng chia rẽ, nhưng khi cần thì người ta vẫn có thể đoàn kết, mà nhờ được tự do quyết định, đồng ý, hợp tình, nên mối đoàn kết chặt chẽ hơn.

 

Khi bị Vladimir Putin tấn công, dân cả nước Ukraine cùng quyết tâm chống cự. Người Ukraine chưa bao giờ đoàn kết với nhau như vậy. Khi các chính phủ Anh, Đức, Pháp, vân vân, quyết định giúp Ukraine, dân các nước đó cũng đồng lòng ủng hộ. Bởi vì họ thấy Putin đang đe dọa chính nước họ; một chế độ độc tài chuyên chế đang đe dọa nếp sống tự do dân chủ mà họ đang được hưởng.

 

Một thí dụ cụ thể: Putin tính dùng nguồn cung cấp khí đốt để đe dọa và chia rẽ đối thủ. Ngưng các ống dẫn khí đốt ngay trước mùa Đông lúc ai cũng cần sưởi ấm, Putin nghĩ dân các nước Âu châu sẽ bảo nhau ngưng, không chống lại Nga nữa. Không ngờ, kinh tế các nước đó vẫn đứng vững. Các nước dân chủ cho thấy khi cần họ vẫn biết bảo nhau, đoàn kết với nhau, đối phó mạnh mẽ, vì được dân ủng hộ. Nền kinh tế tự do có khả năng thích ứng trước các tình huống khó khăn; nhờ các nguồn tiếp liệu khác, và chính phủ trợ cấp tiền sưởi ấm cho dân. Cuối cùng, Putin chỉ tạo cơ hội cho các công ty dầu khí từ Mỹ và Trung Đông hốt bạc.


Hai canh bạc của Putin đều thất bại. Cả thế giới chứng kiến: trên chiến trường quân đội Nga chỉ là con cọp giấy; trên mặt trận kinh tế, món võ dầu, khí cũng vô dụng.

 

Khi đánh Ukraine, Putin nghĩ rằng sẽ nhanh chóng đè bẹp nước láng giềng về quân sự. Nhưng ông ta vô tình khơi động một trận tuyến chính trị. Vì muốn bảo vệ ý thức hệ tự do, dân chủ, các nước Âu Mỹ sẵn sàng gửi những vũ khí mới nhất đến giúp dân Ukraine. Những dân tộc đã quen sống trong tự do dân chủ đồng tình phải ngăn chặn làn sóng độc tài chuyên chế.

 

Trên thế giới, hai hình thái chính trị đối lập vẫn kình chống nhau từ thế kỷ trước. Chiến tranh Lạnh là một cuộc đối đầu, một bên là các nước muốn sống tự do dân chủ và theo kinh tế tư bản, bên kia là các nước cộng sản. Năm 1975 đánh dấu một cực điểm, khi phong trào cộng sản lên cao nhất, thành công từ Việt Nam đến Nicaragua, Afghanistan. Nhưng làn sóng bắt đầu đổi chiều ngược lại, năm 1989 các chế độ theo Liên Xô theo nhau sụp đổ. Từ đó, các dân tộc chọn thể chế tự do dân chủ nhiều hơn.

 

Từ năm 2006, làn sóng dân chủ lại thoái trào, theo các báo cáo hàng năm của tổ chức Freedom House, bắt đầu từ năm 1973. Dân chủ thoái trào, không phải chỉ vì các nước đã thay đổi thể chế, nhưng vì ngay trong các nước có hình thức dân chủ, người dân đã mất dần dần các quyền căn bản, tự do chính trị và tự do dân sự. Nhiều chế độ mang hình thức dân chủ, nhưng giảm bớt tự do.

 

Năm 2020 là một năm xấu nhất cho những người muốn sống tự do. Bệnh dịch COVID-19 tạo cơ hội cho chính quyền nhiều nước hạn chế hoặc tước bỏ quyền tự do hội họp, và cả quyền tự do phát biểu. Ở những nước độc tài như Trung Quốc, đảng Cộng sản khai thác mối lo bệnh dịch để thắt chặt quyền kiểm soát trên đời sống hàng ngày của dân chúng.

 

Sau năm 2020, cơn sóng tự do dân chủ bắt đầu quay ngược lại. Theo bản báo cáo mới nhất, nghiên cứu 195 quốc gia của Freedom House, cơn thoái trào tự do dân chủ có vẻ đang xuống tới đáy, chỗ thấp nhất, và có dấu hiệu sẽ đi lên, so với 20 năm trước. Mặc dù vẫn có 35 nước gia giới hạn các quyền tự do hơn, nhưng dân chúng 34 nước khác đã được hưởng nhiều quyền tự do dân sự và chính trị hơn..

 

Một lý do, theo bản báo cáo này, là chính các chế độ độc tài đã suy yếu. Vladimir Putin cho cả thế giới thấy đường lối độc quyền cai trị của ông ta làm cho nước Nga yếu hơn, về kinh tế cũng như quân sự. Tổng thống Jair Bolsonaro thất cử tại Brazil là một thí dụ cho thấy người dân muốn sống tự do hơn, nếu được bỏ phiếu chọn. Ngay đến Tập Cận Bình cũng phải xóa bỏ các chính sách đối phó với COVID-19 quá khắc nghiệt, thả cho dân Trung Quốc được qua lại, di chuyển, làm ăn dễ dàng hơn; sau khi dân chúng biểu tình ở Thượng Hải rồi lan qua nhiều thành phố. Tại Venezuela và Cuba, chính quyền cũng phải nhượng bộ khi dân biểu tình. Tại Iran, phụ nữ đã đứng lên khiến các giáo sĩ chuyên quyền phải lùi bước.

 

Tất cả cho thấy các chế độ độc tài chuyên chế không mạnh như họ vẫn tuyên truyền. Người dân bớt sợ hãi và không chịu cúi đầu khuất phục nữa.

 

Trong khi đó, tại nhiều nước từ châu Mỹ La Tinh đến châu Phi, dân được tự do bỏ phiếu chọn người cầm quyền. Không phải cuộc bầu cử nào cũng trong sạch, thẳng thắn, nhưng dân đang được tập luyện để sống dân chủ. Trong năm qua, dân Colombia đã dùng lá phiếu thay đổ chính phủ, từ phía hữu sang tả. Gustavo Petro, từng chỉ huy quân du kích chống chính quyền, đã đánh bại Rodolfo Hernández Suárez, ứng cử viên của đảng cầm quyền, một đảng bảo thủ đã cai trị từ hai thế kỷ trước. Thắng lợi của Gustavo Petro, đòi tự do, công bằng xã hội, chứng tỏ dân chúng có thể thay đổi đường lối quốc gia bằng lá phiếu của họ.


Hiện nay chỉ có 20% loài người sống trong các chế độ “tự do” thật sự, 41% dưới các chế độ “hơi tự do” (Partly Free), còn 39% vẫn phải sống “không tự do” (Not Free).

 

Làn sóng tự do dân chủ vẫn dâng lên, nhưng quá trình dân chủ hóa sẽ chậm chạp, đi từng bước một. Bước tiến quan trọng nhất là giành lấy quyền tự do phát biểu, tự do thông tin. Vượt qua được rào cản đó, người dân sẽ thúc đẩy tới các quyền dân chủ khác.

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats