Tuesday 11 April 2023

THẾ GIỚI HÔM NAY : 10/04/2023 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 10/04/2023

The Economnist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

10/04/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/04/10/the-gioi-hom-nay-10-04-2023/

 

Quân đội Trung Quốc bước vào ngày thứ hai tập trận mô phỏng tấn công vào Đài Loan. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng nhiều đơn vị đã thực hiện “mô phỏng các đòn tấn công phối hợp chính xác vào các mục tiêu chính.” Hôm thứ Bảy, Trung Quốc nhấn mạnh “các cuộc tuần tra sẵn sàng chiến đấu” kéo dài ba ngày nên được coi là “lời cảnh báo mạnh mẽ đối với các lực lượng ly khai đòi độc lập ở Đài Loan.” Thông báo được đưa ra vài ngày sau khi tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gặp Kevin McCarthy, chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, ở California. Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố đang theo dõi tình hình.

 

Quân đội Israel hôm Chủ nhật tuyên bố đã tấn công các mục tiêu bên trong Syria bằng pháo và máy bay không người lái. Đây là đòn đáp trả sau khi có tên lửa bắn trong đêm về phía Israel từ bên trong lãnh thổ Syria. Đã có leo thang bạo lực trong khu vực kể từ khi cảnh sát Israel đột kích nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa, địa điểm linh thiêng thứ ba của đạo Hồi, ở Jerusalem trong tuần này.

 

Trong khi đó, người Israel tiếp tục phản đối các đề xuất cải cách tư pháp của chính phủ, vốn đã gây ra biểu tình lớn trong nhiều tháng. Vào thứ Bảy, hàng chục nghìn người biểu tình đã xuống đường ở Tel Aviv, dù trước đó một ngày có sự việc ô tô lao vào khách du lịch khiến một người đàn ông thiệt mạng và làm bị thương một số người khác. Hôm thứ Sáu, hai chị em người Israel gốc Anh đã bị bắn chết ở Bờ Tây.

 

Hãng xe điện Tesla thông báo xây dựng một nhà máy sản xuất pin mới ở Thượng Hải – nhà máy thứ hai trong thành phố này. Khởi công vào cuối năm 2023, đây sẽ là nơi sản xuất pin lithium-ion quy mô lớn của Tesla. Khoản đầu tư mới của công ty Mỹ vào Trung Quốc đến giữa lúc căng thẳng leo thang giữa hai nước.

 

Hai tòa nhà chung cư đã đổ sập sau một vụ nổ chưa rõ nguyên nhân ở Marseille, thành phố miền nam nước Pháp. Được biết có một đám cháy ngay sau đó, làm công tác cứu hộ thêm khó khăn. Nhà chức trách nói có tới 10 người có thể bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gửi lời chia buồn đến người dân Marseille.

 

Một phái đoàn Arab Saudi-Oman đã tới thủ đô Sana’a của Yemen để đàm phán ngừng bắn vĩnh viễn với giới lãnh đạo Houthi, theo Reuters. Cuộc nội chiến tàn khốc trong 8 năm qua của Yemen đã đẩy Houthi, một nhóm chiến binh lên tiếm quyền của chính phủ do người Saudi hậu thuẫn vào năm 2015, vào vòng tay của Iran. Ả Rập Saudi và Iran từ lâu có hiềm khích, nhưng hồi tháng trước Trung Quốc đã làm trung gian để giúp hai bên nối lại quan hệ.

 

Con số trong ngày: 150, là ước tính số quốc gia nơi Trung Quốc có tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo Sáng kiến Vành đai và Con đường.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Tròn 25 năm ngày ký Thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh

Thứ Hai là kỷ niệm 25 năm ngày ký Thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh, vốn được ký vào năm 1998 nhằm chấm dứt bạo lực phe phái ở Bắc Ireland. Trong ba thập niên trước đó có khoảng 3.500 người đã thiệt mạng. Nếu bạo lực vẫn giữ nguyên ở tỉ lệ đó, sẽ có khoảng 3.000 người nữa chết trong 25 năm qua ở Bắc Ireland.

 

Nhiều quan chức quốc tế sẽ bay đến Belfast, thủ đô Bắc Ireland, để kỷ niệm ngày này. Họ bao gồm tổng thống Joe Biden (Mỹ là trung gian của thỏa thuận). Dù hòa bình do thoả thuận tạo dựng vẫn ổn định ít nhiều, bản thân nó đã bị phá vỡ. Chính phủ chia sẻ quyền lực do thoả thuận tạo ra đã không hoạt động trong hơn một năm qua vì bị các đảng thân Anh đình chỉ để phản đối thỏa thuận thương mại Brexit. Từ năm 1999 đến năm 2022, chính phủ được ủy quyền không hoạt động tới 37% thời gian.

 

Sự rối loạn chức năng đó gây ra nhiều hậu quả, trong đó có sự sụp đổ của dịch vụ y tế. Người Bắc Ireland biết ơn vì 25 năm hòa bình. Nhưng khi năm tháng trôi qua, họ cần nhiều hơn là chỉ hoà bình.

 

IMF và WB họp thường niên

Các cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới sẽ bắt đầu tại Washington, DC, vào thứ Hai. Bên cạnh cuộc chiến ở Ukraine và Covid-19, sự kiện năm nay còn bận tâm đến một vấn đề khác: làm thế nào để huy động tiền giúp các nước nghèo ứng phó biến đổi khí hậu.

 

Một ý tưởng là “sáng kiến Bridgetown,” được đưa ra bởi Mia Mottley, thủ tướng của Barbados. Nó đề nghị cho phép các ngân hàng phát triển đa phương thực hiện các khoản vay rủi ro hơn, bao gồm tăng chuyển tiền đến các nước dễ bị tổn thương nhất trước các thảm họa như bão hay lũ lụt. Sáng kiến này cũng đề xuất thành lập “Quỹ Ủy thác Giảm thiểu Khí hậu Toàn cầu,” được tài trợ một phần bằng 500 tỷ SDR, một loại tiền tệ do IMF phát hành. Nhưng một số nhà kinh tế lo ngại về việc in thêm tiền khi lạm phát đang cao.

Nhưng có một số thay đổi tiềm năng. Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra rằng họ có thể hạ thấp tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên vốn vay (dù chỉ là 1 điểm phần trăm). Bấy nhiêu là không đủ để làm hài lòng những người kêu gọi tái xây dựng cấu trúc tài chính thế giới để ứng phó với nhiệt độ tăng.

 

Đảng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ bị cấm

Các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP), đảng chính của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, là vào khoảng 10%. Song họ có thể đóng một vai trò lớn trong cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống của đất nước vào ngày 14 tháng 5 — ngay cả khi đảng này không thể tồn tại đến lúc đó.

 

Tòa án hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét một vụ kiện, do các công tố viên nhà nước đệ trình, có thể dẫn đến việc giải tán HDP vì cáo buộc có liên hệ với lực lượng vũ trang ly khai người Kurd. Vụ án — phiên điều trần tiếp theo dự kiến diễn ra vào thứ Ba — cũng có thể khiến cho hàng trăm thành viên lãnh đạo của đảng bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm.

Nhưng HDP vẫn quyết tâm. Gần đây, để phòng trường hợp bị cấm, họ đã quyết định ra tranh cử trong cuộc bầu cử quốc hội dưới ngọn cờ của đảng Cánh tả Xanh. Và HDP dự kiến sẽ tán thành Kemal Kilicdaroglu, ứng viên đối lập chính cho chức tổng thống. Bấy nhiêu có thể là đủ để lật đổ người đương nhiệm, Recep Tayyip Erdogan. Cho dù có cấm được HDP, ông Erodgan cũng không thể loại bỏ các cử tri của họ.

 

Công ty đường sắt Amtrak có phó chủ tịch mới

Vào thứ Hai này Andy Byford, một giám đốc điều hành giao thông công cộng nổi tiếng người Anh, sẽ nhậm chức phó chủ tịch cấp cao của Amtrak, hệ thống đường sắt chở khách của Mỹ. Ông Byford từng điều hành hệ thống tàu điện ngầm của thành phố New York, cho đến khi từ chức vào đầu năm 2020 vì bất hòa với thống đốc Andrew Cuomo. Ông đã cải thiện đáng kể độ tin cậy của tàu điện ngầm, và nhiều người bắt đầu đặt cho ông biệt danh “Ông bố tàu điện.” Vào ngày làm việc cuối cùng của ông ở đó, hàng chục người, trong đó có một người thổi kèn túi, đã đeo khẩu trang và lên tàu ngồi cùng ông.

 

Nhưng ông sẽ gặp nhiều khó khăn để có thành công tương tự trong vị trí mới. Tại Amtrak, ông Byford có trách nhiệm phát triển một mạng lưới tàu cao tốc liên thành phố, điều đòi hỏi ông phải đấu tranh với các công ty tàu chở hàng, công đoàn đường sắt và chính trị lộn xộn của Washington, DC. Nhưng với nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden, người được gọi là “Joe Amtrak” vì thường xuyên đi tàu, và những khoản tiền khổng lồ sẵn có để đầu tư, lúc này chính là thời cơ hiếm có.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats