Saturday, 15 April 2023

TẠI HÀ NỘI, NGOẠI TRƯỞNG MỸ TRẢ LỜI CÂU HỎI LIÊN QUAN TỚI PHÓNG SỰ ĐIỀU TRA CỦA VOA (VOA Tiếng Việt)

 



Tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ trả lời câu hỏi liên quan tới phóng sự điều tra của VOA

VOA Tiếng Việt

15/04/2023

https://www.voatiengviet.com/a/tai-ha-noi-ngoai-truong-my-tra-loi-cau-hoi-lien-quan-toi-phong-su-dieu-tra-cua-voa/7051945.html

 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 15 tháng 4 nói ông “không hay biết” về những vụ trục xuất công dân Nga phản đối chiến tranh ở Ukraine mà Việt Nam đã tìm cách thực hiện, nhưng cho biết ông đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo Việt Nam về “sự gây hấn của Nga” trong các cuộc hội kiến tại Hà Nội trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông tới nước này.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-0aa9-08db3da1f23b_cx0_cy3_cw0_w1023_r1_s.jpg

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trả lời câu hỏi của phóng viên tại một cuộc họp báo tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 15 tháng 4 năm 2023.

 

Câu hỏi được đưa ra cho ông Blinken tại cuộc họp báo ở Đại sứ quán Mỹ khi một phóng viên từ đoàn phóng viên tháp tùng ông đến Việt Nam hỏi về phóng sự điều tra mà VOA Tiếng Việt đăng tải vào thứ Bảy tuần trước. Bài báo tiết lộ ít nhất ba vụ việc xảy ra tại Việt Nam vào năm ngoái và đầu năm nay mà trong đó các kiều dân Nga cư trú tại nước này bị các cơ quan đại diện ngoại giao của Nga yêu cầu trục xuất vì họ phản đối cuộc xâm lược của nước họ nhắm vào Ukraine hoặc chỉ trích chính phủ Nga.

 

XEM THÊM:

Nga mượn tay Việt Nam đàn áp kiều dân phản đối chiến tranh ở Ukraine

 

Những vụ việc này nêu bật mức độ quyết liệt của nỗ lực mà Điện Kremlin thực hiện nhằm bóp nghẹt những biểu hiện phản đối chiến tranh của một số công dân Nga ngay cả khi họ đang ở ngoài nước. Nó cũng cho thấy sự hợp tác của Việt Nam trong việc thực thi ý chí chính trị của Nga trên lãnh thổ của mình và bằng lực lượng chấp pháp của mình, khơi ra những câu hỏi về cách thức mà Việt Nam áp dụng luật pháp để giải quyết những trường hợp này cũng như sự tôn trọng các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

 

“Tôi không hay biết về những vụ trục xuất mà anh nhắc tới,” ông Blinken nói sau loạt câu hỏi của nhà báo John Hudson của báo The Washington Post trong đó có câu hỏi đề cập tới những trường hợp người Nga này mà VOA đưa tin đầu tiên, trước khi xác nhận ông và các nhà lãnh đạo Việt Nam “có bàn về Ukraine và về sự gây hấn của Nga ở Ukraine.”

 

Ông nói Mỹ hiểu và công nhận rằng Việt Nam có lịch sử và quan hệ lâu dài với Nga, nhưng đồng thời ông cũng nghe phía Việt Nam tuyên bố “rõ ràng” quan điểm của họ về việc tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, điều mà ông nói Nga đã vi phạm bằng cuộc xâm lược mà nước này đang tiến hành nhắm vào nước láng giềng.

 

“Tôi đã nghe rõ ràng từ những người đối thoại phía Việt Nam và tôi đã nghe họ tuyên bố công khai cam kết của họ và việc họ đề cao những nguyên tắc cơ bản vốn cũng đang bị đe dọa bởi sự gây hấn của Nga, các nguyên tắc cốt lõi của Hiến chương Liên Hợp Quốc là sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, độc lập,” ngoại trưởng Mỹ cho biết.

 

“Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ những điều đó. Họ đã thể hiện rõ ràng. Họ đã nói như vậy một cách công khai, và họ nhắc lại điều đó trong cuộc trò chuyện với chúng tôi ngày hôm nay.”

 

XEM THÊM:

Mỹ lên tiếng về phóng sự điều tra của VOA, chỉ trích Nga và nhắc nhở Việt Nam

 

Trước chuyến thăm của ông Blinken tới Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ trong một email hồi đáp yêu cầu bình luận của VOA về những trường hợp người Nga được nêu trong phóng sự điều tra, lên án các hành động của Nga ở Việt Nam là “đe dọa trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” và “không tương thích với sự tôn trọng nhân phẩm.”

 

“Hoa Kỳ kêu gọi tất cả các quốc gia mở cửa biên giới cho các cá nhân tìm kiếm sự bảo vệ quốc tế. Bộ đã và tiếp tục nhắc nhở các chính phủ tôn trọng nguyên tắc quốc tế là không hoàn trả người về nơi mà họ có thể bị tổn hại và các cam kết đối với Hiến chương Liên Hợp Quốc,” bộ nói, dường như nhắc tới việc nhà chức trách Việt Nam trục xuất hoặc có những biện pháp nhằm gây áp lực buộc những công dân Nga bị nhắm mục tiêu phải xuất cảnh.

Phía Việt Nam không nhắc đến việc thảo luận với Mỹ về vấn đề Ukraine trong các bản tin chính thức, chỉ nói rằng đôi bên “chia sẻ về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm,” theo báo Điện tử Chính phủ.

 

Kể từ khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra, Việt Nam nhiều lần nói rằng họ không đứng về bên nào trong cuộc chiến mà đứng về “công lý và lẽ phải.” Nhưng những hành động của Việt Nam, từ việc từ chối lên án cuộc xâm lược tại Liên Hợp Quốc cho tới việc tiếp tay cho Nga đàn áp những công dân Nga phản chiến, cho thấy khoảng cách giữa lời nói và hành động.

Riêng trong cách mà Việt Nam ứng phó với yêu cầu của Nga trục xuất công dân của chính họ, Việt Nam dường như đã lách những điều luật của chính mình bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người nước ngoài cư trú tại nước này, cũng như đi ngược lại các cam kết theo các điều ước quốc tế minh định trách nhiệm của các quốc gia thành viên trong việc bảo vệ những nhân quyền căn bản cho tất cả mọi người trên lãnh thổ của mình, theo các chuyên gia pháp lý.

 

XEM THÊM:

Nhận lệnh của Nga đàn áp kiều dân phản chiến, Việt Nam lách luật của chính mình và cam kết quốc tế

 

Chuyến thăm của ông Blinken tới Việt Nam diễn ra trong bối cảnh hai nước kỉ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện và giữa những bàn luận về việc nâng cấp mối quan hệ này lên thành đối tác chiến lược, một ưu tiên hàng đầu của Washington khi nước này tìm cách củng cố vị thế của mình ở vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trước một nước Trung Quốc ngày càng mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

 

Tại Hà Nội, ngoại trưởng Mỹ đã có các cuộc hội kiến với các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam như Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính, cũng như tham dự lễ động thổ khởi công xây dựng trụ sở mới của đại sứ quán Mỹ.





No comments:

Post a Comment

View My Stats