Wednesday, 19 April 2023

PHÉP LẠ KINH TẾ BRAZIL, CHÌA KHÓA ĐẶT TẠI TRUNG QUỐC (Thanh Hà / RFI)

 



Phép lạ kinh tế Brazil, chìa khóa đặt tại Trung Quốc  

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 18/04/2023 - 13:38

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20230418-ph%C3%A9p-l%E1%BA.....BA%A1i-trung-qu%E1%BB%91c

 

Cần hàng rẻ Trung Quốc để đưa 1/3 dân số Brazil thoát khỏi cảnh bần cùng, cần Trung Quốc để vực dậy kinh tế, cần khẳng định lại vị trí của Brasilia trong nhóm BRICS và trong toàn khối các quốc gia đang phát triển : đó là những động lực thúc đẩy tổng thống Brazil Lula da Silva đến Thượng Hải, Bắc Kinh trong chuyến công du hôm 13-14/04/2023. Chìa khóa thành công trong nhiệm kỳ tổng thống bốn năm của ông Lula đang phần nào được đặt tại Trung Quốc.

 

https://s.rfi.fr/media/display/1c8bc0c6-db83-11ed-851e-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/2023-04-14T124012Z_311168541_RC2BE0AV06RC_RTRMADP_3_CHINA-BRAZIL.webp

Tổng thống Brazil, Lula de Silva chứng kiến lễ ký kết hàng loạt hợp đồng với Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ảnh ngày 14/04/2023 © REUTERS / POOL

 

Dù chỉ dừng chân tại Trung Quốc trong vỏn vẹn 48 giờ đồng hồ, tổng thống Brazil đã dành thời gian tham quan trung tâm nghiên cứu của Hoa Vi tại Thượng Hải. Cũng tại thành phố này, phát biểu nhân lễ nhậm chức lãnh đạo Ngân Hàng Phát Triển Mới NDB (còn được gọi là ngân hàng phát triển của nhóm BRICS) của bà Dilma Rousseff, cựu tổng thống Brazil và là một đồng minh của mình, Luiz Inácio Lula da Silva đã kêu gọi cải tổ các định chế tài chính đa quốc gia như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới, những công cụ tài chính của phương Tây.

 

Cũng tổng thống Brazil, tuyên bố đã đến lúc cần « dẹp bỏ những quy tắc bất công để hướng tới mối quan hệ công bằng và cân bằng hơn », cần giải phóng các luồng giao thương trên thế giới « khỏi ách thống trị của đồng đô la (…) tại sao không thay thế đô la bằng nhân dân tệ » để thanh toán hóa đơn xuất nhập khẩu ?

 

Chỉ riêng về mặt kinh tế, những lời lẽ đó của ông Lula da Silva thực sự khiến Bắc Kinh hài lòng. Đó là chưa kể đến lập trường ngoại giao của lãnh đạo Brazil về chiến tranh Ukraina, về kế hoạch thành lập một khối G20 thứ nhì quy tụ 20 nền kinh tế đang trỗi dậy để giải quyết các xung đột trên thế giới. Ai cũng biết trong nhóm ấy Trung Quốc, Brazil và Nga là ba nước nặng ký nhất.

 

Trung Quốc, lực đẩy cho xuất khẩu và tăng trưởng

 

Tổng thống Lula lên cầm quyền trong bối cảnh kinh tế Brazil có khuynh hướng bị chựng lại -GDP sụt giảm 0,2 % trong quý tư 2022. Lạm phát hơn 10 % trong cả năm ngoái. Giá một ký gạo tăng 32 %, giá dầu ăn tăng gần 70 % trong vòng một năm do tác động chiến tranh Ukraina, giá xăng tăng 40 %. Cuối 2021 gần 1/3 dân số Brazil sống dưới ngưỡi nghèo khó và 19 triệu trên tổng số 215 triệu dân trong tình trạng thiếu hụt lương thực nghiêm trọng.

Luiz Inácio Lula da Silva đắc cử hồi năm ngoái với kết quả khá sít sao so với tổng thống mãn nhiệm là Jair Bolsonaro, nhờ cam kết cải thiện đời sống cho người dân. Nhưng làm thế nào để tăng mãi lực cho người dân nếu không có hàng rẻ của Trung Quốc, nếu như Trung Quốc không mua vào thêm nông phẩm, khoáng sản của Brazil, nếu như Bắc Kinh không đầu tư nhiều hơn vào nền kinh tế số 1 tại châu Mỹ Latinh này ?

 

Sau bốn năm một chính quyền cực hữu Bolsonaro tại Brasilia với chủ trương bảo hộ và coi Trung Quốc là « thù » hơn là « bạn », ông Lula đến Bắc Kinh với mục tiêu hàn gắn những rạn nứt với khách hàng quan trọng nhất của Brazil.

 

Là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều hơn là mua vào hàng « made in China », năm 2022 thặng dư mậu dịch của Brazil với Trung Quốc lên tới 29 tỷ đô la. Một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu hướng về thị trường Trung Quốc. Theo thống kê bộ Nông Nghiệp Brazil, 70 % xuất khẩu đậu tương trong năm 2022 là để bán sang Trung Quốc. Brazil là vựa ngũ cốc của Trung Quốc. Ngoài nông phẩm, Brazil còn là nguồn cung cấp thịt bò cho hơn 1,4 tỷ dân Trung Quốc và là một nguồn xuất khẩu dầu hỏa, khoáng sản cho công xưởng lớn nhất thế giới.

 

Không phải là Mỹ, mà Trung Quốc mới là bạn hàng lớn nhất của Brazil.

 

Lula đủ mạnh để mặc cả với Tập ?

 

Qua việc thúc đẩy mậu dịch với Trung Quốc, ông Lula còn muốn chinh phục thành phần cử tri -kể cả phe vẫn còn trung thành với chính quyền tiền nhiệm, về khả năng của ông đem lại thịnh vượng cho 215 triệu dân Brazil, về khả năng đem lại tăng trưởng để tài trợ các chương trình xã hội đầy tham vọng Lula đã từng thực hiện được trong hai nhiệm kỳ từ 2003-2011.

Thực ra tổng thống Lula cũng ý thức được rằng, trong mắt Bắc Kinh, Brazil là một đối tác có trọng lượng : dân Brazil sử dụng điện thoại di động Made in China, mua sắm từ ti vi tủ lạnh đến quần áo, mũ lưỡi trai  …. của Trung Quốc. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài quan trọng nhất vào Brazil đồng thời đất nước của ông Lula cũng là cổng vào châu Mỹ Latinh hấp dẫn nhất đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.

 

Hơn thế nữa Bắc Kinh đang chiêu dụ Brasilia tham gia dự án Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21 để đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho Brazil. Brazil có thể là một bãi đáp mới cho tập đoàn viễn thông Hoa Vi đang bị Hoa Kỳ đóng chặt cửa. Trung Quốc và Brazil đang chuẩn bị đúc kết một thỏa thuận cùng chế tạo vệ tinh quan sát ngay vùng từng được coi là sân sau của Hoa Kỳ.

 

Tất cả những yếu tố nói trên giải thích vì sao tổng thống Lula đã vội vã sang Trung Quốc chỉ hai tháng sau khi hội kiến tổng thống Mỹ Joe Biden. Đổi lại thì ông Tập Cận Bình cũng đã rất niềm nở với tổng thống Brazil.

 

Giao dịch bằng nhân dân tệ

 

Chính trong bối cảnh đó tháng 3/2023 Trung Quốc và Brazil đã ký một thỏa thuận đôi bên trực tiếp thanh toán các dịch vụ xuất nhập khẩu bằng nhân dân tệ và real, qua đó cả hai cùng sẽ bớt bị phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Lợi ích đầu tiên là doanh nghiệp hay nông gia của đôi bên đều sẽ tránh được những phí tổn tài chính khi cần đổi nhân dân tệ hay real sang đô la trước khi thanh toán cho đối phương. Song theo ghi nhận của kinh tế gia Alexandre Kateb, sáng lập viên cơ quan tư vấn Multipolarity Report cho rằng còn quá sớm để nói tới tiến trình phi đô la hóa và nhân dân tệ hóa các luồng giao thương giữa Brazil với Trung Quốc :

 

« Đây là một tiến trình dài hơi, không phải trong một sớm một chiều mà đồng nhân dân tệ Trung Quốc có thể thay thế đô la Mỹ. Nhưng Bắc Kinh muốn đơn vị tiền tệ Trung Quốc ngày càng chiếm một vị trí quan trọng hơn trong các khoản giao thương quốc tế. Trung Quốc muốn áp đặt đồng tiền của mình với phần còn lại trên thế giới, ban đầu là với các đối tác thương mại, các nước trong khu vực và từ đó cứ mở rộng thêm vai trò của nhân dân tệ, đẩy mạnh quy chế ‘quốc tế’ của đơn vị tiền tệ này. Cho đến nay, nhân dân tệ vẫn bị đô la và euro bỏ lại xa ở phía sau trong các khoản dự trữ ngoại tệ của các ngân hàng trên thế giới ».

 

Một câu hỏi đặt ra ở đây : hiện tại cán cân thương mại song phương nghiêng về phía Brazil, có nghĩa là Trung Quốc trong thế nhập siêu với quốc gia châu Mỹ Latinh này. Vậy trong trường hợp đôi bên thanh toán với nhau bằng đồng real của Brazil và nhân dân tệ Trung Quốc, thì Brasilia sẽ làm gì với khối nhân dân tệ mà các doan nghiệp Brazil thu về được ? Brazil liệu có thể dùng nhân dân tệ để mua hàng của Mỹ hay Canada, thậm chí là của Nga hay không ? Nói cách khác, không có chuyện 100 % giao thương giữa Trung Quốc và Brazil được tính bằng đơn vị của mỗi bên mà quên hẳn vai trò của đô la Mỹ và những đơn vị tiền tệ quốc tế khác.

 

Phi đô la hóa, một xu hướng chung

 

Dù vậy cựu đại sứ Pháp tại Matxcơva Jean de Gliniasty ghi nhận trên đài truyền hình France 24, ngày càng có nhiều quốc gia mà đứng đầu là Trung Quốc, muốn bớt lệ thuộc vào đô la Mỹ, nhất là sau kinh nghiệm của Nga hồi mùa xuân năm ngoái sau khi Matxcơva quyết định xâm chiếm Ukraina.

 

« Tôi cho rằng có một số quốc gia đang trỗi dậy muốn bớt bị lệ thuộc vào đô la Mỹ. Việc 300 tỷ đô la tài sản bằng ngoại tệ của Ngân Hàng Trung Ương Nga bị phong tỏa hồi mùa xuân năm ngoái là một cú sốc lớn đối với công luận. Một số quốc gia đề phòng nguy cơ họ cũng lâm vào cảnh tương tự. Do vậy trong lĩnh vực tiền tệ, có khuynh hướng thế giới ngày càng sử dụng nhiều ngoại tệ khác nhau để thanh toán và đương nhiên là nhằm giảm bớt vai trò của đô la, rồi trong một chừng mực nào đó là của cả đồng euro nữa ».

 

Như sáng lập viên công ty tư vấn Multipolarity Report, Alexandre Katek lưu ý : ngoài mục tiêu khởi động lại quan hệ thương mại và kinh tế với Trung Quốc trong chuyến thăm Thượng Hải và Bắc Kinh lần này, tổng thống Lula còn muốn khẳng định vai trò của Brazil không chỉ ở châu Mỹ Latinh, hay trong khối 5 nền kinh tế đang trỗi dậy -Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Brasilia còn nuôi tham vọng cùng với Bắc Kinh khẳng định là đầu tàu của « toàn khối các quốc gia phương nam -Global South » sau nhiệm kỳ 4 năm mờ nhạt của người tiền nhiệm Jair Bolsonaro.

 

« Điều đang từng bước hình thành là một liên minh về mặt chiến lược chung quanh khối BRICS. Brazil muốn tìm lại vị trí của mình trong nhóm này với tư cách vừa là một sứ giả, vừa là đại điện cho các nền kinh tế đang trỗi dậy. Brazil có quan hệ rất tốt với châu Phi. Riêng với Trung Quốc đừng quên rằng, Bắc Kinh mới là đối tác thương mại số 1 của Brasilia, chứ không phải là Mỹ. Một phần ba xuất khẩu của Brazil là hướng về thị trường Trung Quốc ».

 

Về phần nhà nghiên cứu Valdir de Silva Bezerra đại học Sao Paulo được Le Monde trích dẫn ghi nhận : tổng thống Lula sở dĩ mạnh mẽ cho rằng đã đến lúc cần hướng tới mối quan hệ « cân bằng » hơn, và « công bằng » hơn bởi ông biết rằng đến ngưỡng 2030, GDP của nhóm 5 nước BRICS tính theo thời giá « sẽ cao hơn 50 % GDP toàn cầu ». Hơn thế nữa vào lúc mà hai định chế tài chính đa quốc gia được lập nên từ sau Thế Chiến Thứ Hai đang bị suy yếu thì đây cũng là cơ hội để cho những tên tuổi khác nổi lên.

 

Alexandre Kateb phân tích về trọng lượng của NDB, ngân hàng phát triển trong nhóm BRICS hay AIIB Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á do Trung Quốc kiểm soát :  

 

« Đây có thể là những ngân hàng sẽ thay thế cho cả Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Hai định chế này tới nay do phương Tây kiểm soát. Ngân Hàng Phát Triển Mới NDB có điểm tựa là Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai toàn cầu. Bắc Kinh đủ sức để bảo đảm các nguồn tín dụng cho vay và đây là phương cách để chứng minh rằng Trung Quốc áp đặt một trật tự mới với thế giới-nhất là với các nước đang phát triển. Đây cũng là bước đầu hình thành một thế giới đa cực về mặt tiền tệ, để các nền kinh tế đang trỗi dậy bớt phụ thuộc vào đô la ». 

 

Vào lúc tổng thống Lula kêu gọi thành lập một « trục mới về thương mại với Trung Quốc » bớt phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ thì như ghi nhận của thông tín viên thường trực đài truyền hình Pháp tại Brasilia, Fanny Lothaire, đơn vị tiền tệ quốc gia càng mất giá, người dân Brazil lại càng chỉ tin tưởng vào đô la. Ở châu Mỹ Latinh, ngoài Brazil nhiều quốc gia khác như Chilê hay Achentina cũng muốn dùng đô la như đơn vị dự trữ.

 

Ngoài ra một phần dân chúng Brazil có nhiều mâu thuẫn. Chẳng hạn như tiền lương và trợ cấp thì không đủ sống nhưng lại rất thích sắm điện thoại di động và những vật dụng kết nối dù không cần thiết lắm. Chính ở điểm này tổng thống Lula được dân Brazil hoan hô với chủ trương đẩy mạnh giao thương hai chiều với bạn hàng Trung Quốc.

 

===============================

XEM THÊM

11/04/2023

Đối thoại kinh tế với Trung Quốc, thông điệp Liên Âu gửi tới Mỹ

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats