Wednesday, 5 April 2023

"ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC" KHÔNG THAY THẾ ĐƯỢC NỘI TRỊ . . . . (Tùng Lâm, RFA)

 



“Đối tác chiến lược” không thay thế được nội trị…

Bình luận của Vương Tùng Lâm
2023.04.04

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/strategic-partnership-cant-replace-domestic-governance-04042023111220.html

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại sẽ có dịp tuyên bố “mình phải có thế nào người ta mới thế chứ”. Ông Trọng đã được đón tiếp tại Nhà Trắng năm 2015. Nay, nay ngài Tổng bí thư hy vọng sẽ đi vào lịch sử với việc được bước vào Phòng Bầu dục lần thứ hai và tuyên bố nâng cấp quan hệ. Nhưng “Đối tác Chiến lược” với Mỹ không thay thế cho nội trị và hội nhập sâu rộng với Trật tự dựa trên luật lệ.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/strategic-partnership-cant-replace-domestic-governance-04042023111220.html/@@images/5895b2d3-2f65-4aa0-9baf-a53629e8d4c5.jpeg

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó tổng thống Mỹ Joe Biden ở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 7/7/2015  .  AFP

 

                                                        --------------

 

Chộn rộn cả ở Mỹ lẫn Việt Nam

 

Tháng 1/2024 sang năm, cử tri Đài Loan sẽ quyết định chọn đường hướng đối ngoại của bà Thái Anh Văn hay của ông Mã Anh Cửu. Hai chính khách hàng đầu này của Đài Loan đang công du nước ngoài, đi về hai hướng khác nhau. Bà Thái bay về hướng Đông, trên đường đi Nam Mỹ và sẽ ghé lại Los Angeles (Mỹ). Trong khi đó, cựu Tổng thống Mã bay sang hướng Tây, qua Nam Kinh (Trung Quốc) viếng đền thờ Tôn Trung Sơn. Cả hai người đều nhắm ảnh hưởng đến dư luận công chúng, chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm tới. Đấy chính là dấu hiệu cho thấy dân Đài Loan đang sống trong dân chủ tự do thật sự! (1)

 

Dư luận Việt Nam từ tối 29/3/2023 đến nay cũng đang dậy sóng về chuyện Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mùa hè tới đây có sang thăm Mỹ theo lời mời của Tổng thống Joe Biden hay không? 779 tờ báo trong nước, dưới cái gậy chỉ huy của một Tổng biên tập duy nhất là Tuyên giáo Trung ương, lại được dịp cùng tấu lên trong một dàn đồng ca về thắng lợi của ngoại giao của Việt Nam (2). Nhưng người dân Việt Nam thì không hề có tiếng nói ông Trọng sang Mỹ nên làm gì cho ích quốc lợi dân. Đi hay không, nhiều khi do tự ông và một vài đồng chí trong Bộ Chính trị quyết định.

 

Tuy nhiên, các tờ báo của Hà Nội dịp này cũng được phép trích lại một cách khá đầy đủ các bài viết của truyền thông Mỹ, rằng năm 2023 này là thời điểm chín muồi cho một tiếp xúc cấp cao. Nếu sang 2024, nước Mỹ sẽ bị chìm trong vận động tranh cử Tổng thống. Sang 2025 càng bất khả, vì ĐCSVN chuẩn bị cho Đại hội 14 năm sau đó. Đề tài “Người đứng đầu ĐCSVN sẽ lại được đón tiếp tại Nhà Trắng?” quả thật là đề tài nóng ở cả hai nước. Với mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như hiện nay, nhất là kinh tế và an ninh, việc không có một chuyến thăm của một lãnh đạo Việt Nam nào đến Nhà Trắng kể từ khi ông Phúc được Tổng thống Donald Trump mời thăm Washington năm 2017 là không tương xứng (3). 

 

Các báo Việt Nam còn được đăng lại khá chi tiết bài viết trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) về các trụ cột tạo nên “Đối tác chiến lược”: i) khám phá một thỏa thuận nhằm thúc đẩy khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng để đảm bảo nguồn đầu vào ổn định và đa dạng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ; ii) coi an ninh ở Biển Đông là ưu tiên hàng đầu… iii) hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và iv) tiếp tục các cuộc đối thoại có chất lượng chiến lược về tất cả mọi lĩnh vực, từ kinh tế đến chính trị, từ môi trường đến an ninh liên khu vực…

 

Trung Quốc vẫn có thể phá bĩnh

 

Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, trong không khí căng thẳng xung quanh vụ Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đi Đài Loan, Hà Nội lại tiếp Ngoại trưởng Nga sang thăm, rồi ngăn không cho mẫu hạm Ronald Reagan vào Đà Nẵng, dù đã lên kế hoạch từ trước. Thế là chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Blinken bị đình hoãn cho đến tháng tư năm nay. Mà từ nay đến tháng 7 vẫn có nhiều chuyện có thể xảy ra xung quanh căng thẳng Trung – Mỹ liên quan đến Đài Loan, Biển Hoa Đông và Biển Đông. Bản lĩnh như Thái Anh Văn mà vẫn phải yêu cầu Mỹ đừng làm chuyện này chuyện kia để chọc giận thêm Trung Quốc, tuy kỳ này bà vẫn quyết định ghé qua Los Angeles.  

 

Việt Nam dẫu có nhún nhường với Trung Quốc bao nhiêu đi nữa thì vẫn không thể ngăn cản họ phá bĩnh, ngăn cản họ bành trướng và xâm chiếm biển đảo, thậm chí cả trên đất liền nếu như mỗi khi họ thấy có cơ hội. Chắc hẳn Việt Nam ý thức được rằng, Trung Quốc do dự làm chuyện đó khi còn sự hiện diện của Mỹ trên Biển Đông mà thôi. Chính Mỹ mới là nước có thể góp phần bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền cho Việt Nam chứ không có nước nào khác có thể làm được chuyện đó. Hơn nữa, với “khúc ruột ngàn dặm” dài nhất của Việt Nam đang trên đất Mỹ thì thêm lý do, duyên nợ với Mỹ phải được coi trọng nhất. Đó sẽ là cơ sở hậu cần quan trọng cho Hà Nội trong mọi lãnh vực để có thể sống bên cạnh Trung Quốc (4). 

 

Tổng thống Joe Biden từng làm nghị sĩ lâu năm nên biết cung cách cư xử trong chính trị Mỹ. Với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phách lối, trong vòng ba tháng sau khi đắc cử, ông Joe Biden không nói chuyện bằng điện thoại với ông Erdogan, mặc dù ông Erdogan chúc mừng ông Joe Biden rất sớm. Hiện nay ông Joe Biden và Thủ tướng Israel Netanyahu có sự bất đồng ý kiến về cách đối xử với Palestine, về lối cai trị trong nước Do Thái, ông Joe Biden khuyên mà ông Netanyahu không nghe. Khi nhà báo hỏi Tổng thống Biden là ông có tiếp ông Netanyahu ở Tòa Bạch Ốc hay không thì ông Joe Biden trả lời trong vòng nhiệm kỳ này thì không. Tổng thống Joe Biden cho mọi người thấy rõ thái độ dứt khoát của ông ấy. Nếu Mỹ không nâng cấp quan hệ với Việt Nam và không mời ông Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ thì làm thế nào hiểu được đường lối đối với Việt Nam của Mỹ ra sao?

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/strategic-partnership-cant-replace-domestic-governance-04042023111220.html/000_9ln6yx.jpg/@@images/3e44fa06-773b-492a-b2de-e9e403daa3e9.jpeg

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại họp báo ở Việt Nam hôm 26/8/2021. AFP

 

 

Nếu thật sự vì dân, vì nước

 

OK! Sống cạnh một tay trọc phú lại vũ phu, bất chập mọi luật lệ và đạo lý thì phải giả vờ làm chư hầu, cũng là điều có thể chấp nhận. Nhưng để chuyến vào Nhà Trắng lần thứ hai thực sự đi vào lịch sử, Văn phòng Tổng bí thư nên khuyên ông Trọng làm hai điều sau đây trước và sau khi sang Mỹ về. Điều thứ nhất, ông Trọng có thể hãnh diện ngồi xe lăn để “đi vào” Nhà Trắng, giống như Tổng thống Franklin D. Roosevelt năm nào. Sức khỏe của ông giờ đây không còn là “bí mật quốc gia” nữa. Bàn dân thiên hạ ai chả biết. Ông không nhất thiết phải đi theo kiểu “chấm phẩy” rồi chỉ cho phép vô tuyến quay đoạn ông đã ngồi xuống hay chỉ đứng một nơi bắt tay với đối tác. Nên nhớ là truyền thông Mỹ từ xứ sở tự do. Kiểu gì thì họ cũng quay được đoạn ông chuyển động như một “người máy”, mà như thế thì thì thật là bất tiện. Chi bằng ông cứ ngồi xe lăn và cho một vệ sỹ đẩy ông vào phòng khánh tiết.

 

Điều thứ hai, nếu ông Trọng điều khiển được “thanh kiếm và lá chắn” Tô Lâm cùng làm thì chuyến đi của ông không chỉ đi vào lịch sử mà sẽ còn vang dội non sông. Ấy là sau khi đi Mỹ về ông hãy cho thực hiện những điều đã được hiến định, từ luật biểu tình đến quyền lập hội… đặc biệt những điều ước Việt Nam đã thỏa thuận và ký kết với quốc tế. Nếu tiến được xa hơn, ông cho điều chỉnh ngay hai bộ luật 117 và 331. Bớt bắt bớt đi ông Tổng bí thư ạ! Một đất nước mà nhìn đâu cũng thấy kẻ thù là hiện tượng không bình thường! Xây dựng quốc gia hùng mạnh, có hiệu quả là tiến trình trong đó xã hội dân sự là một thành phần quan trọng cần được phát huy. Đất nước không có đặc tính xã hội dân sự là một quốc gia bị Nhà nước hóa,  Công an trị và như vậy, người dân bình thường không có tiếng nói và đóng góp gì trong các vấn đề quan trọng của quốc gia. Trên lý thuyết và trong thực tế, xã hội dân sự phải được độc lập với chính quyền và đóng vai trò phản biện trong những chính sách của chính phủ. Đó chính là vai trò cần khuyến khích của cộng đồng dân cư (5). 

 

Ngược lại, nếu Nguyễn phú Trọng lần này sang Mỹ chỉ để “tự sướng”, chỉ để tỏ ra mình là người duy nhất biết cách “kiểm soát và cân bằng” quyền lực giữa hai cường quốc có ý nghĩa then chốt đối với an ninh và phát triển Việt Nam, thì chuyến đi của ông sẽ không vang dội mà cũng chẳng đi vào lịch sử. Kinh tế – xã hội Việt Nam đang vào hồi bi đát. “Bóng đè” Trung Quốc trở thành sức ép không chỉ với Việt Nam mà lên toàn khu vực. Trung Quốc còn ngấm ngầm thúc đẩy một xu hướng nguy hiểm, đó là lối kéo Việt Nam vào “Trật tự Trung Hoa” (Pax Sinica) với bốn trụ cột bao gồm các sáng kiến về “Vành đai Con đường” (BRI), “An ninh Toàn cầu” (GSI), “Phát triển Toàn cầu” (GDI) cùng với “Văn minh Toàn cầu” (GCI) (6). Tiền nhân chúng ta từ hàng ngàn năm nay đã chống chọi phải nói là thành công, tuy khá vất vả, với sức nặng bành trướng của chủ nghĩa Đại Hán. Mong hồn thiêng sông núi phù hộ cho Tổng bí thư và Đảng của ông hãy “trông Bắc trông Nam trông cả Địa cầu”, đừng để lịch sử gép ông cùng duộc với những người hiện đang bị lên án, đó là “hèn với giặc, ác với dân”. Chúc TBT thượng lộ bình an!

____________

 

Tham khảo: 

 

1. https://www.voatiengviet.com/a/thai-anh-van-ghe-my-ma-anh-cuu-sang-trung-quoc/7028708.html

 

2. https://tuoitre.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-nhan-loi-moi-tham-my-tu-tong-thong-joe-biden-20230330012910935.htm

 

3. https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-dung-dau-dang-cong-san-nguyen-phu-trong-se-lai-duoc-tiep-don-tai-nha-trang/7032251.html

 

4. https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-dung-dau-dang-cong-san-nguyen-phu-trong-se-lai-duoc-tiep-don-tai-nha-trang/7032251.html

 

5. https://www.voatiengviet.com/a/xa-hoi-dan-su-doc-lap-doi-tac-hay-doi-lap-voi-nha-nuoc-/7025978.html

 

6. https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/decipher-nguyen-phut-trong-recent-visit-to-china-11042022122337.html

 

------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats