Wednesday, 19 April 2023

GEN Z BẤT CẦN ĐIỂM XẤU VỀ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN? (Lương Thái Sỹ / Saigon Nhỏ)

 



Gen Z bất cần điểm xấu về tài chính cá nhân?

Lương Thái Sỹ  -  Saigon Nhỏ

18 tháng 4, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/gen-z-bat-can-diem-xau-ve-tai-chinh-ca-nhan/

 

Dù biết làm thế là không đúng, nhưng Thế hệ Z (Gen Z) vẫn cố tìm tránh đối mặt với vấn đề tài chính cá nhân bằng cách phớt lờ những dấu hiệu cảnh báo trong quản lý chi tiêu.

 

Tâm lý hậu đại dịch

 

Đại dịch bùng phát và lạm phát cao khiến việc quản lý ngân sách trở thành một thách thức đối với những người trẻ tuổi. Nhiều công dân Gen Z bị áp lực tài chính nặng nề đã chọn cách đối phó tiêu cực: Phớt lờ bảng cân đối chi tiêu, bất kể hậu quả của nó. Số dư ngân hàng và thẻ tín dụng cho thấy chi tiêu của họ đã mất kiểm soát và nợ nần chồng chất.

 

Theo Credit Karma, tính bình quân, nợ thẻ tín dụng của Thế hệ Thiên niên kỷ (millennials) đã tăng 29% lên $5,800 trong Tháng Ba so với một năm trước đó và Thế hệ Z tăng 40% lên $2,800. Một cuộc khảo sát của NerdWallet cũng cho thấy những người trẻ tuổi thường trả bill trễ hạn, nhận tạm ứng từ thẻ tín dụng và sẵn sàng chấp nhận điểm xấu về tài chính cá nhân.

 

Các nhà kinh tế và cố vấn tài chính cho biết tác động kinh tế của đại dịch kèm lạm phát cao đang khiến những hành vi như thế trở nên phổ biến trong Gen Z. Hậu quả của việc bỏ qua các tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng là bội chi, điểm tín dụng bị tổn hại và nợ nần khó trả. Millennials ở độ tuổi 30 có mức nợ tăng cao nhất so với bất kỳ nhóm tuổi nào kể từ đại dịch. Sự ù lỳ và lảng tránh thanh toán sẽ gây phức tạp cho các nhu cầu quan trọng sau này, như mua nhà hoặc nghỉ hưu.

 

Tiến sĩ Vaile Wright, Giám đốc cấp cao của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (American Psychological Association-APA) chuyên nghiên cứu về căng thẳng, giải thích: “Tâm lý của Gen Z là thích chi tiêu tuỳ tiện hơn là cân đối ngân sách và theo dõi chi tiêu cẩn thận, ngay cả khi họ nhận thức được đây không phải cách đúng đắn trong tình hình tài chính eo hẹp. Lảng tránh trách nhiệm thanh toán, dây dưa trả tiền và chi tiêu bất kể là một cơ chế đối phó phổ biến đối của mọi dạng lo âu. Giống như người mắc chứng lo âu xã hội thường tránh các bữa tiệc, người sợ độ cao không muốn lên máy bay,” Wright nói.

 

Kết quả khảo sát về Căng thẳng ở Mỹ năm 2022 (Stress in America 2022) của APA cho thấy 83% người trưởng thành xem lạm phát là nguyên nhân chính gây căng thẳng.

 

James Gay, 22 tuổi, cho biết anh đang xem xét những tác hại của việc trốn tránh trách nhiệm tài chính cá nhân sau đại dịch. Năm 2020, Gay chuyển từ Mayo, Florida đến Tallahassee để học tại Đại học Florida State University và ở chung căn hộ ba phòng ngủ với hai người bạn.

 

Khi COVID-19 dẫn đến đóng cửa trường và các lớp học hoàn toàn trực tuyến, anh chọn đặt thức ăn tại DoorDash thay vì nấu ăn và thường xuyên mua sắm trực tuyến để đối phó với cuộc sống bấp bênh và buồn chán. Anh nhớ lại: “Khi ấy, đó là lối thoát của em, để thực sự tận hưởng thời còn trong trường đại học của mình”. Với các khoản bảo hiểm y tế, hóa đơn điện thoại, điện nước và bảo dưỡng xe hơi đến hạn phải thanh toán đè nặng trên vai, Gay thú nhận: “Kế hoạch chi tiêu của em rất tuỳ tiện. Đôi khi em quên béng các bill đang chờ. Không kiểm soát thu tiêu, em rút luôn tiền tiết kiệm để trả tiền thuê nhà và các hoá đơn điện, nước, internet, cho đến khi ba em kiểm tra tài khoản thẻ tín dụng của em và áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn.”

 

Nên thay đổi nhận thức về chi tiêu quá mức

 

Một cuộc khảo sát vào Tháng Ba của Credit Karma cho thấy: 28% thành viên Millennials và Gen Z cho biết họ “thường xuyên cảm thấy” bị mất cân đối tài chính cá nhân. Tỷ lệ này rất cao so với 4% thành viên của Thế hệ bùng nổ trẻ em (baby boomer) và người cao tuổi. “Nền văn hóa của chúng ta thực sự khuyến khích chi tiêu quá khả năng,” Alexis Howard, 28 tuổi, tư vấn tài chính tại công ty tư vấn Mariner Wealth Advisors ở thành phố Emeryville, California nhận xét. “Chúng ta liên tục chi tiêu cho những thứ chỉ để… giải khuây!”.

 

Howard nhận thấy hành vi này có trong thói quen chi tiêu của chính mình. Cô nhớ lại: “Tôi đã đặt mua quần áo và đồ nội thất trên Amazon trong đại dịch nhưng không biết những khoản mua nhỏ tích luỹ thành một khoản chi rất lớn, ngoài sự tưởng tượng. Có lúc tôi chi đến $500 mỗi tháng cho mua sắm trực tuyến và đồ ăn mang về!”.

 

Năm nay, Howard bắt đầu khống chế mức chi tiêu “ngoài luồng” xuống dưới $50 một tháng. “Là nhà tư vấn tài chính, tôi biết mình rất dễ đánh mất những mục tiêu lớn hơn nếu cứ chi tiêu bạt mạng. Nhiều người trẻ ưu tiên cho niềm vui, hạnh phúc cá nhân và sẵn sàng đổ tiền vào đi du lịch, ăn uống, mua sắm hàng đắt tiền mà không xem trọng các mục tiêu lớn dài hạn như mua một ngôi nhà và nghỉ hưu trong dư giả,” cô tâm sự.

 

Theo Abigail Sussman, giáo sư tiếp thị tại Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago, những người trẻ làm việc lương thấp thường ngại lập kế hoạch chi tiêu hay kiểm tra hóa đơn thanh toán vì họ xem hành vi đó chỉ dành cho những kẻ… bất tài! “Nhưng nếu bạn cảm thấy mình thực sự có vấn đề về cân bằng ngân sách cá nhân thì việc lập kế hoạch chi tiêu sẽ tiết lộ bạn bất cẩn thế nào trong chi tiêu. Dĩ nhiên, chúng ta không nên đặt mục tiêu quá cao, quá tằn tiện vì nó sẽ lấy đi những động lực sống khác,” Sussman nói.

 

Jeff Kreisler, Trưởng bộ phận khoa học hành vi tại Ngân hàng J.P. Morgan tin rằng việc kiểm tra lại những gì đã chi tiêu trong tháng trước cùng với một người thông hiểu về tài chính cũng rất hữu ích. Ông khuyên Thế hệ Z nên đặt mục tiêu tài chính rõ ràng với người cùng đi du lịch với mình: “Ví dụ: Nếu định đi nghỉ chung sau bốn tháng nữa, hai người nên để dành mỗi người $50 mỗi tuần cho chuyến đi. Đó là cách san sẻ trách nhiệm với nhau”.





No comments:

Post a Comment

View My Stats