Thursday, 13 April 2023

CUỘC CÁCH MẠNG TIỂU TƯ SẢN MỚI Ở VIỆT NAM BẾ TẮC (Jackhammer Nguyễn)

 



Cuộc cách mạng tiểu tư sản mới ở Việt Nam bế tắc

Jackhammer Nguyễn

13/04/2023

https://baotiengdan.com/2023/04/13/cuoc-cach-mang-tieu-tu-san-moi-o-viet-nam-be-tac/

 

Bản án nhà cầm quyền Hà Nội tuyên cho ông Nguyễn Lân Thắng vào ngày 12-4-2023 khá nặng nề, với sáu năm tù, hai năm quản chế. Nó nặng vì đã khá lâu rồi, ông Thắng đâu còn hoạt động mấy, kể từ khi những người đồng hành với ông hoặc vô tù hoặc bị đuổi ra nước ngoài.

 

Bản án thu hút khá sự quan tâm đông đảo của giới hoạt động nhân quyền ở nước ngoài, của các tờ báo tiếng Việt ở hải ngoại, và của mạng xã hội tiếng Việt. Báo chí của đảng thì hạ thấp mức độ của vụ án mang tính chính trị này. Trên các trang báo hàng đầu ở Việt Nam người ta chỉ thấy một bản tin ngắn giống hệt nhau, và có phần rất chắc chắn là viết theo thông báo của… Bộ Công an và những bản tin này cũng không chiếm vị trí trang nhất, mà chỉ khiêm tốn nằm trong mục pháp luật.

 

Khi ông Thắng bị bắt hồi năm 2022, có lời đồn rằng người ta bắt ông để tìm hiểu hoạt động của một kẻ khác, nhưng tôi cho rằng vụ bắt và xử tội ông Thắng có lẽ nằm trong một chuỗi trấn áp sự phản đối của một tầng lớp nằm trong lòng chế độ, vốn là sản phẩm của chế độ. Đó là lớp trí thức công chức sống ở các đô thị, một tầng lớp trung lưu mới hình thành từ khi có cải cách kinh tế đến nay. Sự trấn áp này kéo dài hơn chục năm nay, có thể kể tên một số gương mặt như là Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm), Lê Công Định, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, … và bây giờ là Nguyễn Lân Thắng. Họ đều là con cái những người tham gia cái gọi là “cách mạng cộng sản”. Cách mạng luôn ăn thịt những đứa con của mình.

 

Cha mẹ, ông bà họ, tham gia cuộc “cách mạng” ấy, vốn cũng thuộc tầng lớp sống ở thành thị thời thực dân pháp, tầng lớp mà các lý thuyết cộng sản gọi là tiểu tư sản. Thực ra đó cũng không hẳn là cuộc cách mạng cộng sản (ở Việt Nam đã bao giờ có cách mạng theo đúng nghĩa của nó?) mà là cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc, trong đó tầng lớp trí thức thành thị sử dụng được những phương tiện cộng sản, khơi được tinh thần yêu nước của nông dân.

 

Khi cầm quyền, số đông những người “tiểu tư sản” ấy bắt đầu tha hóa, trở thành một loại lai tạp giữa các lý thuyết gia cộng sản nửa mùa và các lãnh chúa kiểu phong kiến. Rõ ràng là nước Việt Nam hiện nay đang được cai trị bởi 200 lãnh chúa, là các ủy viên trung ương đảng.

 

Nhưng một số nhà “tiểu tư sản” vẫn tiếp tục là… “tiểu tư sản”, nhất là sau khi cải cách kinh tế được thực hiện, tạo nên một tầng lớp trung lưu mới trong xã hội Việt Nam. Đại đa số tầng lớp này vẫn gắn chặt quyền lợi với đảng cầm quyền, nhưng cũng có một số độc lập, có thể có tiếng nói đối lập, dù không nhiều. Ông Thắng cũng, như những nhân vật tôi đề cập ở trên, thuộc lớp người này.

 

Sự xuất hiện của họ trong gần 20 năm qua làm dấy lên hy vọng cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, nhưng trên thực tế, họ quá ít ỏi khi so với đại đa số người Việt Nam, hoặc sống ở thôn quê, hoặc đang dọ dẫm một cuộc sống mới ở đô thị. Suy nghĩ của những thị dân khá độc lập như ông Thắng, không phải là sự quan tâm của hàng chục triệu người Việt còn lại.

 

Người ta chia sẻ khá nhiều hình ảnh về ông Thắng, chẳng hạn như con gái ông chơi đàn piano, hay là đi leo núi,… tất cả những hình ảnh đó xa lạ với đại đa số dân chúng Việt Nam vẫn là những người nông dân, hay những người nghèo ở thành thị, một thế giới khác.

 

Cũng có những người chống đối chế độ toàn trị xuất thân từ nông dân, như gia đình bà Cấn Thị Thêu, nhưng số đó không nhiều, và sớm bị trấn áp.

 

Lớp “tiểu tư sản” độc lập mới (mới mà cũ) xuất hiện không kéo theo được một đám đông nông dân ủng hộ họ như trong cuộc chiến tranh giành độc lập. Lớp công nhân mới hình thành trong các khu công nghiệp thì không ổn định, mà thật ra chỉ là những nông dân làm thuê trong các nhà máy. Các cuộc biểu tình đòi dân sinh, hay chống Trung Quốc,… thường được phóng đại lên qua lăng kính mạng xã hội. Đã có không ít những người hoạt động phản kháng than phiền rằng họ thấy cô đơn khi cầm biển biểu tình trên đường phố, giữa ánh mắt bàng quan của dân chúng.

 

Vốn đã ít, đôi khi những người phản kháng lại bị cuốn vào cuộc đấu đá quyền lực trong nội bộ đảng cộng sản. Vụ bắt bớ các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, là ví dụ tiêu biểu cho việc này, trong cái gọi là “cuộc chiến Ba Tư”, giữa Ba Dũng (Nguyễn Tấn Dũng), và Tư Sang (Trương Tấn Sang).

 

Đứng trước bộ máy đàn áp khổng lồ của đảng cộng sản, phong trào phản kháng mang tính “tiểu tư sản” thành thị thất bại, mà thậm chí nó chưa đủ nhiều để có thể gọi là một phong trào.

 

Hãy nhìn hai cuộc cách mạng lật đổ thành công chế độ độc tài cộng sản ở Tiệp Khắc và Ba Lan thì rõ. Ở Tiệp Khắc, giới trí thức đủ đông để hưởng ứng lý tưởng của ông Havel. Ở Ba Lan công nhân đủ đông để ủng hộ Công đoàn Đoàn kết.

 

Với một chế độ toàn trị ngày càng nhũng lạm, một tầng lớp dân chúng không (hay chưa?) mong muốn thay đổi, những cải cách nhỏ giọt của nhà cầm quyền, và đàn áp những người đối kháng, sẽ đưa nước Việt Nam vào một trạng thái bùng nhùng, không có lối thoát.





No comments:

Post a Comment

View My Stats