Saturday, 14 January 2023

Ý NGHĨA CỦA CHÍNH TRỊ : TỰ DO (Nguyễn Thị Từ Huy)

 



Ý nghĩa của chính trị : Tự do   

Nguyễn Thị Từ Huy 

13/01/2023

https://www.viet-studies.net/kinhte/TuHuy_YNghiaChinhTri.html

 

https://www.viet-studies.net/kinhte/TuHuy_yNghiaChinhTri_Bia.jpg

Bìa sách  “Các  khái niệm chinh trị  của Hannah Arendt “  -  Nguyễn Thị Từ Huy

 

Trong « Lời nói đầu » của cuốn « Bàn về cách mạng », Arendt nhấn mạnh rằng sự tồn tại của chính trị là nhằm mục đích phụng sự tự do, chống lại chuyên chế. 

 

« Ý nghĩa của chính trị là tự do »[1]. Điều này, đối với bà, gần như là hiển nhiên: tự do là ý nghĩa căn bản nhất, sâu sắc nhất của chính trị. Bà không ngại nhắc đi nhắc lại ý tưởng đó nhiều lần. Nhưng cũng có thể truy vấn: tại sao hiển nhiên? Từ điểm nhìn hiện đại thì chính trị không có ý nghĩa này, trái lại, trong một số hoàn cảnh, tự do là thứ đối lập với chính trị, nó bị chính trị đàn áp và thủ tiêu. Thực tế khốc liệt và tàn bạo của nửa đầu thế kỷ XX khiến cho mệnh đề « ý nghĩa của chính trị là tự do » không đứng vững nữa, không còn đúng nữa, khiến Arendt phải đặt câu hỏi theo cách khác : « rốt cuộc chính trị còn có ý nghĩa gì chăng ? »[2]. Khi nêu câu hỏi này, bà cũng thấy đó là một câu hỏi mang hơi hướng tuyệt vọng. Tuyệt vọng, bởi vì, chính trị còn có ý nghĩa gì khi mà nó trở thành công cụ cho những kế hoạch giết người hàng loạt. Arendt không thể phủ nhận thực tế là, vào thời đại của bà, chính trị và tự do hoàn toàn tách rời khỏi nhau.  Hơn thế, khi nghĩ đến các chế độ toàn trị, thì từ « chính trị » tự động gắn liền với tội ác, chính trị đồng nghĩa với cái ác. Kinh nghiệm toàn trị cho thấy nơi nào chính trị xâm chiếm nơi đó không còn tự do. Trong hoàn cảnh này, tự do trở thành thứ đối lập với chính trị, và tự do được định nghĩa như là khả năng giải phóng khỏi chính trị. Định nghĩa này đã trở nên quen thuộc trong lịch sử lý thuyết chính trị Phương Tây.

 

Vậy, làm cách nào để Arendt có thể giải thích về quan niệm cho rằng ý nghĩa của chính trị là tự do? Cái gì đảm bảo cho nhận định: “Không có tự do, đời sống chính trị trong tư cách là chính nó sẽ không còn ý nghĩa. Lý do tồn tại của chính trị là tự do, và trường kinh nghiệm của nó là hành động”[3]?

 

Vấn đề ý nghĩa của chính trị không phải là một vấn đề mới đặt ra sau này. Điều mà Arendt thường xuyên làm một cách có hệ thống, mà chúng tôi cũng đã nhiều lần nêu lên, đó là bà đi xuyên qua chiều dài lịch sử châu Âu để tìm về với điểm khởi đầu của nền triết học và tìm thấy các dữ liệu cần thiết cho quá trình kiến tạo các suy nghĩ của chính mình. Bà trở về tận cội nguồn với Platon, thậm chí là với Parménide, để tìm cách giải quyết câu hỏi về ý nghĩa của chính trị. Phê phán mang tính tổng quát của bà đối với lý thuyết chính trị tập trung vào sự biện bạch phổ biến về vai trò của chính trị như là phương tiện phục vụ cho một mục đích cao hơn. 

 

Bà tóm tắt lại những chức năng vẫn được gắn liền với chính trị : Chính trị đóng vai trò thiết yếu đối với sự tồn tại của cá nhân và xã hội. Do con người không thể sống một mình, mà để tồn tại phải lệ thuộc lẫn nhau, và họ cần được bảo đảm để sống an toàn, tránh khỏi những đe dọa đủ các loại. Vì vậy, « nhiệm vụ và mục đích của chính trị là nhằm bảo đảm cho đời sống theo nghĩa rộng nhất »[4]. Theo nghĩa của thời Cổ Đại thì chính trị tạo điều kiện để con người thực hiện lối sống tự do, bình đẳng; và các nỗ lực của Platon khiến chính trị có thêm chức năng là nó cho phép một nhóm nhỏ chăm lo cho triết học. Còn theo nghĩa hiện đại, chính trị đảm bảo cho con người có thể tồn tại trong khác biệt, trong tính đa dạng, chính trị đảm bảo cho mỗi người kiếm đủ sống, và đảm bảo một mức độ hạnh phúc tối thiểu. Dù thế nào, người ta thống nhất ở chỗ xem chính trị là lĩnh vực của các sự vụ của con người, chứ không phải của thần thánh, nó nhằm giải quyết các vấn đề của sinh tồn, chứ không phải các vấn đề vĩnh cửu.

 

Điểm chung trong tất cả những khuynh hướng trên đây là : chính trị tồn tại bất cứ nơi nào mà một số đông người cùng tập hợp lại và tạo thành một cộng đồng lịch sử-văn hóa. Đó cũng là lý do khiến cho Aristote định nghĩa con người như là zoon politikon, động vật chính trị. Tuy nhiên, khái quát này của Aristote dựa trên một sự ngộ nhận, ngộ nhận đặc thù của thời Cổ đại, khi mà tính từ politikon dùng để chỉ tổ chức của polis, tức thành quốc, một cộng đồng mang đặc thù chính trị, chứ không phải là dùng để chỉ mọi dạng thức cộng đồng khác (văn hóa, tôn giáo, dòng tộc…). Và đồng thời, định nghĩa của Aristote cũng loại trừ một phần lớn nhân loại ra khỏi cộng đồng chính trị, những người nô lệ, những người bị coi là dã man thuộc các đế chế Châu Á. Arendt giải thích cách bà hiểu về định nghĩa của Aristote : « Ông chỉ muốn nói đơn giản rằng có một điểm đặc thù trong con người khiến cho nó có thể sống trong một polis và tổ chức của thành quốc này thể hiện hình thức cao nhất của cộng đồng người : do vậy nó mang tính người, xét theo một nghĩa đặc biệt, và khác xa tính thần thánh, thần thánh có thể tồn tại một cách hoàn toàn tự do và tự chủ, đồng thời cũng khác xa quần thể động vật, quần thể động vật tồn tại dựa trên nhu cầu thiết yếu. Như thế, chính trị theo nghĩa của Aristote […] hoàn toàn không phải là một cái gì hiển nhiên, và chính trị cũng không tồn tại trong tất cả mọi cộng đồng nơi con người chung sống cùng nhau. ». Vậy thì chính trị tồn tại ở đâu ?[5]

 

Người Hy Lạp cổ đại cho rằng chính trị chỉ tồn tại ở Hy Lạp và chỉ trong một thời gian tương đối ngắn. Điều gì khiến cho cộng đồng người sống trong các thành quốc Hy Lạp khác với những cộng đồng ở những nơi khác ? Đó chính là tự do. Những người sống trong các polis có tự do mà người ở những nơi khác không có. Nhưng điều này không có nghĩa chính trị là phương tiện để đạt tới mục đích tự do. Người Hy Lạp không nhìn vấn đề theo cách thức như vậy. Vấn đề là « Được tự do và sống trong một thành quốc, theo một nghĩa nào đó, là cùng một sự việc. Quả thực là chỉ theo một nghĩa nào đó thôi, bởi vì, để có thể sống trong thành quốc, thì con người cần phải được tự do xét từ góc độ : họ không phải là nô lệ bị buộc phục tùng người khác, họ cũng không phải là người lao động bị buộc phục tùng cái tất yếu phải kiếm sống hàng ngày »[6]. Đối với người Hy Lạp cổ đại, chính trị đồng nhất với tự do. Chính trị có nghĩa là được sống trong tự do.

 

Người Hy Lạp cổ đại phân biệt giữa các lối sống thuộc dạng duy trì sinh học và lối sống tự do. Loại thứ nhất gồm có đời sống của những người nô lệ (dĩ nhiên đã là nô lệ thì hoàn toàn lệ thuộc vào ông chủ của họ, không hề có tự do), và phải kể thêm đời sống lao động của người thợ trong các lĩnh vực khác nhau, và đời sống buôn bán của thương nhân. Đó là những lối sống khiến cho sự tồn tại chỉ còn quy về nhu cầu sinh tồn, và do đó mà khiến cho tự do bị đánh mất. Tự do, trong cách hiểu của người cổ đại, đòi hỏi hai đặc điểm quan trọng : tự do hoạt động và tự do chuyển dịch. Điều này giải thích tại sao người thợ, dù không phải nô lệ, cũng không có tự do : những hợp đồng công việc buộc họ phải chấp nhận, dù là tạm thời, không được chuyển dịch tự do và không được lựa chọn những hoạt động khác.

 

Ba lối sống tự do, theo quan niệm của Aristote, có đặc điểm chung là không quan tâm đến những gì thiết yếu hay hữu ích, mà chỉ thờ phụng « cái đẹp ». Thứ nhất là đời sống tận hiến cho niềm vui thú mà cái đẹp mang lại; thứ hai là đời sống chính trị, dành trọn cuộc sống cho những công việc của thành quốc để tạo ra những hành động đẹp; thứ ba là đời sống của triết gia, tận hiến cho việc tìm kiếm và chiêm ngắm những điều vĩnh cửu, những vẻ đẹp thiên thu. Và đối với người Hy Lạp, chỉ có bios politikos (đời sống chính trị) với các hành động của nó, là lối sống duy nhất tự do, và đích thực có tính người. Sang thời Trung Đại, hành động (action) đánh mất tính đặc thù chính trị, bị coi như mọi hoạt động nhằm đảm bảo sự duy trì thiết yếu của đời sống ; lúc này lối sống được coi là tự do thực sự lại là bios théôretikos hay là vita contemplativa (đời sống lý thuyết/ đời sống chiêm nghiệm). Arendt nhấn mạnh sự hoán đổi vị trí này giữa bios politikos và bios théôretikos. Bà cũng không quên chỉ ra, khuynh hướng trung đại đề cao đời sống lý thuyết này có nguồn gốc từ các tư tưởng của Platon thời Cổ Đại.

 

Như vậy, đối với người Phương Tây cổ đại, để có tự do, con người phải vượt thoát khỏi các ràng buộc của nhu cầu sinh tồn. Đây được gọi là sự giải phóng, nhưng chưa phải là tự do. Được giải phóng khỏi sự thiết yếu của sinh tồn không đồng nhất với tự do. Arendt nhìn thấy rằng, khác với các hình thức bóc lột của chủ nghĩa tư bản sau này, sự bóc lột thời Cổ Đại đối với người nô lệ có mục đích là để giải phóng cho các ông chủ hoàn toàn khỏi mọi trách nhiệm lao động. Do đó họ có thể tập trung cho tự do chính trị. Sự giải phóng này được thực hiện nhờ vào sự thống trị tuyệt đối của ông chủ trong gia đình, sự thống trị cần thiết để cho ông ta có thể tham gia vào đời sống chính trị. Tuy nhiên, Arendt lưu ý là sự thống trị này lại không phải là chính trị, không thuộc về chính trị. Và từ điểm này, bà phân tích rằng, đối với người Hy Lạp, chính trị là một mục đích chứ không phải là phương tiện. Chính trị là mục đích, bởi vì, để có được vị thế chính trị, tức là có được tự do, trước hết cần phải được giải phóng khỏi các ràng buộc. Và ý nghĩa của chính trị là ở chỗ: những con người tự do có được quan hệ bình đẳng giữa họ, một quan hệ không dựa trên sự ra lệnh và phục tùng, trái lại, dựa trên việc thảo luận và thuyết phục lẫn nhau. Quan hệ ra lệnh và vâng phục chỉ diễn ra ở những hoàn cảnh đặc thù, chẳng hạn chiến tranh. Còn trong đời sống chính trị thành quốc, mọi việc được quyết định dựa trên ý kiến của các công dân bình đẳng.

 

Đối với Arendt, có sự khác biệt giữa các dạng thức: “giải phóng” (liberation), “tự do dân sự” (liberties) và “tự do chính trị” (political freedom). Giải phóng có nghĩa là giải phóng khỏi sự nghèo đói, hoặc khỏi sự áp bức, như vừa nói trên đây. Tự do dân sự là những quyền tự do đương nhiên, là những gì thuộc về quyền con người được luật pháp ghi nhận, trong Hiến pháp hay trong các bộ luật. Điều cần lưu ý là Arendt cho rằng giải phóng và tự do dân sự là những dạng tự do mang tính phủ định (liberté negative), vì chúng không mang chứa những nội dung đích thực của tự do. Chỉ có tự do chính trị mới là tự do khẳng định (liberté positive), vì chỉ khi cùng với tự do này mà các công dân tham gia tích cực vào các sự vụ của con người.

 

Người Hy Lạp cổ đại xem tự do chính trị đồng nghĩa với tự do trình bày ý kiến, tự do được nói và được nghe. Bên cạnh đó, và quan trọng hơn, đối với Arendt, là tự do hành động. Trong đời sống chính trị Hy Lạp, tự do hành động có nghĩa là tạo ra một khởi đầu mới, bắt đầu một việc gì đó mới. Đây chính là điểm khác biệt giữa tự do trình bày ý kiến và tự do hành động. Người hành động xác lập tự do của mình cùng với / bằng cách bắt đầu một điều mới mẻ, cùng với những người khác. Tự do dạng này phụ thuộc vào sự hiện diện của người khác. Người hành động chỉ có thể đạt được thành tựu cùng với những người khác. Mọi hành động đều là hành động cùng với (agir de concert), đằng sau chữ “cùng với” hàm ẩn sự hiện diện của đồng loại. Người hành động không bao giờ ở trong trạng thái đơn độc, do đó, tự do hành động là tự do ở dạng số nhiều. Tự do chính trị không dành cho một người hay một nhóm người. Tự do chính trị bao hàm một cách tự nhiên là nhiều người cùng có tự do.

 

Phát hiện mà Arendt cho là quan trọng trong quan niệm của người Hy Lạp, đó là họ xem tự do như là một cái gì thuộc về chính trị, như là bản thân chính trị. Tự do không phải là mục đích mà chính trị muốn đạt tới, tự do cũng không phải là phương tiện để đạt tới chính trị. Những phân tích trên đây của Arendt đã chứng minh rằng, đối với người Hy Lạp cổ đại, tự do, bản thân nó là chính trị. Cũng vậy, bản thân chính trị là tự do.  “Điều duy nhất quan trọng ở đây, đối với chúng tôi, đó là hiểu bản thân tự do như là một cái gì có tính chính trị và không phải là mục đích tối cao của những phương tiện chính trị, và xem xét sự cưỡng bức và bạo lực luôn cấu thành các phương tiện để đảm bảo không gian chính trị, hoặc để tạo ra nó và mở rộng nó; những cưỡng bức và bạo lực bản thân chúng không phải là chính trị.”. Tự do là một cái gì có tính chính trị. Con người chỉ có được tự do trong các thực hành chính trị, khi họ tham gia vào đời sống chính trị. Ta thấy là định nghĩa về tự do chính trị của Arendt có nhiều điểm độc đáo, khác lạ, mà chúng tôi đã trình bày cụ thể và chi tiết ở chương về khái niệm “Tự do”.

 

Ở đây, tạm tóm tắt ngắn gọn sự nhận diện của Arendt như sau: nếu trong thời Cổ Đại ý nghĩa của chính trị là tự do, thì trong thời hiện đại chính trị trở thành một phương tiện đảm bảo cho sự thỏa mãn các nhu cầu sinh tồn và đảm bảo cho xã hội được phát triển và tái tạo một cách thoải mái. Còn trong chế độ toàn trị, khi mọi thứ đều bị chính trị hóa, chính trị trở thành mối đe dọa, ngay cả đối với khả năng sinh tồn. Xuất phát điểm của Arendt, như ta biết, là những nghiên cứu về chủ nghĩa toàn trị, một hình thái chính trị đã khiến cho khoảng sáu triệu người thuộc dân tộc Do Thái của bà phải bỏ mạng trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, và bản thân bà cũng là nạn nhân của nó với những kinh nghiệm rất cụ thể.

 

Trường hợp của chủ nghĩa toàn trị cho thấy rất rõ, khi chính trị trở thành công cụ của cái ác, và trở thành bản thân cái ác, thì nhân tính sẽ biến mất khỏi thế giới này, và do đó mà tự do, ý nghĩa của chính trị, cũng biến mất, chính trị không còn ý nghĩa nữa. Sự thiếu vắng ý nghĩa là một trạng thái rất thực mà con người cảm nhận và trải nghiệm hàng ngày, trong những chế độ nơi chính trị tiêu diệt tự do, chẳng hạn như chế độ của Hitler.

 

(Trích Nguyễn Thị Từ Huy, Các khái niệm chính trị của Hannah Arendt, Domino Books & NXB Đà Nẵng, 2022, tr. 242-251)

 


 

[1] Hannah Arendt, Qu’est-ce que la politique ?, bản dịch tiếng Pháp của Sylvie Courtine-Denamy, Seuil, Paris, 1995, tr.64

[2] Như trên, tr. 63.

[3] Hannah Arendt,  La crise de la culture, bản dịch tiếng Pháp do Patrick Lévy chủ trì, Gallimard, Paris, 1994, tr.190.

[4] Qu’est-ce que la politique?, sđd, tr.73

[5] Như trên, tr.75

[6] Qu’est-ce que la politique?, sđd, tr.76

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats