Saturday, 7 January 2023

XUNG ĐỘT SÂU SẮC GIỮA KINH TẾ THỊ TRƯỜNG và VĂN HÓA CHÍNH TRỊ ĐỘC ĐOÁN : GIẢI QUYẾT THẾ NÀO? (PGS, TS Phạm Quý Thọ)

 



Xung đột sâu sắc giữa kinh tế thị trường và văn hóa chính trị độc đoán: giải quyết thế nào?

Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ - PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam.
06-01-2023

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/conflict-market-economy-autonomy-politics-01062023123401.html

 

Mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế ‘không hài hoà’ gây ra xung đột văn hoá trong quá trình chuyển đổi kinh tế thị trường đang là ‘nỗi lo’ của các lãnh đạo Việt Nam. Việc theo đuổi chính sách tăng trưởng nhanh nhờ thị trường như điều kiện tiên quyết đảm bảo tính chính danh của Đảng Cộng sản đang gây ra sự xung đột văn hoá, trong đó nguyên nhân sâu xa là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa cá nhân mà kinh tế thị trường dựa vào và chế độ lãnh đạo độc đoán dựa trên chủ nghĩa tập thể.

        

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/conflict-market-economy-autonomy-politics-01062023123401.html/@@images/aa79e276-78c1-4479-b7d9-ed5d65af9571.jpeg

Đám đông người dân Hà Nội tập trung đón năm mới dương lịch 2023.  AFP

 

Hai hội nghị toàn quốc quan trọng diễn ra trong cùng một ngày 17 tháng 12 năm 2022 dường như là chủ ý của các nhà tổ chức. Một là, hội thảo về kinh tế bàn về các giải pháp tiếp tục theo đuổi tăng trưởng nhanh và hai là, hội thảo về xây dựng thể chế, chính sách văn hoá. Tại Hà Nội ông Thủ tướng Chính phủ chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023, tại đó nhiều quan chức của Ban Kinh tế Trung ương và các bộ ngành cùng nhiều nhà kinh tế và kỹ trị tham dự bàn thảo về tâm thế vượt qua khó khăn thách thức được dự báo trong năm 2023 để duy trì tăng trưởng kinh tế. Trong khi ở Tp. Bắc Ninh Hội thảo Văn hoá 2022 có nhiều quan chức của Quốc Hội, Ban Văn hoá – tư tưởng tham dự, tại đó ông Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo với bài phát biểu về “Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế”.

 

Tuy nhiên, nguyên nhân mang tính bản chất đã không được nhìn nhận như là các luận cứ chủ yếu cho việc xây dựng chính sách và thể chế phát triển hài mối quan hệ trên, và kết quả có thể suy đoán là sẽ không được như mong muốn.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/nguyen-phu-trong-media-23-5-2021-na-vote.jpg/@@images/760eca4d-af03-4aad-bec8-daf93f9d3c82.jpeg

Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với báo chí sau khi đi bầu Quốc hội ngày 23/5/2021. Ảnh AFP


TRỖI DẬY MẠNH MẼ

 

Trong chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ là một thực tế cần được nhận thức như một nền tảng cho thị trường hoạt động, và coi đó là cơ sở lý luận để xây dựng thể chế, chính sách văn hoá. Khác với chủ nghĩa tự do cá nhân, chủ nghĩa cá nhân nhấn mạnh đến lợi ích của mỗi cá nhân, sự độc lập của con người và tự lực của mỗi cá nhân cũng như tầm quan trọng của các quyền tự do hiến định. 

 

Trước hết, chủ nghĩa cá nhân trong kinh tế xem mỗi cá nhân cần được tự quyết trong các quyết định kinh tế của mình. Hơn thế, phạm trù này có nền tảng phát triển là sở hữu tư nhân tài sản, đất đai và đó là nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường. Trường phái kinh tế thừa kế sâu sắc tư tưởng cá nhân chủ nghĩa trong kinh tế và được gọi là “laissez-faire” - nguyên thuật ngữ tiếng Pháp với nghĩa "để [người dân] làm". Điều này gợi nhớ lời kêu gọi “tự cứu lấy mình” trước những khó khăn kinh tế trong những năm đầu Đổi mới 1980s đã có ý nghĩa ‘cứu’ sự sụp đổ chế độ. Tư duy này đã dẫn dắt chính sách kinh tế ‘đột phá’ sau này.

 

Việc ban hành và hoàn thiện hàng loạt các luật, chính sách liên quan phát triển doanh nghiệp tư nhân, các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước là bước cải cách thể chế quan trọng. Để có ưu thế cạnh tranh, các doanh nghiệp phải tìm kiếm những ý tưởng đổi mới và những cá nhân có thể nghĩ khác. Văn hóa cá nhân coi trọng tính độc đáo và nhấn mạnh “sự khác biệt với những người khác”, chủ nghĩa cá nhân phù hợp cho phát triển kinh tế trong toàn cầu hóa. Chẳng hạn, các cuộc phỏng vấn xin việc thường đòi hỏi các ứng viên thể hiện sự độc đáo của họ và ‘coi nhẹ’ tiêu chuẩn ‘chính trị’ để tìm kiếm tài năng. Ngoài ra, hiện tượng ‘nhảy việc’ thường thấy trong giới trẻ, số lao động trẻ chuyển từ công việc này sang công việc khác là phổ biến để tìm kiếm điều kiện làm việc tốt hơn và thỏa mãn hạnh phúc của chính họ.

 

Để được trả công xứng đáng, ưu đãi và khuyến khích tạo ra động lực con người trở nên ‘kinh tế’ khi tự chăm lo và đầu tư cho nguồn nhân lực bởi chính cá nhân và gia đình, và vốn nhân lực, như yếu tố quan trọng cho tăng trưởng, được phát triển đã thúc đẩy các lĩnh vực như giáo dục, y tế, văn hoá xã hội chuyển hoạt động sang kinh doanh. Con người dần trở nên ‘thông thái’ trong lựa chọn dịch vụ với tư cách vừa là người tiêu dùng vừa là nhà đầu tư, và doanh nghiệp khi theo đuổi lợi nhuận cũng cần phải đáp ứng các nhu cầu ấy của ‘con người kinh tế’. Sự thay đổi như vậy đòi hỏi phải thiết lập các thể chế đảm bảo cho môi trường phát triển con người và tăng trưởng kinh tế. Đó là chính quyền trung thực với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, hệ thống pháp lý, chính sách rõ ràng, minh bạch môi trường kinh doanh, đảm bảo quyền tự do cơ bản, quyền sở hữu, tài sản cá nhân…

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/ha-noi-jan-5-2023-nhac-nguyen-afp.jpg/@@images/bc7d1383-a997-46a5-9954-afa38b29de1a.jpeg

Một người chạy Grab ngang qua một nơi tập kết rác ở Hà Nội hôm 5/1/2023.

Ảnh Nhạc Nguyen AFP

 

XUNG ĐỘT VĂN HOÁ

 

Quá trình cải cách cho thấy thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng sản phẩm quốc nội GDP hàng năm tăng cao, nhưng ‘mối lo’ của Đảng về xung đột văn hoá cũng lớn dần. Trong khuôn khổ bài viết xin nêu khái quát vài biểu hiện đặc trưng.

 

Trước hết, ‘văn hoá cá nhân’ dần khẳng định vị trí trước ‘văn hoá tập thể’. Các cá nhân đã tự tin hơn trong cuộc sống. Các nhóm tự nguyện cùng sở thích phát triển nhanh và luôn tìm cách thể hiện khác biệt. Các mặt trái như trục lợi và hiện tượng tiêu cực tràn lan khiến quản lý nhà nước ‘mất kiểm soát’. Tất cả, dường như đang đối nghịch với các chuẩn mực văn hoá tập thể vốn ưu tiên sự tuân thủ, ý chí và lợi ích chung, phục tùng quyền lực, tôn sùng lãnh tụ…

 

Hai là, xung đột điển hình là sự phân tách giữa “công” và “tư" trong các lĩnh vực. Trong hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp nhà nước đã ‘thua’ tư nhân trong cạnh tranh, kém hiệu quả hoặc phá sản đã buộc phải thực hiện ‘cổ phần hoá’. Đối với lĩnh vực sự nghiệp như giáo dục, y tế, khoa học… các đơn vị công lập phải dần chuyển sang cơ chế tự hạch toán gần hơn với thị trường. Gần đây, việc thực hiện chủ trương xã hội hoá và chính sách tự chủ bị cho là ‘nửa vời’ nhưng nếu xu hướng bị đảo ngược sẽ là bước lùi.

 

Ba là, đỉnh điểm xung đột văn hoá diễn ra trong chính trị. Sự suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống của các quan chức phản ánh văn hoá chính trị xuống cấp. Những quyết định độc đoán đang gây những hiệu ứng ngược như tâm lý hoang mang, hành động vì nỗi sợ hãi, hình sự hoá các quan hệ kinh tế, bệnh thành tích trong tuyên truyền… Và hơn thế, chúng sẽ làm cản trở xây dựng và thực thi các chính sách và thể chế bền vững, chẳng hạn như các nguyên tắc vận hành của thị trường. Việc sửa đổi Luật Đất đai 2023 đang được tổ chức “lấy ý kiến nhân dân” từ đầu năm nay sẽ là một phép thử cho mối quan hệ giữa Đảng CS và thị trường.

 

Chủ nghĩa cá nhân, động cơ và các giá trị, trỗi dậy mạnh mẽ để thích ứng với chuyển đổi thị trường nhưng nó đồng thời gây ra “rối loạn” văn hoá” dựa trên chủ nghĩa tập thể - nền tảng tư tưởng ý thức hệ CS. Đây là một xu hướng thay đổi tất yếu cần thấu hiểu để luận cứ cải cách thể chế thay vì ‘đổ lỗi’ và cố ‘chống lại’ nó để duy trì chế độ độc đoán. Đó là cách tiếp cận tốt nhất để phát triển “hài hoà” giữa kinh tế thị trường và văn hoá.

 

Phạm Quý Thọ

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats