Friday, 27 January 2023

VỤ HOA HẬU VIỆT NAM DÙNG NHẠC TRUNG QUỐC : "NGỐC NGHẾCH" hay "LỆCH CHUẨN VĂN HÓA"? (RFA)

 



Vụ hoa hậu VN dùng nhạc Trung Quốc: “Ngốc nghếch” hay “lệch chuẩn văn hoá”?

RFA
2023.01.27

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/case-of-miss-vn-using-chinese-new-year-01272023130211.html

 

Lỗi “vô tư” hay vốn văn hoá “ngắn”?

 

Hoa hậu Mai Phương, vào trước Tết 2023, đã đăng vào mục story trên mạng xã hội hình ảnh mặc áo dài mừng xuân, nhưng lại chèn nhạc bài "Chinese New Year", khiến nhiều người theo dõi trên mạng xã hội không hài lòng.

 

Nhiều người bình luận rằng có một số nước khi nói đến Tết Âm Lịch thường dùng "Lunar New Year", chứ không phải "Chinese New Year" vì ngày lễ này không chỉ của Trung Quốc.

Hôm 25 tháng 1 năm 2023, sau gần một tuần nhận “bão” chê bai lẫn thông cảm từ dư luận, nàng “hậu” Mai Phương đã lên tiếng xin lỗi khán giả với status dài đăng trên Instagram, nội dung có đoạn viết: “Phương biết bản thân mình không hoàn hảo, vẫn vô tư và đôi khi cũng ngốc nghếch không tưởng. Nhưng trên hết Phương mong mọi người tin rằng, Phương là người có suy nghĩ và nhận thức đủ để rút ra bài học và thấu hiểu những gì tốt nhất netizen muốn dành cho mình".

 

Qua sự vụ mới nhất về hoa hậu Mai Phương (mới nhất vì trước đây cũng có nhiều vụ lùm xùm xung quanh các người đẹp VN), Giáo sư Nguyễn Đình Cống từ Hà Nội hôm 27/1/2023 đưa ra nhận định:

 

“Chuyện cô Hoa Hậu Mai Phương dùng nhạc "Chinese New Year" thì chưa rõ đó là vô tình hay cố ý. Nếu là vô tình thì đó là một lỗi phổ biến của tầng lớp trẻ do không được giáo dục chu đáo. Nếu là cố ý thì cần có dư luận lên án và vạch ra thâm ý để có cách đối xử thích hợp chứ cũng chưa phải đã phạm vào tội làm nhục quốc thể.”

 

Cũng trong ngày 27/1, liên quan đến câu chuyện cô hoa hậu VN 2022, cựu Trung tá Vũ Minh Trí cho rằng:

 

“Chúng tôi là những người dân bình thường thấy không có gì là nhục cả, bởi vì thực chất cô ấy không đại diện cho mình. Ví dụ chúng tôi bình chọn, cử đi thì tôi mới cảm thấy nhục. Thật ra bản thân cô ấy cũng đại diện cho nền văn hóa Việt Nam tại thời điểm hiện nay, trên mạng xã hội cũng đầy rẫy những cái thấp kém. Tôi không nói về phía Nhà nước, tôi nói về phía những người dân bình thường, cũng đầy những kẻ ngu dốt, những thói hư tật xấu, những cái mà nếu ở nền văn minh cao hơn hoặc các cụ của chúng ta ngày xưa thì không chấp nhận được. Chưa nói đến những cái gì xa xôi, nhưng nếu bản thân các cụ chúng ta ngày xưa mà sống lại thì sẽ thấy không đúng thuần phong mỹ tục, không đúng phong tục tập quán lâu đời của người Việt Nam... Những người đứng đầu ngành văn hóa, hay những cô hoa hậu, văn nghệ sĩ... được họ cử đi đại diện cho Việt Nam tham dự những cuộc thi hay những diễn đàn quốc tế nếu có phát ngôn linh tinh thì nó cũng thể hiện đúng thực trạng đáng buồn của nền văn hóa Việt Nam hiện nay.”

 

Theo ông Vũ Minh Trí, không có gì đáng ngạc nhiên hay cảm thấy nhục quốc thể, bởi vì vốn văn hóa của những người đó chỉ có ngần ấy thôi!

 

.

Chuẩn văn hoá VN… ở đâu?

 

Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch vào ngày 13/12/2021 đã ban hành Quyết định số 3196 về Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Bộ quy tắc này gồm ba chương, 11 điều. Dù quy tắc được nói không có giá trị pháp lý, nhưng lại qui định là bộ khung, đặt ra tiêu chuẩn để nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật điều chỉnh hành vi ứng xử sao cho chuẩn mực. Ấy vậy mà dường như những scandal “vạ miệng” của những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cứ “tiếp nối” nhau. Đặc biệt là sự vụ mới nhất của Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam –NSUT Nguyễn Xuân Bắc và tiếp đến là vụ của nàng “hậu” Mai Phương.

 

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 27/1, đưa ra nhận xét của mình về câu chuyện “nóng trên mạng” dịp tết Quý Mão như sau:

 

“Một đất nước với gần 100 triệu dân rất đa dạng, đa dạng về văn hoá, kiến thức, nghề nghiệp, nhận thức và cách ứng xử. Khó có một ai có thể dễ dàng đại diện về mặt văn hoá cho ngần ấy giá trị khác biệt chỉ trong một con người.

Các cuộc thi hoa hậu tập trung vào mặt sắc đẹp là chính, vì vậy mà nó nên dừng lại là các chương trình giải trí. Đừng nên gán ghép trách nhiệm xã hội hay quốc gia cho những hoa hậu; những điều đó vượt quá khả năng của họ. Họ chỉ nên là những bông hoa đẹp, làm giàu các chương trình giải trí là đủ.”

 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, những người đại diện cho Việt Nam phải là những cá nhân do dân bầu, đại diện cho ý chí và quyền lợi của họ. Theo lập luận như vậy, trường hợp chưa có một cuộc bầu cử tự do thì ngay cả những người nắm quyền trong chính phủ hiện nay cũng chưa phải là những người đại diện hợp pháp cho Việt Nam.

 

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa ,Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, mới đây cho rằng phải cấp thiết xây dựng hệ giá trị quốc gia về văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, xã hội Việt Nam đã thay đổi, song văn hóa không thay đổi kịp và thiếu các hệ giá trị chuẩn mực để mỗi người tự soi chiếu.

 

Giáo sư Nguyễn Đình Cống khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho rằng, chuẩn mực của văn hóa là đạo lý làm người, là nhận thức và thái độ của con người đối xử với nhau và với tự nhiên. Giữa những con người thì cơ bản nhất, quan trọng nhất là tình yêu thương, lòng tôn trọng và sự tin cậy. Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một xã hội không bị đói kém mà đặt văn hóa sau kinh tế là sai đường và xã hội Việt Nam đang như vậy!

 

Giáo sư Nguyễn Đình Cống qua đó nhấn mạnh, chuẩn mực văn hóa phải dựa trên phẩm chất Quang Minh Chính Đại và hiện nhiều người trong giới lãnh đạo của VN đang rất thiếu những phẩm chất đó.

 

Còn theo cựu Trung tá Vũ Minh Trí, trong xã hội về mặt văn hóa, nếu muốn duy trì phát triển được cái tốt đẹp thì trước tiên các chuẩn mực phải đúng. Ông nói tiếp:

 

“Thực ra kể từ khi dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản thì những cái chuẩn về mặt văn hóa đã bị sai lệch đi, đã bị làm thấp đi rất nhiều. Ví dụ trước kia ở Hà Nội hay nông thôn, từ lời ăn tiếng nói của con người với nhau đều có mực thước, như phân biệt rõ ràng trên dưới. Nhưng từ năm 1954, khi miền Bắc đi theo chế độ mới, thì học sinh thay vì gọi thầy cô giáo là thầy cô xưng con... thì bây giờ xưng là em. Hay có những sự bình đẳng quá trớn cả trong gia đình, nhà trường và xã hội... ví dụ như người ta gọi nhau là đồng chí chẳng hạn. Thế nên từ những lệch chuẩn kiểu như thế, rồi những giá trị truyền thống không được gìn giữ, đã bị khai tử... cho nên cái cốt cách của con người Việt từ nhiều đời nay đã không còn nữa. Theo đó có nhiều những giá trị khác cũng đã bị phá hủy đi.”

 

Ông Vũ Minh Trí còn cho rằng, một khi đã không có chuẩn mực, thì đương nhiên xã hội sẽ ngày càng biến chất, không có những cái chuẩn đúng đắn để người ta noi theo.






No comments:

Post a Comment

View My Stats