Saturday, 14 January 2023

TS AMANDINE DABAT : TÔI MUỐN MỌI NGƯỜI BIẾT về VUA HÀM NGHI NHƯ MỘT NGHỆ SĨ (Nhật Linh / Tuổi Trẻ Online)

 



TS Amandine Dabat: Tôi muốn mọi người biết về vua Hàm Nghi như một nghệ sĩ    

Nhật Linh  -  Tuổi Trẻ Online

12/01/2023 09:38 GMT+7

https://tuoitre.vn/ts-amandine-dabat-toi-muon-moi-nguoi-biet-ve-vua-ham-nghi-nhu-mot-nghe-si-20230112090439931.htm

 

TS lịch sử Amandine Dabat - hậu duệ đời thứ năm và cũng là người dày công nghiên cứu về vua Hàm Nghi - đã có một chuyến trở về Việt Nam rất đặc biệt, mang theo một kỷ vật của vua Hàm Nghi thường dùng tặng lại cho Việt Nam.

 

https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/660/471584752817336320/2023/1/12/ts-amandine-dabat-5-1read-only-1673488530825537920620.jpg

TS Amandine Dabat (giữa): "Thực sự tôi đã rất xúc động khi bước chân vào Đại nội vì đó là nơi mà ngày xưa các vị tổ tiên của tôi từng sinh sống..." - Ảnh: NHẬT LINH

 

Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với TS Amandine Dabat.

 

TS lịch sử Amandine Dabat lần đầu tiên tham dự lễ giỗ vua Hàm Nghi và vua Gia Long tại Đại nội Huế, dự lễ khai mạc cuộc triển lãm Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. 

 

Đây là lần đầu tiên TP Huế có một triển lãm đặc biệt giới thiệu về cuộc đời, nghệ thuật của vị vua yêu nước Hàm Nghi, lần đầu giới thiệu đến công chúng bức tranh Hồ trên dãy Alpes do vua Hàm Nghi vẽ.

 

Cuốn sách có nhan đề Hàm Nghi - Hoàng đế bị lưu đày, người nghệ sĩ tại Alger của Amandine Dabat xuất bản tại Pháp năm 2019 hiện đã được dịch sang tiếng Việt và sẽ ra mắt trong vài tháng tới.

 

Chỉ còn khoảng 100 tác phẩm của vua Hàm Nghi

 

* Trong chuyến trở về Huế lần này, bà có một buổi nói chuyện với công chúng về chủ đề "Cuộc đời và nghệ thuật của vua Hàm Nghi". Bà có thể chia sẻ đôi chút về cuộc trò chuyện?

 

- Điều quan trọng nhất về di sản của vua Hàm Nghi để lại cho hậu thế, theo tôi là những tác phẩm nghệ thuật. Có rất nhiều tác phẩm đã được ông tặng lại cho gia đình, bạn bè khi bị lưu đày ở Algiers (thủ đô của Algeria - PV) và ở Pháp. Công việc của tôi là tìm lại các tác phẩm đó để có một cái nhìn gần về di sản mà ông để lại.

Thực tế rất nhiều tác phẩm của ông đã biến mất sau một vụ cháy nhà vào đầu năm 1960. Vậy nên các tác phẩm mà chúng ta biết đến ngày hôm nay chủ yếu là các tác phẩm mà ông đã đem tặng. Tôi phỏng đoán hiện nay chúng ta chỉ còn khoảng 100 tác phẩm của vua còn sót lại và có thể ông đã sáng tác hơn 1.000 tác phẩm.

 

.

* Bên cạnh những thuận lợi, bà gặp phải những khó khăn gì trong việc nghiên cứu về vua Hàm Nghi?

 

- Thuận lợi lớn nhất của tôi khi nghiên cứu là chỉ có khoảng 80 tài liệu trong số 2.500 tài liệu vua để lại viết bằng chữ Nho, còn lại tất cả đều viết bằng tiếng Pháp. Khó khăn lớn nhất khi tìm tài liệu về vua đó là khoảng thời gian ba năm cuối cùng ông ở Việt Nam, đặc biệt là khoảng thời gian diễn ra phong trào Cần vương. Các tài liệu lưu trữ từ phía Pháp về giai đoạn này phần lớn rất mơ hồ và không chính xác. Thậm chí họ (Pháp - PV) còn cho rằng vua Hàm Nghi đã chết.

 

https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/660/471584752817336320/2023/1/12/ts-amandine-dabat-7-1read-only-1673488530831669265639.jpg

Chiếc ống tẩu hút thuốc bằng gỗ khảm xà cừ của vua Hàm Nghi được cô Amandine Dabat tặng lại cho Huế - Ảnh: A.THÁI

 

.

Mong đưa di cốt vua Hàm Nghi về Việt Nam

 

* Điều khiến bà ấn tượng nhất về vua Hàm Nghi?

 

- Điều mà tôi ấn tượng nhất chính là sự bền bỉ, sự can trường của vua khi phải đối mặt với rất nhiều đau khổ vì phải rời xa quê hương. Tôi nghĩ rằng những phẩm chất nhân văn như thế chính là điều làm tôi ấn tượng nhất sau khi càng đọc và càng tìm hiểu những tài liệu về vua Hàm Nghi.

 

Trong các bức tranh ông vẽ, chúng ta có thể thấy vua đã truyền tải sự cô đơn khi phải rời xa quê nhà của mình. Điều mà ta dễ nhận thấy trong những bức tranh đó là rất ít thấy sự xuất hiện của con người. Xem tranh, ta khó phân biệt được phong cảnh đó là ở Pháp, ở Algeria hay ở Việt Nam. Nó như là một tầm nhìn chung về phong cảnh mà thôi. Đó là cách mà vua muốn gửi gắm nỗi đau nhớ quê hương qua những bức tranh và đó cũng cách ông chọn để vượt qua khó khăn, đau khổ để bước tiếp, thông qua nghệ thuật.

 

.

* Khi còn sống, vua Hàm Nghi từng có di nguyện được chôn cất ở Việt Nam. Trong tương lai, bà có dự định đưa thi hài của vua về Việt Nam hay không?

 

- Khi vua Hàm Nghi mất, ông có tâm nguyện được chôn cất ở Việt Nam. Vợ và con gái ông cũng mong muốn điều này nhưng khi đó Việt Nam đang có chiến tranh và việc đưa thi hài vua về lúc đó không thể thực hiện được.

 

Thế hệ sau đó của vua là bà cố nội của tôi mong muốn rằng có thể thường xuyên đến thăm viếng ngôi mộ của tổ tiên nên đã quyết định sẽ để di cốt ông ở Pháp. Bản thân tôi cũng rất mong được thực hiện di nguyện này của vua Hàm Nghi, nhưng tôi xin được tiết lộ là hiện nay việc này chưa thể thực hiện được vì nhiều lý do gia đình.

 

Tôi muốn nói rằng việc tôi có hứng thú và tìm hiểu về vua Hàm Nghi là một chuyện rất tình cờ. Tôi đã biết đến khía cạnh nghệ thuật của ông khá muộn. Tuy nhiên, tôi cảm thấy một sứ mệnh mình cần phải làm là tìm hiểu, giới thiệu đến rộng rãi công chúng về cuộc đời, nghệ thuật của ông. Tôi muốn mọi người biết nhiều về vua Hàm Nghi với tư cách là một nghệ sĩ thực thụ. Còn là một hậu duệ của nhà vua, tôi cảm thấy sứ mệnh của mình sẽ hoàn thành khi mang được nhiều nhất có thể các tác phẩm nghệ thuật, các kỷ vật của vua và đặc biệt là di cốt của ông về Việt Nam.

 

.

* Bà có thể chia sẻ thêm về kỷ vật của vua Hàm Nghi bà tặng cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế trong chuyến trở về này?

 

- Đó là một chiếc ống tẩu hút thuốc được vua đưa từ Việt Nam sang Algeria khi bị lưu đày. Chiếc tẩu làm bằng gỗ khảm xà cừ, cao 20,1cm, sâu 8,8cm và thường được vua dùng để hút thuốc đem từ Việt Nam sang. Chiếc ống tẩu này từng được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á ở Nice (Pháp). Nó là một cổ vật được lưu giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác và tôi được thừa kế từ gia đình mình.

 

Tôi biết rằng vua Hàm Nghi đã từng rất gắn bó với nó. Tôi chắc rằng tiên đế sẽ rất vui nếu chiếc tẩu đã đồng hành cùng ông trong thời gian lưu đày được đặt tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Tôi cũng rất vui khi được biết có một nhà sưu tập không nêu tên ở Pháp đã tặng lại cho Huế một bức tranh do vua Hàm Nghi vẽ và được trưng bày lần này.

 

Tôi rất kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều tác phẩm, kỷ vật của vua Hàm Nghi được đưa về. Trong khả năng của mình, tôi sẽ cố gắng hết sức để trong tương lai có thể đưa thêm những tác phẩm, kỷ vật của vua về Việt Nam.

 

Hình : https://cdn.tuoitre.vn/471584752817336320/2023/1/10/img0538-1673352252236969568879-0-0-3420-5472-crop-16733526494771739569283.jpg

Vua Hàm Nghi bên giá vẽ

 

-------------------------

 

Hai bảo vật của vua Hàm Nghi ra mắt công chúng

Hai bảo vật là bức tranh do vua Hàm Nghi tự vẽ và ống điếu bằng gỗ mà nhà vua thường dùng khi còn sống đã lần đầu tiên trình làng trước công chúng tại Huế.

 

Chủ nhân bức "Chiều tà" của vua Hàm Nghi: Bức tranh đã vượt ngưỡng nghệ thuật bình thường  

 

Phỏng vấn người sở hữu bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi  

 

Tranh của vua Hàm Nghi vẽ lúc bị lưu đày ở Algérie đã về Việt Nam

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats