Saturday, 14 January 2023

NHẬT BẢN, CON HỔ MỚI TRÊN 'SÀN ĐÂU' ĐÔNG Á (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Nhật, con hổ mới trên ‘sàn đấu’ Đông Á

Hiếu Chân/Người Việt

January 13, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/nhat-con-ho-moi-tren-san-dau-dong-a/

 

Cuộc cạnh tranh địa chính trị và chạy đua vũ trang ở Đông Á đang bước vào một giai đoạn mới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khi Nhật quyết định gia tăng đầu tư quốc phòng và mở rộng liên kết quốc tế để đối phó với các thách thức mà Trung Quốc đặt ra.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/01/BL-Con-Ho-Nhat-1536x1024.jpg

Thủ Tướng Fumio Kishida của Nhật (trái) hội đàm với Tổng Thống Joe Biden của Mỹ tại Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Sáu, 13 Tháng Giêng. (Hình: Kevin Dietsch/Getty Images)

 

Thủ Tướng Fumio Kishida của Nhật đang thăm Hoa Kỳ và đã có cuộc hội đàm với Tổng Thống Joe Biden của Mỹ vào sáng Thứ Sáu, 13 tháng Giêng. Ông Kishida nói: “Nhật và Hoa Kỳ hiện đang đối mặt với một môi trường an ninh phức tạp nhất, thách thức nhất trong lịch sử hiện đại” và ông cho đó là lý do để Nhật tăng chi tiêu quốc phòng theo Chiến Lược An Ninh Quốc Gia (NSS) mới cập nhật gần đây.

 

Về phần mình, ông Biden tán thành kế hoạch phòng thủ mới của Nhật và khẳng định Hoa Kỳ cam kết liên minh với Nhật một cách đầy đủ, thông suốt và toàn diện, đồng thời sẵn sàng bảo vệ Nhật.

 

Thoạt nhìn, phát ngôn của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật không có gì mới nhưng xét kỹ nó báo hiệu một sự thay đổi lớn. Từ sau Thế Chiến 2, Nhật vẫn sống dưới chiếc dù an ninh của Mỹ. Dân chúng xứ Phù Tang chỉ lo làm kinh tế và làm giàu, việc quốc phòng đã có Mỹ lo. Gần 54,000 binh sĩ Mỹ đóng quân trên đất Nhật không chỉ bảo vệ mà còn đem lại cơ hội kinh doanh cho người Nhật. Hiến pháp “hòa bình” của Nhật chính thức từ bỏ “quyền tuyên chiến,” thậm chí Nhật chỉ có một Lực Lượng Phòng Vệ (SDF) thay cho quân đội chính quy và Bộ Quốc phòng.

 

Nhưng bây giờ, Nhật muốn chủ động nhiều hơn về quân sự thay vì chỉ phòng thủ và nhất cử nhất động phải chờ Mỹ bật đèn xanh. NSS của Nhật được chính phủ Kishida công bố giữa Tháng Mười Hai năm ngoái thể hiện rõ ý đồ đó. Chiến lược này xác định “Trung Quốc là thách thức chiến lược lớn nhất” đối với nỗ lực của Nhật nhằm bảo đảm hòa bình, an toàn, và ổn định cho chính mình và thế giới. Để đối phó, Nhật sẽ dành khoảng 43,000 tỷ yen ($320 tỷ) để canh tân quốc phòng, tương đương 2% GDP của đất nước trong năm năm 2022-2027, gấp 1.6 lần mức chi tiêu hiện nay. Với chi phí quân sự khoảng $73 tỷ mỗi năm, Nhật sẽ là nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.

 

                                                    ***

Theo NSS, Nhật sẽ dành phần lớn ngân sách quốc phòng để mua hỏa tiễn Tomahawk và hỏa tiễn đối không liên kết đất đối đất (Joint Air-to-Surface Standoff Missile) của Mỹ, cùng với hỏa tiễn đối hạm Type-12 dẫn đường bằng vệ tinh do công ty công nghiệp nặng Mitsubishi phát triển. Ngoài ra, Nhật sẽ mua nhiều máy bay không người lái tấn công và trinh sát, thiết bị liên lạc vệ tinh, chiến đấu cơ tàng hình F-35, trực thăng, tàu ngầm, tàu chiến và máy bay vận tải hạng nặng. Mục tiêu của Nhật, được nói rõ trong chiến lược, là xây dựng khả năng “ngăn chặn và đánh bại các cuộc xâm lược sớm hơn nhiều và ở khoảng cách xa hơn,” cụ thể là khả năng tấn công phủ đầu, cho phép Nhật tấn công các căn cứ của đối phương khi phát hiện âm mưu tấn công ngay cả trước khi các hỏa tiễn được khai hỏa.

 

Trong chuyến viếng thăm Washington của Thủ Tướng Kishida, và hội nghị 2+2 giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước Nhật-Mỹ trong tuần này, ngoài việc mua sắm vũ khí như nêu trên, các nhà lãnh đạo Nhật còn muốn thủ đắc thông tin tình báo – điều kiện căn bản cho khả năng tấn công phủ đầu của Nhật trong tương lai.

 

Để phát hiện sớm dấu hiệu tấn công của đối phương trước khi hỏa tiễn được phóng đi, Nhật vẫn phải dựa vào mạng lưới tình báo sâu rộng và tinh vi của Mỹ. Thỏa thuận chia sẻ thông tin từ các vệ tinh trinh sát của Mỹ đã được các bộ trưởng đồng thuận trong hội nghị 2+2 ngày 11 Tháng Giêng. Ông John Kirby, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ, nói với một tờ báo Nhật: “Nếu Nhật yêu cầu hỗ trợ cải thiện năng lực của họ, chắc chúng tôi sẽ cung cấp.”

 

Trước khi tới Washington, ông  Kishida cũng đi một vòng thủ đô các nước G7 ở Châu Âu và Canada để vận động mở rộng liên kết quân sự. Tại Anh, ông Kishida ký với Thủ Tướng Rishi Sunak một hiệp ước quốc phòng Anh-Nhật, cho phép quân đội hai nước triển khai trên lãnh thổ của nhau và cả hai nước đều mô tả Trung Quốc là một “thách thức” ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tại Ý, ông Kishida ký thỏa thuận hợp tác cùng Ý phát triển một loại chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu mới – chương trình hợp tác quốc phòng Nhật-Châu Âu lớn nhất từng được thực hiện.

 

                                                 ***

Lý do nào khiến Nhật “quay đầu xe” từ phòng thủ chuyển sang tấn công và mở rộng mạng lưới liên kết quân sự khắp thế giới? Câu trả lời nằm trong chiến lược bành trướng của Trung Quốc. Có thể khẳng định, chính tham vọng bành trướng của Trung Quốc đánh thức con hổ đang ngủ ở Đông Á và tạo ra một đối thủ mới, rất mạnh. Nếu có ai để trách trong chuyện này thì Trung Quốc nên tự trách chính mình.

 

Trong 20 năm qua, cùng với sự hiện đại hóa nhanh chóng hải quân và không quân, Trung Quốc đã thực sự tăng cường các hành vi hiếu chiến. Nhật và Trung Quốc từ lâu có tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài (Diaoyu) hiện do Nhật kiểm soát. Sức ép quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc với đảo quốc độc lập Đài Loan, chiến lược của Trung Quốc quân sự hóa các đảo đá ở Biển Đông… tất cả đều gây lo ngại sâu sắc cho Nhật và nhiều nước Đông Á khác, kể cả Nam Hàn, Đài Loan, và Philippines.

 

Hồi Tháng Tám năm ngoái, để phản ứng với chuyến thăm Đài Bắc của Chủ Tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi, Bắc Kinh bắn nhiều hỏa tiễn đạn đạo ra vùng biển quanh Đài Loan, trong đó có năm hỏa tiễn rơi vào vùng đặc quyền kinh tế phía Nam của Nhật, gần đảo Okinawa. Điều đó khẳng định, an ninh của Nhật gắn với Đài Loan và nếu chiến tranh Trung-Đài nổ ra thì dù muốn dù không Nhật chắc chắn sẽ bị kéo vào lò lửa.

 

Chiến lược của ông Tập Cận Bình, tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch Trung Quốc, là bồi đắp rồi quân sự hóa các đảo đá ở Trường Sa và Hoàng Sa từ năm 2013 đến nay không chỉ xung đột với các nước Việt Nam và Philippines mà đe dọa làm tắc nghẽn dòng chảy thương mại của chính Nhật. Phần lớn nhiên liệu nhập cảng và hàng hóa xuất cảng của Nhật đều đi qua Biển Đông và eo biển Đài Loan. Nhật không thể để cho Trung Quốc đơn phương kiểm soát huyết mạch kinh tế của cả khu vực.

 

Việc “xoay trục” của Nhật, tuy khá trễ, nhưng là bước đầu của một cuộc cạnh tranh mới, quyết liệt hơn giữa hai cường quốc Châu Á, bên cạnh cuộc đối đầu đã có từ lâu giữa hai ông lớn Mỹ-Trung Quốc. Các quốc gia khác, hoặc công khai hoặc âm thầm, đã chọn cho mình một đối tác an ninh để phòng khi không tránh khỏi xung đột. Nhiều quốc gia như Nam Hàn và Philippines đã bày tỏ thái độ rất rõ ràng và hành động dứt khoát khi quyền lợi quốc gia bị đe dọa.

 

                                                       ***

Trung Quốc tức giận trước sự trỗi dậy của con hổ Nhật. Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh sáng Thứ Sáu, 13 Tháng Giêng, ông Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, cảnh báo bất kỳ hình thức hợp tác mới nào giữa hai cường quốc Mỹ-Nhật đều không được làm tổn hại đến lợi ích của một quốc gia khác hoặc sự ổn định, hòa bình hiện tại của khu vực.

 

“Châu Á-Thái Bình Dương là nơi tạo nhịp độ cho hòa bình và phát triển, không phải là sân đấu cho các trò chơi địa chính trị. Trung Quốc là một đối tác hợp tác cho tất cả các nước chứ không phải là một thách thức,” ông Uông nói, nhắc lại lời ông Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở Indonesia cuối năm ngoái rằng Châu Á-Thái Bình Dương không phải là sân sau của bất cứ nước nào và không nên trở thành đấu trường thi thố của các cường quốc.

 

Xem ra Bắc Kinh vẫn cố tự huyễn hoặc và lừa dối thế giới bên ngoài bằng những ngôn từ giả đạo đức. Nhưng bây giờ thì dường như ngoài Việt Nam chẳng còn nước nào tin vào những lời đường mật, vào thiện chí hợp tác giả tạo của Trung Quốc Cộng Sản. [đ.d.]





No comments:

Post a Comment

View My Stats