Saturday 14 January 2023

NGÀY TẾT, NHỚ VỀ THẦY ĐÔNG HỒ (Nguyễn Kiến Thiết)

 



Ngày Tết, nhớ về thầy Đông Hồ

Nguyễn Kiến Thiết

11 tháng 1, 2023

https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/ngay-tet-nho-ve-thay-dong-ho/

 

Trong bài nầy, tôi muốn viết những kỷ niệm về thầy Đông Hồ nhân khi tìm được tấm ảnh cũ thầy tặng tôi 54 năm về trước. Đồng thời làm sáng tỏ một vài chi tiết về hành trạng cũng như cái chết đầy huyền thoại của thầy Đông Hồ. Đó cũng là cách để trả phần nào món nợ tinh thần đối với thầy của mình.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/Notation-Music-Studio-Logo.png

Thi sĩ Đông Hồ (file photo)

 

.

Từ một tấm ảnh cũ…

 

Cuộc đời và sự nghiệp thầy Đông Hồ (1906-1969) đã làm hao tốn nhiều giấy mực của biết bao nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà nghiên cứu phê bình văn học từ Nam chí Bắc, cũng như của phần đông môn sinh của thầy từ Trí Đức Học Xá (TĐHX) Hà Tiên đến Đại học Văn Khoa (ĐHVK) Sài Gòn.

 

Nói đến Đông Hồ, người ta nghĩ ngay tới nhà thơ, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học. Nói đến Đông Hồ, người ta nghĩ ngay tới “một người có công với Quốc văn” (Nam Phong số 173), đã “tự nguyện làm một người tri kỷ với Quốc văn, (…) cùng với Quốc văn ước nguyền sông núi” (Trọng Toàn, Nam Phong số 175). Có người còn cho rằng Đông Hồ là một trong những tiền bối có công đầu khai phá cho bộ môn Thư pháp chữ Quốc ngữ. Võ Phiến còn tán tụng: “Đông Hồ văn hay chữ đẹp, làm thơ xướng họa, viết câu đối mừng đám cướikhóc đám ma, viết những cánh thiệp đón xuân chúc Tết v.v… thì tuyệt” (Văn học miền Nam – Thơ, NXB Văn Nghệ, 1999).

 

Nhớ lại lúc còn theo học chứng chỉ Văn Chương Quốc Âm tại ĐHVK Sài Gòn, tôi có phước duyên được dự những buổi giảng của thầy Đông Hồ vào mỗi sáng thứ Ba hằng tuần (khoảng tháng Ba đến tháng Sáu năm 1968). Năm ấy, thầy giảng về Văn học Miền Nam – Văn học Hà Tiên. Sau khi điểm qua bối cảnh lịch sử hình thành miền Nam theo đà Nam tiến của tổ tiên người Việt, thầy dừng lại khá lâu để giới thiệu, phân tích Văn học Hà Tiên – đặc biệt Truyện Song Tinh và Tao đàn Chiêu Anh Các.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/DONG-HO.jpg

Hình : Đông Hồ và Nguyễn KIến Thiết

______________

 

Vốn là một “thi sĩ phong lưu” nên lối dạy của thầy Đông Hồ không bị gò bó trong chương trình quy định, không khác Đông Kinh Nghĩa Thục, như nhận xét của Nguyễn Hiến Lê: “Lựa một bài thơ, một áng văn hoặc một thời sự, một truyện cổ làm đầu đề giảng của mỗi buổi, rồi liên miên bàn về cách xử thế tu thân, về lòng yêu nước, về cách đặt câu, dùng chữ v.v…”. Giảng về truyện Song Tinh, đôi lúc ngẫu hứng thầy cất cao giọng sang sảng ngâm mấy bài thơ luật và các cặp lục bát tiêu biểu trong truyện. Thầy đắc ý nhứt là các từ hoa – lối trùng điệp chơi chữ:

 

            Khách tiên từ tận mặt tiên / Một mình tưởng lại một mình / Vốn quê nên giữ lòng quê

Song le cách trở đó đây / Mặt nhìn tận mặt, phiền tây thêm phiền… 

 

Một buổi sáng thứ Ba hôm ấy, trời trong xanh, nắng vàng chói lọi. Vài cơn gió nhẹ thoảng qua ngập ngừng mơn man từng cánh hoa phượng đỏ thắm trong sân trường Đại học. Thay vì giảng bài tiếp, thầy cao hứng ngâm mấy câu thơ do thầy sáng tác:

 

            Mùa son hoa phượng nở son / Vàng son hoa nở hai mùa…

Mùa son hoa phượng nở hồng (?) / Hồng gieo đỏ thắm tám nẻo đường Văn khoa.

 

Có lần, tôi đặt câu hỏi: – Thưa thầy, những câu thơ thầy vừa ngâm phải chăng chịu ảnh hưởng lối trùng điệp chơi chữ trong truyện Song Tinh?

 

Thầy đáp: – Câu hỏi của anh rất hay. Thầy chịu ảnh hưởng cách sử dụng điệp ngữ, trước hết ở truyện Song Tinh rồi Lục Vân Tiên và Truyện Kiều.

 

Sau khi thi đậu chứng chỉ Văn Chương Quốc Âm, tôi tình cờ gặp lại thầy Đông Hồ ở ĐHVK Sài Gòn. Nụ cười, ánh mắt tình sư đệ trao nhau đượm nồng tình cảm. Thầy kêu tôi vô phòng học rồi rút từ trong cặp ra hai tấm ảnh:

 

Tấm thứ nhứt thầy mặc quốc phục (áo dài khăn đóng) chụp bán thân năm thầy khoảng hai mươi tuổi, lúc bắt đầu dạy học ở TĐHX Hà Tiên; tấm thứ hai thầy mặc com-lê màu xám, áo sơ-mi trắng, thắt cà-vạt màu sậm và đeo cặp kính lão.

 

Tấm ảnh thứ hai nầy thầy vừa chụp để kỷ niệm lúc dạy học tại ĐHVK Sài Gòn, được thầy ký tên sẵn dành tặng một số môn sinh. Điều cần nói rõ là mỗi lần lên bục giảng, thầy Đông Hồ luôn vận Âu phục như đã mô tả trong tấm ảnh thứ hai. Sau khi hỏi tên họ tôi, thầy hí hoáy viết mấy chữ đề tặng tôi trên tấm ảnh thứ nhứt. Xin được đọc ở mặt trước, phía dưới theo thứ tự: (chữ ký) Đông Hồ, 22.VIII.68 để cho…; và mặt sau:… môn sinh Nguyễn Kiến Thiết giữ làm lưu niệm. Đ.h. [Để ý cách ghi của thầy: ngày và năm bằng số Arab; tháng bằng số La Mã].

 

Rồi thầy tặng tôi cả hai tấm ảnh đánh dấu hai giai đoạn trong đời dạy học của thầy.

 

Tôi bồi hồi xúc cảm nhận hai tấm ảnh từ tay vị thầy khả kính và nguyện sẽ giữ gìn cẩn thận, coi như đó là những kỷ vật thiêng liêng. Nhứt là tấm ảnh thầy mặc quốc phục, có thể nói “độc nhứt vô nhị” – mà trong đời thường tôi chưa bao giờ được thấy – có dáng vẻ một nhà nho tiên phong đạo cốt, còn ghi đậm trong lòng tôi cho mãi đến ngày nay. Tôi nhớ lời khuyên dạy của thầy còn văng vẳng bên tai: “Thầy mong đào tạo những anh tài, trong đó có Kiến Thiết, sẽ nối gót thầy phát huy

 

Sau những cuộc bể dâu, tôi những tưởng là tấm ảnh ấy cùng chung số phận với các tập thơ của thầy Đông Hồ: không còn trong “Tủ Sách Gia Đình Nguyễn Kiến Thiết” nữa. Không ngờ, một cái “phước duyên” lạ lùng đã đưa châu về hợp phố: Người anh họ của tôi đã nâng niu cất giữ và gởi trả cho tôi tấm ảnh ấy trước khi anh qua định cư ở Hoa Kỳ theo diện H.O. Đó cũng là lý do, là nguồn cảm hứng để tôi viết bài nầy coi như cách để trả ơn thầy Đông Hồ.

 

Nhớ về thầy Đông Hồ

 

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một thầy Đông Hồ với “dáng gầy tuấn nhã nét văn nhân”, mũi cao thanh tú. Mái tóc bạc không dài lắm cũng đủ bồng bềnh quấn hai bên vành tai. Mỗi lần chấp bút, “những ngón tay búp măng trắng trẻo” của thầy “đưa thoăn thoắt trên tờ giấy điều”. Thầy luôn có cái nhìn tríu mến, thân thương. Nụ cười hiền hậu, rất tươi. Giọng nói trong và ấm, ngâm vịnh thơ văn rất tuyệt.

 

Về cách trang phục, nhiều người không theo học trực tiếp với thầy Đông Hồ, chỉ nhìn thấy hình thầy rồi tha hồ “hư cấu”, nên càng “tam sao” càng “thất bổn”! Phần đông đều mô tả thầy Đông Hồ lên bục giảng đều mặc quốc phục! Đầu tiên, từ Tháng Năm 1969 (tức hai tháng sau ngày thầy mất), Đỗ Châu Huyền và Trần Đình Lập đã viết trên báo Cấp Tiến: “Nhà giáo Đông Hồ lúc nào đến giảng đường cũng vui tươi với tấm lòng yêu quê hương, phát huy tinh hoa của tiếng nói dân tộc và trang trọng trong bộ quốc phục như nhà mô phạm thời xa xưa”. Lê Hồng Thiện trong bài “Nhà giáo, nhà thơ Đông Hồ giảng bài đến chết”, có viết: “Ông [tức Đông Hồ-NKT] vẫn mặc áo dài, khăn xếp lên bục giảng…” . Nguyễn Triệu Nam (trưởng nam nhà văn Nguyễn Triệu Luật) trong bài “Kỷ niệm về thi sĩ Đông Hồ”, có viết: “… Lễ lạc hay tiếp tân đều vận quốc phục, khăn đóng, áo dài, giầy Gia Định”.

 

Là môn sinh đã theo học với thầy Đông Hồ ít nhứt sáu buổi giảng, và có vài lần gặp thầy tại trường, tôi xin xác nhận: Mỗi lần lên bục giảng ở ĐHVK Sài Gòn, thầy Đông Hồ thường vận âu phục tươm tất: com-lê màu xám, áo sơ-mi trắng, thắt cà-vạt màu sậm, chân mang giầy đen Gia Định. Chỉ những dịp lễ lạc, tiếp tân, thầy mới mặc quốc phục.

 

Cách xưng hô của thầy cũng có người ngộ nhận. Chẳng hạn, Lê Hồng Thiện đã viết: “Ông (…) xưng thầy và gọi học trò trai là con trai của thầy, coi con gái là con gái của thầy” (Tài liệu đã dẫn). Trong Đặc San Gia Đình Cựu Giáo Chức Việt Nam Tại Québec 2011 (NSGĐCGCVN), tr.130, Nguyễn Bá Hoa có trích lại đoạn thầy Đông Hồ “giảng” về bài thơ “Trưng Nữ Vương” của nữ sĩ Ngân Giang: “Dù chiến thắng vẻ vang đuổi được quân Tàu, dù quân thù khiếp hãi, Bà Trưng vẫn là người đàn bà đang có tang chồng. Phần trên bài thơ tả chiến thắng của Hai Bà; đến bốn câu kết thì tuyệt. Thầy đọc cho các con nghe, ai thích thì chép”. Vì bạn Nguyễn Bá Hoa không ghi rõ xuất xứ, mặc dầu in chữ nghiêng trong ngoặc kép, chúng tôi ngỡ là văn phong của nữ sĩ Mộng Tuyết hơn là lời giảng – trong đó có cách xưng hô – của thầy Đông Hồ!

 

Mặc dầu cách xưng hô không phải là vấn đề lớn; nhưng đã viết thì phải đúng hoặc gần đúng sự thật. Tôi nhớ không lầm thì các thầy ở ĐHVK Sài Gòn, như GS Nguyễn Khắc Hoạch, GS Thanh Lãng, GS Bửu Cầm v.v… trên bục giảng thường xưng “tôi” và gọi sinh viên là “các anh chị” hoặc “các bạn”. Riêng GS Nghiêm Toản thường gọi đùa chúng tôi là “Tiên sinh” hoặc “ông Cử/bà Cử”. Bởi lẽ sinh viên thuộc nhiều lớp tuổi (từ 20 đến 60), thành phần, địa vị xã hội khác nhau. Ngoại trừ sinh viên thuần túy, phần đông học “hàm thụ”: một số đã đi dạy học; một số phụ trách phòng ban ở các Sở, Bộ; còn có một số sĩ quan các cấp trong quân lực VNCH- trong đó có mấy ông tướng.

 

Thầy Đông Hồ thường xưng “thầy” và gọi sinh viên là “các anh chị” hoặc “các bạn”. Những lúc chuyện trò thân mật, thầy chỉ nói đùa và gọi “học trò trai là con trai của thầy, học trò gái là con gái của thầy”! Càng không có chuyện thầy xưng hô trên bục giảng: “Thầy đọc cho các con nghe”.

 

Một người thầy tuyệt vời

 

Cuộc đời nhà giáo Đông Hồ, như mọi người đều biết, gồm hai giai đoạn: khởi đầu từ TĐHX ở Hà Tiên (1926-1934) và kết thúc ở ĐHVK Sài Gòn (1964-1969). Riêng giai đoạn hai, chỉ vỏn vẹn có năm năm, để nối lại cái “tình duyên lỡ làng” với TĐHX 30 năm trước, nhưng hình ảnh và phong độ của thầy Đông Hồ đã in đậm vào tâm khảm chúng tôi. Đám môn đệ chúng tôi đều tán thành nhận xét của Võ Phiến: “Đối với sinh viên theo học ông, Đông Hồ là một người thầy tuyệt vời”.

 

Thật vậy, Đông Hồ là một nhà giáo yêu nghề, một người thầy tuyệt vời. Thầy là tấm gương sáng cho môn đệ noi theo: từ sự cẩn trọng trong cách ăn mặc đến sự mềm mỏng, lịch thiệp trong giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp, văn thi hữu. Đỗ Hân có kể rằng:

 

Mỗi lần đến thăm Nguyễn Hiến Lê, ông đều tới thắp nhang ở bàn thờ cha mẹ bạn rồi mới ngồi xuống trò chuyện”.

 

Có người còn thuật lại, một lần nọ, lúc đang giảng bài, thầy vui vẻ nói với các môn đệ (đại ý):  Các bạn đừng quá chú trọng đến việc học với thầy, vì GS Thanh Lãng đã cho các bạn kiến thức bao la, GS Nguyễn Khắc Hoạch và GS Nghiêm Toản đã dạy các bạn những suy tư thâm trầm, trang nhã; riêng thầy như cành hoa, cánh bướm chỉ để làm công việc tô điểm mà thôi!

 

Ngoài sự tao nhã dễ thấy, đôi khi thầy còn tỏ ra nghiêm khắc trong cách đặt câu, dùng chữ, hun đúc cho đám môn sinh tình-yêu-tiếng-Việt, yêu cái quốc hồn quốc túy như thầy đã từng chịu ảnh hưởng thi hào Ấn Độ, Rabindranath Tagore: “Có học tiếng mẹ đẻ thì chúng ta mới vỡ trí khôn ra”. Thật lòng thầy thương mến học trò như con cái trong nhà. Ngược lại, môn sinh yêu quý, kính trọng thầy như con đối với cha:

 

Tưới nước vun phân: người giáo hóa  /  Đầm thấm dồi dào, ân móc mưa

Ba xuân tấc cỏ tình sư đệ  /  Một hội trăm năm cảnh học đường!

(Cảnh học đường)

 

Mỗi buổi dạy vào sáng thứ Ba hằng tuần, thầy đến giảng đường rất sớm, trước giờ vào lớp học. Mục đích là để gần gũi, chuyện trò với môn đệ nhiều hơn. Thầy thường thân mật hỏi quê quán, gia cảnh, hoài bão mỗi người. Nếu có dịp, thầy thường kể chuyện về quê hương Hà Tiên, về Trí Đức Học Xá, về sự tích Tao Đàn Chiêu Anh Các ngày xưa, cũng như cái duyên được hiệu đính và xuất bản Truyện Song Tinh.

 

Nhà giáo Đông Hồ đến giảng đường ĐHVK Sài Gòn còn có “dáng dấp một nhà thơ, một văn nhân nên lớp học lúc nào cũng chan hòa ý thơ, là nguồn thơ bất tận, ý thơ tuôn trào”! Nhân ngày đầu một năm học, nhìn bình hoa cúc màu vàng tươi do các môn sinh trang trí, đặt sẵn trên bàn, thầy cảm hứng đọc mấy câu thơ:

 

            Hoa nào mới nở mùa khai giảng  /  Nô nức mùa khai hội gấm hoa

            Gấm trải tưng bừng vườn Đại học  /  Hoa phô rực rỡ ngõ Văn Khoa.

 

Tôi hoàn toàn đồng ý với Nguyễn Hiến Lê qua nhận xét sắc sảo về người thầy tuyệt vời Đông Hồ:

 

Tôi chắc chắn không có một giáo sư Đại học nào ở Việt Nam hiện nay [1970-NKT] có thái độ và tấm lòng đó đối với sinh viên. Có thể rằng giờ này đây, môn sinh ông quên gần hết những điều ông giảng về văn học miền Nam, về nhóm Chiêu Anh Các, nhưng suốt đời họ, họ sẽ không bao giờ quên được cái phong độ, cái chân tình nho gia của ông”. Cuối cùng ông khẳng định: “Nhiều người có thể thay Đông Hồ về môn Văn học miền Nam, nhưng cái không khí của giáo sư Đông Hồ, của “thầy đồ” Đông Hồ thì không ai tạo nên nổi”.

 

Cái chết của thầy Đông Hồ     

 

Đầu năm 1969, nghe tin thầy Đông Hồ có ý muốn nghỉ dạy vì tuổi già sức yếu, GS Thanh Lãng, Trưởng ban Văn chương Việt Nam ĐHVK Sài Gòn, gặp nhà thơ và nói: “Thưa tiên sinh, sinh viên nó quý tiên sinh lắm. Tiên sinh cố gắng trở lại với học trò, nếu lỡ tiên sinh có ra đi giữa đám học trò thì âu đó cũng là nghiệp dĩ”. Nghe lời khuyên chí nghĩa, chí tình, thi sĩ Đông Hồ đã vui vẻ trở lại trường lớp. Và những gì phải xảy ra, đã xảy ra sau đó đúng như tiên đoán của vị Trưởng ban Việt văn ĐHVKSG.

 

Trong một bài báo đăng trên Thời Báo số Xuân Tân Mão (2011), tôi có viết về nguyên nhân cái chết của thầy Đông Hồ là do cố gắng quá sức để nhập vai một cách xuất thần trích đoạn tuồng hát bội Kim Thạch Kỳ Duyên của Bùi Hữu Nghĩa tại ĐHVK Sài Gòn. Với sự dè dặt thường lệ, tôi có ghi ở phần chú thích: “Người viết – vốn là môn sinh cũ của thầy Đông Hồ – biết được tin nầy qua một sinh viên đang theo học môn Văn Chương Quốc  m với thầy Đông Hồ thời ấy. Về nguyên nhân cái chết của thầy Đông Hồ cũng có người nói khác đôi chút… Rất mong được thân nhân của thầy Đông Hồ và bạn đọc soi sáng vấn đề trên” (Thời Báo số 1001, ngày 04/02/2011 tr.13-19).

 

Nhớ lại hôm dự tang lễ thầy Đông Hồ, tôi có hỏi một số sinh viên về nguyên do cái chết của thầy và được trả lời như sau:

 

-Hôm ấy, thầy giảng tác phẩm Kim Thạch Kỳ Duyên của Bùi Hữu Nghĩa. Sau khi minh họa một đoạn trong vở tuồng hát bội, thầy kêu mệt rồi ngồi nghỉ. Tôi có việc phải về sớm khoảng vài mươi phút trước khi buổi học kết thúc, nên không biết chuyện gì đã xảy ra sau đó.

 

Từ ấy cho đến khi viết bài cho Thời Báo, tôi vẫn đinh ninh thầy Đông Hồ ngã gục tại bục giảng ĐHVK Sài Gòn trong lúc giảng tác phẩm Kim Thạch Kỳ Duyên của Bùi Hữu Nghĩa, đúng như chương trình đã ghi. Còn thơ của nữ sĩ Ngân Giang hoàn toàn không có trong chương trình học.

 

Một thời gian sau khi tờ báo phát hành, tôi nhận được một số góp ý của bạn đọc, phần đông trong Gia Đình Cựu Giáo Chức Việt Nam tại Québec, cụ thể là Nguyễn Bá Hoa.

 

Tôi đã để công tra cứu nhiều tư liệu trong sách báo, trên các trang mạng Internet của các tác giả trong và ngoài nước viết về thầy Đông Hồ để có một cái nhìn tương đối đầy đủ, khách quan. Hơn nữa, tôi cũng mong muốn và đề nghị các nhà viết văn học sử nên có cái nhìn thật sự khoa học khách quan về nhà thơ Đông Hồ. Xin tạm dẫn sau đây.

 

Có tài liệu cho rằng: “Đông Hồ dẫn thơ của nữ sĩ Hồng Hà (Đoàn Thị Điểm) [đáng lẽ của nữ sĩ Ngân Giang-NKT]… Trong sự xúc động cao độ, Đông Hồ đã đứt mạch máu não…” (Lê Hồng Thiện, tài liệu đã dẫn). Một tài liệu khác ghi (nguyên văn): “Năm 1969, giữa giảng đường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, thi sỹ Đông Hồ đang bình giảng bài thơ này đã đứt mạch máu não khi ngâm câu “Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá…”. Sau một tuần [chi tiết sai, đáng lẽ chiều hôm ấy-NKT] thiêm thiếp tại bệnh viện Grant [đáng lẽ Grall-NKT], Đông Hồ ra đi vào cõi vĩnh hằng” (Nguồn).

 

Trong bài “Phút cuối cùng trên bục giảng” của Bùi Văn Chúc, có đoạn: “Các sinh viên dự lớp hôm ấy đều tin rằng: Khi đang bình giảng bài thơ “Trưng Nữ Vương” (…) của nữ sĩ Ngân Giang, vì quá xúc động trước vẻ đẹp của nhà thơ nên thầy Đông Hồ đã bị đột tử (tai biến mạch máu não) ngay trên bục giảng đường Đại học Văn Khoa Sài Gòn vào ngày 25/3/1969” [Nữ sĩ Mộng Tuyết cho in lại trong “Núi Mộng Gương Hồ”, quyển 2, NXB Trẻ, 1998, tr.115-116].

 

Riêng Nguyễn Bá Hoa có kể một chi tiết khá trung thực: “Sáng thứ ba hôm đó (…) trong chương trình giảng dạy của thầy cho lớp Chứng chỉ Văn Chương Quốc Âm có phần giảng về tác phẩm “Kim Thạch Kỳ Duyên” của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Nhưng nhân dịp lễ Hai Bà Trưng năm đó, thay vì giảng tiếp tác phẩm “Kim Thạch Kỳ Duyên” (…), thầy giảng bài thơ Vịnh Hai Bà Trưng của nữ sĩ Ngân Giang in trong tập Tiếng Vọng Sông Hương…” (Tài liệu đã dẫn, tr.129).

 

Dựa vào các nguồn tư liệu dẫn trên, người viết xin ghi lại nguyên nhân cái chết của thầy Đông Hồ, như sau:

 

Vào sáng thứ Ba (25/03/1969), thầy Đông Hồ đến lớp giảng tác phẩm Kim Thạch Kỳ Duyên của Bùi Hữu Nghĩa cho sinh viên chứng chỉ Văn Chương Quốc Âm tại ĐHVK Sài Gòn. Nhưng nhân dịp Lễ Hai Bà Trưng năm đó, thay vì giảng tiếp tác phẩm Kim Thạch Kỳ Duyên, còn vài mươi phút cuối, thầy Đông Hồ đã bình giảng bài thơ Trưng Nữ Vương của nữ sĩ Ngân Giang. Thầy đắc ý nhứt là bốn câu chót nên cất cao giọng ngâm mấy vần thơ: 

 

Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa  /  Giáp vàng, khăn trở lạnh đầu voi. Chàng ơi! Điện ngọc bơ vơ quá / Chênh chếch trăng tà bóng lẻ soi.

 

Vì quá cố gắng, và trong sự xúc động cao độ, thầy đã ngất đi tại bục giảng trong vòng tay môn sinh. Mọi người đưa thầy vào bệnh viện Grall để cấp cứu. Đến 19 giờ cùng ngày, thầy đã ra đi vĩnh viễn.

 

GS Bửu Cầm đã gởi tặng đôi câu đối phúng thật tuyệt:

 

               Sông Thái ôm trăng, Lý Bạch thoát   /   Trường Văn nhả ngọc, Đông Hồ siêu.

 

Có lần đến thăm GS Bửu Cầm, tôi đã nghe thầy đọc đôi câu đối vừa kể.

 

Không hiểu sao, có người đã trích dẫn sai:  Sông Thái ôm trăng, Lý Bạch quị; Trường Văn nhả ngọc, Đông Hồ tịch.

 

(Để ý hai chữ cuối câu: quị và tịch, không theo đúng luật bằng trắc trong phép đối – NKT) (Nguồn)

 

Về sau, Chiêu Dương đã sáng tác mấy câu thơ:

 

Ai đem tang tóc vào thơ  /  Ngâm câu “Điện ngọc…”, Đông Hồ ra đi.

 

Cái chết của thầy đã đi vào huyền thoại. Có người còn nói là cái chết đầy “bí ẩn”? Một cái chết thật đẹp – đúng như tiên đoán của GS Thanh Lãng và nhận xét của Nguyễn Hiến Lê! Đó là ý trời mà cũng hợp với ý thầy, như câu của Lương Khải Siêu: “Chiến sĩ tử ư sa trường; học giả tử ư giảng tọa”.

 

Thầy được an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Sài Gòn (nay là công viên “Lê Văn Tám”). Trên mộ bằng cẩm thạch Ý Đại Lợi có khắc hai câu thơ lục bát, không biết do môn sinh TĐHX Hà Tiên hay ĐHVK Sài Gòn sáng tác:

 

Ân sâu, nghĩa nặng tình dài   /   Khóc thầy, khóc mãi, biết đời nào nguôi?

 

Đến ngày 30/06/1983, nữ sĩ Mộng Tuyết đã di quan về Hà Tiên, cải táng trên núi Tô Châu. Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của thầy Đông Hồ.

 

Thay lời kết

 

Thầy Đông Hồ đã ra đi vào cõi vĩnh hằng để lại niềm tiếc thương vô hạn của môn sinh, đồng nghiệp, văn thi hữu cũng như của người bạn đời, bạn thơ của thầy – nữ sĩ Mộng Tuyết.

 

Nguyễn Hiến Lê, từ năm 1970, đã ao ước những câu thơ sau đây của thầy Đông Hồ “được khắc trên phiến đá Ngũ Hành Sơn mà dựng trước di chỉ Trí Đức Học Xá ở Hà Tiên hoặc khắc lên bảng đồng trong phòng diễn giảng ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn:

 

“Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên  /  Nền móng văn chương cổ điển

“Đặt xây viên đá đầu tiên  /  Xây dựng tương lai còn hẹn”

(Tiếng Việt huy hoàng – 1967).

 

Nhân dịp Lễ kỷ niệm húy nhật đệ nhị chu niên của cố thi sĩ Đông Hồ, do trường Trung học Nguyễn Trung Trực Kiên Giang và nhóm môn sinh tổ chức vào ngày 28/03/1971 tại Kiên Giang, GS Thanh Lãng đã phát biểu: “Trong khi ở trung tâm thủ đô, văn thi sĩ lơ là với Đông Hồ bao nhiêu thì ở miền cực Nam, văn thi sĩ say sưa với Đông Hồ bấy nhiêu”. Theo GS, “Nếu Nhất Linh đã làm đẹp mặt miền Bắc, thì ít ra Đông Hồ cũng làm đẹp mặt miền Nam”. Cuối cùng, “GS đề nghị với ông Tỉnh trưởng và Hội Đồng tỉnh Kiên Giang nên đặt tên đường Đông Hồ trong thị xã, và đề nghị với ông Đổng Lý chủ tọa dành một cái gì cho thi sĩ Đông Hồ, tốt hơn hết là đổi tên đường Lam Sơn trước nhà cố thi sĩ thành đường Đông Hồ”.

 

Viết bài tường thuật buổi lễ kể trên để đăng ở Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học, tôi chợt nghĩ đến việc đặt một tấm bảng nhỏ ghi mấy dòng chữ tại giảng đường ĐHVK Sài Gòn: “Nơi đây, người thầy tuyệt vời Đông Hồ, một người thiết tha yêu tiếng Việt đã ngã xuống”.

 

Giờ đây, ước mơ của Nguyễn Hiến Lê và tâm nguyện của người viết vẫn chưa thành hiện thực. Nhưng đề nghị chánh đáng của GS Thanh Lãng đã được thực hiện. Hiện nay, theo chỗ chúng tôi được biết, có một số đường đã đổi tên thành đường Đông Hồ, như ở quận Tân Bình và quận Tám, Sài Gòn cũ, hay ở thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

 

Riêng người học trò xuất sắc ở TĐHX, người bạn đời tri kỷ của thầy Đông Hồ – nữ sĩ Mộng Tuyết – đã thực hiện tâm nguyện của thầy khi còn sống. Ngoài việc tập hợp các bài giảng của thầy ở ĐHVK Sài Gòn để in thành sách (Văn Học Miền Nam), tác giả “Nàng Ái Cơ Trong Chậu Úp” còn xuất bản tập “Núi Mộng Gương Hồ” để tưởng nhớ đến người thầy tuyệt vời, người chồng yêu kính của mình.

 

Chưa hết, Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội còn lập nên “Nhà Lưu Niệm Đông Hồ” (ở số 46, đường Đông Hồ, thị xã Hà Tiên) – tức trên nền cũ TĐHX – để lưu giữ các kỷ vật, bút tích, di ảnh, tác phẩm của nhà thơ. Có thể nói, trong “Hà Tiên Tứ Tuyệt” (gồm Đông Hồ, Lư Khê, Trúc Hà, Mộng Tuyết) thì đôi uyên ương Đông Hồ – Mộng Tuyết chiếm hết hai. Nói theo Huy Cận: “Đông Hồ – Mộng Tuyết là duyên văn tự, mà cũng là tình duyên, tình đời, thấm đượm tình non nước”.

 

Noi tấm gương sáng của thầy, người viết cũng tập tễnh làm thơ, viết văn, làm báo rồi nghiên cứu văn học với sự nghiêm cẩn học được ở thầy. Trong khoảng thời gian dạy học, đã thể hiện phần nào tình-yêu-tiếng-Việt, tình-yêu-say-sưa-văn-học-miền-Nam mà thầy thường nung đúc (như giảng về Ca dao miền Nam, Văn chương chữ Quốc ngữ, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa v.v… cho sinh viên Đại học Cần Thơ và Đại học Hòa Hảo, rồi cho sinh viên Lớp Quê Hương Mến Yêu tại Montréal, Canada). Nhưng môn sinh của thầy không bao giờ tạo nên nổi “cái không khí của giáo sư Đông Hồ, của thầy đồ Đông Hồ” được.

Để kết thúc, người viết xin chép lại mấy câu thơ khóc thầy trên mộ chí ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ngày nào:

 

Ân sâu, nghĩa nặng tình dài / Khóc thầy, khóc mãi, biết đời nào nguôi!

_____________

 

Montréal, Tết Quý Mão 2023 – Kỷ niệm ngày giỗ thứ 54 của thầy Đông Hồ

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats