Wednesday, 11 January 2023

KIỂM DUYỆT LỊCH SỬ (RFA)

 



Kiểm duyệt lịch sử

RFA
2023.01.11

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/historical-censorship-01112023082618.html

 

.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/historical-censorship-01112023082618.html/@@images/c525879c-5538-4337-9d5f-fd62465b40bf.png

Một bài viết "chống xuyên tạc lịch sử" trên Tạp chí Tuyên giáo của Ban Tuyên giáo Trung ương Việt Nam .   Ban Tuyên giáo Trung ương

 

.

Hôm 30/12/2022, Việt Nam công bố Nghị định 128/2022/NĐ-CP về quy chế xử phạt làm phim “xuyên tạc lịch sử”. Đây là nghị định bổ sung cho Nghị định 38/2021/NĐ-CP năm 2021, quy định xử phạt tội “xuyên tạc lịch sử” trong mọi hoạt động văn hóa nói chung. 

 

Hai nghị định này xử phạt hành chính (tối đa 50 triệu đồng) đối với việc “xuyên tạc lịch sử” ở mức độ “thấp”. Nếu “xuyên tạc lịch sử” ở mức độ “cao” thì sẽ bị khép vào tội hình sự. Bộ Luật Hình sự Việt Nam có Điều 117 khép tội “phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước", và Điều 331 khép tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước". Ngoài ra, Luật An ninh Mạng năm 2018 cũng khép tội hình sự với hành vi “xuyên tạc lịch sử” (Điều 8.)

 

Trong các điều luật kể trên, tội “xuyên tạc lịch sử” thường được ghép chung với các tội như “phỉ báng, xúc phạm giá trị biểu trưng dân tộc, đất nước”, “phủ nhận thành tựu cách mạng,” “làm phương hại đến chủ quyền quốc gia; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; kích động bạo lực; khiêu dâm, đồi trụy.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/historical-censorship-01112023082618.html/screenshot-96-1.png/@@images/99759863-238e-47a2-9242-93b725e64ce2.png

Truyền thông nhà nước (Vnexpess) đưa tin Việt Nam yêu cầu Netflix gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng tại Việt Nam một bộ phim có "đường lưỡi bò" (đường chữ U của Trung Quốc) trên Biển Đông.

 

Trao đổi với RFA trực tiếp bằng tiếng Việt qua email, Giáo sư Jörg Engelbert, chuyên gia về lịch sử, văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á ở Đại học Hamburg, Đức, cho rằng vấn đề này “có nhiều khía cạnh khác nhau.”

 

.

Khía cạnh pháp luật: có nhiều nước cấm “xuyên tạc lịch sử”  

 

Hư cấu tư liệu lịch sử để tạo ra một câu chuyện lịch sử không có thật vốn không phải là điều xa lạ trên thế giới. Giáo sư Jörg Engelbert từng giảng bài về các hư cấu lịch sử ở một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ông cho biết: 

 

“Rất nhiều nước trên thế giới có những luật chống lại xuyên tạc lịch sử. Ví dụ trên thế giới có 18 nước có luật cấm phủ định diệt chủng Do Thái thời thế chiến thứ 2 (Vụ “Holocaust”, tiếng Hy Lạp có nghĩa là “thiêu đốt toàn bộ”). Ở Đức vừa rồi một người phụ nữ đã hơn chín mươi tuổi bị kết án như vậy, vì nhiều lần phạm tội phủ nhận vụ diệt chủng Holocaust. Bà bị kết án hai năm tù. Nhiều tờ báo ở Đức đưa tin. Có tờ báo đặt vấn đề là có nên nhốt một người phụ nữ cao tuổi như vậy không. 

 

Ở Ba Lan, từ năm 2018 có luật cấm xuyên tạc lịch sử, nhất là cấm khẳng định người Ba Lan tham gia những tội ác chiến tranh của Đức (giai đoạn 1939-45). Ở Bangladesh có luật cấm phủ định diệt chủng của quân đội và dân chúng Hồi giáo Pakistan vào năm 1971, giết chết  hơn hai triệu dân, làm cho hơn mười triệu người phải tị nạn sang Ấn độ, hơn 250.000 phụ nữ bị hiếp và hơn 25.000 đứa trẻ bị sinh ra vì những tội ác đó. Và nhiều đạo luật tương tự ở một số nước khác nữa.”

 

Còn đối với trường hợp Việt Nam, theo Giáo sư Jörg Engelbert, Nghị định 128/2022 có hiệu lực từ ngày 15-2-2023, tức là bổ sung Khoản 6, Điều 13, Luật Điện ảnh về việc xuyên tạc lịch sử… có liên quan đến hoàn cảnh cụ thể là một bộ phim Hàn Quốc. Ông giải thích: 

 

“Tôi nghe nói bộ phim này ca ngợi việc binh lính Nam Hàn “tiêu diệt Việt Cộng” trong chiến tranh Việt Nam. Tôi không biết phim nầy có chiếu ở Việt Nam hay không bởi vì có kiểm duyệt chặt chẽ, nhưng tôi nhớ là phương tiện truyền thông ở Việt Nam có vẻ rất xôn xao.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/historical-censorship-01112023082618.html/8637-1664931988.jpg/@@images/e7796de9-9fb9-447f-a0b9-88a35852166a.jpeg

Một hình ảnh trên phim "Little Women" của Hàn Quốc bị Việt Nam yêu cầu Netflix gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng ở Việt Nam vì "xuyên tạc lịch sử". (Ảnh: Netflix)

 

.

Khía cạnh “đạo đức” của việc cấm “xuyên tạc lịch sử” 

 

Các nhà nước thường nhân danh cái gì khi kiểm duyệt lịch sử? Họ thường nhân danh “đạo đức”. Lập luận cơ bản là “xuyên tạc lịch sử” là một hành vi vô đạo đức. Ở Việt Nam, sự “vô đạo đức” này nếu ở “mức độ thấp” thì bị phạt hành chính, còn ở “mức độ cao” thì phải đi tù. Nhưng không thể có căn cứ để đo lường mức độ “cao” hay “thấp” cho những vấn đề như vậy. 

 

Trao đổi với RFA về khía cạnh đạo đức của việc “xuyên tạc lịch sử”, Giáo sư Jörg Engelbert cho rằng:

 

“Đạo đức giống tư tưởng, mỗi thời một khác. Ví dụ cách khoảng năm mươi năm trước, ở Đức thì đồng tính luyến ái là tội phải đi tù, từ năm ngoái thì theo luật người ta có thể lấy nhau, nuôi con. Từ năm nay, nhiều bang ở Đức đã quyết định phụ nữ đi bơi ở bể bơi công cộng có thể để ngực trần. Ắt sẽ có vấn đề với các chàng trai Hồi Giáo, thậm chí có thể gây ra xích mích. Trong những trường hợp như vậy, ai là bên quyết định cái gì là đạo đức và phi đạo đức? “Dư luận” là cái chi? Đó là một khái niệm mơ hồ.” 

 

Tuy khía cạnh đạo đức này là mơ hồ nhưng nó lại khá là phổ biến. Giáo sư Jörg Engelbert cho biết, “đối với nhiều nước trên thế giới, nhất là những quốc gia sinh ra qua các cuộc đấu tranh,” lịch sử là một cái gì “thiêng liêng”: 

 

“Có những huyền thoại đã được dựng lên rồi thì người ta cấm không được xúc phạm, bôi nhọ. Thăm quan Viện Bảo tàng lịch sử ở các nước thì chúng ta sẽ thấy điều đó. Ví dụ ở Thủ đô Hoa Thạnh Đốn của Hoa Kỳ, có huyền thoại về Founding Fathers, tức “Những người cha lập quốc”, về cuộc đấu tranh chống thực dân Anh. 

Thế nhưng, chiến tranh 1812 Hoa Kỳ cũng toan xâm lược Gia Nã Đại (Canada) thì sao. Chiến tranh với Mexico xâm lược miền Tây Nam thì sao. Người da đen, da đỏ thì sao. 

Mất trên dưới hai trăm năm thì người ta mới nghĩ tới và lật lại vấn đề, nhưng mà vẫn chưa làm sáng tỏ hết tất cả vấn đề được."

 

Ở nước XHCN Việt Nam thì có huyền thoại về Đảng Cộng sản, Hồ Chí Minh. Nó mang tính chất phản ánh cái tư tưởng quốc gia “chính thống” duy nhất. Nó không thể nào bị phủ định hay là nghi vấn được. Nó là trụ cột của chế độ hiện hành. Hồi Nguyễn Huy Thiệp viết truyện ngắn về lịch sử Việt Nam, có phản ứng mãnh liệt của phe bảo thủ ngay lập tức. Họ làm như đã 'smell the rat' (ngửi thấy mùi chuột) mà cảm thấy phải cản ngay."

 

Về nghị định cấm "xuyên tạc lịch sử" trong điện ảnh nói riêng và văn hóa nói chung, Giáo sư Jörg Engelbert cho rằng phe bảo thủ ở Việt Nam hãy còn mạnh trong những lãnh vực tư tưởng, giáo dục, văn hoá. Vì thế cho nên, đối với ông, "nghị định kể trên không có gì lạ." Nhưng theo ông thì cần chờ xem nó sẽ được thực hiện như thế nào trên thực tế.

 

.

Khía cạnh chính trị của việc cấm “xuyên tạc lịch sử” 

 

Luật cấm xuyên tạc lịch sử tồn tại ở nhiều nước, gồm cả ở những nước độc tài, dân chủ và nửa độc tài nửa dân chủ. Nhưng giữa các nước này có cách ứng xử khác nhau với những mức độ khác nhau đối với hành vi đó. Giáo sư Jörg Engelbert cho rằng trong những đạo luật cấm “xuyên tạc lịch sử” như kể trên, có những đạo luật cấm xuyên tạc lịch sử vì lý do luật pháp, nhưng cũng có khi người ta cấm điều đó vì lý do chính trị. Ông trao đổi với RFA: 

 

“Những đạo luật đó vừa mang ý nghĩa pháp luật, vừa mang ý nghĩa chính trị. Yếu tố chính trị nằm ở chỗ những kẻ thắng trận luôn áp đặt quan điểm lịch sử của họ để tăng cường sức mạnh cho chế độ chính trị của mình. Dù họ là nước dân chủ như Đức, Ba Lan hay là nửa dân chủ nửa độc tài như Bangladesh, hay là chế độ độc tài hoàn toàn thì luôn có điều đó. 

Họ chỉ khác nhau ở chỗ các chính phủ dân chủ có thể xây dựng những đạo luật như vậy bởi vì đa số nhân dân, hoặc ít nhất đại biểu quốc hội của họ ủng hộ. Tuy nhiên, ở chế độ độc tài thì chính phủ dĩ nhiên chẳng cần hỏi ai cả.”

 

.

Khía cạnh “chính sách về lịch sử” 

 

Giáo sư Jörg Engelbert cho rằng cần chú ý đến khía cạnh “chính sách về lịch sử” của các lệnh cấm như vậy. Ông giải thích cho độc giả RFA:

 

“Các lệnh cấm như vậy còn phản ánh vấn đề chính sách về lịch sử (Policies on History). Tất cả các chế độ chính trị từ xưa tới nay đều cố áp đặt một quan điểm chính thức về lịch sử để tăng cường sức mạnh cho chế độ chánh trị của mình. Vua Lê Thánh Tông sai Ngô Sĩ Liên viết “Đại Việt Sử ký toàn thư”, Vua Tự Đức sai Phan Thanh Giản soạn “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục”, Đảng và Chánh phủ Nhà nước Cộng sản Việt Nam sai Phan Huy Lê soạn "Quốc sử"... Việc đó cứ lặp lại như thế qua các thời đại.”

 

Các nhà sử học thường nói rằng để nghiên cứu lịch sử thì cần thực hiện các bước như thu thập, phân tích, phê bình tư liệu lịch sử. Tư liệu có thể được bổ sung, đánh giá lại theo thời gian. Và việc thu thập, phân tích, phê bình tư liệu và tranh luận tự do giữa các nhà nghiên cứu làm cho nhận thức về lịch sử cũng thay đổi. Theo Giáo sư Jörg Engelbert, điểm khác biệt giữa các xã hội dân chủ, độc tài và nửa dân chủ nửa độc tài là họ có tôn trọng sự tự do tranh luận hay không và tôn trọng ở mức độ nào. Ông nói: 

 

“Xã hội dân chủ thì hơi khác các xã hội khác ở một điều là họ không có một quan điểm chánh thống về lịch sử. Họ có nhiều quan điểm khác nhau cạnh tranh với nhau. Qua sự đối thoại của các nhà nghiên cứu và viết sử, một sự thật tương đối về lịch sử (relative historical truth) có thể dần dần hiện lên.”

 

---------------------------------------------------

Tin, bài liên quan

Thời Sự

·        Việt Nam hấp dẫn Hollywood nhưng bị chế độ kiểm duyệt ngăn chặn

·        Số phận “long đong” của môn Lịch sử

·        Lịch sử là môn tự chọn có thu hút được học sinh?

·        Tăng cường kiểm duyệt có phải là dấu hiệu của một chế độ đang suy yếu?

·        Lịch sử nên là môn học tự chọn hay bắt buộc ở cấp phổ thông?

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats