Thursday, 5 January 2023

HI HỮU : HẠ VIỆN MỸ CHƯA BẦU ĐƯỢC CHỦ TỊCH SAU 6 LẦN BỎ PHIẾU (Saigon Nhỏ)

 



Hi hữu: Hạ Viện Mỹ chưa bầu được chủ tịch sau 6 lần bỏ phiếu

Saigon nhỏ

4 tháng 1, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/hi-huu-ha-vien-my-chua-bau-duoc-chu-tich-sau-6-lan-bo-phieu/

 

Cả nước Mỹ hồi hộp theo dõi cuộc bầu cử Chủ tịch Hạ Viện nhiệm kỳ thứ 118 nhưng đã qua hai ngày và sáu lần bỏ phiếu vẫn chưa có kết quả. Hiện Hạ Viện tạm nghỉ để các ứng cử viên thương lượng và sẽ tiếp tục bầu cử lần thứ bảy vào lúc 8 giờ tối thứ Tư 4 tháng Giêng 2023 giờ Washington.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/GettyImages-1454224646.jpg

Sau hai ngày và sáu cuộc bầu cử, Hạ Viện Hoa Kỳ khóa 118 vẫn chưa bầu được chủ tịch do sự chia rẽ và tranh chấp gay gắt trong nội bộ đảng Cộng Hòa, đảng đang chiếm đa số và kiểm soát Hạ Viện. Ảnh ngày 4 tháng Giên 2023 của Win McNamee/Getty Images

 

Theo quy định, Quốc hội Hoa Kỳ bắt đầu kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới vào ngày thứ Hai 3 Tháng Giêng và công việc đầu tiên là bầu ra ban lãnh đạo nhiệm kỳ. Trong khi ở Thượng viện do đảng Dân Chủ kiểm soát công việc được thực hiện suôn sẻ thì ở Hạ Viện cuộc bầu cử Chủ tịch diễn ra hỗn loạn do bất đồng gay gắt trong nội bộ đảng Cộng Hòa chiếm đa số.

 

Hạ Viện khóa 118 có 212 dân biểu Dân Chủ (một người vừa qua đời trước khi nhậm chức), còn đảng Cộng Hòa có 222 dân biểu, chiếm đa số. Người được bầu làm tân chủ tịch Hạ Viện, tiếp quản chiếc búa điều khiển mà cựu Chủ tịch Nancy Pelosi (Dân Chủ – California) để lại phải có ít nhất 218 phiếu thuận. 

 

Cả 212 dân biểu Dân Chủ đều nhất tề bỏ phiếu cho ông Hakeem Jeffries, dù điều hiển nhiên là ông Jeffries ít có cơ may trúng cử chức chủ tịch một Hạ Viện do đảng Cộng Hòa chiếm đa số.

 

Trong khi đó 222 dân biểu Cộng Hòa chia rẽ và đấu tranh với nhau quyết liệt giữa phe ủng hộ Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa – California) làm Chủ tịch Hạ Viện và phe bảo thủ cực đoan trong đảng Cộng Hòa, gồm 20 dân biểu  tập trung trong nhóm gọi là Freedom Caucus liên kết với cựu Tổng thống Donald Trump.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/GettyImages-1454223245.jpg

Dân biểu Kevin McCarthy, lãnh đạo đảng Cộng Hòa trong Hạ Viện Mỹ, phát biểu với báo chí ông đến dự họp ngày làm việc thứ hai sau ba lần bỏ phiếu bầu chủ tịch Hạ Viện thất bại. Ảnh Tasos Katopodis/Getty Images

 

Ông Kevin McCarthy nguyên là lãnh đạo khối Cộng Hòa thiểu số trong Hạ Viện và được coi là người sẽ làm chủ tịch khi Cộng Hòa giành được đa số Hạ Viện ở nhiệm kỳ này. Bản thân ông McCarthy đã nỗ lực vận động các dân biểu đồng đảng ngay từ trước cuộc bầu cử giữa kỳ, quyết giành cho được chiếc búa chủ tịch nhưng trong cả sáu lần bỏ phiếu, ông ta đều bị nhóm dân biểu cấp tiến phản đối; số phiếu bầu cho ông McCarthy dao động trong khoảng 203-201 phiếu, thấp hơn cả số phiếu của ông Jeffries của đảng Dân Chủ.   

 

Để gây khó cho ông McCarthy, sau vài lần bỏ phiếu đảng Cộng Hòa lại giới thiệu một ứng cử viên mới thuộc nhóm bảo thủ cực đoan như các Dân biểu Jim Jordan (Cộng Hòa – Ohio), Byron Donalds (Cộng Hòa – Florida) chỉ nhằm mục đích chia phiếu của McCarthy, khiến ông ta không thể hội đủ túc số 218 phiếu. Nhóm dân biểu Cộng Hòa trẻ, đi theo đường lối MAGA của ông Trump, muốn đảo lộn sinh hoạt chính trị ở Washington và ngăn chặn đà tiến của McCarthy nếu ông này không nhân nhượng các ưu tiên của họ như “luận tội” Tổng thống Joe Biden, chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine, giảm thuế và hạn chế chi tiêu của chính phủ. 

 

Tuy vậy, sáng hôm nay thứ Tư, trước khi Hạ Viện bỏ phiếu lần thứ tư, cựu Tổng thống Trump đã lên tiếng thúc giục các dân biểu Cộng Hòa ủng hộ McCarthy. “Đừng biến một thắng lợi vĩ đại thành một thất bại lớn và nhục nhã”, ông Trump viết trên mạng xã hội của ông. Lời thúc giục của ông Trump dường như không có tác dụng, càng bầu cử, số phiếu của McCarthy càng giảm và McCarthy càng cố thủ, không chịu rút lui. 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/GettyImages-1454238936.jpg

Lãnh đạo Cộng Hòa trong Hạ Viện Kevin McCarthy (bên phải) lắng nghe trong lúc nữ Dân biểu Lauren Boebert (Cộng Hòa _ Colorado) phát biểu phê phán và yêu cầu ông ta rút lui trong cuộc họp ngày 4 tháng Giêng 2023. Ảnh Chip Somodevilla/Getty Images.

 

Do chưa bầu được Chủ tịch Hạ Viện nên các hoạt động khác của cơ quan quyền lực này đều bị đình trệ: Các tân dân biểu mới được bầu hồi tháng Mười Một chưa được tuyên thệ nhậm chức, các ủy ban của Hạ Viện chưa được lập ra, chưa xem xét các dự luật mới và cũng chưa bắt đầu điều tra chính phủ của Tổng thống Joe Biden thuộc đảng Dân Chủ – mục tiêu mà đảng Cộng Hòa đặt lên hàng đầu khi họ chiếm được đa số ghế Hạ Viện.

 

Khởi đầu không thuận lợi ở Hạ Viện đã báo trước những khó khăn, lộn xộn của sân khấu chính trị ở Washington trong hai năm tới, khi Hạ Viện do Cộng Hòa kiểm soát đặt quyết tâm chống đảng Dân Chủ tới cùng và ngăn cản mọi kế hoạch chính sách của Tòa Bạch Ốc.

 

Đây là lần đầu tiên trong một thế kỷ qua, ứng cử viên chức Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ đã không giành được đủ số phiếu cần thiết trong lần bầu cử đầu tiên vào ngày làm việc đầu tiên của Quốc Hội khóa mới. Đúng 100 năm trước, tháng Giêng 1923, cuộc bầu cử Chủ tịch Hạ Viện đã phải trải qua 9 lần bầu cử. Trước đó nữa, vào năm 1885, cuộc tranh giành chiếc búa Chủ tịch Hạ Viện kéo dài hơn hai tháng, qua 133 lần bầu cử ngay trước khi bùng nổ cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ.

 

----------------

Đọc thêm:

·         Sau bầu cử giữa kỳ, nước Mỹ sẽ ra sao?





No comments:

Post a Comment

View My Stats