Wednesday, 4 January 2023

CÔNG DÂN SINGAPORE THAN PHIỀN BỊ VÒI TIỀN Ở SÂN BAY NỘI BÀI NÓI GÌ? (BBC News Tiếng Việt)

 



Công dân Singapore than phiền bị vòi tiền ở sân bay Nội Bài nói gì?

BBC News Tiếng Việt

4 tháng 1 2023, 16:35 +07

Cập nhật 4 tháng 1 2023, 22:56 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cw0xw4xj2ryo

 

Bài viết của một công dân Singapore tố bị cán bộ an ninh xuất nhập cảnh đòi tiền khi làm thủ tục an ninh ngày 2/1 được chia sẻ chóng mặt trên Facebook với hơn 20.000 tương tác.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/b4fc/live/0fc8b0a0-8c01-11ed-888e-5f7a68a59acb.jpg

Hình minh hoạ

 

Bị xin tiền tip?

 

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt ngày 3/1, chủ nhân của bài viết, anh Kugan Pillai, thông tin rằng anh là công dân Singapore, đã du lịch nhiều nơi và đến Việt Nam nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên gặp phải chuyện vòi tiền ở sân bay Việt Nam cũng như là lần đầu trong đời.

 

"Tôi đến Việt Nam để du lịch vào dịp lễ Giáng Sinh và năm mới từ ngày 24/12/2022 đến ngày 2/1/2023 và vì thế tôi không cần phải xin visa và tôi cũng không ở quá hạn hay phạm pháp gì," Pillai nói với BBC.

 

Tham nhũng ở Việt Nam 'có truyền thống từ gia đình và gốc gác chính trị của cha anh'

Những mất mát của đội ngũ làm công tác đối ngoại Việt Nam

VN và chuyến bay giải cứu': Bắt sáu người nhưng hối lộ còn ở khâu nào?

 

Anh cũng tường thuật lại sự việc đã xảy ra ở cửa khẩu sân bay Nội Bài vào ngày 2/1 khi Pillai chuẩn bị rời Việt Nam trở lại Singapore:

 

"Tôi đang xếp hàng ở chỗ làm thủ tục an ninh tại sân bay Nội Bài, Hà Nội để chuẩn bị về lại Singapore thì khi đến lượt mình, tôi đưa hộ chiếu cho cán bộ an ninh xuất nhập cảnh thì ông ấy đưa tôi lại vé máy bay của mình và chỉ vào từ “TIP” trên vé. Lúc đó tôi rất bối rối, tôi tưởng là ai đó đã ghi lên thẻ máy bay của tôi và rồi tôi sực nhận ra ông ta chính là người viết nó.

 

"Tôi hỏi ông ấy tôi phải đưa thêm gì, ông ấy không nói gì mà cứ chỉ vào từ TIP khi vẫn giữ hộ chiếu của tôi trong tay. Tôi lo sợ rằng nếu mình không đưa tiền, việc xuất cảnh của tôi sẽ bị làm khó dễ, trục trặc. Cuối cùng, tôi hỏi tôi cần phải đưa bao nhiêu thì cán bộ đó kiểu như 200.000 VND. Mà tôi chỉ có tờ 500.000 VND, tôi mới hỏi tôi có được thối lại tiền không thì ông ấy gật đầu, ý như là ông ấy sẽ trả lại. Nhưng sau khi tôi đưa tiền, ông ấy dửng dưng như không hề có chuyện gì xảy ra và cũng không thối lại tiền cho tôi. Và tôi phải rời quầy khi ông ấy kêu tôi đi và gọi người tiếp theo.

 

"Khi ấy, trong đầu tôi lo sợ nên đã đưa tiền trong lo sợ, vì tôi từng nghe những chuyện không hay xảy ra và khi ấy tôi đi cùng bạn gái nữa nên tôi sợ họ sẽ làm tổn hại gì cô ấy nếu tôi không chịu thoả hiệp," Kugan Pillai nhớ lại.

 

BBC News Tiếng Việt đã liên hệ với Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công An Việt Nam nhưng chưa nhận được phản hồi.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/45fa/live/f69e7870-8c01-11ed-888e-5f7a68a59acb.jpg

Bài viết của Pillai lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội

 

'Đã làm việc với Bộ ngoại giao Singapore'

 

Sau khi sự việc xảy ra, Kugan Pillai cho biết anh rất tức giận và ngay lập tức gọi cho Đại sứ quán Singapore ở Hà Nội nhưng không có ai bắt máy.

 

Anh tiếp tục gọi Bộ Ngoại giao Singpore và báo cáo họ về vụ việc. Sau khi kết thúc cuộc gọi với Bộ Ngoại giao, Pillai đã lén chụp nhanh một tấm hình của viên chức đó trong khi xếp hàng chờ kiểm tra hành lý.

 

"Tôi chấp nhận rủi ro dù tôi biết không nên dùng điện thoại ở khu vực đó nhưng tôi thực sự không có lựa chọn nào. Tôi từng đọc và nghe về chuyện tham nhũng nhưng không phải ở sân bay. Sân bay là nơi vốn để bảo vệ mọi người. Tôi thành thực đã nhượng bộ dù không làm gì sai và tôi cảm thấy vì sao tôi phải trả tiền cho viên chức đó – cho họ làm công việc của mình khi đi qua chỗ kiểm tra an ninh.

 

"Bộ Ngoại giao Singapore đã liên hệ lại với tôi hôm nay. Họ chỉ kiểm tra lại những gì tôi nói sau khi thấy bài đăng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Tôi thực sự không chắc họ sẽ có hành động gì nhưng tôi đã nói với họ rằng, tôi thường không phải là kiểu người thích đăng bài trên Facebook nhưng bài viết này đã được chia sẻ rộng rãi và cũng là để nâng cao nhận thức cho mọi người về vấn nạn này.

 

"Với tôi, là người chống tham ô và khi tôi tận mắt chứng kiến nó, đó là điều tôi không thể nuốt trôi. Vì vậy, nội dung viết bài này, nó đi ngược lại với nguyên tắc và giá trị của tôi khi mà tôi đầu hàng tham nhũng, nhất là đối với những người mà mọi người vốn đặt niềm tin nơi họ," Pillai khẳng định.

 

Hình : https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/4591/live/37a707b0-8c02-11ed-888e-5f7a68a59acb.jpg

 

Là người làm việc cho chính phủ và hiểu rõ luật pháp nghiêm khắc của Singapore, Kugan Pillai khẳng định những điều anh nói thực sự là những điều anh đã trải qua và khi bài viết lan truyền chóng mặt, anh nhận được nhiều lời chia sẻ về việc vòi vĩnh tương tự từ người Việt Nam lẫn người ngoại quốc.

 

"Có rất nhiều người Việt Nam đã nhắn tin cho tôi nói rằng họ rất biết ơn vì bài viết vì chính họ cũng gặp phải chuyện như vậy, họ đã phàn nàn về nó nhưng không có hành động nào được thực thi cả. Nếu điều này giúp ích cho những người ở Việt Nam, tôi rất vui vì mình đã lên tiếng. Tôi cũng dự trù được rằng sẽ có những người ghét và tấn công tôi trên Facebook nhưng thực sự có rất nhiều người đứng về phía tôi và bảo vệ tôi," Pillai bộc bạch. 

 

Công dân người Singapore cho biết, dù có trải nghiệm không hay về việc vòi vĩnh tiền bạc ở cửa khẩu sân bay Nội Bài, anh vẫn sẽ đến thăm Việt Nam trong tương lai gần vì đất nước có rất nhiều người tốt, thân thiện cũng như ẩm thực ngon:

 

 “Tôi rất thích đồ ăn Việt Nam, đặc biệt là bún chả và chả cá. Cà phê trong những con hẻm khuất cũng là điều tôi cực kỳ thích. Thành thật mà nói, tôi không biết sẽ có hành động gì được thực thi và ở mức độ nào vì không bên nào muốn căng thẳng ngoại giao. Liệu vấn đề này có bị cho chìm xuồng hay không? Và thực tình tôi cũng không muốn gây áp lực cho chính phủ mình nhưng tôi vẫn muốn họ biết được chuyện gì đã xảy ra với tôi và bảo vệ công dân của họ nếu có điều gì tồi tệ hơn xảy ra."

 

Nhiều người trên Facebook 'bức xúc'

 

Dưới bài viết với gần 20.000 lượt tương tác bao gồm yêu thích, chia sẻ, bình luận của Kugan Pillai, nhiều người tự nhận là công dân Việt Nam để lại lời xin lỗi và đồng thời, kể lại trải nghiệm của họ tại nơi kiểm tra an ninh khi về nước lẫn khi xuất cảnh.

 

Một người tên Kevin Lee cáo buộc: "Chuyện này thực sự có. Và thực sự đây không phải ngày may mắn của bạn và trong bối cảnh Tết cận kề, thì nhiều người làm việc cho chính phủ cố gắng kiếm chác thêm đại loại vậy. Tôi sống ở đó gần được tám năm, và đây là điều rất có tính nhất quán. Và công bằng mà nói, không phải nhân viên công chức nào cũng nhắm vào khách nước ngoài, vì tôi thấy cũng có nhiều người rất tốt bụng."

 

Nhiều Việt kiều, đặc biệt từ Mỹ về Việt Nam cũng phản ánh với BBC News Tiếng Việt rằng họ thường bị hỏi chút "trà bánh" khi làm thủ tục an ninh.

 

"Khi về thì bị hỏi tiền cà phê, khi đi thì có cán bộ hỏi đi du lịch Việt Nam còn dư tiền Việt Nam không, có thì cho anh em. Nếu không xì tiền ra thì bị hỏi tới hỏi lui, giữ chân thật lâu và vì tránh phiền phức, mọi người kháo nhau là phải có chút tiền 10-20 đô gì đó mới qua cổng được, riết rồi thành luật bất thành văn luôn," một người Mỹ gốc Việt nói với BBC.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/b886/live/b798fa40-8c03-11ed-888e-5f7a68a59acb.jpg

Sân bay Nội Bài, thủ đô Hà Nội, Việt Nam

 

Ông Hoàng Hùng, một trong những quản trị viên của trang 'Tôi và Sứ quán' chia sẻ trên trang Facebook cá nhân rằng khi về Việt Nam vào dịp Tết, vợ của ông cũng bị hỏi "xin tiền mừng tuổi".

 

Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt ngày 4/1, ông Hùng nhận định các việc lạm thu ở các sứ quán Việt Nam cũng là một hình thức tiền TIP chứ không chỉ ở chỗ làm thủ tục an ninh:

 

"Theo tôi thì trước hết nhà nước phải trả lương xứng đáng với việc của công chức và xử lý nghiêm các trường hợp vòi vĩnh này. Về phía người dân cũng phải kiên quyết không đưa tiền cho công chức và phản ánh ngay khi bị vòi vĩnh. Nếu ai cũng như công dân Singapore kia thì công chức nào dám vòi tiền nữa.

 

"Tuy nhiên, nhiều lúc phải chấp nhận nộp tiền cho được việc. Sau đó lưu bằng chứng để kiện cáo. Tất nhiên đó là cách không hay nhưng cũng là cách để không mất việc của mình. Ví dụ, các anh chị em ở nước ngoài, tôi khuyên những ai ở xa sứ quán là cứ nộp tiền như phía sứ quán yêu cầu, nhưng phải lưu bằng chứng để kiện sau. Chứ nhiều khi chỉ vì vài chục đô mà phải đi về vài trăm km và mất thêm một ngày làm thì sẽ khổ cho anh chị em. Tất nhiên nếu cứng rắn và làm đúng pháp luật thì là không trả tiền cao hơn qui định cho dù có không được việc, nhưng ít người làm được vậy," ông Hùng nói.

 

Bên cạnh đó, nhiều người khác cũng nói với BBC rằng họ chưa từng gặp cảnh tiêu cực khi ở sân bay Việt Nam, và rằng thủ tục giấy tờ ở các sân bay Việt Nam ngày càng thông thoáng, nhanh gọn.

 

Nội Bài là sân bay duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách 100 sân bay "tốt nhất thế giới" năm 2020, xếp thứ 87, theo giải hàng năm của Skytrax. Tuy vậy, hai giải gần đây nhất, năm 2021 và 2022 không có tên sân bay nào của Việt Nam.

 

Theo ghi nhận của BBC, đến ngày 4/1, trang Facebook của Pillai vẫn nhận rất nhiều bình luận từ bạn bè và cộng đồng mạng, tố chuyện họ cũng "bị vòi tiền" ở cửa khẩu Tân Sơn Nhất và Nội Bài của Việt Nam.





No comments:

Post a Comment

View My Stats