Monday, 16 January 2023

2022 : NĂM BỘI THU CHO XUẤT KHẨU GẠO VIỆT NAM (Thu Hằng / RFI)

 



2022 : Năm bội thu cho xuất khẩu gạo Việt Nam

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 16/01/2023 - 14:46

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20230116-2022-nam-boi-thu-cho-xuat-khau-gao-viet-nam

 

Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba trên thế giới sau Thái Lan và Ấn Độ, đạt kỷ lục về xuất khẩu gạo trong năm 2022 : gần 7,2 triệu tấn, thu về khoảng 3,49 tỉ đô la nhờ được mùa và giá gạo tăng trên thế giới. Tháng 10/2022 là tháng kỷ lục trong lịch sử ngành gạo Việt Nam, đạt 713.546 tấn, trị giá hơn 341 triệu đô la, tăng 22,3% về lượng và tăng 23,9% về giá trị so với tháng 09 trước đó.

 

.

Đông Nam Á, thị trường lớn nhất của Việt Nam

 

Đông Nam Á vẫn là thị trường lớn của Việt Nam, trong đó bốn nhà nhập khẩu quan trọng là Philippines, Malaysia, Singapore và Indonesia. Philippines là khách hàng lớn nhất, chiếm 44,9% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Indonesia, thị trường lớn thứ tư của Việt Nam, đang được các nhà xuất khẩu gạo cố nhắm đến sau khi chính quyền Jakarta thông báo nhập 500.000 tấn gạo cho kho dự trữ, sau ba năm không phải mua gạo nước ngoài.

 

Năm 2022 cũng đánh dấu « bội thu » cho doanh thu xuất khẩu gạo vì giá gạo trên thế giới tăng. Xu hướng này, cũng như nhu cầu nhập khẩu của nhiều nước, sẽ còn tăng trong thời gian tới, trong bối cảnh Ấn Độ đang cấm xuất khẩu gạo 100% và đánh thuế gạo trắng 20% để bảo đảm an ninh lương thực trong nước,

 

Giới chuyên gia nhận định đây là một cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo Việt Nam trong những tháng cuối năm, nâng tổng lượng xuất khẩu lên mức kỷ lục, được thẩm định là trên 7 triệu tấn. Trả lời RFI Tiếng Việt, tiến sĩ Dương Văn Ni, chủ tịch kiêm giám đốc Quỹ Bảo tồn Mekong (Mekong Conservancy Foundation, MCF), giải thích về thành công này :

 

« Con số Việt Nam xuất khẩu được khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2022 có thể được giải thích qua mấy lý do. Lý do thứ nhất, năm nay, mực nước từ đầu nguồn về không nhiều, cho nên đe dọa về lũ lụt không lớn. Lý do thứ hai là sau 2, 3 năm nay, năm vừa rồi đặc biệt có thể được coi là năm mưa thuận gió hòa, không có bão tố lớn, nên khu lúa trổ bông đã không bị lép nên được mùa. Lý do thứ ba là sau dịch Covid, có rất nhiều người, đặc biệt là những người rời quê đi làm ăn xa ở những khu công nghiệp như Bình Dương, Sông Bé, thành phố Hồ Chí Minh, bị thất nghiệp, nói đúng hơn là không có việc làm, nên họ ở nhà. Nhờ đó mà có được nguồn lao động trực tiếp trên đồng ruộng đầy đủ. Với ba lý do đó, cộng thêm giá cả nên đã đẩy năng suất lúa cao hơn mọi năm ».

 

.

Gạo Việt Nam chinh phục những thị trường khó tính

 

Ngoài khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc là khách hàng gạo lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 12% tổng lượng xuất khẩu và Bờ Biển Ngà, đứng thứ ba chiếm 9%. Nhờ vào nhiều hiệp định thương mại được Hà Nội ký kết, gạo của Việt Nam thâm nhập vào nhiều thị trường mới. Ví dụ các thị trường trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) tăng lần lượt là 17% và 31,5% về lượng trong 11 tháng đầu năm 2022.

 

Tiếp theo, nhờ Hiệp định tự do Thương mại EVFTA mà lần đầu tiên, gạo “made in Vietnam” mang thương hiệu riêng được xuất sang châu Âu vào năm 2022. Thị trường nổi tiếng khó tính này vẫn còn rất nhiều tiềm năng cho Việt Nam vì Bruxelles cấp cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo mỗi năm với mức thuế 0% (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Ngoài ra, Liên Âu cũng tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm nên hàng năm, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào khối 27 nước.

 

Trong năm 2022, người tiêu dùng châu Âu bắt đầu biết đến một số loại gạo mới, thơm ngon, chất lượng cao của Việt Nam. Ví dụ gạo ST24, ST25, Com Vietnam Rice được bán tại nhiều siêu thị của cộng đồng người Việt, cũng như ở một số siêu thị lớn như Leclerc, Carrefour. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách phát triển thị phần loại gạo chất lượng cao này ở châu Âu, không chỉ đầu tư vào mạng lưới kho bãi, nhà máy hiện đại, mà còn hợp tác với nhiều địa phương để phát triển những vùng trồng lúa chất lượng cao, chuyên xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ. Tiến sĩ Dương Văn Ni giải thích tiếp về thành công về chất lượng gạo :

 

« Thứ nhất là định hướng từ nghị quyết 120 của Chính phủ định hướng chuyển nền nông nghiệp từ chỉ tiêu sản nhiều về số lượng thành nền nông nghiệp tập trung vào chất lượng. Đây là một định hướng rất lớn. Riêng trong bộ Nông Nghiệp cũng đang xoáy mạnh vào hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, chứ không phải sản lượng nữa.

Cho nên, không chỉ có một giống lúa ST24, ST25, mà hiện nay nhiều vùng, nhiều nơi đang tập trung tuyển chọn, đánh giá lại chất lượng của hạt gạo. Hai giống ST24, ST25 của kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua phù hợp cho những vùng duyên hải, bị ảnh hưởng một chút nước mặn. Hai giống đó có chất lượng rất thơm, ngon. Nhưng riêng với những vùng nằm sâu bên trong, người ta cũng đang tuyển lựa những giống khác, có đặc tính thơm ngon không thua kém gì ST24, ST25.

Tôi thấy rằng chuyển dịch của Nhà nước, hay đúng hơn là định hướng của bộ Nông Nghiệp từ sản xuất nhiều gạo chuyển qua sản xuất gạo có chất lượng ngon nhất, đang có chuyển biến rất tích cực. Tôi tin chắc rằng trong thời gian ngắn, một vài năm tới, những loại gạo ngon của Việt Nam có thể xuất hiện tương đối phổ biến trên thị trường thế giới hơn ».

 

.

Định hướng mở rộng thị trường thế giới

 

Hiện tại, đồng bằng sông Cửu Long dành 1 triệu hecta để trồng lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Đây là đề án sản xuất bền vững, nằm trong Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn bền vững 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Lượng gạo thơm xuất sang Liên Hiệp Châu Âu được hưởng hạn ngạch ưu đãi về thuế quan là 30.000 tấn, tương đương với 1,2% lượng gạo thơm sản xuất trong vùng, cho nên, theo báo Thương gia ngày 09/09, tiềm năng xuất khẩu gạo thơm còn rất lớn.

 

Để đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Liên Hiệp Châu Âu, ngành lúa gạo Việt Nam đang đi theo hướng sạch, bền vững. Trong nghiên cứu công bố tháng 08/2022 về ngành lúa gạo Việt Nam 2022-2031, hãng nghiên cứu thị trường Research and Markets của Mỹ đánh giá hiệp định tự do thương mại với Liên Âu, có hiệu lực từ ngày 01/08/2020, đã giúp xuất khẩu gạo Việt Nam nhanh chóng khởi sắc, tăng cả về lượng và về giá.

 

Cụ thể, « nhờ ưu đãi về thuế, gạo Việt Nam được xuất sang thị trường châu Âu nhiều hơn. Trước khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo ST20 và gạo Jasmine xuất sang Liên Hiệp Châu Âu lần lượt là 800 đô la và 520 đô la/tấn, trong khi hiện nay giá lần lượt trên 1.000 đô la và 600 đô la. Theo phân tích của chuyên gia, có ba nguyên nhân giúp giá gạo Việt Nam tăng. 

Thứ nhất, chính phủ đã ban hành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo đó điều chỉnh mạnh cơ cấu lúa gạo, thay đổi trình độ canh tác lúa, tức là chú trọng nâng cao chất lượng gạo hơn là tăng sản lượng. Năm 2015, giống lúa chất lượng của Việt Nam chỉ chiếm 35% - 40% tổng lượng giống, trong khi năm 2020, con số này đạt 75% - 80%, thậm chí có nơi tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao tới 90%.

Thứ hai, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định tự do thương mại (EVFTA, RCEP, CPTTP) tạo điều kiện cho xuất khẩu gạo của Việt Nam bứt phá. Thứ ba, nhiều ngành hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2020 nhưng nhu cầu thị trường về thực phẩm không giảm. Các nhà phân tích báo cáo rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cả về lượng và giá trị trong giai đoạn 2022-2031 ».

 

Theo đuổi chiến lược tăng giá trị gạo là ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới để duy trì lợi thế về chất của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, theo phát biểu của ông Trần Thanh Hải, phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, bộ Công Thương. Và để thực hiện mục tiêu này, thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lập dự án sản xuất gạo chất lượng cao ở đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu ở các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ. Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 50% sản lượng gạo và chiếm đến 95% khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam. 

 

 

 

Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác với các nhà nghiên cứu nước ngoài. Theo báo Vietnam Plus ngày 25/11, nhân chuyến công du Philippines của chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã thăm Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) ở Los Banos, Philippines. Hiện Viện IRRI chủ trì 8 chương trình nghiên cứu chính của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế One CGIAR với Việt Nam. Kế hoạch khung hợp tác cho giai đoạn 2023-2025 tầm nhìn đến 2030 được hai bên thống nhất ký vào năm 2023.

 

--------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

TẠP CHÍ VIỆT NAM

Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, giảm nghèo

 

TẠP CHÍ VIỆT NAM

Doanh nghiệp Việt tìm cách mở rộng xuất khẩu nông phẩm sang Pháp

 

TẠP CHÍ VIỆT NAM

Biến đổi khí hậ





No comments:

Post a Comment

View My Stats