Friday, 23 December 2022

VIỆT NAM, INDONESIA KẾT THÚC ĐÀM PHÁN VỀ VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ (RFA)

 



Việt Nam, Indonesia kết thúc đàm phán về vùng đặc quyền kinh tế

RFA

2022.12.23

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-indonesia-wrap-up-talks-on-exclusive-economic-zones-12232022080504.html

 

Các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận này có thể giúp tăng tốc đàm phán của Việt Nam với Philippines và Malaysia.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-indonesia-wrap-up-talks-on-exclusive-economic-zones-12232022080504.html/@@images/6c63db7c-2263-4b11-812e-d8df09bd7b92.jpeg

Ngư dân Việt Nam bị chính quyền Indonesia bắt giữ vì đánh bắt cá bất hợp pháp ở Batam, Kepulauan Riau. Ảnh chụp ngày 4/3/2020.    Teguh Prihatna/AFP

 

Việt Nam và Indonesia vừa hoàn tất đàm phán về biên giới các Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của hai nước, một động thái được các nhà phân tích trong khu vực khen ngợi nhưng có khả năng sẽ khiến Trung Quốc khó chịu.

 

“Sau 12 năm đàm phán kỹ lưỡng, cuối cùng, Indonesia và Việt Nam đã kết thúc đàm phán về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của hai nước dựa trên Công ước UNCLOS năm1982” – Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, tại Dinh thự Tổng thống Bogor, tỉnh Tây Java, Indoneisa hôm thứ Năm.

 

UNCLOS là tên viết tắt của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 – một văn bản mà cả Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc đều đã tham gia ký kết.

 

Chủ tịch Phúc đang có chuyến thăm Indonesia lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào năm 2021.

 

Đã có những tranh chấp giữa Việt Nam và Indonesia trong nhiều năm qua do hai nước có sự chồng chéo trong tuyên bố chủ quyền về vùng đặc quyền kinh tế trong vùng biển xung quanh đảo Natuna, thuộc Biển Đông.

 

Các cơ quan thực thi pháp luật của hai nước đã từng đụng độ vì hoạt động của ngư dân Việt Nam trong khu vực. Indonesia đã bắt giữ và tiêu hủy hàng chục tàu cá của Việt Nam và cáo buộc họ xâm lấn trái phép và đánh bắt cá bất hợp pháp.

 

Hai nước đã thống nhất về giới hạn thềm lục địa vào năm 2003 và tính từ năm 2010, hai nước đã có hơn chục vòng đàm phán về phân định vùng đặc quyền kinh tế.

 

Vùng đặc quyền kinh tế mang lại cho một quốc gia đặc quyền tiếp cận với các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở trong vùng biển và thềm lục địa của mình.

 

Trong một tuyên bố được đưa ra năm ngoái, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, khẳng định: Đàm phán với Việt Nam về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế theo luật pháp quốc tế, trong đó có công ước UNCLOS 1982, là một trong những ưu tiên của của Bộ Ngoại giao Indonesia.

 

“Indonesia sẽ tiếp tục bác bỏ các tuyên bố chủ quyền không dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế” – bà Marsudi nói.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2-a.jpeg/@@images/62794372-82f3-407f-b419-37f794e90c93.jpeg

Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm một cắn cứ quân sự ở Natuna, Indonesia gần biển Đông. Ảnh do Antara Foto/via Reuters chụp ngày ngày 9/1/2020

 

Dấu mốc quan trọng

 

Tin hoàn tất đàm phán giữa hai nước đã được các nhà phân tích và quan sát khu vực chào đón và cho rằng đây là một thành tựu quan trọng của cả hai nước.

 

“Đây là một dấu mốc quan trọng” – Ông Shahriman Lockman, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (ISIS) của Malaysia nói.

 

“Đây là một bước tiến lớn hướng tới việc phân định biên giới biển rõ ràng hơn giữa các quốc gia Đông Nam Á” – ông này nói tiếp.

 

Theo ông Nguyễn Thế Phương, nhà phân tích an ninh của Việt Nam đồng thời là giảng viên Đại học Kinh tế, Tài chính TP.Hồ Chí Minh, kết quả này “chứng tỏ rằng các nước ASEAN có thể giải quyết các tranh chấp biển giữa họ với nhau”.

 

“Nó sẽ giúp làm dịu tình hình, đặc biệt đối với các vấn đề liên quan tới đánh bắt cá bất hợp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) – vốn là vấn đề nóng giữa Việt Nam và Indonesia” – ông Phương nói với RFA.

 

“Điều này cũng có tính khích lệ đối với các đàm phán hiện tại giữa Việt Nam với Philippines cũng như với Malaysia” – ông nói thêm.

 

Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan là sáu bên hiện có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Mỗi bên đều tuyên bố ranh giới biển của riêng của mình nhưng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc là rộng khắp và bành trướng nhất.

 

Chi tiết về thỏa thuận vừa đạt được giữa Indonesia và Việt Nam chưa được công bố nhưng các vùng đặc quyền kinh tế mà hai nước tuyên bố chủ quyền nằm trong cái gọi là “đường chín đoạn” mà Trung Quốc sử dụng để phân định “quyền lịch sử” đối với gần như 90% diện tích Biển Đông.

 

“Trung Quốc có thể khăng khăng rằng họ có quyền tài phán đối với những khu vực này” – ông Lockman nói.

 

Một tòa án của Liên Hợp Quốc, vào năm 2016, đã tuyên bố vô hiệu “đường chín đoạn” của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh cho đến nay vẫn bác bỏ phán quyết này và cho nó là “không có hiệu lực pháp lý”.

 

Trung Quốc có khả năng sẽ lên tiếng phản đối thỏa thuận mới này của Indonesia và Việt Nam – ông Lockman và các nhà phân tích khác cảnh báo.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats