Friday, 23 December 2022

TÌNH HUỐNG MỚI TRÊN BIỂN ĐÔNG (Lê Trường Sa, RFI)

 



Tình huống mới trên Biển Đông

Bài bình luận của Lê Trường Sa
23-12-2022

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/ssc-new-developpment-12232022092321.html

 

Trung Quốc lại lén lút bồi lấp ở Trường Sa

 

Tờ Bloomberg mới gần đây cho hay Trung Quốc đang tiến hành hoạt động xây dựng trên một số thực thể không có người ở trên Biển Đông.[1] Bốn thực thể mà Trung Quốc đang cho xây dựng một cách lén lút, bao gồm đá Ba đầu, đá Tri Lễ, đá An Nhơn và đá Én đất.

 

Đá Ba Đầu (tên tiếng Anh: Whitsun Reef ) là một phần của hệ thống rạn san hô được gọi là cụm Sinh Tồn  bao gồm khoảng 20 cấu trúc địa hình thuộc quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp. Các cấu trúc địa hình trong cụm Sinh Tồn là đối tượng của các tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/da-ba-dau-tau-trung-quoc-7-3-2021.jpeg/@@images/d11e95ce-6e75-46ac-8eb4-f8e2dbc4df32.jpeg

Một số trong tổng số hơn 200 tàu Trung Quốc neo đậu ở khu vực gần đảo Đá Ba Đầu ngày 7/3/2021

 

Năm 2020, Philippines đã tố cáo Trung Quốc điều rất nhiều tàu cá xung quanh Đá Ba Đầu.

Về mặt pháp lý, nếu đá Ba Đầu là một đảo nổi trên mặt nước khi thủy triều lên, thì nó sẽ được coi là một đá với lãnh hải riêng rộng 12 hải lý. Nếu đá Ba Đầu là bãi cạn lúc chìm lúc nổi và nằm trong lãnh hải rộng 12 hải lý của một hòn đảo tranh chấp thuộc cụm Sinh Tồn, thì nó sẽ thuộc về nước có lãnh hải bao trùm nó.

 

Hiện nay, đảo Sinh Tồn Đông (do Việt Nam quản lý) được cho là một đảo nổi trên mặt nước khi thủy triều lên. Đá Ba Đầu dường như nằm trong lãnh hải rộng 12 hải lý của đảo Sinh Tồn Đông đang có tranh chấp chủ quyền. Do đó, chủ quyền đối với đá Ba Đầu sẽ thuộc về quốc gia cuối cùng có chủ quyền đối với đảo Sinh Tồn Đông.

 

VN đã quản lý liên tục trên cụm đảo Sinh Tồn từ năm 1974 (đối với đảo Sinh Tồn) và năm 1978 (đối với đảo Sinh Tồn Đông), 2 đảo này đều là các thực thể nổi được phép mở lãnh hải 12 hải lý bao gồm toàn bộ cụm đảo Sinh Tồn.

 

Do đó, VN hoàn toàn có đủ căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các thực thể trong cụm đảo Sinh Tồn.

 

Tên gọi tiếng Anh của đá Tri Lễ chưa rõ ràng. Theo trang Nghiencuubiendong thì tên tiếng Anh của đá Tri Lễ là Sandy Cay.[2] Nhưng theo một tài liệu của Philippines thì Sandy Cay lại là tên tiếng Anh của đá Hoài An - cũng là một thực thể gần đó.[3]

 

Sandy Cay nằm trong cụm Thị Tứ, trong đó Thị Tứ là thực thể lớn nhất, đang nằm dưới sự kiểm soát của Philippines.

 

Sandy Cay là một phần của Cụm Thị Tứ ở khu vực tây bắc của quần đảo Trường Sa. Cụm Thị Tứ bao gồm hai đảo san hô vòng. Đảo san hô phía đông bao gồm hai rạn san hô hoàn toàn chìm dưới nước. Đảo san hô phía tây bao gồm đảo Thị Tứ và một số bãi cát, một trong số đó là Sandy Cay. Đảo Thị Tứ và Sandy Cay là những thực thể nổi lên kể cả khi thủy triều lên cao. Các bãi cát khác hoặc là các thực thể ngập nước hoàn toàn hoặc là các bãi nổi khi thủy triều xuống thấp. Về mặt pháp lý, Sandy Cay được coi là một đá.

 

Tình hình đáng báo động khi các báo cáo xuất hiện vào tháng 8 năm 2017 cho biết các tàu Trung Quốc đã xuất hiện gần đó và dường như sẵn sàng chiếm giữ thực thể này.[4] Nhưng Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Zhao Jianhua đảm bảo với Tổng thống Duterte vào thời điểm đó rằng Trung Quốc “không xây dựng bất cứ thứ gì” trên bãi cát.

 

Tuy nhiên, vào tháng 9 năm 2017, Đại sứ Zhao tuyên bố, không giải thích chi tiết, rằng vụ việc đã “được giải quyết thành công thông qua các kênh ngoại giao”.

 

Sau đó vào tháng 11 năm 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tiết lộ rằng Philippines trên thực tế đã cố gắng xây dựng nơi trú ẩn cho ngư dân trên đảo Sandy Cay vào đầu năm đó. Trung Quốc phản đối nỗ lực này và Philippines đã rút binh lính khỏi bãi cát. Không có cấu trúc nào được xây dựng, nhưng nỗ lực này có thể đã khiến Trung Quốc triển khai các cuộc tuần tra tới Sandy Cay, dẫn đến việc các tàu Trung Quốc nhìn thấy gần bãi cát vào tháng 8 năm 2017.[5]

 

Vào tháng 4 năm 2019, Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jose Santiago Sta. Romana cũng tiết lộ rằng Philippines và Trung Quốc trước đó đã đạt được một “thỏa thuận tạm thời” để giữ cho Sandy Cay không có người ở. Đây có thể là thỏa thuận mà hai nước đạt được vào tháng 9/2017.[6]

 

Năm 2019, Philippines lại tố cáo 275 tàu Trung Quốc xuất hiện gần Thị Tứ, nhưng chủ yếu nhắm vào Sandy Cay.[7]

 

Năm 2021, Thẩm phán Carpio đã cáo buộc chính quyền Duterte để mất Sandy Cay vào tay Trung Quốc giống như số phận của Bãi cạn Scarborough trước đó.[8] Tuy nhiên, chính quyền Philippines đã phủ nhận vấn đề này.

 

Đá An Nhơn hoặc có tên gọi khác là cồn san hô Lan Can (tên tiếng Anh là Lankiam Cay). Đá An Nhơn là một thực thể nằm trong cụm Loại Ta. Hiện nay Philippines đang chiếm hữu Loại Ta. Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thì Loại Ta chỉ là đá,[9] theo Trung tâm Luật quốc tế của đại học Quốc gia Singapore thì đá An Nhơn là một trong 3 đụn san hô luôn chìm dưới mực nước biển và không có công trình gì ở đó, tính đến năm 2014.[10]

 

Đá Én Đất (tên tiếng Anh là Eldad Reef) là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa. Đá này có kích thước lớn nhất cụm, nằm tại cực đông của cụm và cách đá Núi Thị  khoảng 7 hải lý (13 km) về phía đông-đông nam.

 

Theo thông tin của Trung tâm Luật quốc tế NUS dựa trên quan sát hình ảnh vệ tinh năm 2015 thì đá Én Đất dường như là bãi lúc chìm lúc nổi, và chưa có xây dựng gì bên trên.[11]

Báo chí Việt Nam trích dẫn lại từ báo Philippines cho biết, năm 2014 Trung Quốc đã có hành động cải tạo và bồi lấp Én Đất.[12]

 

Một bài báo Việt Nam cho biết: TQ đã thực hiện nhiều hoạt động xâm phạm đá Ba Đầu từ các năm 1992 (dự định đổ bộ) cho đến 2014 (thả vật thể lạ đóng vai trò phao chủ quyền), 2016 (neo đậu tàu lớn và thả các tốp ngư dân đi thuyền nhỏ vào đánh bắt hải sản) nhưng đều bị Hải quân VN cử các xuồng chủ quyền ra xua đuổi, thu hồi vật thể lạ. Việt Nam còn duy trì động thái chống tiếp cận các đảo không người như vậy ở đá Én Đất, bãi Bàn Than..., qua đó thấy rõ các thủ đoạn tái diễn từ phía TQ.[13]

 

Với các thông tin về hành động bồi lấp của Trung Quốc tại Trường Sa như vậy, đây là động thái chưa từng có nằm trong mưu đồ lâu dài của Bắc Kinh hòng củng cố các yêu sách đối với lãnh thổ tranh chấp tại khu vực giao thương toàn cầu trọng yếu này.

 

Trong khi Trung Quốc trước đây đã xây dựng các rạn san hô, đảo và khối đất tranh chấp ở khu vực mà họ đã kiểm soát từ lâu — và quân sự hóa chúng bằng các cầu cảng, đường băng và cơ sở hạ tầng khác. Nhiều quan chức phương Tây đã cảnh báo rằng hoạt động xây dựng mới nhất của Bắc Kinh cho thấy âm mưu thúc đẩy việc lập một nguyên trạng mới, cho dù còn quá sớm để biết liệu Trung Quốc có tìm cách quân sự hóa chúng hay không.

 

Philippines lo ngại lên tiếng

 

Bộ Ngoại giao Philippines đã lập tức đưa ra tuyên bố: “Chúng tôi hết sức lo ngại vì những hoạt động như vậy trái với cam kết tự kiềm chế của Tuyên bố Ứng xử về Biển Đông và Phán quyết Trọng tài năm 2016.”[14]

 

Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines lại cho rằng bài báo trên Bloomberg là “tin giả” và viện dẫn trang web SCS Probing Initiative (SCSPI) - một dự án của Bắc Kinh để tuyên truyền về Biển Đông, để chứng minh quan điểm của mình.

 

SCSPI đã mô tả hoạt động cải tạo bị cáo buộc của Trung Quốc tại ít nhất bốn thực thể ở Biển Đông là "tin giả 100%".

 

“Thứ nhất, trong số bốn thực thể được đề cập (trong bài báo của Bloomberg), tất cả đều là các bãi cát và hình dáng của 4 thực thể này đều tự nhiên thay đổi hàng năm,” SCSPI cho biết. “Thứ hai, Sandy Cay đang bị Việt Nam chiếm đóng. Thật nực cười khi đổ lỗi cho Trung Quốc.”[15]

 

Tuy nhiên, đây chỉ là cách giải thích vụng về từ phía các chuyên gia Trung Quốc. Trên bài báo của Bloomberg, họ đã kèm theo cả hình ảnh chụp từ vệ tinh đối với các thực thể này, sự thay đổi cấu trúc của các thực thể này có thể thấy rõ là có bàn tay của con người, chứ không phải dấu vết của tự nhiên. Ngoài ra, không biết các chuyên gia của SCSPI không có kiến thức hay là "lập lờ đánh lận con đen” khi khẳng định Việt Nam đang chiếm hữu Sandy Cay. Như đã trình bày ở trên, Sandy Cay là thực thể không có người nào ở trên đó. Còn thực thể mà Việt Nam đang chiếm hữu là Sơn Ca (Tiếng Anh là Sand Cay).

 

Chưa kể, hồi đầu tháng 12, hàng chục tàu Trung Quốc được cho là do lực lượng dân quân biển của họ điều khiển ở Biển Tây Philippines đã di chuyển gần hơn đến Palawan trong những tháng gần đây, bao gồm cả vùng biển gần các địa điểm của kế hoạch thăm dò năng lượng chung Philippines-Trung Quốc bị hủy bỏ, một quan chức quân sự hàng đầu của Philippines đã cho biết.[16]

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/da-ba-dau-2.jpeg/@@images/41573d88-b132-4f56-9042-e961adce17ed.jpeg

 

Tàu cá của Trung Quốc tại đá Ba Đầu, quần đảo Trường Sa hôm 23/3/2021. Ảnh Maxar/AP

 

Việt Nam cần làm gì?

 

Với các hành động này cho thấy Trung Quốc đang muốn thay đổi hiện trạng theo cách có lợi cho họ. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải cùng Philippines và các quốc gia Biển Đông khác “giữ nguyên hiện trạng” thông qua các hoạt động ngoại giao, công luận quốc tế, cũng như sức mạnh sẵn có, không thể xảy ra việc thay đổi hiện trạng các thực thể này. Vì điều này sẽ dẫn đến các bất lợi cho tất cả các quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc.

 

Thứ hai, Việt Nam cũng cần có kế hoạch cụ thể cho việc đặt tên cho các thực thể trên biển Đông thuộc quần đảo Trường Sa, đồng thời công bố rộng rãi các tên gọi này để thống nhất cũng như khẳng định chủ quyền của Việt nam ở đây. Có rất nhiều tên gọi và cách gọi không thống nhất với nhau đối với các thực thể này.

 

Thứ ba, Việt nam cần công bố rộng rãi các thông tin về các thực thể này, để cho công chúng trong nước và thế giới hiểu rõ vấn đề. Điều này sẽ có lợi cho Việt Nam nhiều hơn. Cho đến nay, mặc dù phía Philippines đã chính thức lên tiếng về vấn đề này, nhưng Việt Nam thì vẫn đang “án binh bất động”.

 

[1]  https://www.bloomberg.com/news/articles/2022-12-20/china-accused-of-building-on-unoccupied-reefs-in-south-china-sea?leadSource=uverifywall    

 

[2] https://nghiencuubiendong.vn/quan-dao-truong-sa.44068.anews

 

[3] https://maritimereview.ph/the-controversy-surrounding-sandy-cay-examining-the-public-evidence/

 

[4] https://www.philstar.com/headlines/2017/08/19/1730865/carpio-china-virtually-occupying-sandy-cay

 

[5] https://maritimereview.ph/the-controversy-surrounding-sandy-cay-examining-the-public-evidence/

 

[6] https://maritimereview.ph/the-controversy-surrounding-sandy-cay-examining-the-public-evidence/

 

[7] https://www.eurasiareview.com/27052019-the-standoff-at-sandy-cay-in-the-south-china-sea-analysis/

 

[8] https://opinion.inquirer.net/140175/tiny-sandy-cay-reveals-the-big-lie

 

[9] https://amti.csis.org/dao-loai-ta/?lang=vi

 

[10] https://cil.nus.edu.sg/wp-content/uploads/2016/06/Loaita-Bank-Lankiam-Reef-Final.pdf

 

[11] https://cil.nus.edu.sg/wp-content/uploads/2017/08/Tizard-Bank-Eldad-Reef-Final.pdf

 

[12] https://soha.vn/quoc-te/philippinesbao-cao-mat-ve-hoat-dong-trai-phep-cua-tq-o-truong-sa-20140613130247535rf20140613130247535.htm

 

[13] https://congan.com.vn/tin-chinh/thay-gi-qua-viec-trung-quoc-dua-luc-luong-dan-quan-bien-tien-vao-bien-dong_109436.html

 

[14] https://www.philstar.com/headlines/2022/12/21/2232369/philippines-concerned-over-report-chinas-construction-activities-spratlys?utm_medium=twitter&utm_source=dlvr.it

 

[15] https://www.manilatimes.net/2022/12/22/news/ph-concerned-over-china-reclamation/1871204

 

[16] https://globalnation.inquirer.net/208965/chinese-militia-vessels-coming-closer-to-palawan

 

 

Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

-----------------------------------------------------------





No comments:

Post a Comment

View My Stats