Tuesday 27 December 2022

LÀM THẾ NÀO ĐỂ QUẢN LÝ RỦI RO TỪ MỘT TRUNG QUỐC SUY YẾU? (Jonathan Tepperman  -  Foreign Affairs)

 



Làm thế nào để quản lý rủi ro từ một Trung Quốc suy yếu?

Jonathan Tepperman  -   Foreign Affairs

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

26/12/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/12/26/lam-the-nao-de-quan-ly-rui-ro-tu-mot-trung-quoc-suy-yeu/

 

Washington cần có sự điều chỉnh khi những rắc rối của Bắc Kinh ngày một gia tăng.

 

Hai tháng vừa qua là một trong những thời điểm quan trọng nhất trong lịch sử Trung Quốc đương đại. Dấu mốc đầu tiên là Đại hội Đảng lần thứ 20, sự kiện được Chủ tịch Tập Cận Bình sử dụng để loại bỏ những đối thủ duy nhất còn sót lại của mình. Sau đó vài tuần, tại Trung Quốc nổ ra làn sóng biểu tình lan rộng nhất mà nước này từng chứng kiến kể từ các cuộc biểu tình rầm rộ ở Quảng trường Thiên An Môn và nhiều nơi khác vào năm 1989. Thế rồi, chưa đầy một tuần sau, một hồi kết đáng kinh ngạc đã xuất hiện: trong một hành động nhượng bộ hiếm hoi (và không được thừa nhận), Bắc Kinh tuyên bố họ đang nới lỏng một số chính sách “zero COVID” đã khiến rất nhiều người tức giận xuống đường.

 

Đây thực sự là một chuỗi sự kiện quay cuồng, ngay cả khi xét theo tiêu chuẩn hỗn loạn của Trung Quốc đương đại. Tuy nhiên, bên dưới những ồn ào ấy, tất cả các sự kiện đều mang cùng một tín hiệu: rằng Trung Quốc không phải là gã khổng lồ đang trỗi dậy, như cách mà truyền thông Mỹ và các nhà lãnh đạo Mỹ thường mô tả, mà là kẻ đang chới với bên bờ vực thẳm. Mười năm “cải cách” của Tập – thường được phương Tây xem như chiến thắng trong những trò chơi quyền lực – đã làm cho đất nước trở nên yếu ớt và mong manh, làm trầm trọng thêm những vấn đề sẵn có, đồng thời làm nảy sinh những vấn đề mới. Dù ngày càng có nhiều nhà phân tích phương Tây –gồm Michael Beckley, Jude Blanchette, Hal Brands, Robert Kaplan, Susan Shirk, và Fareed Zakaria – nhấn mạnh đến thực tế này, nhiều nhà bình luận Mỹ và hầu hết các chính trị gia (từ cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Tổng thống Joe Biden), vẫn định hình cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc dựa trên sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Ngay cả khi thừa nhận các cuộc khủng hoảng đang dâng cao ở Trung Quốc, họ cũng xem đó là những diễn biến bình thường hoặc tích cực đối với Mỹ.

 

Đúng ra phải là điều ngược lại. Thay vì là tin tốt lành, một Trung Quốc yếu kém, trì trệ, hoặc đang sụp đổ thậm chí còn nguy hiểm hơn một Trung Quốc thịnh vượng – không chỉ đối với bản thân nước này, mà còn đối với thế giới. Do đó, đối với người Mỹ, đối phó với một Trung Quốc thất bại còn khó khăn hơn đối phó với một Trung Quốc đang lên. Nếu Washington muốn đạt được thành công – hoặc ít nhất là chống đỡ được hậu quả tồi tệ nhất – thì họ cần phải nhanh chóng định hướng lại trọng tâm của mình.

 

Thành tích của Washington trong việc đối phó với các đối thủ đang suy tàn không có gì hứa hẹn, và việc đưa ra một chính sách mới để quản lý sự suy yếu của Trung Quốc là điều không dễ dàng. Tệ hơn, chưa rõ liệu chính quyền Biden đã bắt đầu giải quyết vấn đề hay chưa. Nhưng đó không phải là lý do để tuyệt vọng. Có một vài thay đổi mà Mỹ có thể thực hiện tương đối dễ dàng để cải thiện đáng kể khả năng thành công của họ – đặc biệt nếu họ bắt đầu thực hiện chúng từ sớm.

 

BỘ QUẦN ÁO CỦA HOÀNG ĐẾ

 

Nhiều năm sau cái chết của Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã trở thành một chế độ chuyên chế đặc biệt của thế giới: quốc gia chuyên chế rộng lớn này dường như đi ngược lại mọi quy luật về chính trị và kinh tế. Bắt đầu từ cuối thập niên 1970, dưới thời người kế nhiệm Mao, Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc dần mở cửa thị trường, phân bổ quyền hành pháp, áp đặt giám sát nội bộ, thúc đẩy tranh luận nội bộ, sử dụng dữ liệu để đưa ra quyết định, khen thưởng các quan chức đạt kết quả tốt, và theo đuổi một chính sách đối ngoại nhìn chung không mang tính đe dọa. Những cải cách này cho phép đất nước tránh được số phận ảm đạm mà hầu hết các chế độ đàn áp phải gánh chịu – bao gồm cả nạn đói và sự bất ổn mà chính Trung Quốc đã trải qua dưới thời kỳ cầm quyền lâu dài của Mao. Dưới thời Đặng Tiểu Bình và những người kế nhiệm ông, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc không đơn thuần chỉ thoát được khó khăn; nước này đã phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng kinh tế trung bình gần 10% mỗi năm từ năm 1978 đến năm 2014, đưa khoảng 800 triệu người thoát khỏi đói nghèo (và còn đạt nhiều thành tựu khác).

 

Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, Tập Cận Bình, với mục đích duy nhất là theo đuổi quyền lực cá nhân, đã hủy bỏ một cách có hệ thống mọi cải cách vốn được thiết lập nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của một Mao Trạch Đông mới – hay ngăn chặn điều mà Francis Fukuyama gọi là vấn đề “Hoàng đế tồi” (Bad Emperor). Thật không may cho Trung Quốc, những cải cách mà Tập muốn hủy bỏ lại chính là những cải cách đã giúp nước này thành công rực rỡ. Trong vòng 10 năm, Tập đã củng cố quyền lực vào tay mình, đồng thời loại bỏ các biện pháp khuyến khích bộ máy hành chính dám nói ra sự thật và làm việc hiệu quả, thay thế chúng bằng một hệ thống chỉ khen thưởng một điều duy nhất: lòng trung thành. Cùng lúc đó, ông cho áp đặt các luật an ninh mới hà khắc và một hệ thống giám sát công nghệ cao, trấn áp những người bất đồng chính kiến, nghiền nát các tổ chức phi chính phủ độc lập (kể cả những tổ chức phù hợp với chính sách của ông), ngăn người Trung Quốc tiếp cận các tư tưởng nước ngoài, và biến vùng lãnh thổ phía tây Tân Cương thành một trại tập trung khổng lồ dành cho người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi. Năm ngoái, ông phát động một cuộc chiến chống lại các tỷ phú Trung Quốc, dồn dập tấn công các công ty công nghệ hàng đầu của đất nước, đồng thời tăng cường quyền lực và tài chính cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả – theo đó đẩy các doanh nghiệp tư nhân vào tình trạng đói vốn.

 

Đại hội đảng gần đây chỉ là bề nổi của tảng băng trôi. Tập đã sử dụng sự kiện này để làm bẽ mặt Hồ, người tiền nhiệm của ông và là nhà lãnh đạo Trung Quốc cuối cùng được chọn bởi Đặng. Ông cũng thay thế Thủ tướng Lý Khắc Cường, và lấp đầy Bộ Chính trị cùng Ban Thường vụ đầy quyền lực bằng những phụ tá trung thành (hầu hết trong số họ xuất thân từ ngành an ninh, không phải kỹ trị). Thay vì thể hiện sự vĩ đại của Trung Quốc, đại hội đảng lại làm nổi bật những khuyết điểm đang lớn dần của nước này. Đó là lễ đăng quang của Tập với tư cách là Hoàng đế tồi mới nhất của Trung Quốc.

 

Thiệt hại mà Tập gây ra đã bắt đầu hiển hiện theo nhiều cách. Nền kinh tế Trung Quốc đã sụp đổ sau những can thiệp thất thường của ông và sức nặng của chính sách zero-COVID (gần đây, đã có hơn 313 triệu người đã bị phong tỏa theo cách này hay cách khác). Thời của tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm 10% đã qua lâu rồi. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ đạt tăng trưởng 5,5% trong năm nay, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng đạt được một nửa con số đó đã là rất may rồi. Giá trị của đồng nhân dân tệ vừa chạm mức đáy 14 năm, còn doanh số bán lẻ, lợi nhuận doanh nghiệp, sản lượng công nghiệp, và đầu tư bất động sản đều giảm. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng vọt, lên tới 20% trong giới trẻ trong mùa hè vừa qua. Ước tính có khoảng 4,4 triệu doanh nghiệp nhỏ đã buộc phải đóng cửa vào năm ngoái. Dữ liệu không chính thức (không có dữ liệu thống kê chính thức) cho thấy đất nước cũng đang bị chảy máu chất xám ồ ạt khi các gã khổng lồ công nghệ, các tỷ phú, và các chuyên gia thuộc tầng lớp trung lưu đổ xô rời khỏi đất nước.

 

Nhiều khả năng tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nhiều. Khi Trung Quốc chững lại, nước này ngày càng khó có thể vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thay vào đó, với sự đổi mới và tinh thần kinh doanh bị kìm hãm, cùng với năng suất giảm dần, Trung Quốc sẽ sa lầy trong bẫy thu nhập trung bình. Mức sống trong nước có thể đi ngang hoặc giảm xuống. Ngân sách ít hơn cùng với một bộ máy hành chính thiếu khả năng sẽ khiến Bắc Kinh gặp khó khăn trong việc giải quyết nhiều vấn đề nghiêm trọng đã tồn tại từ trước: dân số già đi nhanh chóng, những khoản nợ khổng lồ, khan hiếm tài nguyên thiên nhiên (gồm cả năng lượng và nước sạch), và thị trường bất động sản bong bóng mà sự tan vỡ của nó có thể kéo toàn bộ nền kinh tế đi xuống. (Hơn 2/3 số tiền tiết kiệm của các hộ gia đình Trung Quốc đang được đầu tư vào bất động sản.)

 

Khi tình hình trở nên tồi tệ hơn và “Giấc mộng Trung Hoa” ngày càng xa rời tầm tay, người dân có thể sẽ tiếp tục nổi giận, như đã xảy ra vào tháng trước. Rất ít học giả Trung Quốc dự đoán một cuộc cách mạng toàn diện, vì bộ máy đàn áp của Bắc Kinh có vẻ đang hoạt động quá hiệu quả. Kịch bản khả thi hơn sẽ là sự bất đồng quan điểm trong giai cấp thống trị của Trung Quốc, như Thái Hà, cựu giáo sư tại Trường Đảng Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cảnh báo. Đúng là cho đến nay, Tập đã loại bỏ hầu hết các đối thủ và chứng tỏ mình là chiến binh mạnh nhất trong trò chơi quyền lực. Nhưng các cuộc thanh trừng của ông đã trừng phạt và sỉ nhục tới năm triệu quan chức – một số lượng kẻ thù quá lớn đối với bất kỳ nhà độc tài nào, kể cả những kẻ tàn nhẫn nhất.

 

Trong quá trình đó, Tập cũng sẽ phải đối mặt với các vấn đề đối ngoại trên hầu hết các khía cạnh – một lần nữa, phần lớn nguyên nhân là do chính ông. Sau khi từ bỏ chiến lược “ẩn mình chờ thời” của Đặng, Tập đã chuyển hướng sang đối đầu. Điều đó có nghĩa là đẩy nhanh việc chiếm đất ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đe dọa Đài Loan, sử dụng các khoản vay nặng lãi dưới danh nghĩa Sáng kiến Vành đai và Con đường để giành quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng nước ngoài, khuyến khích các đại sứ Trung Quốc tham gia vào ngoại giao “chiến lang,” và gần đây nhất, là đứng về phía Nga trong cuộc chiến bất hợp pháp và không được ủng hộ ở Ukraine. Hậu quả cũng dễ đoán: trên khắp thế giới, vị thế của Bắc Kinh đã giảm xuống gần như thấp nhất hoặc thấp nhất mọi thời đại, trong khi các nước thuộc vùng ngoại vi của Trung Quốc vội vã đổ tiền vào quân đội của họ, chen chúc dưới chiếc ô an ninh của Washington, và thúc đẩy các hiệp ước an ninh mới như Đối thoại An ninh Bốn bên (liên kết Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, và Mỹ) và AUKUS (một hiệp ước an ninh ba bên giữa Australia, Anh, và Mỹ).

 

Trong những năm tới, các vấn đề của Trung Quốc sẽ tiếp tục nhiều thêm – và tệ hơn, chúng có thể sẽ khiến Tập bất ngờ, vì, trong hệ thống toàn trị của ông, các quan chức cấp thấp sẽ bị trừng phạt nếu dám mang tin xấu đến cấp trên. Như Shirk, cựu phó trợ lý bộ trưởng ngoại giao Mỹ và là tác giả của cuốn Overreach: How China Derailed Its Peaceful Rise, nói: “Chẳng ai dám nói với Tập những nhược điểm và cái giá thực sự của các chính sách của ông ta, cũng như các vấn đề mà chúng tạo ra.” Ngay cả những liên lạc quan trọng giữa các chính phủ với nhau cũng không đến được tai Tập, điều làm gia tăng đáng kể nguy cơ vô tình xảy ra xung đột. Như Matthew Pottinger, cố vấn hàng đầu về Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump, gần đây đã giải thích: “Dưới thời Chính quyền Trump, chúng tôi đã đi đến kết luận rằng các thông điệp chúng tôi gửi đi qua các kênh ngoại giao đã không đến được với Tập. Chính quyền Biden cũng có kết luận tương tự.”

 

CẨN THẬN VỚI ĐIỀU BẠN MONG ƯỚC

 

Phe diều hâu ở Mỹ sẽ muốn ăn mừng khi thấy Trung Quốc gặp khó khăn. Nhưng họ nên hoãn bữa tiệc của mình lại, vì một Trung Quốc đang suy yếu có thể còn nguy hiểm hơn nhiều so với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Xét đến sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc, một nền kinh tế Trung Quốc yếu hơn – đặc biệt là nền kinh tế phải chịu gánh nặng bởi cơn sóng thần lây nhiễm không thể tránh khỏi, sẽ ập đến khi Bắc Kinh nới lỏng các quy định về COVID – đồng nghĩa với một nền kinh tế Mỹ yếu hơn. (Chỉ cần cân nhắc đến các vấn đề toàn cầu mà Apple phải gánh chịu gần đây, khi khu phức hợp Trịnh Châu của Foxconn nổ ra tranh chấp lao động.) Dù một số học giả cho rằng nếu gặp phải vấn đề trong nước, Trung Quốc có xu hướng hướng vào trong, nhưng sự suy tàn có thể và đã từng khiến các quốc gia khác hướng ra ngoài, khiến họ trở nên khó lường và hiếu chiến hơn. Chẳng hạn, Brands đã lấy ví dụ về nước Đức trước Thế chiến I và quyết định của Nhật khi tấn công Mỹ trong Thế chiến II để lập luận rằng “nguy hiểm có thể xuất hiện khi một quốc gia đang trỗi dậy, đang háo hức chờ đến thời của mình, đạt đến đỉnh cao và bắt đầu suy yếu trước khi lợi ích của nó được đáp ứng.”

 

Rủi ro là đặc biệt lớn khi nhà lãnh đạo của đất nước đó gắn uy tín cá nhân vào những lời hứa hẹn lớn lao mà ông ta cảm thấy mình phải thực hiện, giống như trường hợp của Tập Cận Bình. Ngày càng mong muốn củng cố uy tín của mình – đặc biệt là sau thất bại công khai và đáng xấu hổ khi phải đảo ngược chính sách zero-COVID của ông – và vì không thể dựa vào tăng trưởng kinh tế để đảm bảo tính chính danh của mình (như các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây đã làm), ông có thể dùng đến một vũ khí khác trong kho vũ khí của nhà độc tài: chủ nghĩa dân tộc. Nếu ông làm vậy, kết quả sẽ là một Trung Quốc với diện mạo và lối hành xử như Triều Tiên, nhưng ở cấp độ siêu lớn: một chế độ đàn áp, thiếu tiền, sẵn sàng khiêu khích và đe dọa các đối thủ của mình để đạt được nhượng bộ, đánh bóng lòng kiêu hãnh, và đánh lạc hướng công chúng.

 

Tất nhiên, mối nguy lớn nhất sẽ là một động thái quân sự đối với Đài Loan. Sự so sánh với Tổng thống Nga Vladimir Putin và cuộc chiến thảm khốc của ông ở Ukraine thật đáng sợ. Như Blanchette đã viết, “một môi trường trong đó nhà lãnh đạo chuyên chế chỉ có một mục tiêu duy nhất và không muốn nghe những sự thật khó chịu là công thức dẫn đến thảm họa.” Đáng tiếc, đó chính là loại hệ thống mà Tập đã tạo ra.

 

HÃY BIẾT KHIÊM TỐN

 

Một chính sách Mỹ-Trung có tính đến tất cả những mối nguy này sẽ đòi hỏi một số thay đổi trong cách tiếp cận hiện tại của Washington. Đầu tiên, Mỹ nên làm mọi thứ có thể để đảm bảo mô hình của họ càng hấp dẫn càng tốt. Khi mà một Trung Quốc thất bại trở nên ít hấp dẫn đối với các nước khác, Mỹ càng phải thể hiện sức hấp dẫn của chính mình. Một điểm khởi đầu lý tưởng là giải quyết tình trạng rối loạn chức năng chính trị của Mỹ. Nhưng hiện tại, triển vọng để làm vậy và khôi phục niềm tin vào các thể chế của Mỹ có vẻ rất mờ mịt.

Một mục tiêu khả thi hơn sẽ là tránh phản ứng với các hành động khiêu khích của Trung Quốc theo cách phản bội lại các giá trị của Mỹ. Như nhà khoa học chính trị và cựu quan chức của chính quyền Biden, Jessica Chen Weiss, lập luận, bằng cách làm những việc như chặn truyền thông Trung Quốc và hạn chế thị thực Trung Quốc, “Mỹ đã rời xa các nguyên tắc cởi mở và không phân biệt đối xử vốn từ lâu đã là một lợi thế so sánh của họ.”

 

Ngoài ra, các chính trị gia Mỹ cũng nên dừng việc gây hấn với Trung Quốc vì những mục đích chính trị cục bộ trong nước. Việc ám chỉ rằng Washington đang tìm cách thay đổi chế độ ở Bắc Kinh, như các phụ tá của Trump đã làm trong rất nhiều dịp, chẳng giúp ích gì ngoài việc làm gia tăng sự bất an của Trung Quốc. Kết luận này cũng đúng với những cử chỉ mang tính biểu tượng và kích động thuần túy, chẳng hạn như chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan hồi tháng 8.

 

Bắc Kinh càng đi theo chủ nghĩa dân tộc, thì Tập Cận Bình càng muốn gây chiến – vì vậy Mỹ nên tránh kích động ông ta. Nhưng, sở dĩ “chọc tức con rồng” là một truyền thống lâu đời của Mỹ, là vì nó tạo ra lợi thế về chính trị trong nước. Do đó, sẽ không dễ thay đổi cách tiếp cận này, đặc biệt là khi Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng tránh khiêu khích vô cớ không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối hay nhân nhượng. Để làm rõ điều đó, Washington nên tăng cường rõ rệt khả năng kiềm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy, thẳng thừng vạch ra lằn ranh đỏ và chấm dứt chính sách “mơ hồ chiến lược” đối với Đài Loan (mà nhà khoa học chính trị Richard Haass và những người khác đã ủng hộ), đồng thời nhấn mạnh lại rằng Washington sẽ phản đối bất kỳ động thái hướng tới độc lập nào của Đài Loan. Tuy nhiên, Mỹ nên lặng lẽ gửi đi những thông điệp phản đối đó – trong các cuộc đàm phán trực tiếp với Đài Bắc và Bắc Kinh – để tránh đưa ra một thách thức công khai mà Tập cảm thấy buộc phải đáp trả. Để tiếp tục thay đổi tính toán của mình, Washington cũng nên tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ ở những khu vực có thể xảy ra đối đầu, chẳng hạn như Tây Thái Bình Dương, và nên làm tất cả những gì có thể để biến Đài Loan thành một mục tiêu khó chiếm hơn (một dự án đã quá hạn từ lâu, nhưng cuối cùng cũng đang được tiến hành).

Tất nhiên, cần phải có phương tiện để gửi đi những thông điệp thầm lặng đó. Vì vậy, chính quyền Biden nên thiết lập lại một kênh để liên lạc trong khủng hoảng, và tái can dự với Trung Quốc về mặt ngoại giao theo cách mà Mỹ hầu như đã tránh né trong sáu năm qua – không phải để thưởng cho Trung Quốc vì những hành vi xấu, nhưng để đảm bảo rằng hai chính phủ có thể nói chuyện khi họ cần.

 

Còn về khía cạnh kinh tế, chính quyền Biden xứng đáng được công nhận vì các động thái gần đây của họ, như thông qua Đạo luật Khoa học và CHIPS, cũng như thiết lập các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế khả năng Trung Quốc tiếp cận chất bán dẫn và các vật liệu cần thiết để sản xuất chúng. Những bước đi này sẽ làm giảm sự phụ thuộc về kinh tế và chiến lược của Mỹ, đồng thời làm chậm bước tiến quân sự của Trung Quốc mà không khiêu khích nước này quá mức. Nhưng Washington nên suy nghĩ kỹ hơn về những đánh đổi liên quan đến việc tiếp tục phân tách kinh tế. Dù những động thái này có thể giúp bảo vệ nền kinh tế Mỹ, nhưng chúng cũng có thể được hiểu là thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ và gây ra vấn đề cho chính sách đối ngoại của Mỹ khi giảm đòn bẩy của Washington và động cơ hợp tác của Bắc Kinh.

 

Những khó khăn liên quan đến việc đạt được cân bằng đã dẫn đến nguyên tắc cuối cùng: khi Washington định hướng lại chính sách Trung Quốc của mình, chính sách đó cần phải khiêm tốn, theo hai nghĩa quan trọng. Đầu tiên, nếu và khi Trung Quốc bắt đầu suy yếu rõ rệt, Mỹ phải tránh thái độ đắc thắng vốn từng đi kèm với sự sụp đổ của Liên Xô (bất chấp những nỗ lực của Tổng thống George H. W. Bush nhằm tránh làm nhục nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev). Công khai hạ thấp một đối thủ đang gặp khó khăn nghe thật hấp dẫn, nhưng việc làm đó chẳng phục vụ lợi ích của ai. Dù rất háo hức muốn ghi điểm ở trong nước, các chính trị gia Mỹ phải nhớ rằng khi Trung Quốc suy yếu, các động cơ chính trị để Tập gây chiến sẽ có thể tăng lên – nhưng các động cơ kinh tế để ông hợp tác cũng tăng lên, vì Bắc Kinh không có đủ tiền của và sự chú ý để giải quyết vấn đề. Washington vẫn cần sự hợp tác của Bắc Kinh trong một loạt vấn đề, chẳng hạn như chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn các đại dịch trong tương lai, và họ nên tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để Tập chấp nhận hợp tác. Điều đó có nghĩa là giảm bớt những lời lẽ gay gắt vô cớ. Và, như Shirk gợi ý, điều đó có nghĩa là cho “Tập có lý do để tin rằng nếu ông tiết chế các chính sách của mình, Mỹ sẽ chú ý, thừa nhận điều đó, và đáp lại theo những cách có lợi cho Trung Quốc.”

 

Hình thức khiêm tốn thứ hai liên quan đến việc ghi nhớ rằng một Trung Quốc thất bại sẽ gây ra khó khăn lớn đến mức nào – và Mỹ từng giải quyết vấn đề đó tệ đến mức nào trong quá khứ. Hãy xem lại cách Mỹ giải quyết vấn đề Triều Tiên. Đúng là Washington đã thành công trong việc ngăn chặn tình huống xấu nhất: dù có rất nhiều lời đe dọa, vài cuộc giao tranh nhỏ lẻ và nhiều vụ thử tên lửa, chế độ của dòng họ Kim đã kiềm chế không phát động một cuộc chiến tranh thực sự với bất kỳ nước nào kể từ năm 1950. Nhưng đồng thời, Washington đã thất bại trong việc ngăn chặn Bình Nhưỡng làm khổ người dân của chính họ; xuất khẩu ma túy, đô la giả và vũ khí; và quan trọng nhất, phát triển một kho vũ khí hạt nhân đáng kể. Nguyên nhân không phải là người Mỹ đã không cố gắng. Chí ít là từ thời Bill Clinton, các tổng thống Mỹ đã dành rất nhiều thời gian và công sức để cố gắng tránh những kết quả này. Nhưng tất cả họ đều thất bại – qua đó cho thấy độ khó của vấn đề. Bây giờ, hãy nhớ rằng dân số của Trung Quốc lớn hơn khoảng 54 lần dân số của Triều Tiên, và GDP của Trung Quốc lớn hơn khoảng 1000 lần GDP của Triều Tiên. Cần phải chú trọng đến quy mô của vấn đề. Quản lý sự suy yếu của Trung Quốc sẽ là một quá trình lâu dài, khó khăn, với những đánh đổi đau đớn; trên thực tế, có lẽ không có cách nào toàn diện để bảo vệ Mỹ và phần còn lại của thế giới khỏi những rắc rối mà sự suy yếu ấy sẽ gây ra. Nhưng đó là lý do tại sao các nhà hoạch định chính sách nên bắt đầu tập trung vào nó ngay từ bây giờ.

 

----------------

Jonathan Tepperman là Tổng Biên tập của tạp chí Foreign Policy từ năm 2017 đến năm 2020. Trước đó, ông là Thư ký tòa soạn của tạp chí Foreign Affairs. Ông là tác giả cuốn sách “The Fix: How Countries Use Crises to Thrive and Survive.”

 

Nguồn: Jonathan Tepperman, “China’s Dangerous Decline,” Foreign Affairs,   

             19/12/2022





No comments:

Post a Comment

View My Stats