Thursday 29 December 2022

NHÌN LẠI 10 SỰ KIỆN ĐÁNG CHÚ Ý NHẤT NĂM 2022 (Chi Phương / RFI)

 



Nhìn lại 10 sự kiện đáng chú ý nhất năm 2022

Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 22/12/2022 - 13:18

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221222-nh%C3%ACn-l%E1%BA%A1i-10-s%E1%BB%B1-ki%E1%BB%87n-%C4%91%C3%A1ng-ch%C3%BA-%C3%BD-nh%E1%BA%A5t-n%C4%83m-2022

 

Nga xâm lược Ukraina, biểu tình phản đối chính phủ ở Iran, quyền phá thai ở Hoa Kỳ,… Sau đây là 10 sự kiện nổi bật đáng chú ý nhất của năm 2022, theo Le Point.

 

https://s.rfi.fr/media/display/564c7612-81eb-11ed-9b86-005056bf30b7/w:980/p:16x9/2022%20%281%29-1.webp

Năm 2022, một năm đầy biến động trên thế giới. © AP

 

Chiến tranh Ukraina

 

Ngày 24/02, Nga tấn công Ukraina vì Putin muốn "phi phát xít hoá Ukraina", khiến cả thế giới rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có kể từ Chiến Tranh Lạnh. Trước sự ủng hộ từ các quốc gia thuộc Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO, tổng thống Nga đã nêu ra nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân khi tuyên bố sẵn sàng sử dụng mọi phương tiện trong kho vũ khí của mình. 

 

Chiến tranh kéo dòng người tị nạn lớn nhất đổ vào châu Âu kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến và đã tước đi sinh mạng của hàng ngàn binh lính và thường dân. Quân đội Nga bị cáo buộc tra tấn, giết hại, hãm hiếp thường dân. Phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt ngày càng khắt khe, khiến Nga bị cô lập trên trường quốc tế, đồng thời tăng cường viện trợ cho Kiev. 

 

Chiến tranh Ukraina cũng đã dấy lên nguy cơ về cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do Nga áp đặt lệnh phong tỏa Biển Đen. Vào tháng Bảy, một thoả thuận được ký kết, cho phép Ukraina, một nước sản xuất ngũ cốc lớn của thế giới có thể xuất khẩu trở lại. 

 

Vào tháng Chín, trong khi quân đội Nga gặp nhiều thất bại trên chiến trường, tổng thống Putin đã ban hành lệnh huy động khoảng 300 000 lính dự bị và ký sắc lệnh sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraina thông qua trưng cầu dân ý,  

 

Sau khi từ bỏ vùng Kharkiv, Matxcơva đã yêu cầu rút quân ở Kherson. Nga đã có hành động trả đũa, tiến hành hàng trăm cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng của Kiev, khiến hàng triệu người Ukraina sống trong bóng tối khi mùa đông đến gần. 

 

.

Lạm phát phi mã do khủng hoảng năng lượng  

 

Giá cả tăng cao, bắt đầu từ năm 2021 do chuỗi cung ứng bị gián đoạn, kết hợp với nhu cầu gia tăng của một số sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, trong bối cảnh kinh tế bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19. Lạm phát có thể lên đến 8 % trong quý tư năm nay ở các nước thuộc khối G20, ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu qua việc đẩy chi phí sản xuất lên cao.  

 

Lạm phát cũng tăng cao do chiến tranh Ukraina khiến châu Âu chìm trong cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Dưới tác động của các lệnh trừng phạt, Nga đã gia tăng các biện pháp đáp trả, đánh vào điểm yếu của Liên Hiệp Châu Âu, vốn phụ thuộc vào khí đốt Nga, ngừng giao khí đốt cho châu lục. 

 

Để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Trung Ương Hoa Kỳ đã tăng mạnh lãi suất chỉ đạo từ tháng Ba, khiến cho lãi suất vay ngân hàng ngày càng đắt đỏ. Ngân hàng Trung Ương Châu Âu cũng thực hiện biện pháp tương tự. 

 

.

Hoa Kỳ và sự trở lại của lệnh cấm phá thai 

 

Vào tháng Sáu vừa qua, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cho phép các bang tự do quyết định quyền cấm phá thai và chôn vùi điều luật 1973 Rode C Wade. Ngay sau đó, khoảng 20 bang của Hoa Kỳ đã cấm hoàn toàn hoặc hạn chế quyền được phá thai. Đây là chủ đề nằm trong số những hồ sơ tranh luận gay gắt của cuộc bầu cử Quốc Hội vào tháng 11. Đảng Cộng Hòa của cựu tổng thống Donald Trump đã không giành được chiến thắng vang dội như mong đợi. Đảng Dân Chủ vẫn giữ được quyền kiểm soát Thượng Viện, nhưng đảng Cộng Hòa lại giành được đa số, có phần sít sao, ở Hạ Viện. 

 

Dù vậy nhưng Donald Trump cũng đã thông báo tái tranh cử tổng thống năm 2024. Cuộc chiến giành vị trí chủ nhân Nhà Trắng trong nội bộ đảng Cộng Hòa có thể sẽ gắt gao khi có nhiều ứng cử viên tiềm năng, phải kể đến thống đốc bang Florida Ron DeSantis. Ông Trump cũng đang phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra. 

 

.

Bất ổn chính trị ở Anh Quốc 

.

Sau hàng loạt bê bối và làn sóng từ chức của các lãnh đạo trong chính phủ Anh Quốc, thủ tướng Boris Johnson đã rời ghế lãnh đạo vào tháng Bảy. Liz Truss chính thức được nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị bổ nhiệm làm tân thủ tướng, chỉ hai ngày trước khi nữ hoàng qua đời vào ngày 08/09, khép lại 70 năm trị vì. Tân vương Charles Đệ Tam lên ngôi ngày 10/09. 

 

Bà Liz Truss chỉ giữ chiếc ghế thủ tướng trong vòng 44 ngày trước khi từ chức. Vụ việc đã tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị và tài chính do chương trình về kinh tế không thiết thực của bà. 

 

Bộ trưởng tài chính Rishi Sunak lên lãnh đạo vào cuối tháng 10, trong một giai đoạn bất ổn nhất từ trước đến nay ở Anh Quốc. Rishi Sunak là thủ tướng thứ năm của Anh kể từ khi Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu vào năm 2016. Cựu bộ trưởng tài chính 42 tuổi phải đối mặt với những thách thức lớn : lạm phát trên 10%, hệ thống y tế suy tàn. Nhiều cuộc đình công xảy ra vào những ngày cuối năm 2022. 

 

.

Hiện tượng khí hậu cực đoan gia tang 

.

Năm 2022 lại là một năm xảy ra nhiều thảm họa khí hậu. Từ châu Âu đến châu Á, nhiều quốc gia đã phải trải qua một mùa hè nóng nhất từ trước đến nay, nhiệt độ cao kỷ lục và nắng nóng dẫn đến tình trạng khô hạn và những vụ cháy rừng. Tại Pakistan, khoảng 1700 người thiệt mạng và 8 triệu người phải sơ tán do trận lũ lụt lịch sử, một phần ba diện tích của Pakistan ngập trong nước. 

 

Sau các cuộc đàm phán căng thẳng, Hội nghị khí hậu Liên Hiệp Quốc COP27 kết thúc vào ngày 20/11 tại Charm el Cheik (Ai Cập), với thoả hiệp trợ giúp các nước nghèo chịu tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên COP27 đã thất bại trong việc đề ra những tham vọng mới để giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính. 

 

.

Biểu tình phản đối chính phủ Hồi giáo ở Iran 

.

Ngày 16/09, Mahsa Amini, một phụ nữ Iran 22 tuổi, đã tử vong ở bệnh viện, 3 ngày sau khi bị cảnh sát đạo đức bắt giữ vì không tuân thủ quy định về trang phục của nước Cộng hoà Hồi giáo : bắt buộc phụ nữ phải đeo khăn trùm kín đầu ở những nơi công cộng. 

 

Cái chết của Amini đã tạo ra một làn sóng biểu tình chưa từng có trên khắp Iran kể từ cuộc Cách Mạng Hồi giáo 1979. Những người phụ nữ trẻ Iran dẫn đầu cuộc biểu tình, một số video cho thấy những phụ nữ tháo và đốt khăn trùm đầu, thách thức chính quyền. 

 

Các cuộc biểu tình đòi tự do cho phụ nữ dần chuyển thành phong trào chống lại chế độ Hồi Giáo, thu hút học sinh sinh viên, xuống đường biểu tình, bất chấp sự đàn áp của chính quyền. Iran cho biết có 300 người thiệt mạng, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Na Uy đưa ra con số 448 người. Nhiều người biểu tình đã bị bắt giữ. 

 

Đầu tháng 12, chính quyền Teheran đã thông báo giải tán cơ quan cảnh sát đạo đức. Tuy nhiên, Iran cũng đã ban lệnh xử tử, treo cổ công khai với 2 người biểu tình, nhằm răn đe công chúng. Ít nhất 12 người khác có nguy cơ bị hành quyết 

 

.

Lãnh đạo quyền lực nhất lịch sử Trung oav à chính sách Zero covid 

 

Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo của đảng Cộng Sản, trở thành người lãnh đạo quyền lực nhất của lịch sử Trung Quốc hiện đại, sau Đại hội Đảng lần thứ 20.  

 

Trong một thập kỷ ở vị trí đứng đầu đất nước 1,4 tỷ dân, Tập Cận Bình đã bày tỏ mong muốn kiểm soát, can thiệp vào hầu hết các bộ máy của đất nước đồng thời phải hứng chịu các chỉ trích quốc tế về quyền con người. Lãnh đạo họ Tập cũng duy trì sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với Hoa Kỳ. Căng thẳng tại eo biển Đài Loan đã lên mức cao nhất từ nhiều năm qua, nhất là kể từ sau chuyến thăm của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến Đài Bắc vào tháng Tám. 

 

Trung Quốc đã trả đũa bằng các cuộc thao dượt trên bộ và trên biển với quy mô lớn nhất từ những năm 1990. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden xác nhận rằng lực lượng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc xâm lược hòn đảo. 

 

Những quy định khắt khe của chiến dịch Zero Covid đã dấy lên cuộc biểu tình phản đối các biện pháp phòng dịch, với quy mô chưa từng có kể từ vài thập kỷ qua. Chính quyền Bắc Kinh đã dập tắt các cuộc biểu tình, nhưng gần đây cũng đưa ra các biện pháp nới lỏng trong chính sách Zero covid.

 

.

Phe cực hữu lên ngôi ở châu Âu 

 

Tại lục địa già, các phe bảo thủ cực đoan giành được thành công vang dội trong các cuộc bầu cử lập pháp tại nhiều nước, trong đó phải kể đến chiến thắng của thủ tướng Hungary Viktor Orban, thuộc đảng theo chủ nghĩa dân dộc Hungary. 

 

Tại Pháp, đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc của Marine Le Pen cũng đã giành được chiến thắng lịch sử, trở thành đảng đối lập lớn nhất ở Quốc Hội, nơi mà tổng thống Emmanuel Macron đã mất đa số tuyệt đối. 

 

Đảng Dân chủ Thụy Điển, theo chủ nghĩa dân tộc và chống nhập cư, cũng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 9, và trở thành lực lượng chính trị lớn thứ hai của nước này. Tại Ý, bà Giorgia Meloni, ứng cử viên đảng hậu phát xít Huynh đệ Ý, được bầu làm lãnh đạo chính phủ vào tháng 10. 

 

.

Hy vọng hoà bình ở Ethiopia 

 

Sau hai năm xung đột, chính phủ liên bang Ethiopia và chính quyền nổi dậy ở phía bắc vùng Tigray, đã ký thoả thuận ngày 02/11, chấm dứt chiến sự - một cuộc chiến mà các tổ chức phi chính phủ mô tả là "gây nhiều chết chóc nhất thế giới". Theo Liên Hiệp Quốc, tất cả các bên tham gia vào cuộc xung đột xảy ra từ tháng 11/2020 ở Ethiopia có thể đã gây các tội ác chống nhân loại. Hai triệu người Ethiopia phải sơ tán. Nhiều người không có thức ăn, thuốc men trong nhiều tháng.

 

.

Qatar bị chỉ trích vì đăng cai World Cup 2022. 

 

Việc đăng cai giải Cúp bóng đá thế giới (2022), (20/11-18/12) đã kéo theo một làn sóng chỉ trích đất nước vùng Vịnh. Qatar, là nước xứ Ả Rập đầu tiên tổ chức sự kiện này, đã bị lên vì cách đối xử với lao động nhập cư và cộng đồng LGBT, phụ nữ, hoặc vì các bố trí điều hoà tại sân vận động trong bối cảnh nóng lên toàn cầu. Một số phương tiện truyền thông đã đưa ra con số hàng ngàn người chết trên các công trường xây dựng cơ sở phục vụ giải bóng đá. Chính quyền Doha phản bác và thậm chí còn đe dọa sẽ kiện trước những chỉ trích từ Tây Âu. 

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats