Saturday, 31 December 2022

NHỮNG MẤT MÁT CỦA ĐỘI NGŨ LÀM CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI VIỆT NAM (Việt Hoàng)

 



Những mất mát của đội ngũ làm công tác đối ngoại Việt Nam

Việt Hoàng

Gửi bài tới Diễn đàn BBC từ TP. HCM

30 tháng 12 2022, 19:02 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c51pe41q72go

 

Ngày 21/12/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam đã “gọi tên” người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn.

 

Và kể cả sếp của ông Sơn là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao nhiều năm, không những cũng bị “gọi tên”, mà theo tin tức từ nội bộ, rất có thể đã nhận quyết định phải nghỉ hưu từ 1/2/2023.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/0ae6/live/40ffa260-8836-11ed-90a7-556e529f9f89.jpg

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bắt tay cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (phải) tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington, DC, ngày 2/10/2014

 

Các cuộc họp Trung ương bất thường (30/12/2022) và Quốc hội bất thường (5/1/2023) không bỏ qua hai ông mà còn “điểm danh” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

 

Việt Nam: Bộ Chính trị 'xem xét kỷ luật Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn'

Bắt trợ lý Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vì vụ Việt Á

Nguyễn Viện 'phẫn nộ' và 'mộng mơ' trong Cõi người ở lại và Nu Na Nu Nống

 

Tin mới nhất, ngày 30/12, báo VN đưa tin “Trung ương ĐCSVN trong phiên họp bất thường đồng ý cho hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam thôi Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; ông Phạm Bình Minh thôi Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII và cho ý kiến về hai nhân sự để trình thay thế”.

 

 

Loại hết lãnh đạo có trình độ, được đào tạo ở Phương Tây?

 

Trong một bài viết khá quy mô trước đó của cựu Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề ngày 20/12/2022, sau khi nêu 6 đặc điểm của thời kỳ chuyển đổi hiện nay trong chính trị quốc tế, Đại sứ Nguyễn Trung có rút lại như sau:

 

Vào thập kỷ những năm 2020 này, trong quá trình định hình một khung khổ trật tự mới nào đấy, giới cầm quyền và đội ngũ trí thức hiện có của nước ta còn đứng rất xa bên ngoài, và gần như thờ ơ với tất cả 6 đặc điểm nêu trên của cục diện quốc tế. Nghĩa là đất nước từ nhiều thập kỷ nay vẫn đang đi tiếp trên con đường mòn đã và đang đi!

 

Ở đây tôi phải có đôi lời thưa ông Nguyễn Trung. Đúng ra, thế hệ các quan chức làm công tác đối ngoại như Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Bùi Thanh Sơn là những nhà hoạt động có kinh nghiệm trên trường quốc tế. Họ rành ngoại ngữ, và đại diện ở một mức độ nhất định cho một số chuyên gia trong Bộ Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ đứng không xa lắm, và lại càng không thờ ơ trước những thách thức mà ông nêu ra.

 

Có điều là, theo cách hiểu của tôi, hiệu ứng “bóng đè” về định hướng tư tưởng từ Trung Nam Hải khiến cả một thế hệ đó, dù là ông Phạm Bình Minh, ông Bùi Thanh Sơn hay ông Vũ Đức Đam, trên thực tế cũng chỉ làm theo cái gậy chỉ huy của Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản VN. Chỉ làm theo mà không thoát khỏi định mệnh bị loại khỏi, bị vô hiệu hóa trong trò chơi quyền lực ngày càng phức tạp ở Ba Đình.

 

Không có thông tin chính thức nào nói về việc cả ba ông nói trên có can dự trực tiếp vào vụ án Việt Á hay là chuyến bay giải cứu hay không, nhưng với trách nhiệm của người phụ trách ngành ngoại giao và ngành văn hóa – xã hội thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

 

Không thể có bất cứ biện minh nào cho số tiền đưa và nhận hối lộ được tố giác lên đến hàng chục tỷ đồng và hàng trăm ngàn đô la thông qua khoảng 2.000 chuyến bay “giải cứu” giữa thời người dân trong cả nước bị hoảng loạn bởi đại dịch.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/7c97/live/2e327c00-8838-11ed-90a7-556e529f9f89.jpg

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ảnh cũ năm 2014

 

Thất bại của ngoại giao tự cường

 

Những phán quyết đang cận kề đe dọa “xóa sổ” hay “vô hiệu hóa” các chuyên gia đầu ngành hay các chuyên viên phụ trách từng lĩnh vực trong đối ngoại chắc chắn sẽ để lại những hậu quả nhãn tiền, theo quan sát của tôi.

 

Không một ai trong số họ, kể cả ông Phạm Bình Minh, vừa qua dám đề xuất bất cứ kiến nghị nào khác với chỉ đạo từ Ban Bí thư. Các bạn đều thấy, suốt hơn 10 tháng chiến tranh ác liệt ở Ukraine, các lá phiếu của Việt Nam ở Liên Hợp Quốc đã hoàn toàn đi ngược lại với xu hướng chung của cộng đồng quốc tế ủng hộ Ukraine, lên án Nga xâm lược.

 

Chủ trương mời Ngoại trưởng Nga trước khi chuẩn bị đón Ngoại trường Mỹ mùa hè vừa qua gửi ra thông điệp ngoại giao gì từ Hà Nội? Nhân chuyến thăm Hà Nội ngày 6 và 7/7/2022, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người bị EU cấm nhập cảnh, đã lớn tiếng đe dọa Mỹ và châu Âu, những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam:

 

“Chúng tôi (tức là LB Nga và Việt Nam) đã bàn về các thách thức kinh tế toàn cầu do các nước phương Tây đứng đầu là Hoa Kỳ gây ra.”

 

Ông Lavrov khẳng định tiếp rằng Nga và Việt Nam biết cách tiếp tục quan hệ thương mại, kinh tế và đầu tư trong môi trường hiện tại, sao cho không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt đơn phương và phi pháp do Hoa Kỳ, EU và các đồng minh của họ trong khu vực công bố.

 

Dẫu ông Phạm Bình Minh có quan hệ thân tình với cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, hay đương kim Ngoại trưởng Antony Blinken, thì các chính khách Mỹ vẫn bãi bỏ thăm Hà Nội vào mùa hè vừa qua (vốn đã lên kế hoạch từ trước). Ngay cả cuộc điện đàm được công bố giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Joe Biden mà Bộ Ngoại giao Việt Nam đã dày công lobby những người có cảm tình với Ba Đình trong nội bộ Mỹ, cũng mất tín hiệu.

 

Rồi đây, chắc sẽ còn lâu mới có một quan chức cỡ Ủy viên BCT, Phó Thủ tướng phát biểu trực tiếp bằng tiếng Anh trước Đại hội đồng LHQ, truyền tải những thông điệp khá uyển chuyển về đối ngoại như ông Phạm Bình Minh đã làm được hồi cuối tháng 9 vừa qua.

 

Phát biểu của ông Minh tuy không vạch mặt chỉ tên, nhưng gián tiếp toát lên lập trường phản đối Nga xâm lược Ukraine, Trung Quốc đơn phương đe dọa Việt Nam, bất chấp UNLOS-1982… Có phải vì thế, mãi sau một tuần lễ, truyền thông Hà Nội vẫn chưa cho phép báo chí Nhà nước đăng tải toàn văn bài phát biểu đã gây bất ngờ tại LHQ?

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/594/cpsprodpb/6c4c/live/662e42c0-8837-11ed-90a7-556e529f9f89.jpg

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

 

Tương lai 2023 liệu có sáng sủa cho ngoại giao Việt Nam?

 

Các chuyến thăm cao cấp của lãnh đạo Việt Nam sang Bắc Kinh ngay sau Đại hội 20 của Đảng CS TQ có vẻ như đặt hai đảng lên đường ray của con tàu “Cộng đồng chung vận mệnh”, của các "Sáng kiến Phát triển toàn cầu" và "Sáng kiến An ninh Toàn cầu" do Chủ tịch Tập nêu ra vừa qua.

 

Đó là những trụ cột của “Trật tự Trung Hoa” mà ông Tập đang rắp tâm thay thế “Trật tự dựa trên luật lệ” của thế giới dân chủ. Nhưng có phải cái gì ông Tập trù liệu, cái gì Trung Quốc ủ mưu, cũng sẽ thành công?

 

Những xáo trộn trong nội bộ lãnh đạo trên thượng tầng Đảng CS TQ ngay sau Đại hội 20, phong trào biểu tình và phản kháng (chống lại “Zero Covid” chỉ là nguyên cớ) đồng loạt trên 30 thành phố lớn nhỏ ở Trung Quốc cho thấy Tập Cận Bình đang đứng trước nhiều thách thức. Sự tan vỡ của chính sách Zero-Covid mà ông ta đề xướng đã bị nhiều tờ báo Phương Tây đánh giá là “dấu chấm hết của tham vọng xây dựng một Trật tự quốc tế độc đoán “Made in China”.

 

Tôi nhớ lại rằng tiến sĩ Lê Kiên Thành, con trai cố TBT Lê Duẩn, trong một bài trên YouTube nói rằng có bàn tay “nước lạ” trong can thiệp vào nhân sự ngoại giao VN. Ai quan tâm có thể xem tham khảo tại đây.

 

Dù ta có tin vào suy đoán của ông Lê Kiên Thành hay không thì nhưng ý tưởng chỉ đạo như “lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng…” và 13 văn kiện Trung – Việt đã thỏa thuận, khiến các thao tác ngoại giao Việt Nam chỉ có thể diễn ra trong một không gian rất chật hẹp.

 

Đặc biệt, với việc loại bỏ đội ngũ có chuyên môn cao về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại, số còn lại sẽ phải hoạt động trong một không gian bị chèn ép bởi phe cứng rắn hướng nội, bị tù túng bởi ý thức hệ. Chưa kể có cả sức nặng ngàn cân của quan hệ với Trung Quốc, với nước Nga của Putin, khiến khó ai hình dung nổi tương lai sáng sủa, xứng tầm phát triển kinh tế quốc gia của ngành ngoại giao năm 2023.

 

Tuy nhiên, vẫn có người tin tưởng, không phải tất cả Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSVN đều nghe theo Bắc Kinh. Bởi vì, trên thực tế, nhiều người trong số họ cũng đại diện cho các nhóm lợi ích khác nhau. Mà quyền lợi của những nhóm này không nhất thiết lúc nào cũng “khớp” với các nhóm gắn kết với kinh tế-chính trị Trung Quốc.

 

Do đó, đối với những người lạc quan sót lại ở trên, tương lai chưa phải đã đóng cửa đối với ngoại giao VN. Vấn đề vẫn là ở nội lực, theo thiển ý. Vấn đề vẫn là ở khả năng tư duy đột phá của đội ngũ làm chính sách.

 

Mặt khác, ta cần thấy có chỗ Việt Nam đã làm hơn, được quốc tế ca ngợi rõ ràng là có lợi chung, như việc không theo Zero-Covid kiểu ông Tập. Và càng không nên cái gì cũng đổ lỗi cho Trung Quốc.

 

Trung Quốc dù “ba đầu sáu tay” nhưng nếu VN còn có những nhà hoạch định chính sách và ngoại giao mang dấu ấn của nhân dân mình, có chỗ dựa trong dư luận quần chúng thì họ sẽ vượt qua được cái bóng của ý thức hệ.

 

Cuối cùng, thay cho lời kết tôi xin phép được nhắc lại các ý hay sáu đặc điểm về tình hình quốc tế tới đây mà cựu Đại sứ Nguyễn Trung nhận dạng trong bài viết của ông tháng này, để thấy hướng đi không chỉ cho ngành ngoại giao VN đang ‘thất bát’ nhân sự nghê gớm năm nay, mà còn cho cả quốc gia:

 

(1) Đó là thế giới luôn bên miệng hố chiến tranh, giữa hai tập hợp: dân chủ và độc tài – toàn trị; (2) Từ cả hai phe đều có nhiều giá trị đang bị đổ vỡ; (3) Thế giới gặp bất cập cả thể chế lẫn con người nhưng với Covid-19 và chiến tranh Ukraine thì các bất cập ấy đang trở thành các căn bệnh ác tính;

 

Từ đó ông Nguyễn Trung cho rằng (4) Cải cách thể chế và giáo dục là yêu cầu cấp bách hiện nay cho Việt Nam, bên cạnh việc (5) Bảo vệ và phát huy các giá trị cơ bản: dân chủ, nhân quyền, pháp trị, tuân thủ luật pháp quốc tế… Và cuối cùng thì phải (6) Dân chủ hóa mới thực sự giải phóng được sức mạnh tư duy toàn dân tộc.

 

----------------------------

Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả Việt Hoàng, hiện sống tại TP. HCM.

 

==================================================

 

Khi tin đồn trở thành tin thật : Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam bị loại

RFA tiếng Việt - Thới Bình - Gió Bấc

30/12/22

https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/27281-c-m-nang-giup-bi-t-tin-tr-m-hai-pho-th-tu-ng-la-th-t-hay-gi

 

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chính thức bị tước chức vụ đảng

RFA, 30/12/2022

 

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vào ngày 30/12 chính thức thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương đảng Khóa XIII ; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52596988774_1649bf8739.jpg

Ông Vũ Đức Đam (trái) và ông Phạm Bình Minh (phải) - Reuters/RFA edited

 

Quyết định vừa nêu chính thức được biểu quyết tại cuộc họp bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam như kế hoạch đề ra.

 

Thông tấn xã Việt Nam loan tin cho biết tại cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương còn khai trừ đảng ông Trần Đình Thành, nguyên Ủy viên Trung ương đảng, nguyên bí thư, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai.

 

Như tin đã loan, sau khi Ban chấp hành Trung ương đảng họp phiên bất thường, Quốc hội cũng tiến hành kỳ họp bất thường từ ngày 5/1. Mục đích được nêu rõ để xem xét một số vấn đề cấp bách, trong đó có quyết định về nhân sự đại biểu và nhân sự khác.

 

Quy trình xử lý kỷ luật đối với hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam diễn ra đúng như những gì giới quan sát tình hình chính trị và cộng đồng mạng xã hội bàn luận suốt những ngày qua.

 

Ông Phạm Bình Minh bị cho phải chịu trách nhiệm trong vụ tham nhũng qua các chuyến bay giải cứu vào mùa dịch Covid-19 ; còn ông Vũ Đức Đam là vụ bộ xét nghiệm n-CoV-2 của Công ty cổ phần Việt Á.

 

Nguồn : RFA, 30/12/2022

 

                                     **************************

 

Cẩm nang giúp biết tin ‘trảm’ hai phó thủ tướng là thật hay giả ?

Thới Bình, VNTB, 28/12/2022

 

Tính đến hiện tại báo chí ở Việt Nam vẫn phải chịu các nguyên tắc gọi là "định hướng tuyên truyền"

 

https://live.staticflickr.com/65535/52596953899_838efcc5b3.jpg

Một văn bản nội bộ của Bộ Chính trị về việc cho Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam "thôi làm nhiệm vụ", và sẽ nghỉ hưu từ 31/12/2013.

 

Ngày 27/12/2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật nhiều quan chức chóp bu của Đảng. Tên của hai phó thủ tướng đương nhiệm chưa nghe thấy xướng như đồn đoán.

 

Trước đó, mạng xã hội rộ lên hình ảnh được cho là cắt cúp từ một văn bản nội bộ của Bộ Chính trị về việc cho Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam "thôi làm nhiệm vụ", và sẽ nghỉ hưu từ 31/12/2013.

 

Thật hư ra sao về vấn đề trên đã được tân Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Thanh Lâm ‘mách nước’ tại lễ ra mắt "Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng" (sau đây gọi tắt là Cẩm nang), tổ chức tại Hà Nội ngày 27/12/2022.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52597201503_28b78802bb.jpg

Tin đồn đoán trên mạng về sự nghiệp chính trị của hai Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam

 

Giới thiệu về Cẩm nang, tân Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử – ông Lê Quang Tự Do cho biết Cẩm nang được xây dựng căn cứ các quy định của pháp luật, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ Thông tin và Truyền thông, các quy trình xử lý thông tin của Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) ; cũng dựa trên các vấn đề thực tế mà người sử dụng thường gặp khi tương tác trên môi trường mạng và tham khảo các tài liệu nghiên cứu, kinh nghiệm thực tế của một số nước và các nguyên tắc cộng đồng của các nền tảng xuyên biên giới lớn.

 

Về mặt hình thức trình bày – vẫn theo giới thiệu của ông Lê Quang Tự Do, Cẩm nang đáp ứng yêu cầu có tính ứng dụng cao, dễ dàng tiếp cận với người sử dụng. Còn về nội dung, Cẩm nang được trình bày thành 2 phần, trong đó phần đầu tóm tắt ngắn gọn, dễ hiểu, dễ sử dụng, là những kỹ năng cơ bản để người sử dụng có thể nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả khi gặp một tin giả, tin sai sự thật.

 

Phần tiếp theo đi vào những kiến thức cụ thể như khái niệm tin giả trên không gian mạng ; Hướng dẫn nhận biết tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng ; tác động của tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng ; trách nhiệm của người dùng và nhà cung cấp dịch vụ khi hoạt động trên không gian mạng ; quy trình rà quét, phát hiện và xử lý tin giả trên không gian mạng ; các quy định xử phạt ; những câu hỏi thường gặp.

 

Bộ tài liệu "Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng" được phát hành theo sách in và sách điện tử do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành. Song song đó, cẩm nang cũng sẽ được phổ biến trên các mạng xã hội lớn qua hình thức các video clip ngắn.

 

Cam_nang_phong_chong_tin_gia.pdf

 

Có ý kiến là cần nên hiểu thế nào là tin giả, khi mà tính đến hiện tại báo chí ở Việt Nam vẫn phải chịu các nguyên tắc gọi là "định hướng tuyên truyền".

 

Một khi đã định hướng, có nghĩa bản thân báo chí phải tự chủ động cắt cúp các tin tức sao cho phù hợp với định hướng, ví dụ như hồi cuối tháng 7-2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.

 

Trong lời kêu gọi này có những đoạn như "biểu dương sự vào cuộc kịp thời, tích cực của cả hệ thống chính trị đã góp phần kiềm chế, ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh ; phát triển kinh tế – xã hội, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khoẻ nhân dân"…, cho thấy khi đó là "lời vàng ngọc" của lãnh tụ, liệu có báo nào dám đăng những ta thán từ kiều bào rủng rỉnh ngoại tế cho đến ‘dân đen’ khốn khổ trong nước trước chính sách hà khắc của nhà cách ly nhà, xóm cách ly xóm…

 

Khi đó, quanh chuyện "chuyến bay giải cứu", mạng xã hội đã đăng cụ thể những kiểu cách vòi vĩnh tiền bạc từ phía các quan chức, viên chức nhân danh "không để ai ở lại phía sau"… Nếu lúc ấy không vấp "định hướng tuyên truyền", có lẽ Tổng bí thư cũng không bị mắc lừa như các diễn văn ông vẫn luôn tự hào về "mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam"…

 

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 28/12/2022

 

                                             ************************

 

Đảng "tha bổng" Bùi Thanh Sơn, Quốc hội sẽ "làm nhân sự cấp cao hơn" ?

Gió Bấc, RFA, 28/12/2022

 

Ngày 27/12 báo chí Nhà nước rầm rộ thông tin "Bộ Chính Trị phê bình nghiêm khắc Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn". Thoạt nghe cứ tưởng ông này sẽ thành củi tươi vào lò. Điều này hoàn toàn xứng đáng, làm Bộ trưởng mà có hàng tá cán bộ cấp dưới từ Thứ trưởng , Vụ trưởng, Cục trưởng, Đại sứ… bị bắt, bị kỷ luật trong thương vụ uống máu dân hàn ngàn tỷ đồng mang tên mỹ miều "chuyến bay giải cứu" không biến thành củi mới là chuyện lạ.

 

https://www.flickr.com/photos/181610326@N07/52596785341/in/dateposted/

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khi còn là Thứ trưởng Ngoại giao dự hội nghị APEC ở Đà Nẵng năm 2017. Reuters

 

Càng chắc chắn hơn khi một tuần trước đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cánh tay phải chuyên đốn củi to, củi tươi cho lò đã ra thông cáo báo chí đánh giá : "đối với Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Ngoại giao và nhiều tổ chức, cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tham mưu, tổ chức thực hiện các chuyến bay giải cứu, đưa công dân về nước trong đại dịch Covid-19".

 

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư "xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao các nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026 ; ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản" (1).

 

Theo điều lệ Đảng thì Ủy ban Kiểm tra chỉ có quyền kỷ luật đảng ủy viên cấp dưới, với các đảng ủy viên cùng cấp thì chỉ được quyền đề nghi lên cấp trên giải quyết. Bùi Thanh Sơn là ủy viên trung ương nên ngoài tầm xử lý của Ủy ban Kiểm tra. Xưa nay, Ủy ban Kiểm tra đề nghị thì xem như án đã tuyên, tội đã cấu thành, Bộ Chính trị chỉ cân nhắc mức độ xử phạt như thế nào mà thôi.

 

Quy trình khởi động, chỉ chờ khai đao

 

Hơn thế nữa, từ trung tuần tháng 11, Văn phòng Quốc hội đã đánh tiếng sẽ tổ chức kỳ họp Quốc hội bất thường. Dù nguyên cớ lúc đầu đưa ra là họp bàn chuyện chiến lược, cho ý kiến và thông qua luật, v.v. nhưng giới am hiểu đoán biết ngay là Đảng cần Quốc hội bấm nút bổ nhiệm hoặc truất phế nhân vật nào đó ở tầm cao từ Bộ trưởng đổ lên mà theo luật phải do Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm.

 

Quả nhiên, đến ngày 24/12 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông báo thống nhất chủ trương tổ chức kỳ họp bất thường thứ hai Quốc hội khóa XV với năm nội dung quan trọng, có nội dung về nhân sự (2).

 

Khả năng Bùi Thanh Sơn sẽ nhập kho tương tự như Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh là quá rõ. Quy trình xử lý đã khởi động chỉ chờ giờ bấm nút.

 

Thế nhưng thật bất ngờ, vào giờ cuối lò đã không nhận củi. Ngày 27/12, Bộ Chính trị đã họp và ra thông báo cũng đánh giá sai phạm tương tự như Ủy ban Kiểm tra là "Vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã gây hậu quả nghiêm trọng, bức xúc trong xã hội ; làm sai lệch chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ; giảm uy tín của tổ chức đảng và ngành Ngoại giao".

 

Phê bình không phải là kỷ luật !

 

Nhưng bằng lời lẽ hùng tráng, Bộ Chính trị đã chốt hạ trao cho Bùi Thanh Sơn không chỉ kim bài miễn tử mà còn tha bổng cho đoái công chuộc tôi. Bộ Chính trị phán rằng "Ông Bùi Thanh Sơn cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2016 - 2021.

 

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm ; theo quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định phê bình nghiêm khắc ông Bùi Thanh Sơn, yêu cầu ông Sơn nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục triệt để các vi phạm đã được chỉ ra, báo cáo Bộ Chính trị".

 

Điều tréo ngoe là toàn bộ cái tập thể Ban Cán sự mà ông Sơn đứng đầu và cấp dưới của ông thì đều dính án.

 

"Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2016 - 2021, khai trừ ra khỏi Đảng các ông : Vũ Hồng Nam, Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Ngô Quyết, Nguyễn Ngọc Sự" (3).

 

Tại sao Bộ Chính trị phê bình nghiêm khắc ông Bùi Thanh Sơn mà bảo là tha bổng ? Xin thưa vì theo Điều lệ đảng thì phê bình không phải là hình thức kỷ luật dù có nghiêm khắc hay cực kỳ nghiêm khắc.

 

Điều 35 khoản 2 quy định về các Hình thức kỷ luật đã ghi :

"- Đối với tổ chức đảng : khiển trách, cảnh cáo, giải tán ;

- Đối với đảng viên chính thức : khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ ;

- Đối với đảng viên dự bị : khiển trách, cảnh cáo" (4).

 

Ngoài ra, Bộ Chính trị còn giao nhiệm vụ "yêu cầu ông Sơn nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục triệt để các vi phạm đã được chỉ ra, báo cáo Bộ Chính trị".

 

Như vậy, ông Sơn hoàn toàn yên tâm yên vị ngồi lại ghế Bộ trưởng chờ cơn đại dịch thứ ba để tổ chức các chuyến bay giải cứu khác chu đáo, kín kẽ hơn ?

 

https://live.staticflickr.com/65535/52596785301_1dee51f94d.jpg

Một phụ nữ Việt Nam mặc đồ bảo hộ bế con về Việt Nam từ chuyến bay giải cứu từ Singapore hôm 7/8/2020. Reuters

 

Miễn nhiệm hai phó thủ tướng

 

Vậy thì Quốc hội sẽ bấm nút để bãi nhiệm, miễn nhiệm ai ? Cùng ngày 27/12, trên mạng xã hội lan truyền thông tin hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam sẽ từ nhiệm và về hưu theo chủ trương "trót nhúng chàm rồi thì phải biết rửa tay". Chủ trương này đã được thể chế hóa bằng Thông báo Số 20-TB/TW (ngày 8/9/2022), trong có nội dung ghi ở Điều 2 : "Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định".

 

Vào kỳ họp thứ 19 Ủy ban Kiểm tra, một số tờ báo trong nước đã cầm đèn chạy trước ô tô đưa thông tin Ủy ban Kiểm tra đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam nhưng sau đó đã xóa thông tin này. Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà Báo Độc Lập đã thông tin sự kiện này như sau :

 

"Từ tối 14/7, có tin Ủy ban Kiểm tra Trung ương có đề xuất xem xét kỷ luật hai phó thủ tướng là Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh liên quan đến chuyện tham nhũng trong chuyện phòng chống dịch Covid lần thứ tư vừa qua.

 

Cuối giờ chiều ngày 15/7, theo Thông cáo báo chí được đưa ra công khai của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho thấy cả hai ông đều không được nhắc đến, có chăng là ẩn ý ở phần kết thứ tự số V ở văn bản này".

 

Phần V của thông báo chỉ viết chung chung là "Cũng tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng khác" (5).

 

Liên tiếp sau đó, ông Nguyễn Quang Linh và Nguyễn Văn Trịnh, Trợ Lý của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam lần lượt bị bắt vì liên quan đến chuyến bay giải cứu và Kit test Việt Á. Áp lực rõ ràng đè nặng lên hai ông quan lớn này, có người còn cho rằng đây là trùm cuối của đường dây tội ác.

 

Trước những tiền đề mạch lạc đó việc Quốc hội họp bất thường để bấm nút truất phế hai vị phó thủ tướng là có cơ sở.

 

Giết nhau để tranh vào Tứ trụ ?

 

Vấn đề đặt ra là tại sao nếu quyết tâm chống tham nhũng, nếu ai vi phạm đều phải đối diện với ánh sáng công lý, đều phải được xét xử công khai. Sao lại có người được âm thầm rửa tay nhúng chàm qua những cuộc họp hành nội bộ trong bóng tối ? Trường hợp ở Bộ Ngoại giao tại sao cấp dưới đi tù hàng loạt, cấp trên phải từ chức, ông Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn lại có thể yên vị ngồi rút dây kinh nghiệm ?

 

Từ lâu nay người ta vẫn băn khoăn về việc củi nhà và củi rừng. Hơn thế nữa, trong chế độ toàn trị, tham nhũng là đặc quyền mà mọi quan chức đều tận dụng. Tay ai cũng dính chàm kể cả người nhóm lò, người châm củi.

 

Công bằng mà nói hai nhân vật Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh cũng không thể thoát ra khỏi quỹ đạo đó. Chắc hẳn phải có quà cáp, cúng kiến từ cấp dưới từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực có liên quan nhưng cũng phải thừa nhận rằng lĩnh vực quyền hạn của hai ông này không phải là béo bở và chắc chắn rằng họ ít nhiều điều tiếng hơn những quan chức khác.

 

Nói cho cùng, tham nhũng cao cấp nhất là tham nhũng quyền lực thì người nhảy xổm lên Điều lệ Đảng, bám ghế đến nhiệm kỳ thứ ba có tham nhũng hay không ? Thanh kiếm Tô Lâm có nhúng chàm không trong vụ án AVG khi ký hàng loạt văn bản hỗ trợ, bảo vệ bí mật cho việc mua bán giữa Mobiphone và Phạm Nhật Vũ ? Thực chất công cuộc đốt lò chỉ là phương tiện, là công cụ của các lợi ích phe nhóm tranh giành quyền lực.

 

Đại hội 13 chưa hết nửa nhiệm kỳ nhưng cuộc sát phạt chen chân vào Tứ trụ ngày càng khốc liệt. Thanh kiếm Tô Lâm đang nắm quyền lực mạnh nhất hiện nay sẽ trắng tay nếu không có suất đặc cách tuổi của Tứ trụ.

 

Xét về tiêu chuẩn, Phạm Bình Minh trải qua bốn khóa là Ủy viên Trung ương, hai khóa là Ủy viên Bộ Chính trị, thêm thế mạnh về quan hệ đối ngoại, tuổi tác, cánh cửa để lọt vào ghế Chủ tịch nước khóa tới đang rộng mở và đó cũng là viên đá ngáng đường thăng tiến của Tô Lâm. Truất phế Phạm Bình Minh thì khó ai có thể tranh được với Tô Đại tướng.

 

Trong cuộc xâu xé quyền lực mạnh được yếu thua này, hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam chừng như không có phe cánh, không có hậu thuẫn trong Trung ương, trong khi Phạm Minh Chính có phe Thanh Hóa, Quảng Ninh. Vương Đình Huệ có phe Nghệ An, Hà Tĩnh.

 

Trung Quốc không ưa

 

Một yếu tố quan trọng khác là cả hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đều được học hành tử tế ở các nước phương Tây. Không giáo sư, tiến sĩ nhưng là thực học. Trong khi Bộ Chính trị chỉ gồm những người xuất thân từ quân đội, công an, đoàn thể, là tiến sĩ an ninh hay giáo sư tiến sĩ Marx Lenin.

 

Đặc biệt nhất là với Phạm Bình Minh yếu tố Trung Quốc là điểm yếu mà Phạm Bình Minh khó có thể tồn tại lâu dài. Thân phụ ông, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là đối thủ mà Trung Quốc nhất quyết phải loại trừ. Phạm Bình Minh nhận chức Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao đúng vào thời điểm quan hệ Việt Nam - Trung Quốc căng thẳng và ông đã thể hiện ứng xử bản lĩnh. Báo chí Việt Nam vẫn còn lưu giữ hình ảnh ông bắt tay Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì với ánh mắt sắc lạnh như dao. Bụng dạ đại lượng của bạn vàng chắc chắn không thể quên hình ảnh đó, việc loại trừ Phạm Bình Minh chỉ là chuyện thời gian.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chấm dứt sự nghiệp chính trị của mình với nhận định bất hủ về hội nghị Thành Đô là "Thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba đã bắt đầu". Sự bãi nhiệm Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng sẽ là chỉ dấu cho sự lệ thuộc sâu sắc hơn với thòng lọng 16 chữ vàng.

 

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 28/12/2022

 

Tham khảo :

1. https://congan.com.vn/tin-chinh/ky-luat-de-nghi-ky-luat-hang-loat-can-bo-ngoai-giao_141426.html

2. https://tuoitre.vn/chot-5-noi-dung-quan-trong-xem-xet-quyet-dinh-tai-ky-hop-bat-thuong-thu-hai-cua-quoc-hoi-20221224153046837.htm

3. https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-chinh-tri-phe-binh-nghiem-khac-bo-truong-ngoai-giao-bui-thanh-son-20221227181706012.htm?fbclid=IwAR1__3RXaG_Xt4NccMlNuahafnsk7hIGnzCGGnkf5qq7TOhRAR689PR3Sm8

4. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/dieu-le-dang/dieu-le-dang-do-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xi-cua-dang-thong-qua-3431

5. https://vietnamthoibao.org/vntb-vu-duc-dam-va-pham-binh-minh-khong-bi-ky-luat/

 

 

===================================

 

XEM THÊM

 

Lửa cháy Bộ Ngoại giao, áp lực đề lên Phạm Bình Minh và Bùi Thanh Sơn

Nhân Việt - Minh Tâm - Trân Anh - Lưu Ly

28/12/22





No comments:

Post a Comment

View My Stats