Tuesday 6 December 2022

VIỆT NAM CÓ THỂ TẬN DIỆT "THAM NHŨNG" VỚI CƠ CHẾ HIỆN HÀNH (RFA)

 



Việt Nam có thể tận diệt "tham nhũng" với cơ chế hiện hành?

RFA
2022.12.06

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/can-vn-eradicate-corruption-with-the-current-mechanism-12062022120734.html

 

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc mới đây cho rằng, cần có cơ chế, chính sách để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không ai dám tham nhũng nữa. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/can-vn-eradicate-corruption-with-the-current-mechanism-12062022120734.html/@@images/1feebaaf-709f-4de2-8546-242de09d9565.jpeg

Xe chở ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, rời tòa án sau phiên tuyên án tại Hà Nội, ngày 22 tháng 1 năm 2018. Ảnh minh họa.   Reuters

 

Theo ông Trạc, việc phòng, chống tham nhũng được thực hiện từ lâu rồi nhưng đây là lần đầu tiên Trung ương đề ra những giải pháp kiểm soát quyền lực nhà nước như xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

 

Trung tá quân đội Đinh Đức Long nhận định với RFA sáng ngày 6 tháng 12 liên quan vấn đề này:

 

“Nói nôm na, tham nhũng như một bệnh của xã hội bệnh của loài người từ khi có nhà nước, có chính quyền, có giai cấp. Có xung đột lợi ích thì sẽ có tham nhũng thôi. Mà chấm dứt được xung đột lợi ích thì tôi nghĩ sẽ không bao giờ có. Chỉ có thể hạn chế nó, kiểm soát nó và trừng phạt nó để người ta không dám tham nhũng. Muốn thế chỉ có cách là xây dựng nhà nước pháp quyền và phải có kiểm soát quyền lực. Phải xây dựng pháp luật chặt chẽ. Mà chỉ có thể chặt chẽ hơn chứ không thể nào bịt hết được. Có nghĩa tham nhũng chỉ có hạn chế chứ không thể diệt được.”

 

Chuyện chống tham nhũng ở Việt Nam được nói nhiều mấy năm gần đây với chiến dịch “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng. Thực chất, chuyện chống tham nhũng ở Việt Nam từng được ông Hồ Chí Minh- Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra sắc lệnh từ năm 1945. Ngày 23 tháng 11 năm 1945, ông Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Sắc lệnh gồm tám điều, nêu rõ Chính phủ sẽ lập ngay một Ban Thanh tra đặc biệt để giám sát tất cả nhân viên của Ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ. Đây được coi là văn kiện pháp lý đầu tiên về công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.

 

Đến năm 2006, Văn kiện Đại hội Đảng khóa X nhận định: “Tham nhũng vẫn có chiều hướng phát triển ngày càng nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân”. Ban Chấp hành Trung ương khóa X ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.  

 

Ngày 30 tháng 6 năm 2009, Chủ tịch Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Minh Triết ký Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN “Về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng”. Theo đó, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước kể từ ngày 19 tháng 8 năm 2009.    

 

Theo nhà quan sát chính trị Hà Hoàng Hợp, tham nhũng ở Việt Nam, không thể diệt mà chỉ có thể giảm. Ông nêu những điều kiện có thể:

 

“Nó chỉ có giảm chứ không thể nào hết tham nhũng được cả. Nhưng cái cách mà Chính phủ Việt Nam đang làm cũng không thể giảm được tham nhũng. Để chống tham nhũng có hiệu quả và thực chất thì mọi người phải nhìn xuyên suốt được nó, tức là phải minh bạch. Cái thứ hai là phải dựa trên nền tảng pháp quyền một cách đầy đủ. Các nước có dân chủ thì tham nhũng giảm, còn Việt Nam thì không thể giảm, thậm chí còn tăng, bởi những nước có pháp quyền rõ ràng, có dân chủ người ta giám sát lẫn nhau.

 

Việt Nam thì không ai giám sát ai. Người dân không giám sát được chính quyền. Chính quyền có làm cái gì sai thì người dân cũng không biết. Mà rất nhiều cái sai. Tóm lại là người dân phải có cái quyền tham gia chống tham nhũng.”

 

Theo ông Hợp, bộ luật chống tham nhũng của Việt Nam là bộ luật rất tốt bởi nó dựa trên các bộ luật chống tham nhũng của rất nhiều nước. Bộ luật này được thông qua vào năm 2010. Ông nói tiếp:

 

“Kèm theo bộ luật đấy có từ tám cho đến 10 nghị định để nói cụ thể về chống tham nhũng. Trong đó có một quy định quan trọng là sự tham gia của người dân vào chống tham nhũng như thế nào. Nó có hết nhưng chính quyền người ta không để người dân tham gia. Người ta bưng bít.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/0de99ac9-e213-4224-92b3-a8fc140cc0c3.jpeg/@@images/d52d456b-2048-438f-a340-591e663f33fe.jpeg

Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Hội nghị ASEAN tại Hà Nội ngày 12/11/2020. AFP.

 

Để người dân tham gia chống tham nhũng cũng được chính Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đề cập đến vào tháng 6 vừa qua, trước khi Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng diễn ra. Báo Nhà nước dẫn phát biểu của ông Trạc rằng: “Phải biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, làm cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu không có chỗ ẩn nấp như Bác Hồ đã từng dạy chúng ta”. 

 

Lúc đó, Tiến sĩ kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu nhận định với RFA về câu nói của ông Phan Đình Trạc: 

 

“Đây là điều mà Đảng, Chính phủ và Nhà nước Việt Nam mong muốn hướng tới. Đó là công dân có quyền đặt ra và tìm hiểu về hoạt động của những công chức Nhà nước, những người mà có thể có các hành vi tham nhũng, lợi dụng chức quyền để mưu lợi cho cá nhân mình hoặc cho nhóm của mình. Điều đó có ghi hết trong hiến pháp và trong luật của Việt Nam nhưng trong thời gian vừa qua việc thực thi chưa đi vào nề nếp. Đôi khi các cơ quan Nhà nước chưa thực sự để ý hay là chưa thực sự lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân.”

 

Ông Nguyễn Phú Trọng- Tổng Bí thư ĐCSVN, từng nói, cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ải dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc, tiếp thu cái đúng, nhưng không chạy theo dư luận.

 

Theo Điều 5 Luật phòng, chống tham nhũng quy định quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng, công dân có quyền phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng và được bảo vệ, khen thưởng theo quy định của pháp luật; có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Công dân có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng.

 

Tuy luật đã có nhưng dường như người dân vẫn còn nghi ngại. Bà Hồng Lam, một người dân ở TP.HCM nói với RFA rằng, hôm nay thấy ông cán bộ A bị ông B bắt. Có khi ngày mai ông B lại bị ông C bắt. Nghĩa là ai cũng tham nhũng. Bà nêu quan điểm của mình:

 

“Tôi cảm thấy những cái đó nó không ảnh hưởng đến mình, bởi mấy ông có tham nhũng bao nhiêu ngàn tỷ thì dân cũng không biết. Có thu hồi lại mấy ngàn tỷ thì dân cũng chẳng được gì. Bản thân mình không kiểm soát được để biết nó tốt hay xấu.”

 

Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp quyết liệt về phòng, chống tham nhũng như: Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.





No comments:

Post a Comment

View My Stats