Bình luận của Lê Mai
2022.12.06
https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/journalis-and-security-forces-12062022090649.html
Nhà báo là người làm công việc loan tải thông tin
và cung cấp sự thật đằng sau những gì đang xảy ra trong xã hội. Những người làm
báo sắc sảo hoặc già dặn (không phải về tuổi tác) còn có khả năng giải thích-mà
họ xem là trách nhiệm của mình-về những gì đã, đang và sẽ xảy ra. Sứ mệnh của
báo chí là cung cấp những góc nhìn tiệm cận sự thật nhất về một thông tin hay sự
kiện. Thông tin đúng sự thật giúp cá nhân, cộng đồng, tổ chức, đất nước và thế
giới lựa chọn và hoạch định được các quyết định của họ, từ nhỏ nhất đến lớn nhất.
Người dân Hà Nội đọc báo trên tường nhân ngày
Quốc khánh 2/9 (minh họa) . Reuters
Còn An ninh là một ngành trong công an Việt Nam, nhằm đảm bảo sự an
toàn trong mọi mặt của xã hội.
Có nhiều khi xung đột vì đặc thù nghề nghiệp của một bên là đưa tất cả
mọi việc ra ánh sáng, còn bên kia là thận trọng, cân nhắc, nhiều khi là đánh lạc
hướng, đưa tin giả, che đậy, chọn lọc thông tin và hầu hết là làm việc trong thầm
lặng, nhưng nghề báo và nghề an ninh có rất nhiều điểm giống nhau. Con đường của
hai nghề nghiệp này thường xuyên song song, gặp nhau hoặc đan chéo nhau, trong
một số trường hợp lại là cộng sự tốt của nhau với tần suất dày hơn mỗi bên tưởng.
“Vì nước quên dân”
Đó là do cả hai nghề nghiệp đều có mục đích làm cho đời sống của con
người trong xã hội tốt hơn lên.
Cả hai nghề nghiệp cũng đều đòi hỏi nhiều tố chất cá nhân ưu tú và sự
rèn luyện gắt gao, liên tục và kéo dài suốt thời gian làm việc.
Do vậy, dù người làm báo Việt Nam gần đây hay được gọi một cách âu yếm
quá mức là “lều báo”, còn các nhân viên an ninh thì hay bị gọi là “thằng”,
nhưng về bản chất, cả hai nghề nghiệp này đều được xã hội trân trọng và đánh
giá cao.
Nếu trong văn học và phim ảnh Mỹ, anh hùng cứu thế giới có thể là bất cứ
ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, thì văn học và điện ảnh cách mạng Việt Nam thời
kỳ sau 1945 cho mãi đến gần đây đều xây dựng người công an là đại sứ của sự
bình yên, là bức tường chắn giữa người dân và sự xâm hại đến họ, là biểu tượng
của sự hy sinh để đảm bảo bình an cho mọi người. Những “X.30 phá lưới”, nhà
báo-điệp viên lừng danh Phạm Xuân Ẩn từng khiến nhiều thế hệ mê mệt và muốn noi
gương. Trong tiểu thuyết, những tay tổ an ninh được xây dựng lãng mạn với hình ảnh
người đàn ông trí thức, hào hoa, lãng tử nhưng trí óc sắc bén, tâm hồn trong
sáng nồng cháy và võ thuật thượng thừa.
Slogan của ngành công an VIệt Nam cũng là một slogan đơn giản nhưng tuyệt
vời:
Công an
nhân dân
Vì nước
quên thân
Vì dân
phục vụ.
Ta thấy trong đó hình ảnh người anh hùng Danko tự móc trái tim rực cháy
từ lồng ngực mình để soi đường cho cộng đồng vượt qua đêm đen và hiểm nguy.
Còn gì đẹp đẽ hơn, vĩ đại hơn, cao thượng hơn hình ảnh đó nữa chứ!
Thế nhưng, trong một thể chế độc quyền, thì quyền lợi của người dân
không còn là mục đích tối thượng của những người lãnh đạo nữa. Thể chế đó càng
tồn tại lâu chừng nào thì mâu thuẫn giữa quyền lợi của tuyệt đại đa số người
dân và của những người được hưởng đặc quyền đặc lợi nhờ tham gia vào bộ máy
chính quyền càng sâu và rộng chừng nấy. Khi đó, Danko không còn nữa. Là đội ngũ
bảo vệ xã hội nhưng được những kẻ đang nắm quyền lãnh đạo xã hội trả lương, những
người bảo vệ nhân dân sẽ dần dần bị biến và tự biến thành công cụ phục vụ riêng
cho bất cứ ai đang ngồi lên những chiếc ghế chức quyền.
Và slogan tuyệt vời của ngành công an bị người dân, hay chính những người
cộng sản vừa chợt tỉnh giấc mơ xã hội chủ nghĩa đổi thành:
Công an
nhân dân
Vì nước
quên dân
Vì thân
phục vụ
Khi không còn mục đích bảo vệ an toàn cho cộng đồng và xã hội, người
anh hùng Danko biến thành “thằng an ninh”. Họ bị người dân khinh bỉ vì coi là
những kẻ chuyên rình rập ý chí tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, động thái phản
biện xã hội của người khác để mách lẻo cho chủ. Trong một xã hội mà sự phản biện
xã hội, tự do biểu đạt ý kiến… luôn bị bóp nghẹt và đe dọa thì nhu cầu về nó lại
càng cao. Việc rình rập và mách lẻo càng bị xem là hèn hạ về tư cách làm người.
Nghề báo cũng vậy. Khi sự thật hoặc là không được phép nói ra, hoặc phải
tô hồng, bóp méo cho vừa các định hướng chính trị của một số cá nhân đang cầm
quyền thì nhà báo đã đánh mất sứ mệnh của mình, và bị khinh thường. Chưa bao giờ
trong lịch sử báo chí Việt Nam nghề báo lại bị rẻ rúng và công khai coi thường
như trong khoảng 10 năm gần đây.
Và mọi sự đều có nguyên cớ cả.
Công an đứng canh bên
ngoài tòa án ở TPHCM hôm 20/1/2010 nơi xử án luật sư Lê Công Định (minh họa).
Reuters
“Đập cho nó một bài”
Đồng nghiệp trong làng báo Việt Nam biết rất rõ những “băng nhóm” làm
báo ở mảng bất động sản gồm nhiều phóng viên, nhà báo đang làm việc ở nhiều tờ
báo khác nhau từ Bắc đến Nam. Trong đó không thiếu những cái tên đang là trưởng
Ban kinh tế, Phó tổng biên tập ở một số tờ báo. Có những tờ (trước kia) từng có
số phát hành lớn nhất Việt Nam, có những tờ bạn đọc phổ thông hầu như không biết
tới nhưng lại được “các bác” đọc nhiều. Đồng nghiệp và đối tác của họ cũng biết
rất rõ nhà báo này được lại quả bao nhiêu tiền, mấy căn chung cư, bao nhiêu suất
đất… khi “chạy” các loạt bài PR cho các dự án, vận động chính sách có lợi cho
ngành này hoặc “đánh” doanh nghiệp bất động sản nào đó. Những “nhà báo” này có
đặc trưng khác với phần lớn đồng nghiệp còn lại là rất giàu có và hay đi ăn nhậu
với đối tác của bộ phận quảng cáo của tờ báo. Họ cũng thường có giọng điệu sặc
mùi tiền. Với thế mạnh là cùng lúc có thể đăng tin “nâng” hoặc “đập” lên nhiều
tờ báo, họ có thể tạo ra luồng dư luận giả tạo nhưng rất hung hãn, có thể làm
xanh mặt những người yếu bóng vía.
Giám đốc truyền thông của các công ty lớn hay tập đoàn tư nhân đều kể
tên vanh vách những nhà báo, lãnh đạo trong ngành mà họ phải “nuôi”. Được “nuôi
thường xuyên hàng năm, được biếu tiền, quà các dịp lễ, tết và định kỳ là các tổng
biên tập, một số người có chức trong bộ máy tuyên giáo và truyền thông. Những
người này không trực tiếp viết bài, thậm chí một số trong đó không phải là nhà
báo nhưng lại có quyền cho đăng hoặc không cho đăng thông tin này khác. Hoặc
yêu cầu các báo phải đăng hoặc không đăng theo chỉ đạo của họ.
Các nhà báo, phóng viên trực tiếp viết bài theo yêu cầu của doanh nghiệp
cũng nhận được tiền quà vào các dịp lễ tết, nhưng đậm nhất được các khoản “thưởng”
như đã kể trên.
Ngoài đám phóng viên bất động sản và phóng viên chuyên mảng kinh tế có
cùng một cách thức kiếm tiền thì doanh nghiệp còn sợ run lên cầm cập vì những
“nhà báo điều tra”.
Đội này thường có chuyên môn thuộc loại giỏi nhất trong các tờ báo,
trái với các gang bang kể trên. Thông thường, ban đầu họ đạt được tiếng tăm
trong giới vì chính khả năng điều tra nhạy bén sắc sảo của mình. Một số loạt
bài điều tra đầu tiên ra đời khiến dư luận chú ý, và nếu chủ đề của nó là phanh
phui những vi phạm trong việc làm ăn của doanh nghiệp thì quy trình thường sẽ
diễn ra như sau: một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nhờ người quen (cũng là các
nhà báo) giới thiệu, tìm cách gặp gỡ trong một số buổi lễ rất vô tội như kỷ niệm
thành lập doanh nghiệp hay Ngày nhà báo Việt Nam 21/6 để tặng quà. Mối quan hệ
dần dần hình thành trên cơ sở dò la nhau, doanh nghiệp dò “nhà báo” về độ chịu
ăn, “nhà báo” dò doanh nghiệp về độ chịu chi. Khi cả hai đều hài lòng, nhà báo
trở thành công cụ của doanh nghiệp: tung tin, viết lách theo ý họ, thăm dò và hạ
bệ các đối thủ cạnh tranh của họ trên chiến trường thông tin, che giấu các sai
sót… và giàu lên nhờ đó. Có một câu rất quen ở các “nhà báo” dạng này: “Nó
không chịu chi à? Thế thì đập cho nó một bài!”.
Kinh doanh trong bối cảnh pháp luật Việt Nam là tìm đường sống sót giữa
muôn vàn cái bẫy của chính hệ thống pháp luật và người thực thi. Doanh nghiệp
nào cũng có muôn vàn sơ sót hoặc vi phạm. Đưa hối lộ là vi phạm, nhưng không hối
lộ thì lấy đâu ra dự án để làm, ai ký giấy cho vận chuyển, sản xuất, thuế và
thanh tra sẽ hỏi thăm thường xuyên… đại loại thế. Nên chuyện “đập cho nó một
bài” là rất dễ dàng. Đập xong rồi, chính nhà báo đó sẽ cầm tờ báo đến tận nơi gặp
chủ doanh nghiệp, để dọa dẫm, ra điều kiện và thương lượng.
Một số công ty hoặc tập đoàn phải bỏ tiền để giữ quan hệ tốt với một số
nhà báo, hoặc một nhóm nhà báo có ảnh hưởng. Không phải để dùng khi họ cần khen
mà là khi nhỡ doanh nghiệp phạm vào sai sót nào đó thì anh em không nỡ xuống
tay cạn tàu ráo máng, triệt hạ đường sống của họ.
Cạnh đó, vẫn có những nhà báo chân chính tử tế, làm nghề với tấm lòng
trong sáng, lý tưởng phụng sự xã hội và chuyên môn sắc sảo. Điểm chung ở họ là
thường không giàu có và càng không to mồm rao giảng đạo đức.
Nhưng xã hội Việt Nam có rất nhiều người mau quên. Điển hình là có những
phóng viên (như H.P, nguyên Phó tổng thư ký tòa soạn phía Nam báo T.P) đã phải
vào tù bảy năm vì hành vi tống tiền doanh nghiệp. Một nhà báo khác là H.L của
báo T.T cũng ngồi tù cũng vì hành vi tương tự với ông trùm xã hội đen Năm Cam
(đã bị tử hình). Ra tù, những vị nàylại trở thành ngôi sao trên trang mạng vì
thường xuyên bày tỏ ý kiến phê phán cách điều hành của chính quyền. Nhưng khi
giễu cợt sự tham lam, gian trá của người khác, không rõ họ có nhớ mình chỉ vừa
mới ra tù chưa quá lâu cũng vì hành vi đó hay không.
Cộng sinh với an ninh?
Tuy nhiên, thường thì những nhà báo tha hóa chọn cách cộng sinh hoặc đe
dọa doanh nghiệp, tự nguyện bẻ cong ngòi bút để kiếm tiền, nhưng họ không chọn
cách cộng sinh với an ninh.
Một trong những lý do có thể là vì tuy tham lam và vô đạo đức, nhưng bản
năng của người làm báo là nhìn thấy rõ những bất công của xã hội và lên tiếng
chống lại nó. Sự tha hóa trước đồng tiền luôn được họ biện minh là do xã hội đã
quá thối nát, báo chí có cố gắng cũng không thay đổi được gì, và trấn lột của
doanh nghiệp/nhà giàu là việc làm đúng cả về tình lẫn về lý. Lý lẽ này hoàn
toàn ngụy biện và sai trái, song phạm vi của nó vẫn chỉ gói gọn trong sự tham
lam vật chất.
Nhưng làm tay chân cho an ninh, theo cái nghĩa an ninh công cụ mà chúng
tôi đã phân định rạch ròi từ đầu để không xúc phạm đến những tấm gương thật sự
cao cả, có nghĩa là đi rình rập ngay chính đồng nghiệp của mình, phản bội cả
chính ao ước “được ăn được nói” của mỗi người Việt Nam có hiểu biết và quan tâm
đến xã hội. Việc làm đó thường dẫn đến kết quả là đưa người phản biện vào tù,
khiến họ mất việc, gia đình họ ly tán… Thì đó là việc làm hèn hạ vô cùng mà
chúng tôi hy vọng sẽ cực kỳ hiếm người làm báo có thể chấp nhận đánh đổi.
Còn nếu vì cộng sinh chính trị hay quyền lợi mà nhà báo nào đó làm việc
này, thì hãy tin rằng khi sự thật được phơi bày, họ sẽ là thứ ghẻ lở dơ dáy nhất,
mà đồng nghiệp và xã hội không bao giờ chấp nhận cho quay đầu.
------------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
---------------------
Tin, bài liên quan
BLOG
·
Nhà
báo Nguyễn Hoài Nam vào tù vì trót tin “tham nhũng không có vùng cấm”
·
Báo
chí đảng & báo chí người Việt
·
Báo
chí “Cách mạng” hay “Phản Tiến Bộ”?
·
Ngày
nhà báo: Chỉ chúc mừng “Báo chí cách mạng”
·
Tiếp
tục chuyện làng báo Việt Nam: “Nhỏ không học lớn đi làm báo”
No comments:
Post a Comment