Sống trong tình trạng “vô quốc tịch,
vô tổ quốc” ngay trên đất nước mình
Thứ Ba, 12/13/2022 - 08:37 — songchi
https://www.rfavietnam.com/node/7444
Câu
chuyện của cộng đồng người Hmong theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên
Vô quốc tịch, vô tổ quốc ngay trên đất nước mình? Có bao giờ bạn nghĩ lại
có những chuyện như vậy? Ấy vậy mà nó lại xảy ra, với nhiều cộng đồng thuộc các
sắc dân bản địa ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chỉ vì một lý do: niềm
tin tôn giáo, trong đó có cộng đồng người H'mong theo đạo Tin Lành.
Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam coi sự phát triển của đạo Tin lành
trong cộng đồng người H'mong ở vùng núi Tây Bắc là mối đe dọa tiềm ẩn đối với
an ninh quốc gia. Chính quyền nhiều tỉnh phía Bắc như Sơn La, Lai Châu, Điện
Biên đã có chính sách không khoan nhượng đối với đạo Thiên Chúa và đã áp dụng rất
nhiều cách khác nhau để sách nhiễu, đàn áp, buộc người dân phải từ bỏ niềm tin,
kể cả đuổi khỏi làng hay bắt bỏ tù. Chính vì vậy, từ nhiều năm trước, hàng chục
nghìn người H'mong theo đạo Tin Lành đã đi về phía nam và tái định cư ở khu vực
Tây Nguyên với hy vọng thoát khỏi cuộc đàn áp khắc nghiệt.
Cách huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng từ vài cây số cho tới hàng chục cây số
có nhiều người H'mong tới tái định cư như vậy, từ khoảng năm 2000–2001, họ sống
thành những khu được đặt tên là Tiểu khu 178, 179, 181, Tiểu khu Tây Sơn…Mỗi tiểu
khu có khoảng dưới 100 cho tới 120 hộ gia đình, xấp xỉ 700–800 người. Chính quyền
địa phương hoàn toàn bỏ rơi những cộng đồng này, làm như thể họ không tồn tại.
Việc từ chối hộ khẩu và giấy tờ tùy thân đã được chính quyền một số tỉnh ở
Việt Nam sử dụng như một biện pháp trừng phạt đối với các thành viên của các
tôn giáo không được công nhận hoặc các nhà thờ bị cấm. Trong hai thập kỷ, người
H'mong ở các tiểu khu này không được đăng ký hộ khẩu, và do đó, không thể có được
thẻ căn cước, là bằng chứng chính về quốc tịch Việt Nam; nói cách khác, họ là
những người “vô quốc tich, vô tổ quốc” trên chính đất nước của mình và bị từ chối
những quyền cơ bản nhất của công dân, không thể tiếp cận các dịch vụ cơ bản như
chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Họ sẽ không được cấp quyền sử dụng đất và không thể sở hữu tài sản, mở
tài khoản ngân hàng, có việc làm chính thức hoặc xin giấy phép kinh doanh. Các
cặp vợ chồng không có giấy tờ sẽ không được cấp giấy chứng nhận kết hôn và con
cái của họ có thể không có giấy khai sinh, hoặc chỉ được khai sinh theo họ mẹ.
Thông thường, con cái của họ sẽ bị từ chối giáo dục chính thức. Trong hầu hết
các trường hợp, một người không quốc tịch thậm chí không thể nộp đơn kiện để
yêu cầu bồi thường tư pháp do thiếu giấy tờ tùy thân. Các hoạt động di chuyển,
đi lại từ nơi này sang nơi kia cũng bị hạn chế nghiêm trọng.
Báo cáo của tổ chức BPSOS (một tổ chức hoạt động nhân quyền phi lợi nhuận
của người Việt có trụ sở tại Mỹ) đã chỉ ra có hơn hai nghìn hộ gia đình người
H'mong và người Thượng theo đạo Cơ đốc, chiếm khoảng 10.000 người, đã trở thành
người không quốc tịch vì đức tin tôn giáo của họ.
Trở lại với các cộng đồng người H'mong theo đạo Tin Lành ở các Tiểu khu
179, 181…, như phần lớn các sắc dân bản địa, cộng đồng thiểu số khác, cuộc sống
của những người H'mong tại đây vô cùng nghèo nàn, cơ cực, và do tình trạng bị
chính quyền bỏ rơi nên cuộc sống của họ càng thêm khó khăn. Đồng bào sinh sống
bằng nghề làm ruộng làm rẫy. Khu vực này trước đây là đất hoang, từ năm 2000
thì có nhiều người Kinh, người dân tộc thiểu số đã đến khai hoang, sau đó là những
người H'mong chạy trốn hoặc bị đuổi khỏi làng của họ ở Tây Bắc Việt Nam như vừa
kể.
Mọi thứ đều thiếu thốn – chỉ có nước thì đồng bào góp tiền cùng nhau mua ống
dẫn để dẫn nước từ đầu nguồn về, còn lại chưa có điện, chưa có internet, chưa
có trạm y tế, trường học gì cả. Không có đường xá, đồng bào các Tiểu khu 179,
181… lại huy động nhau khu nào lo khu nấy, góp tiền, phát cây, mở một con đường
đất để xe cộ từ trong khu có thể chạy ra đường lộ và ngược lại, nhưng mùa khô
thì đi được, còn mùa mưa, lũ thì chịu thua. Còn Tiểu khu Tây Sơn thì có đường
do công ty khai thác vàng mở đường dọc bờ sông. Đau ốm bệnh hoạn chỉ khi nào nặng
lắm thì mới chạy xe ra trạm y tế xã, huyện, cách các tiểu khu cũng chừng vài chục
cây số trở lên; hoặc như Tiểu khu 179 phải đi đò qua sông ra huyện. Nhưng cũng
chẳng mấy khi đồng bào biết đến viên thuốc hay trạm xá. Những người phụ nữ có bầu
toàn sinh con tại nhà, chồng, người nhà hoặc hàng xóm phụ đỡ đẻ, riết rồi cũng
quen, trời sinh voi sinh cỏ, chỉ khi nào đau bụng tới mấy ngày vẫn không sinh
được thì mới lại chở nhau ra trạm y tế xã, huyện, và không phải là không có những
trường hợp trẻ sinh ra bị chết, vì bị nhiễm trùng hay vì lý do này lý do khác.
Trẻ em lớn lên như cỏ dại, không biết đến trường lớp là gì.
Từ năm 2016, người dân ở Tiểu khu 179 góp tiền dựng lên một cái nhà gỗ,
có 4 phòng học từ lớp 1–4 , và làm đơn xin chính quyền điều phối giáo viên đến
dạy cho các em. Dựng nhà từ 2016 đến 2019 mới có giáo viên, nhưng vì vùng sâu
vùng xa nên cũng khó, giáo viên chỉ đến dạy 1, 2 buổi một tuần, dạy Toán và tiếng
Việt, còn từ lớp 5 trở lên là lại phải đi ra huyện, ra tỉnh để học. Em nào gia
đình có tiền thì thuê phòng trọ ở chung nhau, không có tiền thì tự dựng chòi, dựng
lều ở gần trường.
Tiểu khu 179 như vậy còn đỡ hơn Tiểu khu 181, không có giáo viên nào chịu
vào dạy nên bà con phải cho trẻ đi học xa nhà cách vài chục cây số. Thuê phòng
trọ mất khoảng 600.000–700.000 VNĐ/tháng (khoảng hơn 25 cho tới hơn 29 USD) cho
một phòng 3, 4 em ở, nhưng với rất nhiều gia đình đồng bào thiểu số thu nhập của
họ chỉ chừng 500 000 VNĐ/tháng (khoảng hơn 20 USD) nên họ cũng chẳng lo nổi,
đành dựng chòi, lều trên đất của người dân ở các xã khác, có tốn phí dựng nhờ đất
nhưng rẻ hơn.
Những cái chòi, lều dựng bằng đủ thứ vật liệu tạm bợ, từ nilon, bìa
carton, ván ép, trong đó 7 cho tới 10 đứa trẻ, tuổi từ 7, 8 đến 10, 12 sống với
nhau, tự nấu ăn, tự lo liệu chăm sóc nhau. Sống như vậy rất không an toàn, đủ
thứ tai nạn có thể xảy ra cho những đứa trẻ như cháy, lấy nước ở dưới giếng sâu
có thể bị ngã xuống giếng, mưa bão v.v… Chuyện học hành cực khổ như vậy, lại
không có gia đình ở bên cạnh bảo ban, nhắc nhở, nên lũ trẻ đi học bữa đực bữa
cái, chữ chưa kịp vào đầu lại bay đi đâu mất, siêng lắm cũng chỉ vài năm là
buông, lại về nhà phụ ba mẹ làm nương làm rẫy. Em nào ham học lắm mới học hết lớp
rồi ra huyện, ra tỉnh học tiếp.
Trẻ con thì như vậy, còn người lớn quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho
trời kiếm ít đồng đong gạo nhưng nào đã yên. Thứ nhất là đồng bào H'mong ở đây
vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì đức tin và sinh hoạt tôn giáo.
Chính quyền địa phương lấy lý do họ ngụ cư bất hợp pháp, không được công nhận,
nên không được phép xây nhà thờ, không được có mục sư, không cho phép thành lập
nhóm, thành lập chi hội; bà con phải mượn nhà một người trong tiểu khu làm nhà
nguyện, mỗi năm khi đến lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, lễ Thăng Thiên…thì phải làm
đơn gửi chính quyền, chính quyền cho thì mới được tổ chức, rồi mời mục sư ở nơi
khác, ví dụ như ở tỉnh Lâm Đồng đến.
Cái khổ thứ hai là từ năm 2015 chính quyền tỉnh Lâm Đồng có văn bản đòi
cưỡng chế, di dời người dân đi nơi khác, để lấy lại đất cho các công ty sân sau
của nhà nước đầu tư, khai thác. Nói là đi nơi khác mà không biết là đi đâu. Từ
năm 2016–2018 bà con đấu tranh mạnh mẽ, giữa công ty và bà con thường xuyên xảy
ra tranh chấp, người dân ở Tiểu khu 179 vì có sự liên kết với các tổ chức nhân
quyền ở bên ngoài, gửi thư cho chính quyền, rồi quốc tế lên tiếng nên chính quyền
chịu lùi bước, dừng cưỡng chế, lại còn hứa hẹn là sẽ cho tái định cư tại chỗ.
Chính quyền huyện Đam Rông cũng đã cam kết cấp thẻ căn cước công dân cho mọi
người dân ở Tiểu khu 179, xây dựng hạ tầng như trạm y tế xã, trường học cho bà
con, cử giáo viên đến sống trong thôn để dạy cho trẻ em. Các tổ chức nhân quyền
của người Việt ở nước ngoài như BPSOS hoan nghênh thiện chí này và đề nghị quốc
tế khen ngợi. Bà con ở Tiểu khu 181 thấy vậy liền gửi thư chất vấn về sự chênh
lệch này và yêu cầu được có cơ hội tương tự như ở Tiểu khu 179.
Nhưng từ một năm trở lại đây thì chính quyền lại thay đổi, lật lại những
gì đã hứa. Một mặt, họ bắt những người chủ chốt trong các cuộc đấu tranh lên
xã, huyện “làm việc” với công an, bắt phải viết cam kết ngưng liên lạc với các
tổ chức nhân quyền ở bên ngoài thì chính quyền mới tiến hành các cam kết. Những
người này trả lời là hãy thực hiện mọi cam kết thì họ sẽ ngưng liên lạc với bên
ngoài. Tình trạng dằng co cứ kéo dài, mà mọi tiến triển thì không thấy đâu.
Không những thế, vì nghèo đói, ít học, không hiểu biết gì về luật pháp,
nên đồng bào các sắc dân bản địa dễ bị chính quyền đàn áp và khi đàn áp thì
không biết lên tiếng như thế nào; cũng vì nghèo đói, ít học, thanh niên lớn lên
rất dễ bị các công ty môi giới xuất khẩu lao động dụ đi làm xa hoặc các tổ chức
buôn người dụ dỗ. Chẳng hạn, với nạn nhân từ các đường dây xuất khẩu sang Ả Rập
Xê Út làm việc nhà, có nhiều em là người dân tộc thiểu số, trong số đó có một
em là H Xuân Siu, người dân tộc Gia Rai, đã chết sau 2 năm làm việc như nô lệ,
bị chủ đánh đập, ngược đãi, mà báo chí tiếng Việt ở nước ngoài từng lên tiếng.
Khi chết em chỉ mới 17 tuổi, có nghĩa là khi được tuyển đi làm việc, em chưa đầy
15 tuổi nhưng những người tuyển dụng đã cấu kết với chính quyền địa phương làm
giả giấy tờ cho em đủ tuổi đi lao động là 18 tuổi trở lên. (“Lao động trẻ chết
bị chôn tại Ả Rập Xê Út gây phẫn uất cho gia đình”, RFA, “Thiếu nữ
người Việt 17 tuổi chết sau hai năm lao động ở Ả-rập Xê-út”, VOA)
Riêng người H'mong đã có 4 trường hợp bị lừa sang Ả rập Xê Út được tổ chức
BPSOS giải cứu, trong đó có cô Mùa Thị La, sau hơn 4 năm là nạn nhân của chương
trình xuất khẩu lao động của nhà nước Việt Nam, chịu đủ mọi sự ngược đãi, hành
hạ của chủ mới được trở về Việt Nam.
Với các tổ chức buôn người nhỏ lẻ ví dụ như vụ nhiều nạn nhân bị lừa sang
Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”, bên cạnh nhiều người Kinh từ các làng quê
nghèo, cũng lại là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Riêng Tiểu khu 181 đã
có 5 thanh niên dưới 18 tuổi, được giải cứu về nước, hiện vẫn chưa có quốc tịch
và không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào.
Câu
chuyện của Ma A Dình.
Ma A Dình, sinh năm 1992, là người H'mong. Gia đình anh chạy từ ngoài Bắc
vào trú ngụ ở Tiểu khu 179 từ năm 2012. Ngoại trừ Ma A Dình là có giấy tờ từ
khi còn ở ngoài Bắc, vợ và các con của anh đều không có bất kỳ một giấy tờ tùy
thân nào.
Khi còn ở ngoài Bắc Ma A Dình được đi học đến hết lớp 12 nên thuộc loại
“có chữ” ở Tiểu khu, do đó khi xảy ra chuyện đấu tranh về đất đai, đòi quyền lợi,
đòi tự do tôn giáo, dân làng nhờ anh đứng ra là người đại diện, cùng với vài
người khác, gửi thư đến chính quyền, hoặc liên lạc với bên ngoài nhờ sự vận động
của các tổ chức bên ngoài, sự lên tiếng của quốc tế. Vì vậy mà Ma A Dình và những
người đại diện khác liên tục bị “triệu tập” ra công an xã, huyện, tỉnh để công
an hạch hỏi và công an đã có những lời nói, hành vi có tính chất hăm doa, khủng
bố anh, mọi việc làm, đi lại của anh đều bị công an cho người theo dõi, giám
sát. Công an kết tội Ma A Dình là “thành phần phản động, cấu kết với
các thế lực thù địch bên ngoài, cung cấp thông tin cho bên ngoài, rằng Ma A
Dình là người có tội, công an muốn bắt anh lúc nào cũng được”.
Biết sớm muộn gì cũng bị bắt, ngày 28.6.2022 Ma A Dình chạy trốn sang
Thái Lan, xin tỵ nạn chính trị. Gần 1 tháng sau, ngày 23.7. 2022 đến lượt người
vợ đang mang bầu và 5 đứa con của anh cũng chạy sang Thái Lan. Đứa con thứ 6 được
sinh ra trên đất Thái.
Từ khi ra bên ngoài, Ma A Dình vẫn thường xuyên liên lạc với bà con người
H'mong ở nơi anh sống. Cùng một số người người anh em đã và đang ngày đêm đấu
tranh cho quyền lợi của người Hmong ở Việt Nam, họ thành lập một nhóm truyền
thông, hoạt động dưới danh nghĩa một tổ chức NGO có tên H'mong Human Rights
Coalition, và hoạt động trong các lĩnh vực giải cứu nạn nhân buôn người, đàn áp
tôn giáo trên cộng đồng người H'mong, phát triển cộng đồng và dự án người Hmong
vô tổ quốc. Tại Hội Nghị thường niên về Tự Do Tôn Giáo hay Tín ngưỡng khu vực
Đông Nam Á lần thứ 8 (Eighth Annual Southeast Asia Freedom of Religion or
Belief Conference, viết tắt là SEAFORB 8) được tổ chức tại Bali, Indonesia từ
ngày 7–9.11.2022 vừa qua, Ma A Dình đã đại diện cho đồng bào người H'mong theo
đạo Tin Lành đọc bản tham luận về hoàn cảnh sống của người H'mong theo đạo Tin
Lành tại Tiểu khu 179, dưới sự đàn áp của nhà nước cộng sản Việt Nam.
Vượt qua những hạn chế về văn hoá và điều kiện sống, dưới sự giúp đỡ của
những tổ chức nhân quyền bên ngoài như tổ chức BPSOS, cộng đồng người H'mong
theo đạo Tin Lành đang từng bước trưởng thành để tự bảo vệ niềm tin và các quyền
con người, họ đã biết lên tiếng, báo cáo về tình trạng của cộng động mình cho
các tổ chức quốc tế. Nhờ vậy mà các tổ chức quốc tế đã biết tới họ và tiếp tục
giúp đỡ họ ngày một trưởng thành hơn.
Trong khi đó, với việc vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng, mang tính hệ
thống, liên tục suốt một thời gian dài, ngày 2.12.2022 vừa qua Bộ Ngoại giao
Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào “Danh sách Theo dõi Đặc biệt” (Special Watch List,
viết tắt SWL) Và nếu không thay đổi, Việt Nam sẽ bị đưa vào Danh sách Quan tâm
Đặc biệt (Countries of Particular Concern, viết tắt CPC, mà trước đây Việt Nam
từng bị và được Bộ Ngoại giao Hoa Kỷ dỡ bỏ vào tháng 11.2006 chỉ sau 26 tháng
mà không thực sự có những tiến bộ thực chất). Và nếu lại bị đưa vào danh sách
CPC, Việt Nam chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều biện pháp chế tài, cấm vận.
No comments:
Post a Comment