NGƯỜI
DÂN CÒN BỊ SỈ NHỤC ĐẾN BAO GIỜ?
Tôi nghĩ không có gì là quá đáng khi người dân
đòi hỏi công chức làm tròn trách nhiệm tối thiểu của họ. Trong đó bao gồm hoàn
thành các trọng trách mà công việc yêu cầu, có thái độ làm việc chuyên nghiệp, ứng
xử với người dân một cách văn minh và ân cần, và nói năng một cách mà ai cũng
có thể hiểu.
Bởi bản thân mỗi chúng ta khi đi làm thì cũng
đều được yêu cầu phải làm được những điều căn bản này. Không có doanh nghiệp
nào muốn giữ lại một nhân viên mà đến ngay cả những điều đơn giản như vậy cũng
không làm được.
Do vậy chúng ta có quyền yêu cầu công chức nhà
nước cũng chí ít phải làm được như chúng ta, chứ chưa nói là phải làm tốt hơn.
Bởi sau cùng, chúng ta muốn tự hỏi bản thân rằng số tiền mà chúng ta bị trừ
hàng tháng, hay phải trả thêm mỗi lần mua hàng (gọi chung là thuế), rốt cuộc có
đáng hay không nếu người thụ hưởng nó lại không làm tròn trách nhiệm?
Ấy thế mà. Hết lần này đến lần khác, chúng ta
bị sỉ nhục bởi những người vẫn hàng tháng ngửa tay lãnh lương từ tiền thuế mà
chúng ta phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm ra.
Nào là "đá vỉa hè bị nứt do mưa", rồi
"Việt Nam không cần quá giàu", rồi bài ca "lỗi đánh máy"
kinh điển. Hết lần này đến lần khác, dân chúng bị đối xử như trẻ ranh, bị cợt
nhả và không coi ra gì bởi những phát ngôn coi thường phát ra từ miệng công chức.
Những lời nói này không chỉ tự thân chúng bộc
lộ sự yếu kém về năng lực của công chức xứ ta, mà đằng sau nó là một vấn đề trầm
trọng hơn rất nhiều, đó là những người làm công ăn lương ở nước ta mang trong
mình một thái độ coi thường đối với công việc, và khinh bỉ đối với dân chúng.
Vì nếu là một công chức coi trọng chức trách và có trách nhiệm với sự tín nhiệm
của người dân, thì sẽ suy nghĩ trước khi mở miệng.
Một bộ máy nhà nước đầy rẫy những công chức
không coi công việc và người dân ra gì, thì sẽ không thể vận hành một cách trơn
tru, và càng không thể tạo ra sự phát triển cho đất nước. Cũng giống như một
doanh nghiệp với những nhân viên rệu rã, làm việc với thái độ dửng dưng, và coi
khác hàng là cỏ rác thì sẽ không thể thành công. Cái chết ở đây đó là bộ máy
nhà nước thì sẽ tạo ra hệ lụy nghiêm trọng hơn một doanh nghiệp rất nhiều.
Một doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả thì
đối mặt với phá sản, cùng lắm là ảnh hưởng đến những người làm việc cho nó.
Nhưng một bộ máy nhà nước với những công chức vô năng, vô tri thì hệ luỵ vô
cùng lớn. Không chỉ quốc gia bị tụt hậu bởi sự vô dụng của các cơ quan nhà nước,
mà người dân còn chịu khổ bởi nạn tham nhũng và thói hách dịch từ công chức,
cùng với đó là dịch vụ công đắt đỏ và kém chất lượng.
Mỗi một lần công chức đưa ra những phát ngôn
chướng tai thì sẽ nhận lại sự cười cợt từ dân chúng. Người dân coi đó là một
màn tấu hài, là dịp để cả xã hội được phen cười vào mặt quan chức cho hả hê những
khổ ải mà chúng ta phải chịu đựng bấy lâu. Nhưng theo tôi đó là thái độ sai lầm.
Bởi cười cợt sẽ không mang lại bất cứ sự thay đổi nào, rồi đâu lại hoàn đó, những
bất công và ngang trái vẫn sẽ đè lên đầu lên cổ chúng ta.
Thay vào đó, chúng ta cần phải cảm thấy bị sỉ
nhục, phải cảm thấy tự ái và nhục nhã mỗi khi những người nắm giữ trọng trách
trong bộ máy nhà nước có những phát ngôn như vậy. Thử hỏi có cay không khi những
kẻ ăn trên ngồi trốc từ tiền thuế của chúng ta lại quay sang khinh bỉ chúng ta?
Rốt cuộc thì có đáng không khi chúng ta nai lưng ra làm để bị thu thuế nhưng
cái chúng ta nhận được lại là sự coi thường?
No comments:
Post a Comment