Ngày
tàn của những lãnh đạo độc tài sẽ ra sao ?
Chi Phương - RFI
Đăng ngày: 24/12/2022 - 15:32
Le Point ra liền hai số từ ngày 15-22/12, bắt đầu với
câu hỏi : “Có ai đã từng nghĩ đến cái chết của Vladimir Putin sẽ ra sao
?”, tuần san đưa độc giả ngược dòng lịch sử qua những bài phân
tích chia theo giai đoạn trị vì của các nhà độc tài như Hitler, Mussolini,
Stalin hay Kadhafi, những người đều tự coi mình là bậc thánh thần. Họ được
cho là bất khả chiến bại nhưng đến khi bị lật lổ, tất cả các điểm yếu bị hé lộ.
Trên thực tế, đó lại là những kẻ đáng thương, bị cô lập.
Tấm áp phích in hình
Adolf Hitler, Joseph Stalin và tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày
28/07/2014 tại kiev, Ukraina. AFP/Archivos
Kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến năm 1945, bức tường Berlin sụp đổ năm 1989
hay Mùa Xuân Ả Rập năm 2010, khi đã đến ngày tàn, buổi xế chiều của mình, số phận
của mỗi nhà độc tài lại được định đoạt khác nhau, thường là không mấy tốt đẹp.
Có người tự tử như Hitler, có người thì bị hành quyết dã man trước công chúng.
Thế nhưng, cũng có người đã lọt lưới, chết trên giường bệnh như Pinochet, ông
thậm chí còn có cả quốc tang. Một số thì đi tị nạn ở nước khác. Điều đáng chú ý
là những hậu quả về mặt tinh thần mà những nhà độc tài để lại, khó có thể biến
mất ngày một ngày hai.
Còn những nhà độc tài vẫn tại vị thì sao ? Le Point cho biết, những
hành động tàn bạo mà Putin gây ra ở Ukraina đã dấy lên mong muốn công lý can
thiệp vào. Trên thế giới, chỉ Toà Án Công Lý Quốc Tế La Haye có thẩm quyền đưa
ra phán quyết với những lãnh đạo độc tài. Một giả thuyết được đặt ra đó là liệu
Vladimir Putin sẽ được xét xử ra sao ? Liệu ông Putin có thể thoát khỏi
vòng lao lý vì điều kiện sức khoẻ - một lý do truyền thống của Nga, hay là tự tử,
giống như Hitler.
Trên thực tế, dù đã tồn tại 20 năm nay, nhưng chức năng của toàn án La
Haye lại không thực sự hiệu quả. Đại diện của toà án đã nhiều lần đến Kiev,
nhưng khó có thể thực hiện điều tra. Le Point trích dẫn nhận định của giải Noel
Hoà Bình năm nay, bà Oleksandra Drik, cho rằng nếu không trừng phạt tổng thống
Nga thì chẳng khác nào kẻ độc tài đã giành chiến thắng. Theo bà Drik, dù chiến
tranh chưa kết thúc, nhưng nhiều cuộc điều tra đang được thực hiện ở Ukraina để
chứng minh tội ác xâm lược của điện Kremlin. Bà nhấn mạnh rằng những tội ác này
đã xảy ra và cần phải xác định và trừng trị những kẻ phạm tội. Một số lãnh đạo
như chủ tịch Uỷ Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã đề nghị mở một toà án đặc
biệt để xét xử điện Kremlin về tội ác chiến tranh.
Le Point kết thúc số báo với chân dung của những lãnh đạo độc tài hiện
vẫn nắm trong tay luật pháp, đàn áp chính dân tộc mình và đe dọa láng giềng,
tiêu biểu là Tập Cận Bình của Trung Quốc, Kim Jong Un ở Bắc Triều Tiên, hay
giáo chủ Ali Khameni ở Iran.
Vladimir Putin cũng là chủ đề được nhiều tuần san quan tâm phân tích.
L’Express trích dẫn nhận định của giảng viên tại đại học George Town, bà Angela
Stent, chuyên nghiên cứu về Nga, chỉ ra rằng Putin ngày càng cô độc ở Nga. Thêm
vào đó, lãnh đạo của tập đoàn bán quân sự Wagner, Prigojine, thân điện
Kremlin, thường hoạt động bí ẩn thì nay đã lộ diện trước công chúng. Prigojine
đã công khai chỉ trích sự yếu kém của quân đội Nga và đôi khi ranh giới giữa
quân đánh thuê Wagner và quân đội Nga bị bờ nhạt. Hay trường hợp của lãnh đạo
Tchechenia Ramzan Kadyrov, đã tự cho phép có quyền chỉ trích sự thất bại
trên chiến trường của quân đội Nga. Bà nhấn mạnh đến khả năng Putin quan ngại về
quyền hạn ngày càng gia tăng của những lãnh đạo quân sự này, cộng thêm những
tin đồn về việc binh lính Nga bất bình.
“Một
câu chuyện điên rồ về lịch sử của đế chế Nga” là tựa đề trang bìa của
tuần báo l’Obs, ra liền hai số cho tuần này và tuần sau. Từ khi chiến tranh nổ
ra ở Ukraina, nhiều nhà phân tích hay giới chuyên gia quân sự, địa chính trị
cho đến các nhà tâm lý học đã cố gắng làm rõ, phân tích ý định của Vladimir
Putin, đã từng khẳng định vào năm 2016 rằng “không có đường biên giới
nào đối với Nga”.Tuần báo l’Obs dành hồ sơ lớn để tìm hiểu về đế chế Nga :
làm thế nào mà từ một vùng lãnh thổ nhỏ bé nơi những người Viking sinh sống trở
thành đất nước rộng nhất thế giới với khoảng 17 triệu km vuông như hiện nay. Lịch
sử đã chứng minh tham vọng bành trướng của Nga từ nhiều thế kỷ qua.
Theo l’Obs, cách tốt nhất để hiểu được cuộc chiến tranh “điên rồ”,
“ác liệt” đang diễn ra ở Ukraina, đó là lật lại những trang sử từ ngàn
năm qua của Nga, từ Ivan Bạo Chúa đến cho đến Pyotr Đại Đế, hay nữ
hoàng Catherine II, Vladimir Putin đều không
ngừng mở rộng lãnh thổ, nhân danh Thượng Đế, Liên Xô hay dân tộc Slave vĩ đại.
L’Obs khẳng định rằng Putin bị ám ảnh bởi quá khứ, bởi lịch sử. Theo
các nhà sử học, diện tích của nước Nga vào năm 1914 là 22 triệu km vuông, trong
ba thế kỷ, đã mở rộng thêm hơn 50 000 km vuông mỗi năm, nhờ vào chiến thắng
của Bolshevik và sự thành lập Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết (Liên
Xô) cũng như sự gia nhập của các nước “anh em” Đông Âu. Tuy
nhiên, sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 đã đặt dấu chấm hết cho quá trình bành
trướng này.
Theo tuần san l’Obs, “Putin bị ám ảnh bởi quyền lực và say
sưa với chủ nghĩa dân tộc”, ông tôn thờ những Sa hoàng đã chinh
chiến mở rộng bờ cõi. Tuy nhiên, trái ngược với những người tiền nhiệm, Putin
không bác bỏ giai đoạn Cộng Sản, mà đã chọn lọc, cấm nói đến, như là những
hành động “khủng bố” của Staline hay Hiệp ước Xô-Đức đáng xấu
hổ và đề cao cuộc “Chiến tranh vệ quốc vĩ đại” khi nói đến chiến
thắng năm 1945 và bỏ qua cáo buộc của hàng ngàn phụ nữ Đức về việc bị Hồng quân
hãm hiếp. Sự ảo tưởng của Putin đã dẫn đến cuộc chiến điên rồ, lấy cớ “phi
hạt nhân hoá”, “phi phát xít hoá” để tấn công một quốc gia có chủ quyền,
bằng việc gợi lại hình ảnh Hitler.
L’Obs đề cập đến quốc gia được thành lập bởi người Slave vào năm 988 ở
Kiev Rus. Theo đó, Kiev là thủ phủ của người Rus, là cái nôi của dân tộc Nga,
cũng là nơi mà Chính Thống Giáo ra đời. Do vậy, “Kiev phải là một thành phố
Nga”. Kiev Rus là một di sản của quá khứ mà Nga và Ukraina đều tranh giành.
Các Sa hoàng gọi nước Nga là “Đại Nga”, Belarus là những người
"Bạch Nga" và Ukraina là “Tiểu Nga”.
Trong những cuộc xâm lược lớn mà các Sa hoàng tiến hành phải kể đến
giai đoạn thôn tính vùng Siberia rộng lớn, băng giá âm 60 độ. Lúc đó, các lãnh
đạo quân sự không ngần ngại cho đốt nhà những kẻ phản kháng, hãm hiếp vợ của những
ai dám chống lại. “Giấc mơ Mỹ” của Nga là một tựa đề trong một bài
đăng cùng hồ sơ, nói về những dấu tích về cuộc chinh phục Alaska của Nga từ năm
1784. Hay giấc mơ châu Âu của Catherine II Đại Đế, mong muốn kiểm soát biển Đen
và đã sáp nhập Crimée. Vào thời điểm đó, Crimée thuộc lãnh thổ của đế chế
Ottoman.
Tuần san cũng nhắc lại nạn đói 1932-1933 ở Ukraina trong khi chính quyền
Stalin lại cho thóc lúa chất thành đống. Trước khi chiến tranh Ukraina xảy ra,
Nga đã không ngừng gây áp lực tại biên giới của các nước thuộc Liên Xô cũ qua
việc ủng hộ quân ly khai, như ở Gruzia. Theo l’Obs, cuộc xung đột xảy ra năm
2008 là cuộc đột kích đầu tiên của Putin, để thử nghiệm cho một cuộc chiến quy
mô lớn hơn, như với cuộc xung đột ở phe ly khai, sáp nhập lãnh thổ và cấp hộ
chiếu Nga.
Cánh tả ở Pháp điêu đứng
Về thời sự nước Pháp, l’Express nói đến cuộc khủng hoảng trong Liên
minh cánh tả NUPES, vốn đã giành được 146 ghế tại Quốc Hội trong cuộc bầu cử lập
pháp và hy vọng có thể đối đầu với đảng Hồi sinh (Renaissance) của
Macron.
Thế nhưng, dưới sự lãnh đạo của Jean - Luc Melenchon, liên minh lại có
nhiều rạn nứt và khó đạt được đồng thuận. Nếu không nói là thất bại thì liên
minh NUPES cũng đã không giành được chiến thắng nào, chưa kể đến những bê bối của
các nghị sỹ trong liên minh này. NUPES đã làm suy giảm niềm tin vào liên minh
trong bối cảnh nhiều hồ sơ quan trọng đang được tranh luận ở Quốc Hội, như
cải cách hưu trí hay luật nhập cư. L’Express đặt câu hỏi liệu NUPES có thể trụ
được vào năm 2023 hay không, nhất là khi cuộc bầu cử nghị sỹ châu Âu đang đến gần,
nhiều nghị sỹ thuộc đảng Xanh chưa chắc đã muốn sát cánh với Liên Minh.
Với giọng điệu châm biếm, xã luận Le Point chỉ trích NUPES đã làm mọi
thứ để phe cực hữu Tập Hợp Dân Tộc chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo. Như
vậy nước Pháp sẽ rơi vào cảnh hỗn loạn như cuộc cách mạng 1789, NUPES có thể chớp
lấy thời cơ để lập ra Quốc Hội và thay đổi các định chế, và không cần bầu cử.
Trong một bài đăng khác, Le Point cho thấy cánh tả đã mất tín nhiệm tại nhiều
thành phố nhỏ, đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc đã giành lấy cơ hội. Trong số hơn
200 khu vực bầu cử (circoncription), NUPES chỉ giành được hơn 30 ghế.
Le Point cũng quan tâm đến sự tín nhiệm của tổng thống Pháp Emmanuel
Macron, có tăng nhẹ trong thời gian gần đây. Tuần san trích dẫn kết quả của một
cuộc thăm dò cho thấy uy tín của Macron đã tăng thêm 2 điểm vào tháng 12, sau
khi mất 7 điểm trong vòng 2 tháng trước đó. Đó chính là nhờ chiến lược ngoại
giao của Macron, tổng thống Pháp đã thực hiện nhiều chuyến công du, cũng như thẳng
thắn đưa ra lập trường, nhất là đối với Ukraina, cũng như nhờ các hỗ trợ cho
người có thu nhập thấp trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
Nhìn lại một năm 2022
Trong tuần san kết hợp 3 số, được phát hành từ ngày 15/12, Courrier
International tổng kết lại những sự kiện nổi bật của năm 2022 theo từng
tháng, qua những tranh minh họa dưới ngòi vẽ của hoạ sỹ André-Philippe Côté.
Vào tháng Một, các cuộc biểu tình phản đối vac-xin và các biện pháp phòng ngừa
dịch, tiếp diễn tại nhiều nơi, đặc biệt là ở Canada. “Đoàn xe tự do”,
quy tụ nhiều xe tải, xe kéo và các xe phân khối lớn kéo về Ottawa, “đóng
quân” trước Quốc Hội trong vòng 24 ngày. Đến tháng Hai, sự kiện không thể
không nhắc đến đó là cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina. Kể từ đó, sự kiện này
hiện vẫn là tâm điểm thời sự quốc tế. Nga bị cô lập trên trường quốc tế bởi các
trừng phạt từ phương Tây, vẫn tiếp tục oanh kích vào Ukraina, nhắm tới các cơ sở
năng lượng của nước này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái đắc cử vào tháng Tư và gia đình nhà
độc tài Marcos Ferdinand trở lại lãnh đạo Philippines vào tháng Năm. Tháng Sáu
được đánh dấu bởi “cuộc chiến chống lại phụ nữ” ở Hoa Kỳ khi Toà Án
Tối Cao trao quyền cho các bang quyết định cho phép phá thai hay không. Vào hè
năm 2022, cuộc khủng hoảng chính trị ở Anh nổ ra khi Boris Johnson từ chức thủ
tướng vào tháng Bảy. Đây cũng là thời gian mà cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
bị ám sát. Hè 2022 cũng là một năm xảy ra nhiều thảm hoạ khí hậu, với các vụ
cháy rừng quy mô lớn ở nhiều nơi.
Sự kiện nổi bật vào tháng Tám đó là khủng hoảng ở eo biển Đài Loan khiến
căng thẳng Mỹ- Trung lên đến đỉnh điểm sau chuyến thăm của chủ tịch Hạ Viện Mỹ
Nancy Pelosi đến hòn đảo. Bắc Kinh đã mở các cuộc thao dượt quy mô lớn, đe doạ
chủ quyền của Đài Bắc. Sang tháng Chín, sự kiện đáng chú ý đầu tiên đó là nữ
hoàng Elizabeth II qua đời, khép lại 70 năm trị vì Anh Quốc và 15 nước thuộc khối
Thịnh Vượng Chung. Tiếp đó là các cuộc biểu tình phản đối chính phủ Iran với
quy mô lớn nhất từ nhiều thập qua, sau khi một cô gái Hồi giáo bị thiệt mạng vì
không trùm kín đầu.
Vào tháng 10, Trung Quốc tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý khi người
dân phẫn nộ với các biện pháp hà khắc trong khuôn khổ chính sách Zero-Covid,
trong khi thế giới đã mở cửa trở lại. Hàng ngàn học sinh, sinh viên của nhiều
trường học cũng như người dân tại 18 tỉnh thành Trung Quốc đã xuống đường biểu
tình. Tháng 11 xoay quay quả bóng tròn ở Qatar, ban tổ chức World Cup bị
vô số chỉ trích về nhân quyền. Tháng 12 được đánh dấu bởi thỏa thuận mang tính
lịch sử, bảo vệ đa dạng sinh học của 30 % diện tích Trái đất, được ký bởi đại
diện hơn 190 quốc gia, tại Diễn đàn đa dạng sinh học COP15 ở
Montréal.
Mừng giáng sinh thế nào để không có lỗi với môi trường
Vì là số cuối cùng trước lễ Giáng Sinh nên hầu hết các tuần san đều
dành một mục riêng để nói về chủ đề này, từ ẩm thực cho đến văn hoá hay các vấn
đề xã hội liên quan. Nếu như Courrier International đưa độc giả khám phá ẩm thực
của thế giới thì Le Point đề cập đến vấn đề tặng quà hoặc trang trí dịp Noel đối
với những người bảo vệ thiên nhiên. Khoảng 100 000 tấn đồ chơi bị bỏ vào
thùng rác mỗi năm. Tiêu thụ trong Noel chiếm 1% lượng khí phát thải gây hiệu ứng
nhà ứng. Le Point giới thiệu các cách mừng lễ Giáng Sinh mà không cảm thấy “có
lỗi” với môi trường, như sử dụng các loại giấy bọc quà thân thiện, có thể
dùng đồ cũ làm quà tặng hoặc tặng một cái cây; không nên tiêu tốn nhiều tiền bạc
để mua đồ mới mà mặc lại đồ cũ.
No comments:
Post a Comment