Thursday 8 December 2022

"BIỂU TÌNH" - HAI CHỮ XA XỈ VỚI DÂN VIỆT CÒN HƠN CẢ TRUNG QUỐC (Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh)

 



 

 

“Biểu tình” – hai chữ xa xỉ với dân Việt còn hơn cả Trung Quốc

Bình luận của Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)
2022.12.07

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/ReadersOpinions/protests-luxury-word-for-the-vn-12072022091258.html

 

Nửa tháng nay, thông tin về biểu tình khắp Trung Quốc (1) ít nhiều đã tới được với người dân Việt Nam, dù chỉ có lác đác vài báo quốc doanh đưa tin rồi vội vã rút xuống và ngưng hẳn từ 28/11/2022.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/ReadersOpinions/protests-luxury-word-for-the-vn-12072022091258.html/@@images/8ec7b4cb-579d-43e7-aa60-31a3b0fa6c71.jpeg

Công an và an ninh giải tán những người biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội hôm 9/12/2012 (minh họa).  AFP

 

Nhưng đến lượt Mông Cổ kế bên, đất nước từng là bạn bè XHCN với VN, mới xảy ra biểu tình lớn có phần còn nghiêm trọng hơn, xô xát với cảnh sát, xông cả vào tòa nhà Chính phủ, thì lại được các báo đưa tin nhanh chóng, rất chi tiết (2).

 

Chủ tịch “sẩy miệng”?

 

Từ đó, chợt nhớ tới … cựu Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

 

Khi còn đang trong tù, tháng 7/2018, đọc báo ở nhà gửi vào, tôi hơi giật mình thấy tin báo Tuổi trẻ Online bị đình bản ba tháng, phạt 220 triệu đồng (3). Nhưng giật mình không đơn giản là chuyện kiểu tai nạn nghề nghiệp đó, mà là bởi có liền mấy điều khác thường trong nội dung bản tin.

 

Thứ nhất, Chủ tịch nước Trần Đại Quang lại có câu nói “lạ” với cử tri là ông “đồng tình với kiến nghị cử tri cần có luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này”. Trong ròng rã ruốt mấy năm trước đó, có vẻ như các cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã thống nhất “lùi vô thời hạn” việc trình Quốc hội thông qua dự Luật Biểu tình rồi cơ mà.

 

Thứ hai, sao báo đưa tin như vậy mà lại bị phạt vạ. Vì tôi rất biết, với một vấn đề hết sức quan trọng đó, với một nguyên thủ quốc gia, thì mỗi phát ngôn đều phải được báo nắm chắc, phóng viên đưa tin đều phải có ghi âm, thậm chí ghi hình, làm sao có chuyện bịa đặt, nhầm lẫn được.  

 

Thứ ba, khi mổ xẻ hình phạt, thấy rõ vụ “bịa đặt” lời Chủ tịch nước có vẻ “tày đình” mà chỉ bị phạt có 50 triệu đồng thôi, còn 170 triệu đồng và đình bản ba tháng là hình phạt cho một “tội” khác. Từ đây, càng dễ nảy sinh câu hỏi, phải chăng Tuổi trẻ chỉ có cái “tội” là nhanh nhảu đưa tin “lạ” mà không biết bẩm báo xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan chức năng?

 

Đồng thời, có một dấu hỏi nữa. Trước đó, theo dõi báo chí, truyền hình, tôi đã phỏng đoán ông Chủ tịch nước đang có vấn đề về sức khỏe. Như vậy, rất có thể khi tiếp xúc cử tri, ông bị nhầm lẫn nào đó, bị quên là vấn đề này đã thống nhất “đình lại” từ cấp rất cao rồi. Hoặc, biết là mình bệnh trọng, sẽ không qua khỏi, nên ông muốn để lại cái gì đó đẹp đẽ về mình trong mắt hậu thế.

 

Gian nan, bí ẩn dự luật

 

Suốt nhiều năm trước, khi điều hành trang Ba Sàm (cũ), tôi vẫn theo dõi và đưa tin thường xuyên về tiến trình dự thảo, rồi chuẩn bị đưa trình Quốc hội thông qua Luật Biểu tình. Số phận của nó hẩm hiu không khác mấy với dự thảo Luật về Hội.

 

Nhìn ngược lên tới Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi sang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, lần nào ra phiên bản mới cũng đều khẳng định biểu tình là một trong những quyền sơ đẳng của người dân, gần nhất là Hiến pháp 2013.

 

Còn ngược thời gian thì đều thấy bao năm tranh đấu với thực dân Pháp, Đảng Lao động Việt Nam (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) đều tố cáo thực dân phong kiến không cho người dân được hưởng những quyền tự do như biểu tình, báo chí, lập hội, … Thế thì hà cớ gì mà họ lại cản dân mình một khi đã có chính quyền vững mạnh trong tay.

 

Còn về luật, không những báo chí, mà nhiều vị lãnh đạo rất cao của Đảng, Nhà nước đều tỏ ra sốt ruột muốn Quốc hội sớm thông qua dự luật Biểu tình.

 

Tạm bắt đầu từ giữa năm 2014, báo chí đưa tin hồ hởi, rằng Cuối năm 2015 thông qua Luật biểu tình (4). Nhưng đến cuối năm 2014, lại đã thấy tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Yêu cầu không được rút dự luật biểu tình (5). Vậy thì ai muốn “rút”? Đó là “Bộ Công an xin rút dự án luật Biểu tình khỏi chương trình làm luật năm 2015 do "nhạy cảm, phức tạp" nhưng Thủ tướng yêu cầu phải có đủ cơ sở, lý lẽ thuyết phục”. Thế rồi có lẽ Chính phủ đã được Bộ Công an “thuyết phục”, nên tới tháng 2 năm 2016, Chủ tịch Quốc hội lại phải nghiêm khắc nhắc nhở Chính phủ, rằng xin lùi Luật Biểu tình là thiếu nghiêm túc (6). Nhưng chỉ dăm tháng sau, đã có tin Lại lùi vô thời hạn... Luật Biểu tình (7). Không chỉ cái tựa, mà mở đầu bài báo cũng thêm câu đau đớn “Khó có thể tính được cho đến nay dự án Luật Biểu tình đã được lùi, hoãn, giãn bao nhiêu lần”.

 

Như thế để thấy cái tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát ngôn như ở trên là “lạ” đến thế nào.

 

Vẫn chưa hết gian nan, hai năm sau phát ngôn của Chủ tịch nước, 18 tháng sau khi ông qua đời, Bộ Công an vẫn đề nghị lùi thời gian trình sự thảo Luật Biểu tình” (8).  

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/ReadersOpinions/protests-luxury-word-for-the-vn-12072022091258.html/000_32lr3ej-1.jpg/@@images/737230b7-82cc-45a5-b478-39b67867cfba.jpeg

Toàn cảnh họp Quốc hội ở Hà Nội hôm 20/10/2022. AFP

 

“Xa xỉ” hơn Trung Quốc

 

Phải nói vậy đối với hai chữ “biểu tình”, bởi vì theo dõi diễn biến những ngày qua, người dân Trung Quốc trên hàng chục tỉnh thành đã biểu tình rầm rộ phản đối chính sách Zero COVID. Kết cục là chính quyền TQ đã bắt đầu có chỉ đạo nới lỏng chế độ kiểm soát dịch, nghĩa là nhân nhượng với người biểu tình (9). Trong khi đó thì ở VN, duy chỉ việc đưa tin đó thôi mà báo chí quốc doanh cũng không được, không dám. Đến khi TQ nới lỏng chính sách, báo VN cũng phải lặp lại cách lý giải của TQ, còn không dám nhắc đến chữ “biểu tình”, mà gọi nó là “những căng thẳng trong nước”. Thật đại xa xỉ cho hai chữ “biểu tình” chứ còn gì nữa.

 

Đã có những bình luận phán đoán về hiện tượng trên, dường như gồm hai lý do chính: lo ngại hiệu ứng domino lan truyền tới VN và không muốn làm mếch lòng “bạn vàng”, nhất là đúng ngay sau khi TBT Trọng mới sang đó nhận Huân chương Hữu nghị.

 

Nay lại mới có biểu tình lớn ở Mông Cổ, việc báo chí được đưa tin thoải mái cũng góp phần lý giải thêm hai lý do đó. Dễ hiểu, đâu phải sợ “mếch lòng” người bạn XHCN cũ nhỏ bé. Và cũng dễ hiểu thêm, rằng họ đâu còn là xứ cộng sản nữa, mà biểu tình ở những xứ theo “tư bản giãy chết” thì tội gì không đưa tin; nó còn góp thêm niềm tin cho dân chúng Việt là cứ lìa bỏ cộng sản thì ắt “đại loạn” thôi.

____________

 

Tham khảo:

 (1) 3714. “Cách mạng giấy trắng”: Trung Quốc mộng của Tập đang biến thành ác mộng

 (2) Hàng nghìn người Mông Cổ biểu tình để phản đối lạm phát và nạn hối lộ

 (3)  Tuổi Trẻ Online bị đình bản 3 tháng, phạt 220 triệu đồng

 (4) Cuối năm 2015 thông qua Luật biểu tình

 (5) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Yêu cầu không được rút dự luật biểu tình

 (6) Chủ tịch Quốc hội: Xin lùi Luật Biểu tình là thiếu nghiêm túc

 (7) Lại lùi vô thời hạn... Luật Biểu tình

 (8) Bộ Công an nói về Luật Biểu tình, người Trung Quốc 'lập xóm'

  (9) Trung Quốc phát tín hiệu điều chỉnh chiến lược Zero Covid

 

------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do





No comments:

Post a Comment

View My Stats