Bang
giao Việt – Mỹ: Từ những nốt trầm bế tắc có dẫn đến sự đóng băng quan hệ?
Bình luận của Mai Diện
2022.12.08
Ngay phần mở đầu của thông cáo ngày 2/12/2022, Hoa Kỳ
khẳng định những vi phạm quyền tự do tôn giáo (ở Việt Nam) đang gieo rắc sự
chia rẽ, xói mòn an ninh kinh tế và đe dọa đến sự ổn định chính trị và nền hòa
bình toàn cầu. Tính từ mùa hè năm 2022 đến nay, có lẽ đây là lần Mỹ phê phán Hà
Nội công khai nặng nề nhất, cho dù đây chưa phải là điểm tới hạn để chấm dứt mọi
ưu tiên dành cho Việt Nam trong bàn cờ Indo-Pacific đang ngày càng sôi động.
Tổng thống Mỹ Joe
Biden và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh,
Campuchia hôm 12/11/2022 (minh họa)
Những nốt trầm đen đúa
Trong thông cáo nói trên, Ngoại trưởng Mỹ
Antony Blinken tuyên bố đưa Việt Nam vào “Danh sách Theo dõi Đặc biệt” (Special
Watch List/ SWL). Ngay phần mở đầu của thông cáo, Hoa Kỳ khẳng định những
vi phạm quyền tự do tôn giáo (ở Việt Nam) đang gieo rắc sự chia rẽ, xói mòn an
ninh kinh tế và đe dọa đến sự ổn định chính trị và nền hòa bình toàn cầu. “Hôm
nay tôi đưa Algeria, Cộng hòa Trung Phi, Comoros và Việt Nam vào 'Danh sách
Theo dõi Đặc biệt' vì có tham gia hoặc đồng lõa với những vi phạm nghiêm trọng
về quyền tự do tôn giáo”, ông Blinken nhấn mạnh như thế và nói tiếp: “Đối
với các quốc gia vi phạm nghiêm trọng hơn thì các nước ấy đã bị Mỹ đưa vào diện
‘Các nước Quan ngại Đặc biệt’ (Countries of Particular Concern/ CPC) gồm Trung
Quốc, Cuba, Eritrea, Iran, Nicaragua, Bắc Triều Tiên, Pakistan, Nga, Saudi
Arabia, Tajikistan và Turkmenistan”. Cho đến nay, Việt Nam chưa đưa ra phản
hồi chính thức về thông cáo này của chính phủ Mỹ. Việt Nam luôn khẳng định tự
do tôn giáo là “sự thật không thể xuyên tạc” (1). Trong khi ai cũng biết, những sự thật ấy chẳng cần phải
xuyên tạc!
Dẫn chứng một trong hàng loạt điển hình các vụ
vi phạm: Sáng 2/11 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Long An mở lại phiên phúc thẩm
xét xử vụ án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước,
quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” đối với bị cáo Lê Tùng Vân (90 tuổi)
và nhóm người từng ở tại nơi tự xưng “Tịnh thất Bồng Lai” hay “Thiền am bên bờ
vũ trụ”. Bị cáo Lê Tùng Vân vắng mặt. Năm bị cáo còn lại đang chấp hành án sau
phiên tòa sơ thẩm đều được đưa đến tòa (2). Tại phiên tòa, cả các bị cáo đều cho rằng mình bị oan,
không phạm tội, không vu khống, không bôi nhọ xúc phạm ai... và không thừa nhận
hành vi bị truy tố như cáo trạng nêu. Nhà văn Trần Quốc Quân đang sống tại
Warsaw (Ba Lan) đăng tải bài viết “Công lý ở nước ta là cái lý của cơ quan công
quyền” trên trang Facebook cá nhân. Bài viết có đoạn: “’Tội lợi dụng quyền tự
do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân’ đang được
sử dụng như một công cụ để buộc các nghi phạm phải nhận tội”. Võ sư Đoàn Bảo
Châu (Facebook Chau Doan) bày tỏ sự phản đối với bản án, cho rằng việc bỏ tù
ông Lê Tùng Vân là vô nhân đạo. “Phiên toà thể hiện quyền lực một cách vô lối
chứ không phải là việc thực thi công lý. Nó áp đặt nỗi sợ lên công dân”. (3)
Sau tự do
tôn giáo lại đến gian lận thương mại. Hôm 5/12/2022, truyền
thông Nhà nước Việt Nam dẫn nguồn Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công thương
Hà Nội cho biết, theo thống kê sơ bộ từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ
(USITC), vào thời điểm năm ngoái, Việt Nam đã xuất sang thị trường Mỹ khoảng 18
triệu USD sản phẩm ghim dập. Số này chiếm chừng 12% tổng kim ngạch nhập khẩu sản
phẩm này vào Hoa Kỳ, đứng hàng thứ ba sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Vào năm 2019,
kim ngạch sản phẩm ghim dập của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ chỉ mới là hai triệu
USD, nhưng đến năm 2020 tăng đột biến lên 16 triệu USD và năm ngoái là 18 triệu.
Trong thời gian 30 ngày, có thể gia hạn thêm 15 ngày, kể từ ngày nhận đơn, DOC
Hoa Kỳ sẽ xem xét biện pháp khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế đối với vụ
việc sản phẩm ghim dập của Việt Nam nhập vào thị trường Mỹ. (4)
Trước đó, ngày 2/11/2022, trả lời truyền thông
quốc tế về quan điểm của Mỹ sau Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ lần thứ 26, diễn
ra và kết thúc âm thầm tại Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay: “Chúng
tôi tiếp tục thúc giục Chính phủ Việt Nam bảo vệ quyền tự do ngôn luận và các
quyền tự do cơ bản khác và đảm bảo các hành động của Chính phủ phù hợp với Hiến
pháp Việt Nam cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam… Và Mỹ vẫn
lo ngại trước xu hướng ngày càng nghiêm trọng trong việc giam giữ và kết tội
công dân Việt Nam, vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận của họ như đã được ghi
trong Hiến pháp Việt Nam… Hai bên đã có cuộc đối thoại 'thẳng thắn', tập trung
vào một loạt các vấn đề liên quan đến quyền con người và quyền lao động, bao gồm
quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tín ngưỡng, pháp quyền và cải cách luật
pháp, và quyền của các thành viên của các nhóm dân số bị gạt ra ngoài lề xã hội
như LGBTQI +, thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số và người khuyết tật”. (5)
Phó tổng thống
Mỹ Kamala Harris và Thủ tướng Phạm Minh Chính ở Hà Nội hôm 25/8/2021. AFP
Mỹ vẫn chưa hết “kiên nhẫn chiến lược”
Điều quan ngại lớn là Hà Nội dường như phản ứng
rất tiêu cực liên quan đến mọi đóng góp của Hoa Kỳ cũng như cộng đồng quốc tế đối
với sự xuống dốc của trào lưu dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo và xã hội dân
sự ở Việt Nam trong suốt những năm gần đây. Hà Nội luôn cho rằng, mọi nhận xét
mang màu sắc tiêu cực của các tổ chức quốc tế về các vấn đề liên quan đến Việt
Nam đều do không hiểu hết tình hình, không khách quan, thậm chí đó là những ý
kiến từ các thế lực thù địch. Trong khi sự thật là xã hội Việt Nam ngày càng trở
nên sa đoạ và tha hoá. Những tội ác xảy ra ngày càng nhiều, càng ghê
rợn. Tình, tiền, thù hận là những nguyên nhân trực tiếp, nhưng nguyên nhân sâu xa hơn, dẫn tới thù hận đến từ đâu? “Việt Nam luôn tự hào về
sự ổn định, an ninh chính trị do sự khống chế nghiệt ngã đối với dân
chủ, tự do và nhân quyền, nhưng rõ ràng xã hội đang vô cùng bấn loạn,
tội phạm nghiêm trọng đang ngày càng gia tăng. Tội ác gây ra bởi vô
số nguyên nhân, nhưng nhiều hơn và tệ hại hơn cả là do
không được giáo dục đúng, vô đạo đức, hiếu thắng, kiêu căng, tự cao
tự đại…” (6)
Trong Báo cáo quốc gia về thực tiễn nhân quyền
năm 2021, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động công bố hồi
tháng 4/2022 về Việt Nam, có đoạn viết như sau: “Các tổ chức phi chính phủ ước
tính rằng đến tháng 8/2021, nhà chức trách đã giam giữ từ 130 đến 288 cá nhân
vì lý do chính trị. Còn theo giới truyền thông, từ ngày 1/1 đến 9/11/2022, nhà
chức trách đã tạm giam 29 người và kết án 27 người vì họ thực hiện các quyền
con người đã được quốc tế công nhận, chẳng hạn như quyền tự do biểu đạt, tự do
hội họp hòa bình và tự do lập hội. Đa số những người bị bắt và bị kết án có
liên hệ đến việc đăng blog trực tuyến, và các bị cáo bị kết án về tội “làm,
tàng trữ, phát tán, truyền bá thông tin, tài liệu, đồ vật” nhằm chống lại nhà
nước và “lạm dụng các quyền tự do dân chủ”. Điển hình nổi bật là vào
ngày 5/1/2022, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên án phạt tù đối với
ba thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam về tội tuyên truyền chống nhà nước.
Phạm Chí Dũng, người sáng lập và chủ tịch Hội, bị tuyên phạt 15 năm tù về tội
“làm, tàng trữ, phát tán, truyền bá thông tin, tài liệu, đồ vật nhằm chống Nhà
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đồng nghiệp của ông Dũng, Nguyễn Tường
Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn mỗi người bị tuyên phạt 11 năm tù về một tội mà tòa án
mô tả là “tội phạm nguy hiểm đe dọa an ninh quốc gia và trật tự công cộng”. (7)
Mặc dầu có những nốt trầm đen đúa như đã phân
tích nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu rõ rệt về việc bang giao Mỹ – Việt sẽ bị đóng
băng. Cho đến nay, mặc dầu “lộ trình” quan hệ song phương, đặc biệt là thời điểm
và nội dung cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden và TBT Nguyễn Phú Trọng vẫn “biệt
vô âm tín”, nhưng Washington vẫn tỏ ra mềm mỏng khi Hà Nội cố tình chơi ván bài
địa-chính trị trong chiến lược Indo-Pacific của Mỹ và phương Tây. Gần đây nhất,
qua chuyến thăm Trung Quốc của TBT Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã dùng mối quan
hệ “yêu – ghét” với Trung Quốc để khiến Hoa Kỳ phải bối rối. Ông Phil
Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) khu vực châu
Á nói với truyền thông quốc tế như thế hôm 2/11/2022. Theo ông Robertson, chính
phủ Việt Nam đôi khi đứng về phía Hoa Kỳ chống lại các hành động của Trung Quốc
trong các vấn đề hàng hải (trên Biển Đông), nhưng nhiều những lần khác lại hợp
tác rất chặt chẽ với chính quyền Bắc Kinh, quốc gia cũng vi phạm trắng trợn các
quyền con người (8). Chính quyền Mỹ hiểu rất rõ tình trạng “cắc cớ” này
trong quan hệ song phương và cho đến nay, Washington vẫn chấp nhận “lối đi hàng
hai” của Hà Nội. Ngày 5/12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính khi tiếp cựu Đại sứ
Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak, hiện là Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc
điều hành khu vực của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC) cùng các doanh
nghiệp Hoa Kỳ, đã đánh giá cao và cảm ơn vai trò và hoạt động tích cực của
USABC trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại – đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ, đồng
thời cảm ơn sự ủng hộ và hợp tác của các tập đoàn với các đối tác Việt Nam thời
gian qua, góp phần tích cực vào sự phát triển của Việt Nam nói chung và quan hệ
Việt Nam – Hoa Kỳ nói riêng. (9)
_________
Tham khảo:
1.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vn-us-special-watch-list-12032022085122.html
3.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c72qq4qn97po
6.
http://bon-phuong.blogspot.com/2022/12/tai-sao-xa-hoi-viet-nam-cang-ngay-cang.html
7.
https://vietnamthoibao.org/vntb-nguoi-viet-khong-con-man-ma-ve-cac-doi-thoai-nhan-quyen/
8.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-63481655
9.
https://www.voatiengviet.com/a/6864485.html'
------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
No comments:
Post a Comment