Đá
vỉa hè ở Hà Nội ‘mưa xuống tự vỡ’: lối bao biện trơ tráo, vô trách nhiệm!
RFA
2022.12.09
Với việc đá lát vỉa hè 'độ bền 70 năm' ở Hà Nội sớm
nứt vỡ, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng do ‘mưa xuống bị giãn nở, tự vỡ’... Ông
Võ Nguyên Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân
thành phố Hà Nội hôm 8/12/2022, đã cho biết như vừa nêu khi giải thích về tình
trạng đá lát vỉa hè ở nhiều quận, huyện có độ bền kỳ vọng 70 năm nhưng nhanh
chóng xuống cấp, nứt vỡ chỉ sau vài năm sử dụng.
Vỉa hè Hà Nội xuống cấp
sau khi cải tạo thay đá chỉ vài năm. Screen
capture from RFA TV
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống, có thể có nhiều nguyên
nhân làm đá vỡ:
“Cũng
có thể do thi công, thi công không phẳng chẳng hạn, thi công gập ghềnh thì có
thể gãy ra. Nhưng cũng có thể do chất lượng đá quá kém, vì gãy như thế có nhiều
nguyên nhân, nhưng cái nguyên nhân do trời mưa thì nguyên nhân đó không đúng,
tôi bác bỏ. Trong chuyện này nguyên nhân tham nhũng để tạo ra chất lượng kém là
có. Thế còn chất lượng kém ở khâu nào? Ở khâu thi công hay khẩu vật liệu thì cần
phải khảo sát.”
Ông Nguyễn Hữu Quảng, Chủ tịch
Hiệp hội làng nghề đá Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, khi trả lời báo
chí Nhà nước hôm 9/12 khẳng định: ‘Lát vỉa hè ở Hà Nội nếu dùng loại đá tốt,
lát đúng tiêu chuẩn thì đá chỉ mòn đi chứ không hỏng được. Có thể đá bị om nhưng không có chuyện đá ngấm nước
bị giãn nở, tự vỡ.’
Vỉa hè Hà Nội xuống cấp
sau khi cải tạo thay đá chỉ vài năm. Screen capture from RFA TV.
Ông Trí, một cán bộ về hưu sinh sống lâu năm ở Hà Nội hôm
9/12, cho biết ý kiến về việc này:
“Ở Việt
Nam từ thời xa xưa đá đã được dùng để lát sân, lót đường, lợp mái, xây tường,
xây cầu cống... Ngay gần Hà Nội, làng Phù Lưu nay là khu phố Phù Lưu thuộc phường
Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, tức cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 - 17
cây số, có những con đường lát đá xanh. Nhưng đá này không phải đá tốt mua từ
Thanh Hóa, chỉ mua từ Đông Triều - Quảng Ninh, đường dài tổng cộng 1.700m, làm
từ năm 1933 tức là tới nay đã gần 90 năm mà đến nay vẫn hầu như còn nguyên vẹn
phục vụ người dân và đủ loại xe cộ qua lại hành ngày. Vì thế trước sự việc 255
tuyến hè phố ở Hà Nội mới được lát lại bằng đá tự nhiên trong vòng sáu năm qua,
với kỳ vọng có tuổi thọ lên đến 70 năm, thậm chí 100 năm... mà đến nay phần lớn
đã xuống cấp trầm trọng, tôi hoàn toàn có thể khẳng định sự yếu kém về thiết
kế thi công và cả về vật liệu xây dựng.”
Ông Trí lưu ý thêm một điểm, đây chỉ là hè phố chứ không phải là con đường
giao thông như ở làng Phù Lưu, tức là mức độ chịu tải ít hơn rất nhiều... Ông
nói tiếp:
“Ở Việt
Nam như chúng ta biết có hẳn một Viện Vật liệu Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng và
nhiều cơ quan khác có chức năng nghiên cứu quản lý về xây dựng, nhưng rất lạ là
những ngày qua chưa thấy chuyên gia nào của những cơ quan này lên tiếng về sự
việc xuống cấp của hè phố Hà Nội. Còn lý giải của Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội
thì tôi cũng hoàn toàn tán thành với dư luận, đây là những lý giải mang tính bao biện một cách trơ
tráo, trái với thực tế, không có căn cứ khoa học.”
Với sự thất thoát lãng phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng như vậy, thì ông
Trí cho rằng, nếu thanh tra, điều tra rốt ráo, sẽ có rất nhiều kẻ vô trách nhiệm,
tham ô lãng phí phải bị ngồi tù, phải đền bù thiệt hại, phải khắc phục hậu quả...
RFA hôm 9/12 nhiều lần liên lạc Sở Xây dựng Hà Nội và Viện Vật liệu xây
dựng để tìm hiểu thông tin về việc này, nhưng mọi cố gắng đều không thành công.
Từ cuối năm 2012, thành phố Thủ đô của Việt Nam thực hiện đề án ‘Cải tạo,
chỉnh trang hè phố Hà Nội đến năm 2020’. Sau khi đề án được phê duyệt, Ủy ban
Nhân dân thành phố Hà Nội đã chấp thuận với đề xuất cải tạo, làm mới hè phố sử
dụng vật liệu là đá tự nhiên thay thế gạch xi măng truyền thống. Tuy nhiên theo
truyền thông Nhà nước, rất nhiều tuyến vỉa hè chỉ sau một thời gian ngắn đưa
vào sử dụng đã xuất hiện tình trạng xuống cấp, mặt đá bị vỡ nát...
Trong khi theo đề án được duyệt, những tuyến vỉa hè trên đều được lát bằng
loại đá tự nhiên được cho là có độ bền 70 năm.
Một người dân Hà Nội không nêu danh tánh nói với RFA liên quan vấn đề
này:
“Độ dày
không đảm bảo, thứ hai nữa công trình làm về bên rải nền trước mặt phẳng, phần
lớn vật liệu nhiều quá, làm quá sơ sài... Nói như thế là nói láo thôi, đa số là
dán lại là nhiều... Vỉa hè, nhất là chỗ đường lên xuống làm chưa có gì hợp lý,
dân ở đây đi ngã một ngày chục người, ngã ở ngay chỗ nhà tôi...”
Một kỹ sư xây dựng ở Hà Nội không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trả
lời RFA liên quan vấn đề này cho rằng, các đơn vị thi công vẫn có thể đảm bảo
chất lượng tốt cho công trình. Thế nhưng, trong quy trình thi công, bởi do các
yếu tố về lợi nhuận và chia chác, chung chi… nên chất lượng của công trình
không thể bảo đảm chất lượng như mong muốn. Về việc lát đá vỉa hè sau khi sử dụng
một vài năm bị hư hỏng, ông nói:
“Bây giờ
đơn giản là làm vỉa hè cho người đi bộ thì một người đi trên vỉa hè rất nhẹ. Thế
nhưng xe máy chạy trên vỉa hè thì làm sao mà không hỏng? Làm đường cho người đi
bộ và làm đường cho xe cơ giới, mà trong lĩnh vực xây dựng thì tính chất khác
nhau. Do đó, làm đường vỉa hè mà xe máy chạy trên đó thì làm sao đảm bảo được?”
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội, khi trả lời Báo Điện
tử VietnamPlus sáng ngày 9/12/2022, cho rằng: “Thông tin
đá vỉa hè khi mưa xuống thì bị giãn nở, tự vỡ là câu trả lời thiếu trách nhiệm.
Điều này làm cho cộng đồng xã hội rất ái ngại về khả năng chuyên môn của người
đứng đầu ngành xây dựng Thủ đô.”
No comments:
Post a Comment