Thursday 16 June 2022

XĂNG DẦU TĂNG GIÁ, AI CÓ LỖI? (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Xăng dầu tăng giá, ai có lỗi?

Hiếu Chân/Người Việt

 June 14, 2022

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/xang-dau-tang-gia-ai-co-loi/

 

Giá xăng dầu ở Mỹ đang ở mức cao kỷ lục. Theo dữ liệu của Hiệp Hội Xe Hơi Mỹ (AAA), giá xăng đã tăng tám tuần liên tiếp, tăng thêm 15.7 cent trong tuần qua, lên mức trung bình $5.016 mỗi gallon cho loại xăng thường (regular).

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/06/A1-Xang-dau-tang-gia-1068x717.jpg

Ủy Ban Tài Chính Thượng Viện dự định áp thuế phụ thu (surtax) 21% lên phần lợi nhuận tăng thêm của các công ty dầu khí có doanh thu hằng năm trên $1 tỷ, bởi vì trong lúc người Mỹ phải trả nhiều tiền hơn để đổ đầy bình xăng xe thì các công ty Big Oil thu được lợi nhuận kỷ lục. (Hình minh họa: Justin Sullivan/Getty Images)

 

Tại California, giá xăng thường dao động trong mức $6.438/gallon, cao hơn 28% so với giá bình quân cả nước; quận hạt Mono giáp Nevada có giá xăng cao nhất $7.322/gallon trong khi quận hạt Imperial gần San Diego có giá thấp nhất $6.215/gallon.

 

Cùng thời gian này năm ngoái giá xăng chỉ bình quân cả nước là $3.080 mỗi gallon; cùng ngày này tháng trước, giá xăng chỉ $4.45 mỗi gallon.

 

Theo các nhà phân tích, sau khi điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát, mức giá xăng hiện nay đang ở mức cao hơn cả thời kỳ khủng hoảng năng lượng cuối thập niên 1970.

 

Giá xăng cao là mối lo lớn của người Mỹ, do dân Mỹ đi lại chủ yếu bằng xe hơi cá nhân và tiền đổ xăng chiếm tỷ lệ lớn trong chi tiêu của gia đình. Không chỉ như vậy, giá xăng tăng còn kéo theo giá tất cả các loại hàng hóa khác vì hàng hóa nào cũng cần có năng lượng để sản xuất và cần xăng dầu để vận chuyển ra thị trường.

 

Báo cáo hằng tháng của Bộ Lao Động Hoa Kỳ công bố sáng Thứ Ba, 14 Tháng Sáu, cho biết chỉ số giá của nhà sản xuất (producer price index – PPI) – tức là mức tăng giá trước khi hàng hóa đến tay người tiêu dùng – đã tăng tới 10.8% so với cùng kỳ năm ngoái, dù mức tăng của Tháng Năm có chậm lại một chút so với Tháng Tư (10.9%) và Tháng Ba (11.5%).

 

Tương ứng với chỉ số giá của nhà sản xuất, chỉ số giá tiêu dùng (consumer price index – CPI) – thường gọi đơn giản là lạm phát – cũng tăng mạnh. Lạm phát Tháng Năm được ghi nhận ở mức 8.6%, mức cao nhất trong bốn mươi năm qua. Không chỉ xăng dầu và thực phẩm tăng giá mà giá các loại hàng hóa, dịch vụ khác như giá thuê nhà, giá xe hơi cũ và mới, dịch vụ y tế và quần áo giày dép cũng tăng, chứng tỏ lạm phát đang lan rộng ra toàn nền kinh tế.

 

Giá xăng là hiện tượng toàn cầu

 

Nhưng do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nhất, quen thuộc nhất của người Mỹ nên giá xăng cao thu hút sự quan tâm đặc biệt và buộc chính phủ liên bang phải đau đầu tìm cách đối phó.

 

Theo quan sát, giá xăng dầu không chỉ tăng ở Hoa Kỳ mà trên toàn thế giới. Trong lúc người dân Mỹ phải trả hơn $5 cho mỗi gallon tại cây xăng thì ở rất nhiều nước khác, người dân phải trả cao hơn nữa. Ví dụ ở các nước Châu Âu, từ nơi có giá thấp nhất là Bồ Đào Nha tới nơi cao nhất là Na Uy, giá xăng dao động trong khoảng $8.4 đến $10.8 mỗi gallon. Đặc biệt lãnh thổ Hồng Kông có giá tới $11.2 mỗi gallon xăng. Còn ở Việt Nam, giá xăng đang rục rịch vượt qua mức $5.255 mỗi gallon, bằng với giá xăng ở Úc dù thu nhập của người dân Việt Nam rất thấp so với Mỹ, Úc và các nước phát triển khác. Có chung biên giới với Mỹ, nước Canada cũng sản xuất xăng dầu nhưng giá xăng ở Canada hiện gần $9 mỗi gallon, gần gấp đôi so với Mỹ.

 

Như vậy giá xăng cao là một hiện tượng toàn cầu. Theo các nhà phân tích, yếu tố quan trọng nhất đẩy giá xăng lên cao là giá dầu thô thế giới. Sau một thời gian giữ giá thấp do đại dịch COVID-19 làm sức tiêu thụ xăng dầu bị giảm, từ Tháng Tư năm nay, giá dầu thô tăng mạnh trở lại, hiện đã lên mức $120 mỗi thùng. Nên để ý vào thời gian đầu của đại dịch, khoảng Tháng Tư, 2020, giá dầu thô có lúc bị âm, tức bán dưới $0, vì nhu cầu tiêu thụ không còn, các kho dầu không còn chỗ để chứa lượng dầu sản xuất ra, buộc phải bán tháo. Bây giờ thì tình hình đã đảo ngược; tất cả các nước – trừ Trung Quốc – đều đã bãi bỏ biện pháp phong tỏa để phòng dịch, mọi sinh hoạt đi học, đi làm, đi du lịch đã phục hồi như thời trước đại dịch. Và do đó, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đã tăng mạnh trở lại mà nguồn cung ứng dầu thô không đáp ứng kịp.

 

Cơ Quan Thông Tin Năng Lượng (Energy Information Administration – EIA) cho biết, giá dầu thô chiếm khoảng 61% trong cơ cấu giá thành của xăng dầu, phần còn lại là chi phí lọc dầu (14%), tiếp thị, phân phối xăng dầu (11%) và thuế liên bang và tiểu bang (15%). Hồi Tháng Tư, 2020, giá dầu thô chỉ chiếm 25% giá xăng, tăng lên 52% vào thời điểm này năm ngoái và hiện đã hơn 61% trong khi các chi phí về lọc dầu, thuế và phân phối hầu như không thay đổi.

 

Giá dầu thô tăng cao phần lớn là do nguồn cung dầu không tăng, thậm chí bị giảm do ảnh hưởng cuộc chiến tranh ở Ukraine, các lệnh cấm vận dầu khí đối với Nga giữa lúc nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng nhanh sau thời kỳ đại dịch. Nga là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, sau Hoa Kỳ và Saudi Arabia. Trên thị trường cứ 10 thùng dầu bán ra thì có một thùng của Nga. Trước khi nổ ra cuộc xâm lược Ukraine hồi Tháng Hai năm nay, một nửa lượng dầu của Nga được bán sang Châu Âu, đem về cho ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, khoảng $10 tỷ mỗi tháng.

 

Ngay đến nước Mỹ – nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới – cũng nhập cảng khoảng 8% nhu cầu dầu thô từ Nga để cung ứng cho các nhà máy lọc dầu của Mỹ. Trong 100 ngày chiến tranh vừa qua, lượng dầu thô xuất cảng của Nga bị giảm mạnh do các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ, Châu Âu và nhiều nước khác; dù khi cấm vận Nga các nước này cũng phải chịu thiệt hại do nguồn cung dầu suy giảm, giá dầu tăng.

 

Không thể đổ lỗi cho chính quyền Biden

 

Vấn đề toàn cầu đòi hỏi một giải pháp toàn cầu. Bởi vì giá dầu được ấn định trên thị trường thế giới, không quốc gia nào có thể tránh được tác động của sự mất cân bằng, cung giảm cầu tăng của mặt hàng dầu mỏ hiện nay. Bản thân chính quyền Biden dù có nỗ lực đến đâu cũng không thể tự giải quyết bài toán giá xăng dầu. Các nhà độc tài như ông Vladimir Putin ở Nga, ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc có thể dùng quyền lực vô đối để can thiệp vào thị trường, buộc các trạm xăng [của nhà nước] phải bán xăng với giá thấp, có thể dùng ngân sách chính phủ để bù lỗ cho các nhà kinh doanh xăng dầu nhưng một tổng thống dân chủ như ông Joe Biden không có quyền làm như vậy.

 

Nhưng đã có nhiều ý kiến đổ lỗi cho chính quyền của Tổng Thống Biden gây ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu ở Mỹ, làm giá tăng không kiểm soát được. Một trong những lý lẽ phổ biến nhất được các vị dân cử đảng Cộng Hòa đưa ra là quyết định của chính phủ Hoa Kỳ hồi đầu tháng Năm bãi bỏ việc cho thuê đất của liên bang để khai thác dầu khí ở ngoài khơi vịnh Mexico và tiểu bang Alaska làm cho giá xăng dầu tăng!

 

Có người cho quyết định của ông Biden hủy bỏ đường ống Keystone dẫn dầu từ Canada tới các nhà máy lọc dầu ở Texas là yếu tố làm tăng giá dầu. Cũng có thuyết âm mưu nói chính quyền Biden của đảng Dân Chủ cố ý tạo ra tình trạng giá xăng dầu cao ngất ngưởng để lôi kéo người dân chuyển sang sử dụng các loại năng lượng tái tạo được như dùng xe điện (electric vehicle) thay cho xe chạy xăng, từ đó thúc đẩy các chương trình chống biến đổi khí hậu mà đảng này theo đuổi. Những lập luận này thật ra không có căn cứ.

 

Trong phạm vi thẩm quyền của mình, khi giá xăng tăng cao gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân Mỹ, ông Biden đã hai lần ra lệnh xả kho dầu dự trữ chiến lược của quốc gia để tăng nguồn cung, nhưng biện pháp đó chỉ như muối bỏ biển, chẳng ăn thua gì với một nước tiêu thụ tới gần 20 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, tương đương với 20% tổng sản lượng dầu toàn thế giới.

 

Các giới chức cao cấp trong chính phủ Mỹ cũng đã thương lượng với các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn như Saudi Arabia, UAE để yêu cầu họ gia tăng sản lượng, bù vào chỗ thiếu hụt mà nước Nga để lại trên thị trường, nhưng hầu như không có kết quả. Các nước xuất cảng dầu lớn ở Trung Đông một mặt không thể gia tăng sản lượng trong thời gian ngắn, một mặt đang hưởng lợi lớn nhờ giá dầu cao nên không muốn tăng sản lượng như yêu cầu của Hoa Kỳ.

 

Tổng Thống Biden sắp có chuyến công du đầu tiên tới Saudi Arabia có thể do bị thúc ép từ việc tìm giải pháp làm giảm giá xăng dầu. Chuyến đi của ông Biden có tính chất miễn cưỡng sau khi ông nhiều lần gọi Saudi Arabia là quốc gia bị xa lánh (pariah) do thành tích nhân quyền bất hảo và cuộc chiến tranh ở Yemen, nhưng là chính trị gia ông phải gạt bỏ cảm xúc cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ với đất nước.

 

Có một lập luận đang lan tràn trên mạng so sánh giá xăng dầu dưới thời Tổng Thống Donald Trump và thời Tổng Thống Joe Biden, theo đó thời ông Trump giá xăng rẻ, ngược lại với thời ông Biden, để cho rằng chính phủ của ông Biden và đảng Dân Chủ điều hành kinh tế kém cỏi. Lập luận này có thể ảnh hưởng lớn tới cuộc cạnh tranh chính trị giữa hai đảng lớn trong cuộc bầu cử Quốc Hội giữa kỳ sắp tới. Nhưng những người có quan điểm như vậy đã không lưu ý tới thực tế rằng nửa sau nhiệm kỳ của Tổng Thống Trump là thời gian hoành hành của đại dịch COVID-19, các thành phố bị phong tỏa trên khắp thế giới, du lịch bị tê liệt hoàn toàn, không ai có nhu cầu đi lại, không cần mua xăng dầu và do đó giá xăng giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử khi giá dầu thô bị âm. Đó không phải là thành tích điều hành kinh tế của ông Trump hay đảng Cộng Hòa.

 

Vấn đề ở các công ty dầu khí

 

Đảng Cộng Hòa đánh tiếng cho biết, nếu họ giành lại được đa số ghế trong Quốc Hội sắp tới, họ sẽ đảo ngược các quyết sách của chính quyền Biden, thúc đẩy việc khai thác dầu mỏ của Mỹ, giảm các thủ tục hành chánh để cho phép các tập đoàn dầu khí được thuê mướn dễ dàng hơn các khu đất có dầu hiện thuộc sở hữu của chính quyền liên bang và giảm thuế khai thác dầu khí.

 

Trước mắt, đảng Cộng Hòa muốn chính phủ rút lại lệnh tạm hoãn khoan dầu ở Alaska và vịnh Mexico, coi đó là biện pháp cấp bách để tăng sản lượng, hạ giá dầu. Trước đại dịch, các công ty dầu Hoa Kỳ đã sản xuất gần 13 triệu thùng dầu mỗi ngày, hiện chỉ còn dưới 12 triệu thùng và các chính trị gia Cộng Hòa muốn phục hồi mức sản lượng cũ.

 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành không đồng ý như vậy. Thực tế chính quyền Biden đã nhiều lần nài nỉ các công ty dầu của Mỹ tăng sản lượng mà không thành công. Cũng như các nước Saudi Arabia và UAE, lãnh đạo các tập đoàn dầu lo ngại giá dầu sẽ rớt nếu họ tăng sản lượng quá nhanh. Ngay cả khi muốn tăng sản lượng, họ vẫn cần có thời gian vì trong thời đại dịch, nhiều mỏ dầu đã bị đóng cửa, công nhân bị sa thải, nay muốn phục hồi đã khó nói gì đến tăng sản lượng.

 

Hơn thế nữa, theo Giáo Sư Christopher Knittel, nhà kinh tế học về năng lượng của Viện Công Nghệ Massachusettes, các công ty dầu khí hiện không muốn khoan thêm những giếng dầu mới, không muốn tăng sản lượng vì họ lo ngại một cuộc khủng hoảng giá dầu mới khi thế giới đang chuyển mạnh sang sử dụng năng lượng tái tạo được. Một giếng dầu mới cần hoạt động rất nhiều năm mới thu hồi được vốn và họ so ngại giá dầu sẽ lại giảm mạnh trước khi các giếng mới được khai thác hết. Thiếu đầu tư đã dẫn tới sự giảm sút sản lượng dầu của Mỹ trong vài năm gần đây.

 

Tăng thuế có phải là giải pháp?

 

Một yếu tố có phần nghịch lý đang diễn ra là trong lúc giá xăng dầu tăng kéo theo lạm phát gây khốn đốn cho mọi gia đình thì các tập đoàn dầu khí đã thu được khoản lợi nhuận lớn nhất trong 40 năm qua. Phát biểu với các công nhân cảng Los Angles thứ Sáu tuần trước, Tổng Thống Biden nói: “Năm nay Exxon Mobil Corp. làm ra được nhiều tiền hơn cả ông Trời” và ông lên án các công ty dầu khí lớn như Chevron, Exxon Mobil đã lợi dụng tình trạng thiếu hụt xăng dầu để tăng giá; tiền lời được dùng vào việc mua lại cổ phiếu để làm lợi cho các cổ đông hơn là đầu tư để gia tăng sản lượng.

 

Theo lý lẽ của ông Biden, hôm 14 Tháng Sáu, Thượng Nghị Sĩ Ron Wyden (Dân Chủ-Oregon), chủ tịch Ủy Ban Tài Chính Thượng Viện, cho biết ông sẽ trình ra một dự luật áp thuế phụ thu (surtax) 21% lên phần lợi nhuận tăng thêm của các công ty dầu khí có doanh thu hằng năm trên $1 tỷ, ngoài phần thuế lợi tức thông thường mà các công ty phải đóng. “Trong lúc người Mỹ phải trả nhiều tiền hơn để đổ đầy bình xăng xe thì các công ty Big Oil thu được lợi nhuận kỷ lục, thưởng cho các CEO và các cổ đông giàu có lượng cổ phiếu khổng lồ và lạm dụng các lỗ hổng của luật thuế để tránh đóng thuế,” ông Wyden nói, theo Reuters. Ông Wyden nói thêm rằng thuế phụ thu chỉ nhằm điều tiết lợi nhuận của các công ty dầu khí mà không dựa trên giá xăng dầu và không phải thuế áp vào xăng dầu.

 

Việc tăng thuế lợi tức các công ty dầu khí có thể bị phản tác dụng. Viện Dầu Mỏ Hoa Kỳ – tổ chức vận động hành lang của các công ty dầu khí – cho rằng: “Các chính trị gia nên tập trung làm tăng nguồn cung dầu khí, giảm giá thành cho người Mỹ. Đặt thêm thuế khóa vào ngành của chúng tôi sẽ gây ra điều ngược lại và chỉ làm giảm đầu tư vào thời điểm cần đầu tư nhất.”

 

Bài toán giá xăng dầu xem ra chưa có lời giải chừng nào cuộc chiến tranh ở Châu Âu chưa kết thúc và thị trường dầu trở lại hoạt động bình thường. [qd]

 

==================================================

 

XEM THÊM :

Giá xăng dầu tăng kỷ lục : Lỗi tại Biden mọi đàng?

Mai Vũ Phạm

12 tháng 6, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/gia-xang-dau-tang-ky-luc-loi-tai-biden-moi-dang/

 

.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/Gia-xang-dau-Biden-1024x676.jpg

Giá xăng dầu ở California ngày 27 Tháng Tư, 2022. Ảnh: Mario Tama/Getty Images

 

Giá xăng dầu trung bình tại Hoa Kỳ vừa tăng trên mức $5/gallon. Một vận động viên boxing Mỹ nổi tiếng đăng trên tài khoản Twitter đổ lỗi giá xăng dầu tăng cao kỷ lục tại Hoa Kỳ là do Tổng thống Biden. Một comment đáp trả thu hút được rất nhiều sự ủng hộ cho biết: “Tôi đang ở Canada, giá xăng dầu hiện tại là $9/gallon. Vậy phải chăng đó cũng là do lỗi của Biden?”

 

Các yếu tố quyết định giá xăng dầu

 

Theo Viện Dầu Mỏ Hoa Kỳ (American Petroleum Institute) – Hiệp hội Thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ trong ngành công nghiệp dầu khí, các yếu tố chính tác động đến giá xăng dầu là giá dầu thô toàn cầu chiếm khoảng 61%, 14% cho chi phí lọc dầu, 11% chi phí phân phối và tiếp thị, cuối cùng thuế liên bang và tiểu bang chiếm 14%.

 

Như vậy, yếu tố thiết yếu quyết định giá cả mà người tiêu dùng phải trả khi đổ xăng dầu là giá dầu thô toàn cầu.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/Xang-dau-tang-Biden-2.png

 

 

Giá dầu thô được quyết định như thế nào?

 

Theo trang web thông tin của chính phủ Canada, giá dầu thô được ấn định và giao dịch trên thị trường toàn cầu. Ngoài ra, có thể di chuyển từ thị trường này sang thị trường khác dễ dàng bằng tàu, đường ống, hoặc xà lan. Kết quả là sự cân bằng cung và cầu quyết định giá dầu thô trên toàn thế giới. Giá cả khác nhau ở khắp các quốc gia phản ánh chi phí vận chuyển dầu thô đến thị trường đó và sự khác biệt về chất lượng giữa các loại dầu khác nhau.

 

Trong thời điểm hiện tại, các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự cung cầu của dầu thô thế giới bao gồm lạm phát toàn cầu, cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine và việc ngừng giao dịch dầu thô của Nga khỏi thị trường quốc tế, cũng như sự gia tăng nhu cầu sử dụng sau hai năm đại dịch COVID-19.

 

Tổng thống Mỹ có trách nhiệm với giá xăng dầu cao không?

 

Người tiêu dùng Hoa Kỳ đang phải đối mặt với giá xăng cao kỷ lục từ trước đến nay. Những người vốn không ủng hộ chính phủ Biden cho rằng Biden phải chịu trách nhiệm vì để giá xăng dầu tăng cao. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, yếu tố thiết yếu quyết định giá cả mà người tiêu dùng phải trả là giá dầu thô thế giới, chiếm 61% giá xăng dầu. Người đứng đầu chính phủ Hoa Kỳ không kiểm soát giá xăng dầu.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/GettyImages-1241222085-1024x683.jpg

Ảnh: JIM WATSON/AFP via Getty Images

 

Patrick De Haan, người đứng đầu bộ phận phân tích xăng dầu tại trang web uy tín GasBuddy, giải thích chi tiết hai chính sách của chính phủ Biden mà nhiều người cho rằng đã khiến giá xăng dầu tăng.

 

“Chính sách chính của Tổng thống Biden, trong đó có việc hủy bỏ Đường ống Keystone, không phải là một yếu tố ảnh hưởng đến giá xăng dầu tăng. Bởi vì trong thực tế, có rất nhiều đường ống khác để vận chuyển dầu thô đó từ Canada đến Hoa Kỳ. Vấn đề còn lại là Tổng thống Biden đã ban hành lệnh tạm hoãn khoan dầu mới. Nhưng, các công ty dầu mỏ vẫn chưa thực sự muốn tiến hành việc khoan dầu mới. (Tuy nhiên, hôm 15 Tháng Tư, Nhà Trắng đưa tin chính quyền Tổng Thống Joe Biden sẽ cho phép các công ty tiếp tục khai thác dầu khí trên đất liên bang trở lại để bổ sung nguồn cung). Vì vậy, cả hai yếu tố trên đều không có ảnh hưởng đến giá xăng dầu tăng.”

 

Khi được hỏi liệu Tổng thống Joe Biden có phải chịu trách nhiệm về việc giá xăng cao hơn ở Hoa Kỳ, Jeanette McGee, Giám đốc Truyền thông Đối ngoại của Hiệp hội Ô tô Hoa Kỳ (American Automobile Association) – McGee trả lời: “Điểm mấu chốt là giá xăng dầu luôn dao động bất kể ai đang ở Toà Bạch Ốc. Nếu bạn nhìn vào 16 năm qua, giá xăng dầu lên xuống bất kể ai đang là tổng thống.” Ông McGee nói thêm với VERIFY rằng hiệp hội thường được hỏi các quyết định của các tổng thống có thể tác động tới giá xăng dầu như thế nào.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/Xang-dau-tang-Biden-1.png

 

Hãy thử so sánh chi phí mà người tiêu dùng ở nhiều nước khác phải trả khi đổ xăng dầu. Tính đến ngày 6 Tháng Sáu, 2022, giá xăng dầu trung bình tại Hoa Kỳ là $5.037/gallon, tại Việt Nam là $5.255/gallon, tại Trung Quốc là $5.501/gallon, tại Úc là $5.363/gallon, tại Singapore là $8.7/gallon. Người dân Hong Kong hiện đang phải trả giá xăng dầu cao nhất thế giới là $11.2/gallon. Trong khi đó, người dân ở các quốc gia Bắc Âu giàu có đang phải trả với mức giá trên $10 cho một gallon.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/Xang-dau-tang-Biden.png

 

Tóm lại, không phải chỉ có người dân Mỹ mới phải trả giá xăng dầu cao. Thực tế là người tiêu dùng toàn cầu, bất kể quốc gia giàu hay nghèo, đang phải đối mặt với giá xăng dầu tăng chóng mặt.

 

Các tập đoàn dầu khí đa quốc gia báo cáo lợi nhuận kỷ lục trong những tháng đầu năm 2022. Rõ ràng, đối tượng phải chịu nhiều khốn khổ nhất luôn luôn là những người nghèo.





No comments:

Post a Comment

View My Stats