Saturday, 11 June 2022

VÌ SAO ĐỘC TÀI CHẬM TIẾN HƠN DÂN CHỦ (Luật sư Đào Tăng Dực)

 



Vì sao độc tài chậm tiến hơn dân chủ   

Luật sư Đào Tăng Dực   

11/06/2022

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=pfbid035HQtTrXfk9TkKdmMTBkzUzsG3AT7AGuBg76RJxqUaE91t7hDvc5wNb9KKHBUdHi8l&id=100009207787077

 

Như một người Việt Nam du lịch các nước Tây phương hoặc sinh sống trong cộng đồng người Việt tự do tại hải ngoại, chúng ta đều cảm thấy tự hào trước những thành tựu vượt bực của các cộng đồng Việt Nam trên trường quốc tế ở mọi lãnh vực từ kinh doanh, khoa học kỹ thuật, văn chương và học vấn.

 

Sự thành công của chúng ta không hề thua kém và nhiều lúc còn vượt trội các cộng đồng sắc tộc như Nam Hàn, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc vốn phát xuất từ nền văn hóa Đông Á nói chung. Sự thành công vượt bực này phần lớn nhờ bàn tay và khối óc tuyệt vời của dân tộc, tôi luyện qua gần 5,000 năm văn hiến và nở hoa trong môi trường sống dân chủ chân chính tại các quốc gia sở tại.

 

Tuy nhiên khi hướng về quốc nội, dưới chế độ cộng sản, chúng ta vô cùng tủi nhục khi nghe những người bạn Tây phương bình phẩm như sau: “Chúng tôi đã du lịch đất nước Việt Nam và rất yêu mến người Việt các bạn. Dân Việt rất hiếu khách và thân thiện. Nhưng chúng tôi xin lỗi phải nhận xét rằng, đất nước của bạn thiếu dân chủ, quá chậm tiến, nghèo khổ và môi trường thiên nhiên kém vệ sinh so với các quốc gia khác trong vùng Đông Á”.

 

Câu hỏi chúng ta phải đặt ra là:

 

Tại sao Trung Quốc Cộng Sản (GDP đầu người USD14,000) thua kém Đài Loan (GDP USD36,000).?

 

Tại sao Bắc Hàn (GDP USD1,300) Thua Kém Nam Hàn (GDP USD35,000)?

 

Tại sao Liên Bang Xô Viết thuở xưa và LB Nga hôm nay (USD12,575) thua kém Hoa Kỳ (GDP USD70,000) và các nước Liên Âu (GDP USD48,000)?

 

Và tại sao Việt Nam (GDP USD3,500) thua kém Đài Loan, Nam Hàn và Nhật Bản (GDP USD39,000) mặc dầu có cùng một chiều dài lịch sử và nguồn gốc văn hóa?

 

Lý do đơn giản là vì mô hình nhà nước độc tài, nhất là độc tài toàn trị cộng sản, trên phương diện quản trị kinh tế và phúc lợi cho nhân dân, hoàn toàn thua kém mô hình dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên.

 

Thật vậy, độc tài toàn trị chủ trương độc đảng, xóa bỏ biên giới giữa chính quyền và xã hội dân sự, kiểm soát tư tưởng của từng công dân cá thể, hủy diệt tự do tư tưởng và óc sáng tạo của toàn dân.

 

Độc tài nắm giữ chính quyền tuyệt đối bằng bàn tay sắt của quân đội và công an, không cho phép sự hiện hữu hợp pháp của bất cứ một phe nhóm đối lập nào.

 

Chỗ đứng duy nhất của đối lập là đoạn đầu đài hoặc nhà tù biệt giam hoặc quản thúc tại gia. Đảng CSVN vì tham quyền cố vị, đã hủy hoại sự đóng góp vô giá của nhiều nhân tài đất nước từ Trần Huỳnh Duy Thức đến Phạm Đoan Trang, Phạm Thanh Nghiên, Lê Công Định, Nguyễn Quang A, hàng trăm, ngàn và triệu tài năng khác của quốc gia.

 

Chính vì thế 2 yếu tố làm các quốc gia độc tài chậm tiến hơn các quốc gia dân chủ là:

 

1.- Một mặt, không còn một lực lượng chính trị đối lập nào để nhắc nhở những khuyết điểm của chính quyền hầu chấn chỉnh guồng máy điều hành quốc gia.

 

2.- Mặt khác, khi chính quyền xóa nhòa biên giới giữa họ và xã hội dân sự cũng như kiểm soát tư tưởng con người cá thể thì khả năng sáng tạo, kể cả sáng tạo của cải của nhân dân hầu như bị hủy diệt.

 

Ngược lại, tình trạng hoàn toàn khác biệt tại các quốc gia dân chủ.

 

Chẳng hạn tại Úc Đại Lợi (GDP USD67,464) ngày 21 tháng 5 vừa qua. Chính quyền Liên Đảng Tự Do – Quốc Gia thất cử trong cuộc tổng tuyển cử. Đảng Lao Động Úc thắng cử.

 

Lập tức từ vị trí đảng đối lập chính thức được pháp luật công nhận, Lao Động thành lập chính quyền với Tân Thủ Tướng Anthony Albanese và tân Nội Các, được tổng toàn quyền thay mặt Nữ Hoàng tuyên thệ nhận chức khoảng 2 ngày sau bầu cử.

 

Sự chuyển chính quyền giữa cựu thủ tướng của Liên Đảng Tự Do – Quốc Gia Scott Morrison và tân thủ tướng Lao Động Anthony Albanese của đảng Lao Động xảy ra trong ôn hòa và tương kính.

 

Chúa Nhật ngày 5 tháng 6 sau đó, tân lãnh tụ Liên Đảng Tự Do – Quốc Gia là Peter Dutton (sau khi cựu thủ tướng Scott Morrison rút lui khỏi chính trường vì Liên Đảng thất cử) đã ra mắt toàn dân tân “Nội Các Trong Bóng Tối” (Shadow Cabinet) còn gọi là “Nội Các Đối Lập” (Opposition Cabinet) tương đối cấp tiến và bao gồm 10 phụ nữ.

 

Sự kiện một chính đảng cầm quyền thất cử, chấp nhận thất cử, trở về vị trí đối lập, rút kinh nghiệm, học hỏi để chờ cuộc bầu cử sau. Sự kiện đảng đối lập thắng cử, thành lập chính quyền và cứ luân phiên như thế. Cả hai đều là hệ lụy của một tiến trình bình thường, không những tại Úc mà tại các quốc gia dân chủ phồn thịnh khác như Nam Hàn, Đài Loan hoặc Nhật Bản.

 

Vị trí của Đối lập tại các quốc gia độc tài là nhà giam hoặc đoạn đầu đài hoặc quản thúc tại gia. Vị trí của Đối lập tại Úc và các quốc gia dân chủ là một vị trí pháp định tại quốc hội, được chính quyền cung cấp tài chánh nghiêm túc, hầu luôn đủ khả năng chỉ trích những khuyết điểm của chính quyền.

 

Chính quyền trong một quốc gia độc tài luôn sợ hãi nhân dân. Nhân dân là kẻ thù, phải kiểm soát bằng quân đội và công an. Chính quyền trong một quốc gia dân chủ chân chính là của dân, do dân, vì dân và luôn tôn trọng đối lập chính trị.

 

Đó là các lý do chính vì sao dân chủ vượt trội độc tài.

 

Như thế muốn dân chủ hóa đất nước và đem lại phồn vinh cho dân Việt chúng ta phải làm gì?

 

Câu trả lời là:

 

1.- Phải hủy diệt mô hình nhà nước Mác Lê độc tài và lỗi thời,

 

2.- Trả tự do vô điều kiện tất cả các tù nhân chính trị và lương tâm,

 

3.- Hủy bỏ các điều khoản thô bỉ của Bộ Luật Hình Sự (BLHS) như điều 331(Lợi dụng quyền tự do dân chủ).

 

4.- Tu chính hiến pháp hầu hiến định hóa mô hình dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, trong đó vai trò của đối lập chính trị được tôn trọng tuyệt đối.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats