Sunday 12 June 2022

VỀ DIỄN VĂN CỦA HIỆU TRƯỞNG NGUYỄN VĂN MINH (Chu Mộng Long)

 



Về diễn văn của hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh

Chu Mộng Long

12/06/2022

https://baotiengdan.com/2022/06/12/ve-dien-van-cua-hieu-truong-nguyen-van-minh/

 

Báo chí ngợi ca, dư luận phản kích về phát ngôn của ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Hà Nội.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/06/1-17-630x420.jpg

Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh mong các sinh viên hãy trung thực, khiêm tốn. Ảnh: Báo LĐ

 

Tôi không đọc toàn văn diễn văn của ông. Cho nên chỉ bình luận nội dung đoạn trích mà báo chí và dân mạng đưa ra để ngợi ca hoặc phản kích:

 

Chúng ta đang ở giữa những biến động của thời cuộc, giữa những giá trị có lúc bị xê dịch nên những ai không đủ can đảm và bản lĩnh thì rất khó thực hiện tốt trọng trách cao quý của mình. Nếu mục đích tối thượng chỉ là tiền bạc thì nghề dạy học sẽ không thỏa mãn cho bạn, nên tìm việc khác phù hợp hơn; và nếu chỉ vì điều đó mà đánh mất lòng tự trọng thì không nên chọn làm nhà giáo. Hãy đủ tỉnh táo để có một quan niệm về ý nghĩa của cuộc đời và công việc một cách dung hòa“.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/06/1-16.jpg

Báo Lao Động

 

Thử thách gần 30 năm trong nghề, tôi cũng đã từng nói trước sinh viên, học viên như ông đã nói. Thậm chí, trước hiện tượng be bét về đạo đức, tư cách của nhà giáo, tôi còn nặng lời đến mức, nếu mục đích tối thượng là làm tiền thì các bạn hãy chọn nghề đi buôn hoặc làm đĩ. Dù hoàn cảnh lương thấp, nghèo đói đến cùng cực, cũng không thể mang nghề buôn và nghề đĩ vào ngành giáo dục!

 

Gần ba mươi năm thử thách với cái nghèo, cái đói, có lúc tôi tưởng chừng đã sa ngã vì một vài cái phong bì đút nhét từ học viên, một vài bữa ăn, bữa nhậu để bôi trơn con điểm, nhưng tôi đã tỉnh táo nhận ra, đó là hành vi khốn nạn, bất lương. Điều đó có thể tồn tại ở đâu, không thể tồn tại trong ngành giáo dục. Lòng tham và sự dối trá có sẵn trong tiềm năng ma quỷ ở mỗi con người, nhưng khi đóng vai một nhà giáo rao giảng những điều tốt đẹp, giữa lời nói không đi đôi với hành động, chính nhà giáo đã vả vào mồm mình và bị người đời khinh bỉ.

 

Tôi rất chia sẻ với phát ngôn của ông Nguyễn Văn Minh. Chỉ mong ông cũng nói đi đôi với hành động để làm gương cho hàng triệu người học.

 

Tất nhiên, dư luận phản kích ông theo chiều hướng cực đoan nhưng cũng có thể chia sẻ được. Bởi nếu chỉ nói một chiều luận đề về đạo đức nhà giáo, tất yếu người ta sẽ lợi dụng hay nhân danh đạo đức nhà giáo, biến nhà giáo thành kẻ bị bóc lột hay làm nô lệ. Thậm chí tai hại hơn khi nghề giáo bị đẩy xuống thành nghề dưới đáy của xã hội, không chỉ khốn cùng về vật chất mà còn khốn cùng về tinh thần, kéo theo làm tha hoá và giết chết trẻ em nhiều thế hệ.

 

Anh Minh tưởng tượng xem, khi đồng lương nhà giáo nằm ở đáy của thu nhập xã hội đã dẫn đến hậu quả thế nào? Trước tiên, nguồn đầu vào ngành sư phạm từ khi làm cách mạng đến nay vẫn nằm trong sự mỉa mai cay đắng: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Chuột ở đây mang cả hai nghĩa: bất tài lẫn vô đức. Có được mấy người vào ngành sư phạm không phải là chuột? Với cái nguồn đầu vào ấy, mỗi thầy cô giáo chúng ta đào tạo ra, có nỗ lực cách gì cũng khó biến “chuột” thành thầy.

 

Khi thầy là vốn loài gặm nhấm thì trong môi trường sư phạm dẫu có hàng trăm quy định về đạo đức nhà giáo, thầy cũng khó bỏ thói quen gặm nhấm: cao thì gặm từng cái dự án cải cách chương trình, sách giáo khoa, thiết bị, thấp thì gặm đến từng cái phong bì của phụ huynh, học sinh để bằng mọi giá có được tiền, không chỉ trang bị cho cuộc sống tối thiểu mà cả làm giàu cho bằng thiên hạ. Quy định đạo đức nhà giáo trở thành thứ mác, nhãn giả của con buôn, thành son phấn loè loẹt của con đĩ.

 

Hậu quả tai hại hơn sau đó là các thế hệ con cháu chúng ta cứ hết đời này đến đời khác, học điều tốt thì khó mà học cái thói con buôn và làm đĩ ấy thì dễ và có lợi hơn. Đau không?

 

Trong mọi thời đại và trong mọi ngành nghề, kẻ đứng đầu giáo điều và duy ý chí đều thất bại và để lại hậu quả lớn.

 

Tóm lại, mức lương cao hay thấp định giá cho giá trị “tôn sư trọng đạo” thật hay giả. Nhà nước chịu trách nhiệm về điều này, không ai khác chịu thay.

 

Ông có biết chính đời sống vật chất bị hạ đến đáy nhưng đòi hỏi tinh thần phải thanh cao đã biến nhà giáo thành người khổ hạnh và kết quả là, lý tưởng càng cao thì dục vọng càng bị kìm nén và nổi loạn, mỗi nhà giáo quyết giữ lấy lương tâm vẫn phải rơi vào cái kịch tính “hồn Trương Ba, da hàng thịt” không?

 

Tôi hiểu, trong cương vị hiệu trưởng một trường sư phạm lớn như ông, khó phát ngôn ra cái điều gọi là “nhạy cảm” trên. Nhưng đến lúc cần phải nói thẳng, nói thật để lột trần mọi thứ nhãn, mác giả tạo, rửa sạch thứ son phấn loè loẹt trong cái nghề khổ hạnh hơn mọi khổ hạnh, ông Nguyễn Văn Minh ạ.

 

.

18 BÌNH LUẬN  





No comments:

Post a Comment

View My Stats