Saturday, 4 June 2022

UKRAINE và VẤN ĐỀ TÁI THIẾT HẬU CHIẾN (Đỗ Kim Thêm)

 



Ukraine và vấn đề tái thiết hậu chiến

Đỗ Kim Thêm

02/06/2022

https://baotiengdan.com/2022/06/02/ukraine-va-van-de-tai-thiet-hau-chien/

 

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/06/1-5.jpg

Phí tổn tái thiết Ukraine sẽ mất khoảng 600 tỷ euro và nhiều thập niên. Nguồn: (DPA/ Information Internationale/ Benjamin Thuau)

 

Bối cảnh

 

Chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine đang diễn ra vô cùng sôi động. Điển hình là thảm cảnh dân chúng tỵ nạn ngày càng trầm trọng. Gần đây nhất, theo Phủ Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, kể từ khi có cuộc chiến cho đến nay, có trên 6 triệu 6 người dân tỵ nạn ở các nước lân cận, nhiều nhất là Ba Lan, và khoảng 7 triệu người tỵ nạn trong nước. Con số này sẽ còn thay đổi trong tương lai.

 

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, có ít nhất 243 trẻ em đã thiệt mạng, 446 bị thương và 139 mất tích, ngoài ra hơn 200.000 người đã được đưa đến Nga. Ngược lại, quân đội Nga ước lượng gần 1,6 triệu người Ukraine trong vùng ly khai đã được chuyển đến Nga, trong đó có gần 260.000 trẻ em. Đó là những thông tin mà không ai có thể kiểm chứng.

 

Trong khi các cơ sở hạ tầng của Ukraine bị tàn phá nặng nề, ước khoảng 50%, thì triển vọng về một cuộc hoà đàm đang lâm vào cảnh bế tắc.

 

Dù trong bối cảnh còn nhiều bất trắc như vậy, chính giới quốc tế đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề tái thiết hậu chiến cho Ukraine. Cụ thể là, Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Ủy ban Châu Âu và Quốc hội Mỹ đã phác thảo nhiều kế hoạch liên hệ, mà các quan tâm chính của giới hoạch định là ước lượng phí tổn tái thiết, tìm nguồn tài trợ, xác định vai trò lãnh đạo của Liên Âu và trách nhiệm bồi thường chiến tranh của Nga.

 

Phí tổn tái thiết

 

Hiện nay, Hoa Kỳ đã đưa ra con số ban đầu là khoảng 500 tỷ đô la, trong khi chính phủ Ukraine ước lượng lên đến trên 600 tỷ đô la. Chiến tranh còn tiếp diễn, nên các con số này không chính xác, tất nhiên, nó sẽ có thể còn lên cao hơn nữa.

 

Trong bài phát biểu qua video tại Davos cuối tháng 5, Tổng thống Volodymyr Zelenskyi cho biết, thời gian tái thiết kéo dài khoảng hơn một thập niên sau khi kết thúc chiến tranh. Dù không nêu rõ tổng số tiền mà Ukraine cần đến, nhưng ông cho biết, ít nhất hằng tháng Ukraine sẽ cần khoảng 5 tỷ đô la.

 

Nguồn tài trợ

 

Khó khăn hiện nay mà Ukraine đang gặp phải là các nguồn thu cho ngân sách đang giảm mạnh, nhất là các khoản thu từ thuế doanh nghiệp và xuất khẩu, trong khi kinh phí dành cho quốc phòng và phúc lợi xã hội tăng lên đáng kể. Kết quả của tình trạng này là ngân sách thiếu hụt trầm trọng. Theo ước lượng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đến cuối tháng 7 năm nay, số khiếm hụt ngân sách lên đến 15 tỷ đô la.

 

Để đáp ứng một phần lớn cho nhu cầu này, ngày 18/5 vừa qua, Liên Âu tuyên bố là sẽ viện trợ cho Ukraine khoảng 9 tỷ Euro qua hình thức hỗ trợ tài chính vĩ mô và các khoản vay với lãi suất thấp trong dài hạn.

 

Với nguồn cung ứng này, Ukraine có thể trang trải trước mắt các chi phí về các nhu cầu cơ bản và đặc biệt là tiếp tục trả lương cho quân nhân, công chức và người về hưu. Nhờ thế mà một phần nào các hoạt động kinh tế vẫn còn được duy trì.

Trong cuộc họp tại Petersberg gần Bonn (Đức) vào ngày 20/5, các Bộ trưởng Tài chính thuộc khối G7 đã cam kết viện trợ cho Ukraine 19,8 tỷ đô la cho năm nay, trong đó 9,5 tỷ đô la mới được cam kết tại cuộc họp, phần lớn là các khoản tài trợ không hoàn lại.

 

Một ngày trước đó, Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua một gói viện trợ khác cho Ukraine với 40 tỷ và nước này đã viện trợ 14 tỷ vào tháng 3.

 

Dù cộng đồng quốc tế viện trợ ào ạt cho Ukraine, nhưng trong thị trường tài chính, uy tín tín dụng của Ukraine không vì thế mà phát triển khởi sắc.

 

Ngược lại, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody, lại một lần nữa hạ thấp điểm tín dụng từ Caa2 thậm chí xuống còn Caa3 (gần như rác). Việc hạ điểm này tạo cho Ukraine một triển vọng bi quan và việc xuống điểm tệ hơn sẽ còn tiếp tục xảy ra. Vào đầu tháng 3, Moody đã hạ xếp hạng tín dụng của Ukraine xuống hai bậc từ B3 xuống Caa2.

 

Để biện minh cho quyết định này, Moody nhận định là: “Cuộc chiến kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu và tình trạng nợ công còn nguy cơ gia tăng, tất cả chứng minh là nền kinh tế Ukraine không bền vững trong trung hạn“.

 

Moody dự kiến, nhu cầu tài chính của Ukraine trong năm nay khoảng 50 tỷ đô la và nền kinh sẽ giảm 35%.

 

Vai trò của châu Âu

 

Chính giới Liên Âu tuyên bố rằng, Liên Âu đã và đang có trách nhiệm hỗ trợ cho Ukraine trong công cuộc chiến đấu chống Nga xâm lược, thì cũng sẽ có một mối quan tâm chiến lược trong việc tham gia tái thiết hậu chiến.

 

Dù đòi hỏi sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong công cuộc tái thiết cho Ukraine, nhưng Liên Âu cũng nhận ra tầm quan trọng của việc phối hợp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Hoa Kỳ và các định chế tài trợ khác.

 

Trong một cuộc họp gần đây tại Brüssel, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết, việc tái thiết Ukraine cũng sẽ tiến hành tương tự như kế hoạch Marshall cho châu Âu sau Đệ nhị Thế chiến.

 

Việc phác thảo chương trình tái thiết cho Ukraine cũng đã được đề cập tại Diễn đàn Davos năm nay.

 

Trong cuộc họp này, các chính giới quốc tế và chuyên gia kinh tế đồng thanh kết luận là: “Ngay cả khi chưa có hòa ước, hiện nay, chúng ta cần phải chuẩn bị cho công cuộc tái thiết, ít nhất về cơ sở hạ tầng, điện nước, trường học, đường xá và cầu cống, các lãnh vực này đang nằm trong sự kiểm soát của Ukraine. Chính phủ Ukraine sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc soạn thảo kế hoạch và thực hiện việc tái thiết”.

 

Trong tài liệu “Rebuild Ukraine” của Liên Âu được phổ biến gần đây, một trình tự cho “Nền tảng tái thiết Ukraine” sẽ phải được phê duyệt trước khi đi vào thực hiện.

 

Một mặt, mục đích kế hoạch là nhằm đánh giá toàn bộ các nhu cầu tái thiết của Ukraine và khả năng tài trợ của Liên Âu và các đối tác khác. Mặt khác, Liên Âu hy vọng, thông qua dự án tái thiết này, Ukraine sẽ được hiện đại hóa về kinh tế và về chính trị sẽ gần gũi hơn với Liên Âu.

 

Ngoài việc tái thiết cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục và gia cư, một trọng tâm đặc biệt của kế hoạch là xây dựng nhà nước pháp quyền và chống tham nhũng.

 

Theo tài liệu này, công cuộc đầu tư tái thiết cũng chỉ thực hiện theo các tiêu chuẩn của Liên Âu đề ra, có nghĩa là, phù hợp với các khuôn khổ chính sách về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và kỹ thuật số.

 

Để bảo đảm mục tiêu này, một quy định tương tự như với Quỹ Tái thiết Corona sẽ được áp dụng. Nếu các mục tiêu đề ra không đạt được, thì các khoản viện trợ sẽ không được thanh toán.

 

Chương trình “Tái thiết Ukraine” sẽ được tài trợ cụ thể như thế nào vẫn còn là vấn đề để giới hoạch định thảo luận, nhưng nhìn chung, nhu cầu chi xuất trong tương lai sẽ vượt qua khỏi khả năng hiện tại của các quỹ trong khung tài chính đa quốc gia. Do đó, tìm ra các nguồn tài trợ mới sẽ là vấn đề.

 

Để giải quyết, Liên Âu có đề cập đến những đóng góp bổ sung từ các quốc gia thành viên, sửa đổi khung tài chính thông qua các khoản vay. Cuối cùng, quyết định thuộc về giới lãnh đạo các nước thành viên.

 

Có nhiều chuyên gia đề xuất việc tái thiết Ukraine là thông qua các khoản nợ chung của Liên Âu, tương tự như Quỹ Tái thiết Corona.

 

Một công cụ như vậy là hợp lý về mặt kinh tế. Mặc dù chi phí tái thiết lên đến 600 tỷ đô la nghe có vẻ khổng lồ, nhưng thật ra, nếu so với đến sản lượng kinh tế của Liên Âu, đó chỉ là ba phần trăm.

 

Trong khi đó, một chương trình vay nợ mới chung cho các nước bị một số quốc gia bác bỏ, trong đó Đức đứng hàng đầu.

 

Trách nhiệm của Nga

 

Các nước Lettland, Estland, Litauen và Slowakei đã lên tiếng cho rằng Nga xâm lăng và gây thiệt hại cho Ukraine, thì Nga phải chịu trách nhiệm bồi thường cho việc tái thiết. Qua các biện pháp phong toả tài chính, các nước phương Tây đang nắm được một số lượng tài sản khổng lồ của nhà nước Nga và các đại gia. Do đó, giải pháp thực tế nhất là châu Âu sẽ trưng dụng trực tiếp số tiền này cho nhu cầu tái thiết.

 

Ngược lại, chính giới Đức đã lên tiếng phản đối biện pháp tịch thu này vì cho rằng vi phạm luật quốc tế và quốc gia. Theo các luật gia Đức, tài sản của quốc gia hay công dân cũng cần phải được luật pháp bảo vệ.

 

Nhưng mức độ bảo vệ đến đâu là vấn đề, tài sản nào là hợp pháp và không hợp pháp cần phân biệt, tiêu chuẩn cần xem xét là dòng tiền có liên hệ đến hoạt động của ngân hàng nhà nước hay thuộc về tư nhân. Đó là cơ sở để nhận định xem có thể trưng dụng cho Quỹ tái thiết.

 

Ngày 25/3 Liên Âu đã bắt đầu soạn thảo dự luật liên quan đến việc trưng thu các tài sản của Nga đang bị phong toả trong ngân hàng của châu Âu. Kết quả này cần được toàn thể 27 quốc gia thành viên đồng tình.

 

Nếu thành công, bước tiếp theo của Liên Âu sẽ là tổ chức bán đấu giá các dinh thự và du thuyền của các quan chức Nga, tiền thu được sẽ đưa vào một quỹ chung để giúp cho nạn nhân chiến cuộc.

 

Chiến tranh chưa kết thúc, nên triển vọng tái thiết chỉ là bước khởi đầu tranh luận và còn nhiều thời gian để thực hiện.

 

----------------

 

Bài liên quan: Điểm báo quốc tế: Ukraine và vấn đề tái thiết hậu chiến

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats