Tuesday, 21 June 2022

UKRAINA : MỘT THẾ HỆ CHÌM TRONG KHÓI LỬA và MỘT LIÊN HIỆP QUỐC "CHẾT NÃO" (Thụy My / RFI)

 



Ukraina : Một thế hệ chìm trong khói lửa và một Liên Hiệp Quốc « chết não »

Thụy My  - RFI

Đăng ngày: 20/06/2022 - 19:27

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20220620-ukraina-m%E1%BB%99t-th%E1%BA%BF-h%E1%BB%87-ch%C3%ACm-trong-kh%C3%B3i-l%E1%BB%ADa-v%C3%A0-m%E1%BB%99t-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c-ch%E1%BA%BFt-n%C3%A3o

 

Tuy thế giới đã chứng kiến Mariupol bị oanh tạc khốc liệt, thường dân Bucha bị thảm sát, nhưng lại không nhìn thấy cả một thế hệ nam thanh niên Ukraina đang bị vùi chôn trong lửa khói. Trong khi đó cơ chế Liên Hiệp Quốc trên thực tế đang bảo vệ Nga.

 

https://s.rfi.fr/media/display/bfa07ba0-f0b3-11ec-b77a-005056a97e36/w:1024/p:16x9/letang_01.webp

Các quân nhân Ukraina dự tang lễ của hai đồng đội tử trận tại Lviv, Ukraina, ngày 17/06/2022. REUTERS -

 

Những hình ảnh đi vào lịch sử

 

Les Echos trong bài « Ukraina bắt rễ ở phương Tây » chú ý đến việc rốt cuộc Emmanuel Macron đã đến Kiev. Hình ảnh thủ tướng Ý Mario Draghi và đồng nhiệm Đức Olaf Scholtz cùng với tổng thống Pháp đứng cạnh ông Volodymyr Zelensky trong thành phố Irpin hoang tàn đổ nát sẽ tồn tại mãi trong ký ức.

 

Muộn còn hơn không. Về địa chính trị, thời điểm được chọn lựa chưa bao giờ phù hợp như thế. Đó là lúc hỏa lực Nga bắt đầu tạo ra sự khác biệt ở Donbass, và sự ủng hộ của công luận phương Tây không còn nồng nhiệt như lúc ban đầu, khiến hơn bao giờ hết cần phải mạnh mẽ lên tiếng hỗ trợ Ukraina anh hùng trong cuộc chiến chống lại đế quốc Nga.

 

Theo tác giả, có những hình ảnh làm nên lịch sử như hình ảnh các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Ý và Rumani trên đây. Bằng máu và nước mắt, bằng sự chọn lựa dân chủ, Ukraina ngả hẳn về phương Tây. Nếu ngày 24/02, chiến tranh quay lại với châu Âu thì đến ngày 17/06, Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã đặt những cơ sở đầu tiên cho việc mở rộng trong tương lai.

 

Cám ơn Putin !

 

Bước tiến của quân Nga về hướng tây đã dẫn đến hệ quả là EU mở rộng về phương đông. Nhiều nước vùng Balkan đã chờ đợi gần 20 năm qua có thể phân bì, phải chăng cần bị Nga xâm lăng để được hưởng « fast track », thủ tục nhanh chóng chấp nhận tư cách ứng cử viên EU ? Thoạt nhìn thì có vẻ bất công, nhưng Serbia chẳng hạn vẫn thân Nga và từ chối trừng phạt Matxcơva. Theo các thăm dò mới nhất, có đến 2/3 người Serbia vẫn ủng hộ cuộc xâm lược của Nga, chỉ có 10 % đứng về phía Kiev.

 

Cuộc chiến tranh ở Ukraina đã bộc lộ những ưu tiên khác nhau của các nước Trung Âu và Đông Âu, cho đến nỗi nhóm Visegrad thành lập năm 1991 gồm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Sec và Slovakia trên thực tế đã tan vỡ. Mối quan hệ giữa Vacxava và Budapest dựa trên chủ trương phi tự do không còn gắn bó vì cuộc xâm lược của Nga : Ba Lan bênh vực Ukraina mạnh mẽ nhất, còn Hungary ngược lại. Sec và Slovakia thì từ khi thay đổi chính phủ đã xích lại gần EU và Kiev hơn.

 

« Nhờ » Putin, Ukraina đã vượt qua nhiều trở ngại trên con đường gia nhập EU, dù chỉ mới là bước đầu. Một đất nước đang chiến tranh, với 20 % lãnh thổ bị ngoại bang chiếm đóng, và vẫn chưa giải quyết được vấn nạn tham nhũng, với dân số đến 40 triệu người, không thể bỗng chốc trở nên thành viên EU. Tác giả kết luận, một điều chắc chắn là khi xâm lăng Ukraina, Nga đã làm cán cân châu Âu nghiêng về phương Tây. Cám ơn Putin !

 

Putin cố khoe mẽ, nhưng Nga có nguy cơ suy thoái suốt 10 năm

 

Trong khi đó « Tại Saint- Pétersbourg, Vladimir Putin khoe khoang khả năng hồi phục của Nga ». Le Monde cho biết tại Diễn đàn kinh tế lần thứ 25 ngày 17/06, ông chủ điện Kremlin đổ lỗi cho phương Tây đã làm kinh tế thế giới sa sút. Nhìn nhận rằng các trừng phạt của phương Tây do « chiến dịch quân sự đặc biệt » ở Ukraina đã gây khó khăn cho cung ứng, hậu cần và một số công nghệ, Putin vẫn muốn coi đây là « những cơ hội mới », nhấn mạnh đến « thất bại của thế giới đơn cực ».

 

Nhưng những khẳng định về sự vững vàng của kinh tế Nga tương phản hẳn với không khí ủ ê của Diễn đàn. Các « vedette » trong kỳ họp lần này ngoài tổng thống Kazakhstan còn có « tổng thống » nước cộng hòa tự xưng Donetsk và một phái đoàn Taliban từ Afghanistan, tổ chức mà Liên bang Nga vẫn coi là khủng bố. Những khách mời khác thì yêu cầu giữ kín danh tính.

 

Chữ « chiến tranh » hầu như không được nhắc đến, các diễn giả né tránh bằng cách nói chung chung « tình hình này », « sự kiện đang diễn ra trên thế giới », « một giai đoạn khó khăn » …Tuy vậy chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga, Elvira Nabioullina vẫn phải nhìn nhận « Kinh tế Nga sẽ chẳng bao giờ còn như xưa. Các điều kiện bên ngoài đã thay đổi lâu dài, nếu không nói là vĩnh viễn ». Dù kinh tế Nga đã vượt được cú sốc trong những tuần lễ đầu, nhưng nền kỹ nghệ không biết sẽ ra sao khi bị cắt đứt thô bạo khỏi chu trình toàn cầu hóa. Tình trạng này gây hoang mang hơn cả sự ra đi của các tập đoàn lớn (mới nhất là Coca-Cola và Ikea).

 

Vấn đề « xoay trục sang phương đông » được đề cập rộng rãi, nhưng việc quay sang Trung Quốc không thể giải quyết được mọi thử thách của doanh nghiệp Nga. Trong số những phát biểu bi quan nhất có thể kể phát biểu của German Gref, người đứng đầu Sberbank, ngân hàng lớn nhất nước Nga, dự báo nếu không cải cách, suy thoái sẽ còn kéo dài 10 năm nữa.

 

Một thế hệ thanh niên Ukraina đang bị chiến tranh nhấn chìm

 

Trên chiến trường Ukraina, Le Monde nhận thấy « Tại Donbass, gọng kềm siết chặt xung quanh ổ kháng cự ở Luhansk, mục tiêu ưu tiên của Nga ». Thành phố Lyssytchansk, bị tấn công cả ở hướng bắc và hướng nam, sắp sửa thất thủ. Sievierodonetsk từ vài tuần qua bị coi là đã mất, và thành phố song sinh Lyssytchansk là nơi tử thủ cuối cùng của Luhansk. Cùng với Donetsk, vùng này bị Matxcơva tập trung đánh vào sau khi thất bại ở Kiev. Con đường cuối cùng còn nối với cứ điểm ở Luhansk bị hỏa tiễn và rốc-kết Nga thi nhau trút xuống.

 

Đặc phái viên Le Monde trong bài phóng sự « Nghĩa trang quân đội Dnipro, tấm gương phản chiếu sự tàn sát ở Ukraina » đã ghi lại lời kể từ những người thân về tình huống hy sinh của những người lính. Trong số những chiến binh tử trận, rất nhiều khuôn mặt vô danh. Những lá cờ xanh vàng phấp phới trong gió đến ngút tầm mắt, trên những ngôi mộ mới ở Ukraina của những chiến sĩ trong một cuộc chiến tranh mà họ không hề chọn lựa.

 

Chiến tranh Ukraina là một trong những cuộc xung đột hiếm hoi mà các quân nhân chết nhiều hơn thường dân. Tuy thế giới đã chứng kiến Mariupol bị oanh tạc khốc liệt và những vụ thảm sát ở Bucha, nhưng lại không nhìn thấy cả một thế hệ nam thanh niên đang bị vùi chôn. Có thể cảm nhận được từ những tiếng còi xe cấp cứu trên các đường phố Donbass lao về phía các bệnh viện, những chiếc xe tải nhẹ mang số « 200 » chuyên chở xác tử sĩ trên khắp các nẻo đường đất nước. Hoặc từ vẻ mặt thẫn thờ của những người lính mà đơn vị đã bị thiệt mất 1/4, 1/3 hoặc 1/2 quân số.

 

Quân đội Ukraina cũng như quân đội Nga và hầu như tất cả các quân đội khác trên thế giới đều giấu con số quân nhân tử trận. Nhưng những tuần lễ gần đây Kiev bắt đầu tiết lộ tầm cỡ thảm trạng, để các đồng minh hiểu rằng cần phải đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí. Trên các mạng xã hội là những trang cáo phó bất tận, chẳng hạn một người tình nguyện đã đăng thông tin « Đơn vị mà chúng tôi phải giao một chiếc xe jeep đã bị xóa sổ. Tất cả đều chết hết, không còn một ai ».

 

Sự bất lực của tổ chức Liên Hiệp Quốc và tổng thư ký

 

Trước thảm cảnh này, Liên Hiệp Quốc đã có những động thái gì ? Bài viết dài hai trang báo khổ lớn của Le Monde nhận định « Ngoại giao : Liên Hiệp Quốc trong tình trạng ‘chết não’ ». Hôm 28/04, khi tổng thư ký Antonio Guterres đang trong văn phòng của thủ tướng Ukraina Denys Chmyhal tại Kiev sau khi gặp gỡ Vladimir Putin ở Matxcơva, hai hỏa tiễn Nga đã rơi xuống một tòa nhà gần đó. Khó thể coi là tình cờ : thủ đô Ukraina từ hai tuần qua vẫn yên tĩnh sau khi quân Nga rút đi. Tổng thống Volodymyr Zelensky tố cáo Nga muốn lăng nhục Liên Hiệp Quốc.

 

Ngay từ đêm 24/02 khi Kremlin khởi đầu cuộc xâm lăng, Liên Hiệp Quốc đã tỏ ra bất lực. Chưa đầy 40 phút sau, các nhà ngoại giao tại trụ sở tổ chức quốc tế ở New York liên tục bày tỏ sự phẫn nộ với truyền thông. Đã rất lâu, Hội Đồng Bảo An chưa từng thấy một tình hình sôi sục như thế. Nga đã vi phạm trắng trợn các nguyên tắc chủ chốt của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, coi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia thành viên là thiêng liêng. Đại sứ Estonia, đất nước vốn hăng hái ủng hộ Kiev cảnh báo nếu không thay đổi, Liên Hiệp Quốc có nguy cơ cùng chung số phận với Hội Quốc Liên - đã phải giải tán năm 1946 sau khi không ngăn được Đệ nhị Thế chiến diễn ra.

 

Hôm sau, phủ quyết của Nga khiến Hội Đồng Bảo An không thể ra nghị quyết lên án việc xâm lăng Ukraina. Tại New York, người ta nhanh chóng hiểu rằng hệ thống Liên Hiệp Quốc trên thực tế đang bảo vệ Nga. Tình huống càng nghiêm trọng hơn khi tổng thư ký Antonio Guterres không có được sự nhiệt tình của những người tiền nhiệm. Ông Ban Ki Moon đã can thiệp tích cực hơn trong vụ Nga sáp nhập Crimée năm 2014. Ngay trong thời điểm căng thẳng nhất của chiến tranh lạnh, trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, ông U Thant từng xuôi ngược như con thoi giữa Matxcơva và Washington.

 

Nhưng Antonio Guterres chỉ chịu khó cất công đến tận Trung Quốc ngay trong đại dịch để dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh vốn bị hầu hết các nhà lãnh đạo phương Tây tẩy chay, còn Vladimir Putin từ chối gặp ông để làm nổi bật « trật tự thế giới mới » với Tập Cận Bình. Giáo sư Thomas Weiss ở New York kinh ngạc khi thấy tổng thư ký lại vắng bóng như thế trong cuộc khủng hoảng, mà lẽ ra ông Guterres có thể đóng vai trò quan trọng hơn ngay từ đầu. « Một khi không có chỗ cho ngoại giao, sẽ không có lối thoát ».

 

« Chết não » trong lúc Nga hoành hành, Trung Quốc lũng đoạn

 

Cuộc xâm lăng của Vladimir Putin chỉ đẩy nhanh tình trạng « chết não » của Liên Hiệp Quốc, từ nhiều năm qua đã bị rung chuyển bởi sự đối địch giữa năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An. Từ 2011, Hội Đồng không mấy tiến triển trong chiến tranh Syria : Matxcơva bảo vệ Bachar Al Assad với 17 lần phủ quyết trong vòng 10 năm. Cũng không thể lên án cuộc đảo chánh ở Miến Điện năm 2021, lần này thì do Bắc Kinh phủ quyết. Ngay cả lực lượng mũ xanh Liên Hiệp Quốc cũng dậm chân tại chỗ, với những tồn tại từ thời chiến tranh lạnh (Palestine, Cachemire, Chypre, Golan, Liban) hay ngay sau đó (Đông Sahara, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kosovo), chỉ có bốn chiến dịch mới tại châu Phi từ 2011 và 2013.

Bắc Kinh đang nỗ lực giành ảnh hưởng tại Liên Hiệp Quốc, qua việc vận động đưa người của mình lên lãnh đạo các cơ quan quốc tế, và hỗ trợ tài chánh. Trong vòng 10 năm, Trung Quốc đã chi 200 tỉ đô la cho một quỹ « hòa bình và phát triển » của Liên Hiệp Quốc, khiến ông Guterres hài lòng. Đổi lại, Liên Hiệp Quốc dịu giọng trước những chỉ trích đối với Bắc Kinh về sự vi phạm trắng trợn nhân quyền, mà chuyến đi Tân Cương của Cao ủy Michelle Bachelet là ví dụ.

 

Trong một thế giới ngày càng phân cực, Liên Hiệp Quốc liệu có thể vực dậy sau phát súng ân huệ từ cuộc xâm lăng Ukraina ? Sẽ rất khó khăn, khi việc cải cách Hội Đồng Bảo An là bất khả. Hôm 05/04, tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Hội Đồng tự giải thể, hoặc nên ngăn cản một thành viên thường trực áp đặt phủ quyết khi bản thân thành viên này là kẻ gây chiến. Nhưng trong giả thiết phải viết lại Hiến chương Liên Hiệp Quốc, cần có sự ủng hộ của…Nga !

 

Trận động đất bầu cử ở Pháp

 

Kết quả cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp và tình hình Ukraina là hai chủ đề được báo chí Paris đề cập nhiều nhất hôm nay. La Croix chạy tựa « Nước Pháp vỡ vụn » : Không một phe nào thành công trong việc chiếm được đa số ở Quốc Hội. Đối với Les Echos, đó là một « Trận động đất »: Chính phủ bị trừng phạt trong cuộc bầu cử Quốc Hội vòng hai, đa số tuyệt đối giờ đây thành xa vời đối với tổng thống Emmanuel Macron, nhiều bộ trưởng và nhân vật quan trọng trong đảng cầm quyền bị đánh bại. Phe tả trở thành lực lượng đối lập hàng đầu, còn cực hữu chiếm được số ghế kỷ lục, đảng cánh hữu có thể đóng vai trò trọng tài.

 

Nhật báo thiên tả Libération chạy tít lớn « Cái tát », nhấn mạnh rằng đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN) từ vỏn vẹn 8 dân biểu nay tăng vọt gần 90. Cánh tả thành công trong thách thức đoàn kết, còn Emmanuel Macron phải trả giá cho việc không vận động mạnh mẽ. Nhật báo cánh hữu Le Figaro đăng ảnh tổng thống Macron đầy vẻ ưu tư, « Trước thách thức của một nước Pháp không thể lãnh đạo được ».

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats