Thursday, 2 June 2022

TỪ NGỮ Ở TÒA ÁN (Lê Thiếu Nhơn)

 



TỪ NGỮ Ở TÒA ÁN

Lê Thiếu Nhơn

2/6/2022  00:10   

https://www.facebook.com/lethieunhon/posts/pfbid02nvG9rQp5NKvxAocVd2skUvHXdjerQAkjQkwXWVWbV7FpQXC6JvVpCv7uQkjChFR6l

 

Tòa án Nhân dân Cần Thơ đã bác đơn kiện của ông Châu Lê Anh Hào – Phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM yêu cầu hủy quyết định xử phạt hành chính do ông Nguyễn Việt Thanh – Chánh Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông Cần Thơ ký.

 

Phân định đúng sai bằng pháp luật, là hành động văn minh. Dù thua kiện hay thắng kiện, thì nguyên đơn đã thể hiện được thái độ của mình một cách sòng phẳng.

 

Tuy nhiên, xung quanh phiên tòa cũng đáng lưu ý về mặt… ngôn ngữ.

 

Tường thuật của VNExpress: “Theo Hội đồng xét xử, 21 trong tổng số 33 bài viết (ngoại trừ các đường link dẫn bài báo đính kèm) của ông Hào đăng trên Facebook cá nhân ‘Châu Lê Anh Hào’ có sử dụng từ ngữ mỉa mai, giễu cợt, nêu vấn đề không rõ ràng, đầy đủ gây cho người đọc hiểu sai, xuyên tạc thông tin“.

 

Có ba điểm phải băn khoăn trong nhận định trên.

 

Thứ nhất: “từ ngữ mỉa mai, giễu cợt”. Nguy thật. Ranh giới nào giữa đúng đắn và mỉa mai, giữa trang nghiêm và giễu cợt? Nếu việc đúng đắn thì không sợ mỉa mai, nếu người trang nghiêm thì không sợ giễu cợt. Nếu từ ngữ đạt đến giá trị “mỉa mai, giễu cợt”, nghĩa là đã xuất hiện một hình thức văn bản nghệ thuật, thì đối tượng bị/được đề cập có thể tức tối và có thể căm giận, chứ không thể xử lý hành chính.

 

Thứ hai: “nêu vấn đề không rõ ràng, đầy đủ”. Cũng nguy thật. Một ý kiến cá nhân có phải “pháp lệnh” đâu mà đòi hỏi rõ ràng, đầy đủ. Những phát biểu ở diễn đàn to nhất nước là Quốc hội, cũng đã thực sự rõ ràng, đầy đủ chăng? Ngay cả Nghị định cũng có thêm Thông tư để hướng dẫn, thì sao nỡ bắt bẻ các status trên Facebook như vậy?

 

Thứ ba: “gây cho người đọc hiểu sai, xuyên tạc thông tin”. Càng nguy thật. Khái niệm “người đọc” rất mơ hồ. “Người đọc” của ông Châu Lê Anh Hào là ông Nguyễn Việt Thanh, hay là lữ khách giang hồ, hay là thợ cày thợ cấy, hay là giáo sư tiến sĩ? Tòa án xem xét một hành vi nên căn cứ vào “điều, khoản” chứ không thể nhân danh “người đọc”. Sách giáo khoa cũng không đảm bảo “người đọc” sẽ không “hiểu sai”, huống hồ mấy dòng ngọt lạt cõi không gian mạng.

 

Phen này, ông Châu Lê Anh Hào có tiếp tục kiện lên phúc thẩm, thì kết quả chắc cũng như cũ thôi.

 

Hình :

 https://www.facebook.com/photo/?fbid=3890799047811390&set=a.1446897108868275

 

.

17 BÌNH LUẬN   





No comments:

Post a Comment

View My Stats