Saturday, 4 June 2022

SCANDAL VIỆT Á MẤT THÊM MỘT MẠNG NGƯỜI THÌ CŨNG . . . THẾ? (Trân Văn)

 



 

Scandal Việt Á mất thêm một mạng người thì cũng... thế?

Trân Văn

04/06/2022

https://www.voatiengviet.com/a/scandal-vi%E1%BB%87t-%C3%A1-m%E1%BA%A5t-th%C3%AAm-m%E1%BB%99t-m%E1%BA%A1ng-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-th%C3%AC-c%C5%A9ng-th%E1%BA%BF-/6602369.html

 

.

https://gdb.voanews.com/093a0000-0a00-0242-24ff-08da0106c5d5_w650_r1_s.jpg

Ông Phan Quốc Việt (trái), chủ hãng Việt Á; và ông Hồ Anh Sơn (phải) thuộc Học viện Quân y tại họp báo về bộ xét nghiệm Covid của Việt Á, tháng 3/2020.

 

Hơn 20.000 người Việt đã chết trong đợt dịch COVID-19 thứ tư dường như chưa đủ, thêm một người tự tử để đệ đạt nguyện vọng: “Tìm ra nguyên nhân vấn đề, xử đúng người, đúng tội” có lẽ cũng sẽ chẳng đến đâu!

 

Bà Nguyễn Thị Thuý Oanh, 52 tuổi, Trưởng khoa Dược của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp vừa tự tử. Theo tờ Nhân Dân thì bà Oanh để lại hai thư tuyệt mệnh. Một viết về suy nghĩ của bà đối với “Việc chỉ định thầu rút gọn bộ test PCR của Việt Á” và nhấn mạnh “Tôi không nhận tiền, quà từ Công ty Việt Á”. Thư còn lại gửi cho chồng và hai con (1). Tuy không có cơ quan truyền thông chính thức nào ở Việt Nam giới thiệu nội dung hai thư tuyệt mạng của bà Oanh nhưng nhiều người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ đã chia sẻ ảnh chụp hai thư tuyệt mạng mà tờ Nhân Dân đề cập.

Trong thư thứ nhất, bà Oanh tâm sự: Tinh thần của tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ lúc bắt đầu mua sắm chỉ định thầu vào cuối tháng 5/2021 đến hiện tại (05/2022) tôi luôn lo lắng không yên. Hơn nửa năm ròng rã cùng ngành y tế chống dịch, không nghỉ ngơi và gần như không lo gì được cho con cái. Dịch tạm ổn là đến “hậu COVID-19”, phải giải trình, kiểm điểm. Thậm chí bây giờ còn bị nghi ngờ là có nhận tiền hoa hồng, nhiều lần phải làm việc với cảnh sát điều tra, thật nhục nhã! Mỗi ngày tôi sống trong lo sợ, sợ công an tới còng tay dẫn đi. Con cái tôi vì thế sẽ bị tổn thương. Đây có phải là “phần thưởng” dành cho tôi không? Nguyện vọng của tôi: Tìm ra nguyên nhân vấn đề, xử đúng người, đúng tội (2)!

 

Ở thư thứ hai, bà Oanh nhắn riêng với chồng rằng ông là “điều may mắn nhất mà em đã gặp”. Bà cám ơn chồng đã “đồng hành, chia sẻ những khó khăn để có thể yên tâm làm việc”. Bà giải thích với chồng: Hiện tại em không thể chịu đụng áp lực thêm nữa. Những khó khăn trong công việc đã kéo dài từ rất nhiều năm (hình như những người có quyền chỉ biết hai từ “kiểm điểm”) và nay thêm vụ Việt Á như nước tràn ly. Ban giám đốc bệnh viện luôn hỗ trợ, em không xảy ra mâu thuẫn gì”. Bà nhắc chồng “bình tĩnh vì còn phải lo cho hai đứa con”. Nhắc các con: “Cố gắng học hành, tự chăm sóc bản thân và sống thật tốt, phải làm cho ba vui, quan tâm sức khỏe của ba nhiều hơn”. Và hứa: “Sẽ luôn dõi theo ba cha con” (3)!

 

Báo chí Việt Nam xác định, trước khi tự tử, bà Oanh cùng nhiều người khác đã bị Công an tỉnh Đồng Tháp triệu tập để lấy lời khai về những vấn đề có liên quan tới gói thầu mua sắm thiết bị y tế của Công ty Việt Á. Một viên đại tá là Giám đốc Công an Đồng Tháp cho biết, công an “mời bà Oanh đến làm việc bởi theo quy trình, công an phải làm việc với những người liên quan tới gói thầu của Việt Á” (4). Về lý, điều này không sai nhưng không thỏa đáng, cùng là công dân Việt Nam và bình đẳng trước pháp luật, tại sao các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật không mời ông Pham Minh Chính (Thủ tướng), ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Khoa học Công nghệ - KHCN), ông Nguyễn Thành Long (Bộ trưởng Y tế) làm việc?

 

Nếu ông Chính không chỉ đạo “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, không liên tục đôn đốc, thậm chí dùng nhiều biện pháp khác nhau để thúc ép toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tiến hành... “thần tốc xét nghiệm diện rộng” (5) thì các địa phương có thi nhau... “chỉ định thầu” mua các bộ COVID-19 test kit và nay thi nhau giải trình, kiểm điểm hay không? Không mời ông Chính “làm việc” thì làm sao biết chuyện ông bất chấp cảnh báo của các chuyên gia và một số viên chức hữu trách về sự lãng phí tiền bạc, nhân lực, khiến dịch bệnh phát tán rộng hơn, hậu quả nghiêm trọng hơn là do tác động từ ai đó liên quan đến sự nghiệp của Công ty Việt Á hay chỉ vì đã thiếu hiểu biết còn chủ quan nên gây hậu quả nghiêm trọng?

 

Tương tự, nếu ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thành Long không phê duyệt việc dùng công quỹ để se duyên cho Học viện Quân y và Công ty Việt Á nghiên cứu bộ xét nghiệm COVID-19, đủ ý thức trách nhiệm và đủ năng lực không để các cơ quan hữu trách tung tin giả rằng WHO (Tổ chức Y tế Thế giới)... công nhận chất lượng và chấp thuận cho sử dụng bộ xét nghiệm COVID-19 do Công ty Việt Á sản xuất, kịp thời can ngăn Thủ tướng, không cùng Thủ tướng xướng họa về “thần tốc xét nghiệm diện rộng”, không thả nổi việc mua sắm, sử dụng các bộ xét nghiệm COVID-19,... thì Công ty Việt Á có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cả về tiền bạc lẫn nhân lực như vậy hay không? Sao các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật không mời ông Anh, ông Long... “làm việc

 

Scandal Việt – Á chỉ là một mảng tối trong quản trị, điều hành quốc gia ở đợt dịch COVID-19 thứ tư khiến hơn 20.000 người Việt thiệt mạng, kinh tế - xã hội suy sụp chưa biết đến khi nào mới có thể gượng dậy. Không... “làm việc” thì ai sẽ điều tra đến tận gốc và kết luận xem có bao nhiêu người uổng mạng, hậu quả thật sự đến mức nào chỉ vì các chủ trương, chỉ đạo bất chấp khoa học, thậm chí những chủ trương, chỉ đạo ấy chỉ nhằm tạo điều kiện cho một số cá nhân làm giàu bất kể quốc gia, đồng bào thế nào? Tại sao các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật không thể... “làm việc” với những công dân do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng quản lý (6)? Khi chuyện... “làm việc” phụ thuộc vào quyết định của vài tập thể như thế, lấy gì bảo đảm... “dân chủ, công bằng, văn minh”?

 

                                                                      ***

 

Vì tuyệt vọng, công dân Nguyễn Thị Thuý Oanh chọn tự tử để đệ đạt nguyện vọng: Tìm ra nguyên nhân vấn đề, xử đúng người, đúng tội”, sau khi bị... làm nhục bằng “giải trình, kiểm điểm, phải ‘làm việc’ với công an” về “việc chỉ định thầu rút gọn bộ test PCR của Việt Á”, bất kể trước đó có... “hơn nửa năm ròng rã cùng ngành y tế chống dịch, không nghỉ ngơi và gần như không lo gì được cho con cái”! Chẳng riêng bà Oanh, rất nhiều nhân viên y tế đã cũng như đang bị nhục mạ vừa vì không thể sống được bằng thu nhập từ nghề nghiệp của họ, vừa vì sự đãi bôi xem họ như trẻ con, dễ dụ, dễ gạt của nhiều viên chức hữu trách, dẫn đầu là Thủ tướng Cộng hòa XHCN Việt Nam.

 

Thượng tuần tháng 11 năm ngoái, khi Quốc hội khóa 15 thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại đợt hai của Kỳ họp thứ hai, lúc hậu quả đợt dịch thứ tư còn nóng hổi, ai cũng thấy vai trò của nhân viên y tế quan trọng thế nào nhưng cuộc sống của họ cơ cực ra sao và giá mà xã hội phải trả cho sự rẻ rúng ấy, ông Chính... thỏ thẻ: Chúng ta có thể mua nhanh trang thiết bị nhưng đào tạo nhân lực như đào tạo bác sĩ ít nhất phải sáu năm. Tôi lo nhất là đào tạo nguồn nhân lực ngành y. Thời gian tới phải tập trung đào tạo nhân lực (7)... Ngay sau đó – sau những hứa hẹn về đầu tư thỏa đáng cho y tế cơ sở - là chuyện nhân viên y tế - nguồn nhân lực hiện hữu của ngành y - bỏ việc hàng loạt vì lương thấp, không đủ sống (8)...

 

Từ đó đến nay, tình trạng này càng ngày càng tồi tệ mà nguyên nhân vẫn thế, vẫn là lương thấp, đãi ngộ kém” (9) dù đợt dịch COVID-19 thứ tư đã cho thấy, nếu xảy ra biến cố thì sẽ có thảm họa, mức độ nghiêm trọng của thảm họa sẽ gia tăng vì thiếu lực lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu! Mới đây, Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu – một Đại biểu Quốc hội - tiếp tục van nài như nhiều đồng nghiệp đã từng nài van: Vấn đề đặt ra là sau cơn bão lớn việc hồi phục để một ngành trụ cột trong an sinh xã hội phát triển tốt hơn sẽ diễn ra như thế nào? Không thể vì những vi phạm xảy ra mà để cả một ngành tê liệt. Những khó khăn trước đây như thu nhập của nhân viên y tế, mua sắm đấu thầu trang thiết bị, vật tư thuốc men không được cải thiện mà còn tệ hơn bao giờ hết.

 

Thực trạng mà Bác sĩ Hiếu mô tả: Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng thiếu do mức lương không tăng mà có xu hướng giảm và không đủ cơ sở, phương tiện để triển khai kỹ thuật mới hiện đại khiến các bác sĩ giỏi đến đâu cũng bó tay, nản lòng. Những con sâu đã bị gạt bỏ ra khỏi hệ thống nhưng những người mới nhận nhiệm vụ lại vô cùng bối rối, loay hoay chưa tìm được đường đi cho đúng vì đụng đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi mà hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh (10)... không đơn thuần chỉ là vấn đề của ngành y tế, đó là vấn nạn đe dọa sức khỏe, tính mạng của từng người Việt. Hơn 20.000 người Việt đã chết trong đợt dịch COVID-19 thứ tư dường như chưa đủ, thêm một người tự tử để đệ đạt nguyện vọng: Tìm ra nguyên nhân vấn đề, xử đúng người, đúng tội có lẽ cũng sẽ chẳng đến đâu! Với đảng “ta” thì bao nhiêu mới đủ?

 

---------------------------------

 

Chú thích

 

(1) https://nhandan.vn/thoi-su-phap-luat/xac-dinh-nguyen-nhan-truong-khoa-duoc-tu-vong-do-tu-tu-699612/

 

(2) https://www.facebook.com/photo/?fbid=3229159280637032&set=pcb.3229159383970355

 

(3) https://www.facebook.com/photo?fbid=3229159323970361&set=pcb.3229159383970355

 

(4) https://vnexpress.net/truong-khoa-duoc-benh-vien-da-khoa-dong-thap-tu-vong-4470696.html

 

(5) https://tuoitre.vn/cuoc-goi-luc-nua-dem-cua-thu-tuong-20210915231837202.htm

 

(6) https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-chinh-tri-quy-dinh-4-chuc-danh-lanh-dao-chu-chot-cua-dang-nha-nuoc-20220522181501768.htm

 

(7) https://tuoitre.vn/dai-bieu-hi-sinh-mat-mat-trong-dich-la-cai-gia-do-chua-dau-tu-y-te-co-so-thoa-dang-2021110810313216.htm

 

(8) https://tienphong.vn/nhieu-can-bo-y-te-nghi-viec-thu-tuong-yeu-cau-bo-truong-y-te-co-giai-phap-khac-phuc-post1400530.tpo

 

(9) https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/nhan-luong-chi-hon-4-trieu-dongthang-nhieu-bac-si-o-tram-y-te-nghi-viec-20220531220347506.htm

 

(10) https://tuoitre.vn/dai-bieu-nguyen-lan-hieu-nganh-y-dung-dau-cung-vuong-lam-gi-cung-co-the-sai-20220601113440509.htm





No comments:

Post a Comment

View My Stats