Tuesday 21 June 2022

NỖI ĐAU CÒN ĐÓ (Nguyên Hạnh - HTD)

 



 

Nỗi đau còn đó

Nguyên Hạnh – HTD
21 tháng 6, 2022

https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/noi-dau-con-do/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/DP-LeCauSieu-81HaiCot-NhayDu-1-1024x683.jpg

Lễ Cầu siêu 81 Chiến sĩ Nhảy Dù tại Westminster, Califonia. Ảnh: Người Việt Online

 

Hơn 50 năm trôi qua, tưởng rằng thân xác các Anh- 81 chiến sĩ Nhảy dù đã tan thành tro bụi, chìm vào quên lãng… không ngờ có một ngày các Anh đã được vinh danh rạng rỡ, quan tài được phủ với lá Quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ và đã an nghỉ sau một thời gian dài lạnh lẽo biệt tích vô tăm.

 

Ngày 26 Tháng Mười 2019  tại Westminster, Orange County, nơi được coi là Thủ phủ của người Việt tị nạn Cộng sản, đã tổ chức Lễ Truy điệu và An táng các Anh rất uy nghiêm và cảm động.

 

9 giờ sáng Thứ Bảy (26.10.2019), cựu Thượng Nghị sĩ Jim Webb, Tổng hội Gia đình Mũ Đỏ Việt Nam, gia đình Mũ Đỏ Orange County và phụ cận đã long trọng tổ chức Lễ Truy điệu, An táng và thắp nến cầu nguyện cho 81 huynh đệ Mũ Đỏ thuộc Đại đội 72, Tiểu đoàn 7 Nhảy dù Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh tại Tuy Hòa, vùng II chiến thuật ngày 11 Tháng Mười Hai 1965.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/IMG_4377-1024x762.jpg

Cựu TNS Jim Webb phát biểu. Ảnh Văn Lang/ Người Việt Online

 

Cựu Thượng Nghị sĩ Jim Webb nói:

“Tôi rất hài lòng được chủ tọa buổi lễ vinh danh 81 Anh hùng Việt Nam. Đây là một trách nhiệm đạo đức”.

 

Trong niềm xúc động, ông nói tiếp:

“Sau cùng 81 Chiến sĩ Mũ Đỏ đã có được nơi an nghỉ. Đây không là quê hương họ nhưng đây là ngôi nhà mới của Cộng đồng Tị nạn gốc Việt”. Công sức của cựu Thượng Nghị sĩ Jim Webb – người được mệnh danh là bạn của người Việt- là một việc làm cao thượng, thật đáng ca ngợi!

____

 

Ngày 11 Tháng Mười Hai 1965, một chiếc máy bay C-123 bị rơi trên một vùng hẻo lánh ở Việt Nam, làm phi hành đoàn gồm bốn phi công Hoa Kỳ và 81 Chiến sĩ Nhảy dù VNCH thiệt mạng!

 

Lúc đó Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 7 Nhảy dù vừa xong nhiệm vụ, chuẩn bị chuyển về Sài Gòn thì được lệnh của Quân đoàn II phải ở lại để đánh giải vây cho Sư đoàn Mãnh Hổ của Nam Hàn đang bị kẹt ở Tuy Hòa. Chẳng may Đại đội 72 thuộc Tiểu đoàn 7 lại đi trên chiếc máy bay định mệnh C-123 đó. Viên phi công trưởng là Thiếu tá Robert M. Horsky từng lái B52 nhưng vì hôm đó sương mù nên bay thấp và máy bay đã đâm vào núi, làm tất cả tử nạn!

 

Vùng máy bay rơi là khu rừng hiểm trở cách Tuy Hòa 32 km về phía Tây, gần như không thể vào được. Mãi đến 9 năm sau, cuối năm 1974 khi người dân đi sâu vào rừng kiếm củi, họ mới phát hiện ra xác máy bay. Tuy nhiên tất cả hài cốt bị trộn lẫn vào nhau nên người ta đưa vào một quan tài và chuyển về Bangkok, Thái Lan. Qua thử nghiệm DNA, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã xác nhận danh tánh của bốn phi công Mỹ, đem về chôn cất ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Trong khi đó không có thông tin gì để xác nhận 81 người Việt Nam còn lại.

 

Năm 1986, 81 di cốt này được chuyển về Cơ quan tìm kiếm tù binh mất tích DPAA ở Hawaii, nơi phụ trách xác định danh tánh những người tử nạn hoặc mất tích trong chiến tranh và trong đó đã có Lô tức Thiếu úy Dương Văn Chánh – con trai út của Dì tôi.

____

 

Sau lễ an táng vào lúc 5g30 chiều cùng ngày (26.10.2019), còn có chương trình lễ Tưởng Niệm, Thắp nến Cầu nguyện và hát cho những người nằm xuống do Gia đình Mũ Đỏ tổ chức theo lễ nghi quân cách và truyền thống Văn hóa Việt Nam tại Tượng đài Chiến sĩ Việt Mỹ.

 

Còn nhớ ngày ấy mỗi lần tôi đến thăm, Dì tôi luôn luôn thở dài với nỗi buồn chua xót không nguôi “Lô mất tích rồi con ơi!” Dì tôi vẫn nuôi hy vọng là Lô khi nhảy dù xuống, bị lạc qua bên kia, bị bắt làm tù binh rồi sẽ được trở về. Tôi cũng đồng tình như vậy để an ủi tinh thần của Dì với thời gian.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/IMG_7765-1024x768.jpeg

Một phụ nữ Việt Nam đeo khăn tang xúc động và bật khóc tại lễ tưởng niệm. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

 

Lô sinh ngày 8 Tháng Giêng 1940 tại Thanh Hóa, là con trai út của Dì tôi, học Chasseloup -Laubat rồi Tabert, Sài Gòn. Học đến năm thứ hai Luật khoa thì nhập ngũ khóa 18 Thủ Đức, ra trường năm 1965, chọn binh chủng Nhảy dù, Lô được bổ nhiệm về làm Trung đội trưởng của Tiểu đoàn 7 Nhảy dù, đơn vị trực thuộc Chiến đoàn 2 Nhảy dù mà Trung tá Trương Quang Ân, tức là anh rể của Lô  đang làm Chiến đoàn trưởng. Lô đã chiến đấu trong quân ngũ dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ của miền Nam vừa được một năm với những trận đánh khốc liệt tại các địa danh Đồng Xoài, Bình Giã và trong một phi vụ từ Pleiku về tiếp viện cho Tuy Hòa, máy bay của Lô đã gặp nạn.

 

Sự mất tích của Lô xảy ra cuối năm 1965, khi nỗi đau thương tang tóc chưa phai lạt được với thời gian thì Tháng Tám 1968, chưa đầy ba năm sau, chị Dương Kim Thanh – con gái lớn của Dì tôi – một trong bảy Nữ quân nhân Nhảy dù đầu tiên, cùng chồng là Thiếu tướng Trương Quang Ân, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Nhảy dù, sau đó là Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, đều hy sinh tại Quảng Đức, phi cơ trực thăng bốc cháy chỉ khoảng 10 phút sau khi rời tiền đồn Đức Lập, nơi cả hai anh chị vừa đến thăm viếng và ủy lạo binh sĩ. Cả hai đều chỉ mới 36 tuổi, để lại ba đứa con còn nhỏ cho ông bà Ngoại và các cậu dì nuôi (nhỏ nhất 3 tuổi, lớn nhất 11 tuổi).

 

Anh Ân là vị tướng trẻ tuổi nhất tử trận trong các Chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa, vị tướng nổi danh trong toàn quân và toàn dân là một sĩ quan tài giỏi, kỷ luật và trong sạch. Khi anh chị mất, chính quyền đến kiểm tra tài sản; họ tìm thấy tiền lương tháng cuối của anh còn nguyên trong phong bì chưa kịp đưa cho chị, trong tủ quần áo của ngôi nhà khiêm nhường ở Cư xá Lữ Gia, ngoài những bộ quân phục của anh là mấy chiếc áo dài lụa nội hóa của chị và một ít tư trang đơn giản.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/IMG_7759-1024x768.jpeg

Chiếc quan tài đựng 81 hài cốt trong lễ an táng. Ảnh: Người Việt Online

 

Anh Chị đã được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chôn cất với lễ nghi trang trọng trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Cho tới sau 1975, chính quyền Cộng sản thấy gai mắt với những ngôi mộ bề thế cùng tên tuổi và chức vụ của những công dân Việt Nam Cộng Hòa nên họ ra lịnh tất cả phải dời đi để họ lấy đất làm công viên.

__________

 

Sau 1975, gia đình Dì tôi bị kẹt lại Sài Gòn hơn sáu năm, cả nhà vẫn nuôi hy vọng khi chiến tranh kết thúc, Lô sẽ được thả về. Cho đến khi qua Canada – do cô con gái du học bảo lãnh- cả nhà vẫn hoàn toàn không được biết tin tức gì về số phận của người con út.

 

Từ những cái chết bi thương do tai nạn máy bay của con trai út Dương Văn Chánh rồi người con gái lớn Dương Thị Kim Thanh và con rể Trương Quang Ân chỉ trong vòng thời gian ngắn gần ba năm, Dì tôi đã bị ám ảnh, nhập tâm với nỗi sợ hãi khi phải bước lên máy bay. Ngay cả khi con cháu trong nhà phải bay đi chỗ này chỗ kia là Dì tôi lo lắng, ăn ngủ không yên. Ngoài ra, Dì tôi đều từ chối không chịu đi chơi xa với gia đình bằng máy bay, chỉ trừ chuyến bay di tản từ Sài Gòn qua Montreal vào thời điểm cuối năm 1981, theo diện đoàn tụ gia đình.

 

Bước lên máy bay, Dì ngồi im không dám nhúc nhích, chỉ nhắm mắt niệm Phật Bà Quan Âm – Vị Phật với lòng từ bi thường cứu nguy, ban sự an lành, đến nỗi các cháu ngồi hai bên phải nắm chặt tay bà, nhất là lúc phi cơ cất cánh bay lên và đáp xuống, hoặc phi cơ chao đảo trên không là Dì sợ đến xanh mặt mày. Nỗi sợ hãi này là nỗi ám ảnh sâu xa từ ba cái chết bi thương – tử nạn máy bay của những người con trong gia đình!

 

Nhờ một người quen đọc báo bên California cho biết tin tức về việc cựu Thượng nghị sĩ Jim Webb đang cùng Hội Cựu Quân nhân Nhảy dù làm lễ Truy điệu 81 Chiến sĩ Dù lâm nạn trong chuyến bay C- 123 vào ngày 11 Tháng Mười Hai 1965 nên gia đình mới biết có Lô trong chuyến bay này và tất cả đã qua California tham dự.

 

Tôi và Minh Châu – chị dâu của Lô – đều tự hỏi: “Không biết nếu Dì tôi còn sống, Dì có chịu bước lên máy bay từ Toronto qua Cali để dự lễ an táng của Lô hay không?”. Hỏi để mà hỏi, chứ nỗi lòng của một người mẹ mòn mỏi trông tin con suốt bao nhiêu năm lại không đến “khóc” con lần cuối cùng hay sao?!

 

Tôi vô cùng xót xa trong lòng khi nghĩ tới Dì tôi đã không còn nữa. Phải chi Dì còn sống để được biết tin người con thân yêu của mình sau 54 năm bặt vô âm tín; nay đã được tìm thấy, dù chỉ là xương cốt rã rời! Rồi tôi lại nghĩ ngược lại, như vậy cũng tốt cho Dì, khỏi chứng kiến một cảnh đau lòng gợi lại nỗi đau thương đã chìm sâu theo thời gian…

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/DP-Vinh-danh-hai-cot-nhay-du-1-1024x576.jpg

Gia đình Mũ Đỏ vinh danh và tiễn biệt 81 đồng đội. Ảnh: Người Việt Online

 

Lô đã được an nghỉ bên đồng đội của mình ở một nơi ấm áp tình người – Westminster, Orange County – nơi mệnh danh thủ phủ của người Việt Tị nạn Cộng sản. Nấm mồ chung của Lô và 80 Chiến sĩ Thiên Thần Mũ Đỏ sẽ được yêu thương, chăm sóc và giữ gìn mãi mãi.

 

Hội Người Việt tị nạn Cao niên München, Đức quốc – nơi tôi đang ở –  cũng tổ chức buổi lễ Tưởng niệm và Vinh danh 81 Anh hùng Tử sĩ Nhảy dù này.

 

Mặc dù không qua được California nhưng tôi vẫn còn một niềm an ủi là đã có cơ hội thắp được cho Lô (Thiếu úy Dương Văn Chánh) và 80 Chiến sĩ Nhảy dù một nén nhang trong niềm thương xót tận cùng và sự cảm phục!

 

81 Chiến sĩ Nhảy Dù! Cho dù giờ đây là …“những hài cốt lính vô tổ quốc!”,  nhưng ấn son hào hùng của người Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn đó; vẫn sáng ngời đỏ thắm như máu đã đổ, như ba sọc đỏ trên nền vàng của Quốc kỳ được phủ trên quan tài tẩm liệm 81 hài cốt hòa lẫn lộn như lời thề chung với núi sông của những Chiến sĩ trận vong đã VỊ QUỐC VONG THÂN!

 

Tạ ơn Anh, những Chiến sĩ Nhảy Dù

Đã dâng hiến một đời cho Tổ quốc!

 

(Thơ Tri ân người lính của Thái Thị Liên)





No comments:

Post a Comment

View My Stats