Wednesday, 22 June 2022

NGƯỜI HÁT NHẠC TRỊNH THÌ NHIỀU, NHƯNG KHÁNH LY, CHỈ CÓ MỘT (Viên Nguyễn)

 



Người hát nhạc Trịnh thì nhiều, nhưng Khánh Ly, chỉ có một

Viên Nguyễn

22 tháng 6, 2022

https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/tan-man/nguoi-hat-nha%cc%a3c-tri%cc%a3nh-thi-nhieu-nhung-khanh-ly-chi%cc%89-co-mo%cc%a3t/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/Ca-si-Khanh-Ly-FB-Ca-sy-Khanh-Ly-800x450.jpg

Ca sĩ Khánh Ly. (ảnh: FB Ca Sĩ Khánh Ly)

 

Lần đầu tôi được thấy chị Lệ Mai (Khánh Ly của sau này) là năm học lớp nhất – giờ gọi là lớp năm.

 

Những năm 60 gia đình tôi là hàng xóm của gia đình bác Phạm Cao Củng trong cư xá Đô thành, Quận Ba, Saigon. Bác Củng là người đa tài, làm báo, viết văn, chụp ảnh, quay phim tài liệu… là một trong những người đầu tiên viết truyện trinh thám của làng văn Việt Nam – cha đẻ của Thám tử Kỳ Phát, viết cả truyện kiếm hiệp, truyện “Lục Kiếm Đồng”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/Ca-si-Khanh-Ly-15-tuoi-FB.jpg

Ca sĩ Khánh Ly năm 15 tuổi. (ảnh: FB Ca Sĩ Khánh Ly)

 

Có lẽ nhờ đa tài như vậy mà bác lo nổi cho đàn con đông đảo ăn học. Có anh Cao Dũng, Cao Chí, các chị Cẩm Liên, Diễm Mai, Diễm Quỳnh, bạn Phạm Diễm Lan trông như con búp bê Nhật Bản, và mấy người em tôi quên tên. Được vài năm thì bác Củng dời nhà ra đường Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu hiện nay), mở tiệm chụp ảnh Huyền Nga (theo tên bác gái, đẹp như minh tinh Thẩm Thúy Hằng).

 

Bác Củng phụ trách phụ trang văn nghệ “Học sinh – Gia đình” của báo Ngôn Luận, lập gia đình văn nghệ của “Anh Hai và chị Huyền Nga”, rất có tiếng tại Saigon những năm 60. Phụ trang này cũng là nơi giới thiệu một số cây bút trẻ trong giới học sinh thời đó như Ngọc Hoài Phương, Nguyễn Khắc Lộc, Ngô Kim Thu, Hoài Thi Yên Thi (Nguyễn Hoàng Hải – Nguyễn Tất Nhiên sau này).

 

Một hôm Diễm Lan khoe với tôi là được anh Cao Dũng dẫn đi tham gia họp mặt Trung thu của “Gia đình Anh Hai”, có mấy anh chị lên hát hay lắm, có cả chị Lệ Mai hát bài “Sayonara” mà trên phụ trang hay nhắc tới. Diễm Lan còn nói nếu có dịp, sẽ xin cho tôi đi theo.

 

Ngày kia Diễm Lan rủ tôi ra nhà để nhìn mặt ca sĩ Yến Vĩ, lúc đó được gọi là “BB Việt Nam”, do nhà cô ta mở tiệm phở gà sống thiến gần đó. Hôm đó tôi hụt xem mặt cô Yến Vĩ, nhưng lại thấy trong tiệm Huyền Nga một chị chừng 18 – 19 trông thật “văn minh” với quần “cao bồi” ống túm chỉ dài quá gối, áo sơ mi ca rô – thời đó gọi là “áo chim cò”, đeo kính râm mắt xếch. Diễm Lan nói đó chính là chị Lệ Mai.

 

Bẵng đi một thời gian, không thấy phụ trang nhắc tới chị Lệ Mai nữa, tôi hỏi Diễm Lan thì bạn nói nghe đâu chị đã có chồng, lên hát trên Dalat, sau đó thì không nghe tin tức gì.

 

Năm tôi họp lớp đệ tứ (lớp 10) Trưng Vương 67-68, có một bạn cùng lớp khoe là được theo anh chị tới Thư viện Saigon, nghe nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cô ca sĩ tên Khánh Ly từ Dalat xuống, hát hay lắm, có người nghe mà ứa nước mắt. Tôi nghe cũng ham nhưng không có cơ hội đi, mãi sau mới được nghe ké qua băng cassette (lúc đó còn khá hiếm) của một người bạn ông anh, Khánh Ly hát “Người con gái Việt Nam da vàng”, “Xin mặt trời ngủ yên”… Tới khi thấy hình chụp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cô ca sĩ tóc cắt ngắn, mặc jupe, khoác manteau nhẹ trên báo, tôi ngờ ngợ là đã thấy chị này ở đâu. Hóa ra là chị Lệ Mai ngày trước.

 

Đến năm lên lớp 11 tôi mới được lần đầu nghe chị Khánh Ly hát trước khán giả, nhưng không phải nhạc Trịnh, mà “Bên kia sông” của Nguyễn Đức Quang – Nguyễn Ngọc Thạch, mềm mại thủ thỉ “Yêu nhau mình đưa nhau tới, bước nhẹ và nói bên môi, nói cho vừa mình anh nghe thôi”.

 

Sau khi lên Đại học, tôi có vài lần cùng bạn bè ghé qua phòng trà chị mở trên đường Tự Do (Đồng Khởi) để nghe các album “Tự tình khúc”, “Đóa hoa vô thường” chị hát với Uyên Phương có giọng khàn khàn (khác với Lê Uyên và Phương của Dalat). Và trong một lần đó, tôi được gặp chị cùng cô em gái, ca sĩ Ngọc Anh, hay hát nhạc ngoại quốc. Khi nghe tôi kể chuyện lần đầu thấy chị, chị cười, bảo là không ngờ còn có người nhớ Lệ Mai với “Sayonara”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/Ca-si-Khanh-Ly-YouTube-1024x688.jpg

(ảnh chụp qua YouTube)

 

Có nhiều người nói người hát nhạc Trịnh hay nhất là chính ông. Có lẽ không sai, nhất là với “Tôi rủ em ngủ”, “Này em có nhớ”. Cũng có những người thích các ca sĩ khác. Riêng với tôi thì ngoài bản thân nhạc sĩ hát nhạc của mình, tôi vẫn thích Khánh Ly hơn cả, dù có những người khác, hát cũng rất hay, rất đặc biệt, như cô Bạch Yến hát “Lời buồn thánh” tuyệt vời, danh ca Thái Thanh hát “Tuổi đá buồn” nghe da diết, Lệ Thu hát “Biển nhớ”, Hà Thanh nhẹ nhàng với “Nhìn những mùa thu đi”, Duy Khánh hát “Chiều một mình qua phố” bằng giọng Huế. Lớp sau này lại có Ý Lan nũng nịu “Trăng muôn đời thiếu nợ mà sông không nhớ ra”, Quang Dũng ngọt ngào “Ru tình” nhưng Lệ Mai của Trịnh Công Sơn, Khánh Ly của nhiều người, đã đem lại cho nhạc Trịnh cái “chất Khánh Ly” không giống ai, và cũng không cần giống ai.

 

Người hát nhạc Trịnh thì nhiều, nhưng Khánh Ly thì chỉ có một thôi. Với tôi là như thế.

 

(Viết khi hay tin chị Khánh Ly lại về quê hương hát cho những người hâm mộ chị nghe. Tất nhiên giọng hát của một người hơn bảy mươi thì phải khác với lúc mới ngoài đôi mươi, nhưng với những người đã yêu tiếng hát của chị, yêu nhạc Trịnh qua giọng hát của chị, thì thấy chị còn sức để quay về, để hát, đã là đủ.)

 

--------------------

Đọc thêm:

 

-Ca sĩ Khánh Ly nói gì về bộ phim cuộc đời Trịnh Công Sơn?





No comments:

Post a Comment

View My Stats