2 Bộ Trưởng và hơn 60 cán bộ liên quan bị bắt vì
liên quan đến vụ 4000 tỉ của Việt Á. Nhưng tổng chi cho Chống dịch là 376 nghìn
217 tỉ, con số 4000 tỉ đồng như lọt thỏm trong cái chi khổng lồ, sẽ còn bao
nhiêu quan chức xộ khám nếu truy cùng đuổi tận.
Nếu trong đợt dịch vừa qua cơ quan chức năng
tiếp thu có chọn lọc, cân nhắc trước những ý kiến đóng góp của Nhân Dân thông
qua Mạng Xã Hội thì kết quả có lẽ sẽ khác hơn không? Thiệt hại về người, của,
uy tín, niềm tin, nhân sự có giảm bớt không? Cá nhân tôi nghĩ là có.
Cái chúng ta thấy là gì? Đài truyền hình Quốc
Gia lên án những ai đưa ra ý kiến sống chung với dịch là "luận điệu của bọn
phản động". Các trang mạng tác chiến sẵn sàng chụp mũ, quy chụp những ý kiến
phản đối test diện rộng, ngăn sông cấm chợ. Người ta nâng cao quan điểm, đưa chữ
"phản động" lên đầu bất cứ ai hoặc phủ đồng lên các ý kiến phản đối chính
sách chống dịch chưa hợp lý.
Nếu tôi nhớ không lầm, trong thời kỳ ông Võ
Văn Thưởng làm Trưởng Ban Tuyên Giáo, ông từng nói một câu đại khái rằng không
sợ Mạng xã hội mà sử dụng Mạng xã hội như một công cụ. Tôi đánh giá câu nói đó
mang một chiến dịch Dân vận có tầm.
Vậy tại sao trong Đại dịch vừa qua, cách ứng dụng
Dân vận đó không được đẩy mạnh?
Làm sao có sự
sáng suốt trong cái đầu của kẻ toan tính cho lợi ích bản thân và dòng tộc trong
chính đại hoạ của Dân tộc? Cựu Bộ Trưởng Nguyễn
Thanh Long làm sao đủ minh mẫn khi bản thân ông ta đang toan tính cho Việt
Á? Thậm chí, có ai biết con bao nhiêu Việt Á nữa trong từng ca nhiễm của bệnh
nhân Cô Vy hay không khi người ta dồn người nhiễm vào khu cách ly tập trung mặc
cho điều kiện sinh hoạt thiếu thốn?
VTV có chương trình Như chưa từng có cuộc chia
ly. Trong một thời gian ngắn, dịch bệnh và có thể là nhân tai đã tạo ra bao
nhiêu cuộc chia ly không bao giờ có thể hàn gắn hay chỉ có thể hẹn nhau ở một
thanh xuân khác, ở một kiếp nhân sinh nào đó? Tôi đau đáu cho những nghẹn ngào
chia ly đó mãi không dứt được.
CDC của ta học theo CDC của Mỹ, vậy tại sao dịch
bệnh đến ta sau Mỹ mà ta không rút được bài học nào từ Mỹ? Chúng ta đã đi gần
đúng như sai lầm mà họ đi qua, test- cách ly- chôn hoặc thiêu? Phải chăng trong
đau thương hoảng loạn cơ hội kiếm chác sẽ nảy mầm?
Nếu nói về tổn thất hay mối lo thiệt hại của Đảng.
Tôi cũng xin phép thẳng thừng góp ý, dẫu biết có thể gây khó chịu cho các vị
Lãnh đạo, mà Lãnh đạo khó chịu là chuyện lớn lắm.
Đảng có trên dưới 5 triệu Đảng viên. Số Đảng
viên lãnh đạo chiếm số ít hơn số công vụ phía dưới. Tôi không biết Ban Bí Thư
nghĩ sao khi chính những Đảng viên của mình trong đợt dịch vừa qua đã phải
"chấp hành" những mệnh lệnh mà có lẽ khiến họ thấy ray rứt tự hỏi
mình đã đúng hay sai trong suốt phần đời còn lại?
Những chiến sĩ Công an, sĩ quan Quân đội, nhân
viên y tế….sẽ nghĩ sao, sẽ có chút chạnh lòng nào khi nghĩ về chính những người
họ đón đi cách ly mãi không về?
Những bác sĩ, y tá, điều dưỡng sẽ nghĩ sao khi
công sức, nhiệt huyết, tính mạng của họ được tận dụng cho một lòng tham nào
khác nữa ngoài cái lý tưởng của họ?
Tôi đã nhìn thấy cán bộ phường tôi chặn xe người
ra đường không giấy đi đường với lý do đi mua sữa, tã cho con. Tôi nhìn ra ánh
mắt không nỡ phạt cũng không biết xử trí sao của cán bộ. Tôi nhìn em dân quân
cúi mặt trước một bà cụ dắt xe đạp đi kiếm ăn. Lại nữa nhiều lắm những cán bộ cấp
cơ sở đắn đo suy nghĩ trên là Lệnh, là nhiệm vụ; dưới là lòng người, tình người,
là hàng xóm láng giềng, là bà con thân thuộc, là những thân phận mà chính họ tiếp
xúc mỗi ngày. Tôi tự hỏi tại sao mệnh lệnh và nhiệm vụ không thể đi đôi với
Nhân Tâm?
Nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hoá từ đâu ra?
Có từ những bất mãn khi trên sai mà dưới vẫn phải làm theo không? Đây có được gọi
là tự nạp đạn cho kẻ địch bắn mình không?
Qua một lần biến động đến đau đớn xót thương
cho một Dân tộc. Có ai tự hỏi nếu "công bộc Nhân Dân" lắng nghe hơn,
tiếp thu sớm hơn thì có đẩy những bi kịch ra nhiều như vậy không?
Đáng tiếc, chữ Nếu chỉ xuất hiện khi mọi thứ
quá muộn màng.
——-
Để giữ an toàn cho người viết, tất cả comment
chửi bới sẽ được xoá sạch. Hoan nghênh góp ý có văn hoá.
No comments:
Post a Comment