Wednesday 22 June 2022

NĂM THUYẾT ÂM MƯU MÀ PUTIN ĐÃ VŨ KHÍ HÓA (Ilya Yablokov  -  The New York Times)

 



Năm thuyết âm mưu mà Putin đã vũ khí hóa

Ilya Yablokov  -  The New York Times   

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

22/06/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/06/22/nam-thuyet-am-muu-ma-putin-da-vu-khi-hoa/

 

Nước Nga của Vladimir Putin đang được thúc đẩy bởi các thuyết âm mưu.

 

Suốt 20 năm qua, nhiều nhà báo và quan chức đã phối hợp với Điện Kremlin, ‘vui vẻ’ phổ biến thông tin sai lệch. Dù chúng có phi lý đến đâu – chẳng hạn như CIA đang âm mưu lật đổ Putin – những câu chuyện tưởng tượng này đều phục vụ một mục đích rõ ràng: củng cố chế độ và đảm bảo sự ủng hộ của công chúng dành cho hành động của nó. Dù quan điểm cá nhân của từng thành viên trong chế độ là gì, dường như một điều rõ ràng là các thuyết âm mưu này không đóng vai trò nào trong các tính toán chính trị. Chúng là những câu chuyện được thiết kế để lý giải những gì mà chế độ đang làm, vì mục đích riêng của nó.

 

Tình hình đã thay đổi. Kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine cách đây hai tháng, khoảng cách giữa thuyết âm mưu và chính sách nhà nước đã gần như biến mất. Tư duy theo thuyết âm mưu đã chiếm trọn đất nước, từ trên xuống dưới, và dường như đã trở thành động lực thúc đẩy các quyết định của Điện Kremlin. Và Putin – người trước đây luôn giữ bản thân tránh xa các thuyết âm mưu, để mặc cho các phương tiện truyền thông nhà nước và các chính trị gia ‘cấp hai’ tự mình lan truyền chúng – giờ đây lại trở thành người quảng bá mạnh mẽ nhất.

 

Tất nhiên, chúng ta chẳng tài nào biết được điều gì đang diễn ra trong đầu Putin. Nhưng nếu chọn cách đánh giá từ những bài phát biểu hùng hồn và nóng nảy của ông trước khi xâm lược nổ ra, và kể từ đó tới nay, nhiều khả năng Tổng thống Nga thực sự tin vào những thuyết âm mưu mà ông đã nói tới. Dưới đây là năm thuyết âm mưu nổi bật nhất mà vị tổng thống đã tán thành, với sự nhiệt tình ngày càng tăng cao, trong thập niên vừa qua. Cùng nhau, chúng kể lại câu chuyện về một chế độ đang tan rã thành một đống hỗn độn của những thông tin sai lệch, hoang tưởng, và ngu ngốc, thứ đã khiến Ukraine và phần còn lại của thế giới phải trả một cái giá khủng khiếp.

 

https://static01.nyt.com/images/2022/04/26/opinion/26yablokov2-inyt/25yablokov_1-06-jumbo-v3.jpg?quality=75&auto=webp

Nguồn ảnh: Mark Henley/Panos Pictures, qua Redux

 

1. Phương Tây muốn xâm chiếm lãnh thổ của Nga

 

Năm 2007, tại cuộc họp báo quốc gia thường niên của mình, Putin đã được hỏi một câu hỏi kỳ lạ. Ông nghĩ gì về nhận xét của cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright, rằng nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của Nga nên được phân phối và kiểm soát bởi người Mỹ? Putin trả lời rằng những ý tưởng như vậy đã được “một số chính trị gia” chia sẻ, nhưng bản thân ông không biết về nhận xét đó.

 

Đơn giản là vì nó là câu chuyện bịa đặt. Các nhà báo tại Rossiyskaya Gazeta, một tờ báo nhà nước, đã tự ‘sáng tác’ ra câu nói này, với niềm tin rằng tình báo Nga có thể thực sự đọc được suy nghĩ của Albright. Trong nhiều năm, dường như chẳng ai đề cập đến nó. Sau đó, vào năm 2015, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga, Nikolai Patrushev, đã lặp lại câu nói ấy. Ông điềm tĩnh trình bày rằng nữ ngoại trưởng đã nói rằng Nga không nên kiểm soát Siberia hoặc vùng Viễn Đông của nước này – và đó là lý do tại sao Mỹ can dự vào Ukraine, nơi Nga đang bận rộn thúc đẩy một cuộc xung đột ở miền đông đất nước. Vào thời điểm đó, có vẻ như đồng nghiệp của Putin là một gã điên.

 

Nhưng sang tháng 05/2021, Putin đã chứng tỏ rằng thuyết này vẫn chưa bị lãng quên. Tổng thống tuyên bố, tất cả mọi người “muốn tấn công chúng ta hoặc chiếm lấy một phần đất của Nga” bởi vì “thật bất công khi chỉ một mình Nga sở hữu nguồn tài nguyên giàu có của một khu vực như Siberia. ” Một câu nói bịa đặt nay đã trở thành “sự thật”, hợp pháp hóa cách tiếp cận thù địch hơn bao giờ hết của Putin đối với phương Tây.

 

https://static01.nyt.com/images/2022/04/26/opinion/26yablokov4-inyt/25yablokov_1-02-jumbo-v3.jpg?quality=75&auto=webp

Nguồn ảnh: Sean Gallup/Getty Images

 

2. NATO đã biến Ukraine thành một căn cứ quân sự

 

NATO là cơn ác mộng tồi tệ nhất của Putin: Các chiến dịch quân sự của khối này ở Serbia, Iraq, và Libya đã gieo rắc nỗi sợ hãi rằng Nga sẽ là mục tiêu tiếp theo của liên minh. Đồng thời, nó cũng là một ‘ông kẹ’ giúp kích động thành phần chống phương Tây trong khối cử tri của Putin. Theo cách nói của ông, NATO là từ đồng nghĩa với Mỹ, bàn tay quân sự của “tập thể phương Tây” sẽ bóp nghẹt Nga bất cứ khi nào nước này trở nên yếu thế.

 

Do đó, cũng có lý khi NATO trở thành chủ đề cho một số thuyết âm mưu dai dẳng nhất của chế độ, vốn tin rằng tổ chức này đứng đằng sau rất nhiều cuộc nổi dậy của người dân trên khắp thế giới. Kể từ năm 2014, các thuyết âm mưu này đã tập trung vào Ukraine. Kể từ phong trào Cách mạng Maidan, khi người Ukraine lật đổ nhà lãnh đạo thân Nga Viktor Yanukovych, Putin và cấp dưới của ông đã tuyên truyền quan điểm rằng Ukraine đang biến thành một quốc gia bù nhìn dưới sự kiểm soát của Mỹ. Trong một bài luận dài được xuất bản vào tháng 07/2021, Putin đã đưa ra phiên bản diễn giải đầy đủ nhất của thuyết này, khẳng định rằng Ukraine đang hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của phương Tây và NATO đang quân sự hóa đất nước.

 

Bài phát biểu của ông vào ngày 21/02, chỉ vài ngày trước cuộc xâm lược, khẳng định rằng các hoạt động của NATO ở Ukraine – nhằm lôi kéo đất nước này vào quỹ đạo của phương Tây – đối với Putin, là lý do chính khiến Nga trở nên hung hăng. Quan trọng là, NATO chính là thứ đang chia rẽ người Nga và người Ukraine, những người, theo quan điểm của vị tổng thống, thuộc cùng một dân tộc. Chính hoạt động quân sự của phương Tây đã biến Ukraine thành một nước chống Nga, chứa chấp những kẻ thù đang chờ đợi để làm nhục Nga.

 

https://static01.nyt.com/images/2022/04/26/opinion/26yablokov5-inyt/25yablokov_1-05-jumbo-v3.jpg?quality=75&auto=webp

Nguồn ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency, qua Getty Images

 

3. Phe đối lập muốn tiêu diệt Nga từ bên trong, và đang được phương Tây hậu thuẫn

 

NATO và phương Tây đe dọa Nga không chỉ từ bên ngoài. Họ cũng gây rắc rối từ bên trong. Chí ít là từ năm 2004, Putin đã nghi ngờ về sự chống đối trong nước, lo sợ sẽ xảy ra một cuộc cách mạng kiểu Ukraine. Pháo đài Nga, luôn luôn bị kẻ thù nước ngoài phá hoại, đã trở thành một đặc trưng tuyên truyền của Điện Kremlin. Nhưng chính cuộc cách mạng Maidan đã mang lại sự hợp nhất trong thông điệp của Điện Kremlin: những người bất đồng chính kiến không chỉ gây ra bất hòa cho nước Nga, mà họ còn làm như vậy theo lệnh của phương Tây. Mục đích là biến Nga thành một mớ hỗn độn như Ukraine.

 

Dựa trên lối tư duy này, các lực lượng đối lập chính là “đạo quân thứ năm” xâm nhập vào đất mẹ – vốn dĩ là nơi thanh bình, thuần khiết – và nó dẫn đến việc coi các nhà hoạt động, nhà báo, và tổ chức là đặc vụ nước ngoài. Dù Putin không bao giờ có thể tự nói ra tên của nhà phê bình gay gắt nhất của mình, Alexei Navalny, ông đã tuyên bố rằng Navalny là một đặc vụ CIA, người trong lúc điều tra đã sử dụng “tài liệu từ các cơ quan tình báo của Mỹ.” Theo Tổng thống Nga, ngay cả vụ đầu độc Navalny vào tháng 08/2020 cũng là một âm mưu nhằm bôi nhọ danh tiếng của Putin.

 

Việc dẹp bỏ sự đối lập trong nước – mà Điện Kremlin đã tiến hành một cách tàn nhẫn trong những năm gần đây – hiện có thể được coi là tiền đề cho cuộc xâm lược Ukraine. Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, những cơ sở truyền thông độc lập còn sót lại đã bị đóng cửa, và hàng trăm nghìn người đã phải rời bỏ nước Nga. Bất kỳ lời chỉ trích chiến tranh nào cũng có thể khiến các công dân Nga phải ngồi tù 15 năm và khiến họ trở thành kẻ phản quốc, làm việc bất chính để phục vụ cho những kẻ thù phương Tây của Nga. Nhằm cho thấy liên kết rõ ràng giữa nhóm bất đồng chính kiến với kẻ thù nước ngoài, những người ủng hộ Putin đã bắt đầu đánh dấu lên cửa nhà của các nhà hoạt động đối lập.

 

https://static01.nyt.com/images/2022/04/26/opinion/26yablokov3-inyt/25yablokov_1-jumbo-v3.jpg?quality=75&auto=webp

Nguồn ảnh: Olga Maltseva/Agence France-Presse qua Getty Images

 

4. Phong trào LGBTQ toàn cầu là một âm mưu chống lại Nga

 

Thuyết âm mưu này – được thể hiện rõ ràng trong tuyên bố của Putin rằng ở phương Tây, “trẻ em có thể có năm hoặc sáu vai trò giới,” đe dọa “dân số cốt lõi” của Nga – đã tồn tại cả chục năm. Một vụ án hình sự vào năm 2012 chống lại Pussy Riot, một ban nhạc punk vô chính phủ chỉ trích chế độ, chính là đỉnh điểm. Điện Kremlin đã tìm cách miêu tả ban nhạc và những người hâm mộ là một tập hợp những kẻ kêu gọi lật đổ dưới danh nghĩa giới tính, với mục đích phá hủy Nhà thờ Chính thống Nga và các giá trị truyền thống. Những lời chỉ trích đã nhắm tới các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động LGBTQ nước ngoài, những người bị cáo buộc đã làm ‘hư hỏng’ người Nga từ khi họ còn nhỏ. Chẳng bao lâu sau, những câu chuyện hù dọa nhằm chống lại giới LGBTQ đã trở thành một điểm lớn trong chính sách của Điện Kremlin.

 

Nó đã mang lại hiệu quả rõ rệt: Đến năm 2020, 1/5 số người Nga được khảo sát cho biết họ muốn “loại bỏ” những người đồng tính nữ và đồng tính nam ra khỏi xã hội Nga. Họ hưởng ứng một chiến dịch tuyên truyền, do truyền thông nhà nước thực hiện, tuyên bố rằng quyền LGBTQ là một ‘phát minh’ của phương Tây, có khả năng phá vỡ sự ổn định xã hội của Nga. Khi công bố bản cương lĩnh của đảng mình trước cuộc bầu cử quốc hội năm 2021, Putin đã tiến thêm một bước nữa, và nói rằng người dân phương Tây không cố gắng xóa bỏ hoàn toàn khái niệm giới tính, mà họ đang cho phép giáo viên trong trường học quyết định giới tính của một đứa trẻ, mà chẳng mảy may để tâm đến mong muốn của cha mẹ. Theo ông, đó là một tội ác chống lại loài người.

 

Thái độ tiến bộ của phương Tây đối với sự đa dạng giới tính cuối cùng đã trở thành một phần nguyên nhân dẫn đến chiến tranh Ukraine. Hồi tháng 3, Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Nhà thờ Chính thống Nga, tuyên bố cuộc xâm lược là cần thiết để bảo vệ những người nói tiếng Nga ở Ukraine khỏi một phương Tây kiên quyết đòi hỏi bất kỳ quốc gia nào tham gia liên minh của họ đều phải tổ chức một cuộc tuần hành tự hào đồng tính. Các quyền LGBTQ được cho là ‘thú vật’ (predation) này phải được giải quyết bằng vũ lực chính nghĩa.

 

https://static01.nyt.com/images/2022/04/25/opinion/25yablokov_1-04/25yablokov_1-04-jumbo-v2.jpg?quality=75&auto=webp

Nguồn ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images

 

5. Ukraine đang chuẩn bị vũ khí sinh học để chống lại Nga

 

Là trò lừa mới nhất trong số những câu chuyện bịp bợm của Điện Kremlin, thuyết âm mưu này đã nở rộ kể từ khi bắt đầu chiến tranh – nhưng thật ra, nó lặp lại lời nhận xét của Putin vào năm 2017, khi ông cáo buộc các chuyên gia phương Tây thu thập vật liệu sinh học từ người Nga để làm thí nghiệm khoa học.

 

Trong tuần thứ hai của cuộc chiến, các blogger thân với chế độ, và sau đó là các chính trị gia cấp cao, bao gồm cả Ngoại trưởng Sergei Lavrov, tuyên bố rằng tình báo Nga đã thu thập được bằng chứng cho thấy Mỹ và Ukraine đang phát triển vũ khí sinh học – là những con dơi và chim mang mầm bệnh – để lây lan virus ở Nga. Bộ Quốc phòng Nga nói rằng họ đã phát hiện các tài liệu xác nhận sự hợp tác này.

 

Để thêm thắt cho câu chuyện của mình, truyền thông nhà nước lặp lại nhận xét của Tucker Carlson, người dẫn chương trình của Fox News, rằng Nhà Trắng có liên quan đến cuộc chiến sinh học chống lại Nga ở Ukraine. Tất nhiên, không có bằng chứng đáng tin cậy nào để hỗ trợ tuyên bố này. Nhưng câu chuyện đã lan rộng khắp nước Nga, và Điện Kremlin thậm chí đã triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để thảo luận về nó. [Nga cho rằng] rốt cuộc có lẽ Hunter Biden đã tài trợ cho hoạt động [nghiên cứu vũ khí sinh học] đó.

 

Tất cả năm thuyết âm mưu này, và nhiều thuyết âm mưu khác, đều đã tìm thấy vị trí của chúng ở nước Nga thời chiến. Chúng được sử dụng để biện minh cho cuộc chiến ở Ukraine, bởi cả các công dân bình thường lẫn Điện Kremlin. Hơn nữa, thuyết âm mưu đã trở thành một cách để bác bỏ các bằng chứng đang ngày một nhiều về hành vi tàn bạo của người Nga, những bằng chứng đã bị gán là sự vu khống của nước ngoài. Ví dụ, tội ác ở Bucha ngay lập tức bị đẩy sang cho người Ukraine, rằng chính Ukraine đã dàn dựng các bức ảnh hoặc giết những người vô tội để đổ vấy cho Quân đội Nga. Trong khi đó, Hollywood được cho là đang làm việc chăm chỉ để sản xuất những đoạn phim về đầu độc hàng loạt nhằm hạ thấp uy tín của nước Nga. CIA đang vận dụng hết mọi thứ trong mạng lưới của mình.

 

Từ những cuộc đấu khẩu trên truyền hình và mạng Internet, các thuyết âm mưu nay đã biến thành thứ vũ khí có thể giết chết người thật. Chỉ nội điều ấy thôi đã đủ đáng sợ rồi. Nhưng điều còn đáng sợ hơn là Putin, người đang tiến hành chiến tranh mà không bị kiềm chế, dường như cũng tin vào chúng.

 

------------------

Ilya Yablokov là giảng viên báo chí và truyền thông kỹ thuật số tại Đại học Sheffield ở Anh, tác giả cuốn sách“Fortress Russia: Conspiracy Theories in the Post-Soviet World” và là đồng tác giả cuốn “Russia Today and Conspiracy Theories: People, Power, Politics on RT.”

 

Nguồn: Ilya Yablokov, “The Five Conspiracy Theories That Putin Has Weaponized”, New York Times, 25/04/2022

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats